Chim sẻ nhỏ của nước Pháp

Danh ca vĩ đại nhất của Paris, cô gái Paris điển hình của mọi thời đại. Sau Napoléon, bà là người thứ hai có vóc người nhỏ bé, mà lần này là nhỏ bé thật (chỉ khoảng 1,42 hay 1,45 m) khiến cả thế giới phải ngước nhìn.

Sinh ra ở Belleville, khu dân cư Do Thái, ngoại ô Paris. Gia đình Edith Giovanna Gassion (tên thật của Edith Piaf) vốn sống lang bạt bằng đủ thứ nghề mưu sinh, như bao gia đình khác của tầng lớp thấp trong xã hội Pháp cũ. Mẹ là một nghệ sĩ đường phố, cha là một nghệ sĩ xiếc uốn dẻo, bà nội là chủ một nhà chứa, bà ngoại ở nhà nội trợ nhưng sống rất bạc bẽo, dửng dưng. Khi xem bộ phim La vie en rose (La môme Piaf) của đạo diễn Olivier Dahan, bạn sẽ biết rõ hơn về hoàn cảnh tuổi thơ của Chim sẻ nhỏ nước Pháp.

Cuộc đời của Edith là bước từ dưới đáy bần cùng của xã hội, nơi mà dù tối tăm tồi tàn – nhưng con người ta vẫn giữ được cái tình người cơ bản. Đó là những cô gái điếm đã nuôi nấng Edith thay bà nội và thương yêu cô bé còn hơn người mẹ ruột chẳng bao giờ có thể chu toàn cả hai việc : nghệ thuật và nuôi con. Sau đó, là bước lên từng bậc thang danh vọng một, từ đường phố cho đến những quán rượu lớn, rồi lớn hơn là những sân khấu nổi tiếng của nước Pháp và những chuyến lưu diễn đến tận Manhattan, New York. Bà đã bước lên đỉnh cao nhất để trở thành ngôi sao sáng của lịch sử nghệ thuật nước Pháp và thế giới.

Thuở nhỏ, không được chăm sóc tươm tất, thể lí vốn cũng ốm yếu. Edith từng bị tổn thương giác mạc và có nguy cơ bị mù. Cô bé và những người dì ở nhà chứa đã thành tâm làm một cuộc hành hương tới thành phố Lisieux bé nhỏ của vùng Normandie để cầu khẩn vị thánh của các trẻ nhỏ và của các cô gái theo đạo Thiên Chúa : Thérèse de Lisieux.

Sau này, người ta thấy Edith Piaf thường vẫn lên sân khấu với một cây thánh giá lớn, thường vẫn cầu nguyện với thánh nữ Thérèse mỗi khi cô cảm thấy cô đơn hay trong những thời khắc quan trọng, nguy biến của cuộc đời mình. Edith, lột bỏ hết những lớp hào quang danh vọng và những khắc họa của người đời về bà, là một tâm hồn luôn giữ niềm tin con trẻ, một niềm tin vững như thạch bàn và một tấm lòng hòa nhã với cuộc đời.

Edith Piaf từng tâm sự rằng, bà không hề tiếc nuối bất kì điều gì. Dù chúng ta biết là cuộc đời bà đã trải qua đủ thứ đắng cay ngọt bùi. Với bà, đó là một sự trải nghiệm, trải nghiệm để hiểu được tất cả mọi cung bậc cảm xúc của đời người, mọi cảm giác của con người. Bà đã từng bị coi là đồng lõa với bọn sát nhân, những kẻ đã giết người bầu sô – người thầy – người cha đầu tiên của bà. Bà đã từng mất đi người mình yêu thương nhất khi người tình của bà gặp tai nạn máy bay trên đường hội ngộ. Bà đã từng bị người mẹ sinh ra mình bỏ rơi, bị cha mình đối xử hời hợt, bị chia cách hết lần này đến lần khác khỏi những người thân thương.

Bà đã từng rất nhiều lần sống trong cảm giác sợ hãi, sợ sẽ không bao giờ được nhìn ngắm thế giới như một đứa trẻ bình thường, sợ cái chết và sau cùng là sợ sẽ không bao giờ được hát nữa. Chính nhờ nỗi sợ hãi sau cùng này mà bà không còn sợ chết, đánh cược tính mạng mình để được tiếp tục bước lên bục sân khấu và hát.

Dễ hiểu vì sao Edith là một cô gái nghiện rượu, sau bao nhiêu lang bạt, sau bao nhiêu lần khổ đau mất mát. Có lẽ, người ta chỉ nên chỉ trích một chút xíu những tháng ngày chìm trong hơi men đó của bà. Dù rằng, không nên khi dùng lí lẽ về một tâm hồn nghệ sĩ mong manh để biện minh, nhưng quả thật, bất kì ai trong chúng ta cũng khó có thể sống một đời bình thường, sạch sẽ, gương mẫu được sau khi chịu đựng hết dường ấy đợt sóng lấn dìm. Có điều, một số người đã hơi vội vàng phán xét nữ danh ca rằng bà là người nghiện ngập, sa đọa trong rượu và ma túy.

Ngoài những tổn thương thể lí và tâm lí thuở nhỏ, sau này, Edith còn bị chứng viêm đa khớp hoành hành, phải liên tục điều trị bằng thuốc giảm đau. Sau cái chết của võ sĩ Marcel, người tình lớn của cuộc đời mình, bệnh tật của Edith ngày càng nghiêm trọng, bà phải thường xuyên dùng morphine liều cao. Hai lần bị tai nạn giao thông và cũng là những chấn thương một chết một còn. Hết hồi phục rồi lại lâm vào tình cảnh nguy kịch. Bà dùng morphine nhiều đến mức, trong suốt một thời gian dài, thậm chí là tới tận ngày nay, người ta luôn truyền tai nhau rằng bà nghiện ma túy. Edith đã ẩn dật một thời gian để thoát khỏi bóng ma của morphine và ảnh hưởng của các loại thuốc.

Tuy nhiên, có một số thời điểm, dù đã được bác sĩ khuyến cáo phải ngưng hát, có nghĩa là bà không có thêm lựa chọn thứ ba, hoặc hát – hoặc chết. Nhưng, với cái tình yêu khán giả bướng bỉnh của Edith, Edith vẫn không chịu từ bỏ, lại quay lại cậy dựa vào morphine để vững chân trên sân khấu. Bà đã có lần ngã khụyu trên sân khấu, đi vào cánh gà rồi lại nhất mức trở lại để hoàn thành buổi biểu diễn cho khán giả. Trong đó phải kể đến màn trình diễn vào cuối đời, thời điểm đánh dấu sự ra mắt của ca khúc « Je ne regrette rien » (Tôi không hối tiếc điều gì), vì nhất quyết muốn thực hiện lời hứa với người bạn, để cứu lấy sân khấu sắp phải đóng cửa, bà cứ thế mà lao mình lên sân khấu.

Những người thân cận kể về bà trong những ngày cuối đời, dù bệnh tật nhưng bà luôn cố gắng tìm cách vượt lên mọi đau khổ thể xác. Không muốn nhờ cậy ai dìu bước, bà tự đi lại trong khu vườn ở nhà nghỉ dưỡng tại Grasse, miền Nam nước Pháp. Rồi bà cứ như một đứa trẻ tập đi, dần dà, tự xoay sở để lò dò được khắp vườn. Tất cả mọi người đều đồng ý rằng, bà chẳng bao giờ chịu dừng lại. Trong bất kì chuyện gì.

Bà có một tình yêu lớn với sân khấu đến nỗi, nó đủ bù đắp cho mọi thứ, cho hết những thăng trầm của cuộc đời bà. Sân khấu cho bà sức mạnh, truyền cho bà cảm hứng, bà cứ bước lên sân khấu và tìm thấy mình ở đó, tìm thấy sự che chở, sự san sẻ, cảm giác yêu thương với tất cả những ai lắng nghe mình. Và, phải khẳng định rằng, những người nghe nhạc của bà cũng luôn cảm thấy những điều tương tự.

Ngoài ca hát, Edith là một cô gái Paris điển hình, say mê với tự do và tình yêu, mạnh mẽ, tự lập, bướng bỉnh, có gu ăn mặc, luôn chọn những trang phục màu đen để tự mình tôn lên sự thanh lịch. Bạn luôn thấy Edith xuất hiện trên sân khấu với những chiếc váy màu đen, một mái tóc được chải chuốt kĩ lưỡng và đôi môi đỏ. Không thể gán kiểu lông mày mảnh như sợi chỉ cho tất cả các cô gái Paris, nhưng có thể nói rằng, Edith luôn biết cách tạo ra sự độc đáo, sự ấn tượng về bản thân với tất cả những người mà bà gặp. Kể cả khi bà có vóc dáng nhỏ bé, không phải là tiêu chuẩn của những người mẫu trang bìa tạp chí, kể cả khi bà không cất tiếng hát, người ta nếu trót đã nhìn thấy bà, sẽ luôn ấn tượng và trót lòng ghi nhớ những đường nét trên khuôn mặt nhỏ nhắn ấy.

Ngoài ca hát, ngoài những chuyện tình nổi tiếng, Edith cũng là người được biết tới vì sự tử tế với bạn bè. Bà luôn hết lòng giúp đỡ bạn bè, giúp đỡ những nghệ sĩ trẻ vừa bước vào đời. Edith có thể đến trễ một buổi thử vai, một buổi gặp mặt quan trọng chỉ để lắng nghe một ca khúc mới, sáng tác bởi một nhạc sĩ vô danh nào đó. Chính nhờ tấm lòng trân trọng nghệ thuật của bà, mà đã có hẳn một thế hệ nghệ sĩ được cả thế giới biết tới, tạo dấu ấn sâu đậm trong lịch sử âm nhạc Pháp.

Khi một kí giả hỏi bà rằng có lời khuyên nào cho các phụ nữ cùng tuổi không ? Bà trả lời : « Hãy yêu đi ! », với những cô gái trẻ hơn : « Hãy yêu đi ! » và với những em gái bé : « Hãy yêu đi ! ». Cuộc đời chỉ cần có thế, một tình yêu phủ bóng lên mọi thăng trầm, mọi mối quan hệ, để tất cả không còn là đau khổ hay vui sướng. Tất cả hòa trộn vào nhau để tạo nên một thứ gọi là hương vị cuộc đời. Thế nên, bà đã vui sướng biết bao nhiêu khi được nghe bản « Je ne regrette rien ».

Trong bộ phim tài liệu sau này, Charles Dumont đã kể lại, lần đầu tiên nghe xong ca khúc, bà hỏi ông – người mang bản nhạc tới, xem có thực sự ông là người sáng tác bài hát hay không ? Lần thứ hai, với một chút tự ái, nhạc sĩ đã gồng mình, chơi piano một cách hơi dữ dằn và hằn học. Nhưng rồi, Edith đã thốt lên rằng, đó là bài hát của thế giới, là bài mà bà muốn được hát và cần phải hát. Vì nó lột tả hết cuộc đời bà, mọi cảm nhận, mọi ưu tư, mọi suy nghĩ tận ruột gan của bà. Edith cũng có lần dõng dạc khẳng định, hạnh phúc chỉ đem tới cho người ta sự ích kỉ. Cuộc đời, với vui với buồn, mới là một cuộc đời đầy đủ. Đó mới là cuộc đời đầy hoa hồng mà bà muốn miêu tả trong bài hát của mình, có hương thơm của hoa và có những gai nhọn ẩn trên thân lá.

Với những người trẻ quá hiện đại, nếu không biết về Edith Piaf, không đặc biệt quan tâm tới văn hóa Pháp, không thích những gì quá kinh điển, có thể sẽ không thích nghe những bài hát của thế kỉ của bà. Người ta nói rằng, mỗi bài hát mà Edith thể hiện, luôn có một điều gì đó ma mị khó lí giải trong đó, nó có sức nặng và sức ám ảnh tới các thế hệ. Lần đầu tiên, tôi thực sự vỡ òa vì giọng hát của bà là cách đây vài năm, khi ngồi xem bộ phim « Giải cứu binh nhì » trong một buổi tối vắng lặng.

Trong phim, giữa đống đổ nát của thành phố sau đợt tấn công, người lính phe Đồng minh đã tìm thấy chiếc máy hát và bật bài hát của bà lên. Từng lời hát như tiếng thở than và tiếng lòng ủi an cho thành phố, đồng thời giọng hát đầy nội lực ấy đã tiếp thêm sức mạnh giúp những người lính vững tâm trở lại. Chắc chắn rồi, « Giải cứu binh nhì » là một bộ phim rất hay. Với bản thân tôi thì chính khoảnh khắc bài hát của Edith vang lên trong phim là chi tiết ấn tượng nhất và ghi hằn mãi trong trí nhớ.

Để tạm kết cho những dòng viết về chim sẻ nhỏ Edith Piaf, tôi xin gửi lại đoạn dịch lời bài hát Hymme à l’amour (lời do bà sáng tác, phổ nhạc bởi Marguerite Monnot).

« Em sẽ đi tới tận cùng thế giới
Em sẽ nhuộm tóc thành vàng
Chỉ cần anh muốn thế
Em sẽ hái vầng trăng về
Đi cướp của cải ở đôi nơi
Nếu anh muốn em làm
Em sẽ chối từ Tổ quốc
Chối từ bạn bè
Chỉ cần anh lên tiếng
Em sẽ làm bất kì điều gì
Chỉ cần anh nói với em.

Nếu một ngày cuộc đời mang anh đi
Nếu anh chẳng còn, xa xôi ngoài tầm với
Điều đó cũng chẳng quan trọng gì, chỉ cần anh yêu em là đủ
Vì em cũng sẽ ra đi
Chúng ta sẽ cùng nhau hưởng lấy vĩnh cửu
Giữa bầu trời rộng lớn
Giữa mênh mông không còn phiền muộn
Người yêu ơi, hãy tin, tin vào tình yêu ta có
Vì Chúa Trời chỉ tác hợp cho đôi lứa yêu nhau. » 

Leave a Reply