co-nen-di-du-hoc-phap-hay-khong

Có nên đi du học Pháp hay không?

Một câu hỏi mà mình đã được hỏi không biết bao nhiêu lần và cũng đã trả lời rất nhiều lần,

Nhưng có vẻ như, câu trả lời của mình không hoàn toàn thoả đáng với các bạn. Nếu không, các bạn đã có thể xem những Q&A trước và tự quyết định được rồi, không cần hỏi thêm lần thứ hai, thứ ba, thứ n…

Trong bài viết này, mình sẽ lật lại vấn đề một lần nữa, viết dài nhất và chi tiết nhất, công tâm nhất có thể, để các bạn đọc xong có thể ra quyết định lần cuối cùng cho bản thân, cũng không đi rồi hối hận về sau và ngược lại, không đi để rồi cứ day dứt mãi trong tương lai.

Đầu tiên, đi du học: nên hay không?

Câu trả lời nằm ở chính bạn. Trong gia đình mình thì có hai xu hướng rất rõ ràng. Trong 3 chị em thì hai người muốn đi và thể hiện ra rất rõ ràng. Còn một người thì dù bố mẹ có gợi ý nhiều lần vẫn lắc đầu nói không.

Có thể bạn không tin nhưng sau này bạn sẽ nhận ra thôi và ở những giai đoạn quyết định, bạn sẽ quyết định được mình phải làm gì, chỉ cần lắng nghe bản thân, lắng nghe hết tâm tư day dứt và quan trọng hơn… bỏ qua những mong ước, kỳ vọng, đánh giá, so sánh mà người khác dành cho bạn. Nếu bạn muốn làm chủ cuộc đời mình, bạn phải học cách tự quyết định mình cần làm gì, cần đi đâu.

Thực tế cho thấy, có những người dù gia đình dư điều kiện cũng không đi du học. Ngược lại, có người, dù nhà không có điều kiện vẫn cố gắng để ra nước ngoài. Và dù ở đâu thì họ đều học được, làm được và thành công. Nên không có một giải pháp nào gọi tuyệt đối tốt cho từng người từng người trong xã hội.

Sơ lược về du học Pháp – Trả lời cho những định kiến mập mờ.

Tương tự, sau khi bạn học xong một năm, một khoá, lấy được một bằng cấp, một học vị nào đó… bạn đều phải tiếp tục ra quyết định cho mình: có học tiếp hay không, học cái gì tiếp, có nên nghỉ để đi làm không và làm gì, có nên về nước không, về nước thì làm gì, làm như thế nào?…

Tiếp theo, có nên đi du học Pháp hay không?

Du học Pháp có thể đó là giấc mơ thuở nhỏ. Có thể nước Pháp gắn bó với bạn như một quê hương thứ hai, như một ngôi nhà thứ hai mà bạn muốn tìm về. Có thể đó là điểm đến mà bạn muốn chinh phục nhất. Có thể đó là ngành học mà bạn mơ ước.

Hoặc có thể còn một tiếng gọi nào khác như người thân, bạn thân, người yêu, vợ hoặc chồng sắp cưới, hoặc vì bạn đọc một cuốn tiểu thuyết, xem một bộ phim, coi một chiếc vlog nào đó xong thích quá và muốn đi Pháp cho bằng được.

Không có lí do nào là điên rồ cả cho đến khi bạn tự từ bỏ giấc mơ của mình, ngừng nỗ lực và để cho mọi người khẳng định rằng bạn mơ ước vô nghĩa, thiếu nghị lực, viển vông.

Những lí do với nước Pháp thì cũng sẽ đúng với lựa chọn các nước khác trên thế giới. Nên hay không nên, muốn hay không muốn, kiên trì hay không kiên trì là ở bạn.

Câu hỏi tiếp nữa, chất lượng đào tạo ở Pháp có ổn không?

Mình hiểu ý của các bạn khi đặt ra câu hỏi này. Nhưng, cũng từng băn khoăn và mày mò tìm hiểu những điều như thế này, rồi đi học, rồi tự trải nghiệm và trở về, bản thân mình cho rằng: Đây là một câu hỏi rất thừa thãi.

Điều quan trọng nhất khi chọn học ở đâu đó là NỘI DUNG chương trình học. Không phải là trường nổi tiếng hay không, rồi xếp thứ hạng bao nhiêu, hay thời gian thất nghiệp tối đa sau khi tốt nghiệp là bao nhiêu ngày, giờ, tháng, năm…

Chuyện học phí thì cần phải bàn, vì đầu tiên là tiền đâu mà! Nhưng tất cả những chỉ số mà bạn quan tâm kia, nó chỉ phản ánh những gì trong quá khứ và nó rất mơ hồ. Bạn kì vọng gì ở những con số không-nói-lên-bất-cứ-điều-gì về bản thân, năng lực và tương lai của bạn chứ?

Ẩn dưới những con số được công khai kia là những dữ liệu như thế nào thì chỉ có khi nào bạn chui vào trong chăn rồi mới có thể biết được. Ngoài ra, chưa kể tới những bài báo PR, bài marketing dẫn tới thông tin bị lệch hướng.

Nhiều bạn đắn đo với việc đi du học Pháp vì sợ tương lai ra không có việc làm? Đã qua rồi cái thời đi du học để giỏi mỗi ngoại ngữ rồi các bạn, đi du học là để mở rộng tầm nhìn và học networking
(hiểu nôm na là xây dựng mạng lưới kết nối cho nghề nghiệp tương lai).

Bạn A là một người hoạt ngôn học ở trường AA thì suốt ngày lên diễn đàn, facebook ca ngợi, thậm chí còn có cả clip youtube. Bạn B dù học giỏi, học ở trường xịn sò đấy nhưng vốn không thích nói năng trước bàn dân thiên hạ, thì có tới tận nơi hỏi thăm, bạn ấy cũng sẽ không kể cho bạn trường BB nó tốt đến mức như thế nào đâu.

Làm sao để chọn được ngành phù hợp với mình?

Với các bạn chuẩn bị học Đại học thì việc này khá phức tạp. Mình có một lời khuyên về việc chọn nghề đó là khoanh vùng trước sở thích. Sau đó tìm hiểu một số ngành phổ biến (xem trong danh sách ngành nghề ở các trường).

Tiếp đó là tìm thông tin về ngành trên google, báo chí (mục tuyển sinh), website của trường, anh chị đi trước, thầy cô, qua các buổi tư vấn tuyển sinh hoặc tư vấn du học.

Sau đó là tìm các đầu sách, bằng cách theo các đầu mối danh mục trên các trang bán sách online để tìm một hai cuốn sách chuyên ngành và đọc tham khảo. Xem các chương trình truyền hình về nghề nghiệp, hướng nghiệp, đời sống công sở hoặc chuyên môn nhiều hơn để biết rõ những quan tâm, sở trường sở đoản, năng lực bẩm sinh, điều mà bạn muốn cống hiến, muốn cố gắng phấn đấu kể cả khi chưa, hoặc có thể là rất lâu hoặc không bao giờ được công nhận là gì?

Mình nói thì có vẻ hơi bi quan nhưng bạn thấy đó, tài năng như Van Gogh mà sinh thời còn bị xã hội hắt hủi. Ngày nay kể cả từng bước đi của con chó con mèo còn thu hút hàng triệu views nhưng chẳng có điều gì bảo đảm rằng bạn sẽ là người gặp thời, gặp thế, không bị xã hội lãng quên tài năng và sẽ thành công trong sự nghiệp một cách hiển nhiên đâu.

Sinh viên Pháp chọn ngành như thế nào?

Sinh viên Pháp dù được hướng nghiệp rất kĩ từ nhỏ vẫn có nhiều trường hợp loạn định hướng. Có thể năm đầu học nghệ thuật, năm sau chán lại chuyển sang trường Y, năm sau nữa chuyển sang Khảo cổ… Bạn có quyền đổi ngành nếu sau kì học đầu tiên hoặc năm học đầu tiên cảm thấy không hứng thú. Tuy nhiên, áp lực tài chính có thể khiến bạn hơi căng thẳng. Vì vậy, càng tập trung tìm hiểu bản thân thì bạn càng biết cách lựa chọn đúng, nhanh chóng ổn định hơn.

Các bạn xem thêm một chia sẻ rất chi tiết về ngành học, cách học, tổ chức, kỹ năng thực hành với bằng Cử nhân – Điện ảnh ở Paris, từ một bạn người Pháp.

Và tốt nhất là cố gắng bỏ qua các ý kiến bên ngoài, tập trung vào bên trong bản thân. Cũng đừng đứng núi này trông núi nọ, thực tế với khả năng và năng lực của bản thân, không so đo với người khác vì mỗi người có một khả năng riêng, một hoàn cảnh riêng và một con đường phát triển riêng. Một điều nữa là kiên trì với định hướng của chính mình.

Nhưng cũng phải có một vài đánh giá khái quát về giáo dục Pháp nói chung chứ?

Đúng. Được bao nhiêu thì được. Bạn cũng nên đọc qua một vài đánh giá khái quát. Để có cho mình một vài ý niệm về việc đi du học, nhất là du học Pháp.

Đâu là lợi thế khi đi du học Pháp?

Thứ nhất, học phí ở Pháp rẻ, chi phí du học ở Pháp so với một vài nước châu Âu khác cũng thuộc hàng rẻ đến trung bình. Việc chuẩn bị được tài chính để đi du học là khả thi.

Thứ hai, cộng đồng người Việt và sinh viên Việt Nam ở Pháp cũng tương đối đông. Đủ để bạn cảm thấy tự tin hơn khi lao khỏi nhà và phi thẳng 10 000 cây số xuyên qua lục địa Á Âu.

Thứ ba, điều kiện xã hội ở Pháp tốt: hỗ trợ về nhà cửa, học bổng cũng phổ biến hơn nhiều nước, đi lại dễ dàng, ăn uống cũng không quá khó khăn, các hoạt động cộng đồng, hoặc các dịch vụ công cộng, các phúc lợi cho sinh viên nước ngoài tính ra là rất ổn so với nhiều nước khác.

Thứ tư, tiếng Pháp không phải là một thứ tiếng quá khó học (từ Việt Nam). Bản thân mình thì thấy dễ tìm chỗ học tiếng Pháp hơn tiếng Tây Ban Nha hay Ý, nếu ở Việt Nam. Hoặc viết tiếng Pháp cũng dễ hơn viết tiếng Nhật, tiếng Thái… Bên cạnh đó, việc tiếp cận với một số tài liệu tiếng Pháp trước khi qua Pháp cũng dễ.

Thứ năm, từ Pháp vẫn có cơ hội đi sang các nước khác để tiếp tục con đường hội nhập quốc tế của các bạn qua các chương trình trao đổi, học bổng, hoặc chương trình tình nguyện, thực tập.

Thứ sáu, nước Pháp thực sự là một quốc gia đáng để khám phá. Du học là thời gian bạn có thể tranh thủ để khám phá nước Pháp và châu Âu. Đặc biệt là các chính sách hỗ trợ về đi lại, vé cho các dịch vụ tham quan ở Pháp đối với người dưới 27 tuổi phải nói là quá nhiều, quá nhiều ưu đãi.

Thứ bảy, tiếng Pháp là một ngôn ngữ quan trọng trên thế giới, là ngôn ngữ sử dụng chính của nhiều văn bản quốc tế quan trọng. Tiếng Pháp cũng là ngôn ngữ phổ thông ở nhiều quốc gia. Cơ hội việc làm tiếng Pháp có. Khi trở về Việt Nam thì hiện tại, số lượng công ty Pháp ở Việt Nam cũng tương đối đông, đa dạng các lĩnh vực. Bạn hoàn toàn có cơ hội.

Hãy thay đổi tư duy, đừng chỉ giỏi 1 ngoại ngữ, vì tiếng Anh bây giờ đã được coi là ngôn ngữ chung của thế giới, ai cũng nói ai cũng biết, còn ngoại ngữ thì sẽ cho phép chúng ta tiếp cận được với những thị trường ngách và người đa ngôn ngữ thì sẽ linh hoạt trong tư duy, nhạy bén hơn trong cảm thụ văn hóa đa quốc gia… Hãy xem qua bài viết này để thấy việc biết nhiều ngoại ngữ ảnh hưởng tới khả năng thăng tiến trong những ngành nghề về xa xỉ phẩm như thế nào?

Thứ tám, nước Pháp là cái nôi giao thoa giữa nghệ thuật cổ điển và hiện đại. Có thể nói, càng tìm hiểu sâu về các công trình nghệ thuật ở Pháp, chúng ta càng thấy khả năng đi đầu của người Pháp trong lĩnh vực sáng tạo văn hoá nghệ thuật. Ngoài nghệ thuật, Pháp cũng là một trong những cường quốc trên thế giới ở một số lĩnh vực như xây dựng, kỹ thuật, hàng không, mĩ phẩm và chăm sóc cơ thể, dược phẩm…

Đi du học Pháp có bất lợi gì không?

Dù cơ hội việc làm có nhưng sẽ hạn chế trong chọn lựa, đặc biệt là khi trở về Việt Nam và bạn vẫn muốn làm trong môi trường NÓI TIẾNG PHÁP. Thay vì 1000 công ty trên thị trường, thì bạn bị thu hẹp cơ hội vào khoảng 10 đến 15 công ty (nói một cách lạc quan) nếu muốn làm việc bằng tiếng Pháp và sử dụng nhiều tiếng Pháp. Cơ hội thăng tiến cũng có thể hạn hẹp hơn.

Chương trình học ở Pháp mang đậm nét đặc trưng của người Pháp: dân tộc hảo Triết học, lịch sử và kiến thức – peuple savant. Họ tìm hiểu quá nhiều, biết quá nhiều và đào sâu quá nhiều cho nghiên cứu, sách vở, lý thuyết, trường phái, chủ nghĩa… Điều này thể hiện ở hầu hết các ngành nghề.

Bạn có thể hiểu rằng, mỗi ngành nghề tạo ra một thế giới riêng. Trước khi có thể nhảy múa tự tin trong nghề, bạn cần biết rõ về thế giới đó trước. Bằng cách nào? Bằng việc nghiên cứu lịch sử, phân tích, tư duy, đánh giá lý thuyết. Vì bạn làm gì đã được phép bước vào trận mạc, chỉ mới đứng ngoài dòm vào thôi.

Thị trường lao động nói chung và việc phân bổ lao động, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp Pháp, các doanh nghiệp tại các quốc gia trên thế giới và cả các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng là hoàn toàn khác nhau. Vì thế, có một số ngành sẽ cho bạn cơ hội định cư cao hơn những ngành khác và giúp bạn dễ tìm được việc mong muốn hơn các ngành khác.

Tuy nhiên, cơ hội, xác suất như trên chỉ là những con số mang tính dự đoán bề ngoài hời hợt, còn nhiều yếu tố khác, quan trọng hơn nhưng tới từ bên trong bạn mới quyết định xem là bạn sẽ có bao nhiêu cơ hội để thành công trong lĩnh vực này hoặc lĩnh vực kia.

Nên hay không theo học một chương trình đậm đặc lý thuyết hàn lâm?

Để làm đầu bếp ở Pháp (thực ra thì mình không học Đầu bếp, chỉ là được tìm hiểu qua thực tế, nên ví dụ này hơi phiến diện một chút), có vẻ như là phải biết hết tất cả mọi thứ có dính líu tới đồ ăn: từ dinh dưỡng, nhiệt hoá, tác động hoá học – sinh học trên thực phẩm, các loại gia vị, các loại nguyên liệu, với thịt bò thì phải biết bao nhiêu loại bò, bao nhiêu phần thịt trên con bò, bao nhiêu cách nấu. Cách trình bày từng loại thực phẩm, thực phẩm nào đi với dụng cụ và dao muỗng nĩa nào… Các chuẩn mực vệ sinh an toàn thực phẩm, các yêu cầu từ nhà hàng một sao cho tới ba sao.

Mà các bạn biết đó, vốn dĩ Michelin chỉ là cuốn review món ăn do một hãng bán lốp xe nghĩ ra!

Việc đi sâu vào nghiên cứu, vào nắm bắt hết mọi quá trình từ thuở khai thiên lập địa của ngành như thế cho tới dự báo tương lai (có đó) thì riêng việc nhớ hết tất cả bằng tiếng Pháp, gạo bài cho thuộc để còn lên lớp làm bài kiểm tra… BẰNG TIẾNG PHÁP đã ngốn hết thời gian. Vậy lấy thời gian đâu cho bạn thực hành, lao động để trải nghiệm, học hỏi kinh nghiệm đúng không? Sẽ rất mệt và rất cực để bạn có thể vừa học giỏi và làm giỏi ở Pháp.

Pháp, bản thân nó vẫn là một nước ưu tiên cho R&D (nghiên cứu và phát triển), khác hẳn với nền kinh tế ứng dụng cao của Việt Nam. Nên sự chênh lệch hay hạn chế mà chúng ta vừa nói đó, có thể, đúng hoặc không đúng. Làm nghiên cứu, về Việt Nam… thường không có nhiều cơ hội. Còn ở nước ngoài, cơ hội là 50:50.

Nhìn các mô hình kinh tế ở Pháp thì chúng ta hiểu được vì sao họ có ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm của họ cạnh tranh được ở thị trường quốc tế. Vì sao đầu bếp một nhà hàng Âu có thể làm ra hàng trăm món ăn thi thố được những giải thưởng Ẩm thực đứng đầu thế giới. Nước hoa của họ đột phá và chinh phục được hàng triệu người tiêu dùng từ khắp thế giới.

Có nên du học Pháp bằng chương trình tiếng Anh không?

Câu trả lời là có và không. Chi phí có thể là lí do đầu tiên. Tiếp theo, chúng ta sẽ bắt gặp ngay một vài quan ngại. Bởi thời gian học hay thời gian làm việc của mỗi người, tối đa thì cũng chỉ từ 6 đến 8 tiếng, hoặc nhiều lắm là 10 đến 12 tiếng một ngày.

Hãy tưởng tượng mà xem, bạn ở Việt Nam, đi học ở trường bằng tiếng Anh nhưng hết giờ học thì mọi người xung quanh bạn đều nói tiếng Việt. Thế thì ở Pháp, ngoài lớp học, ngoài giờ họp hoặc làm việc bắt buộc, người ta sẽ nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp!

Sống/ làm việc ở Pháp thì ít nhất chúng ta cũng nên có cho mình vài ý niệm cơ bản để dễ bề xoay sở trong cuộc sống hằng ngày. Ba tháng chăm chỉ luyện tập và thực hành phát âm – nắm sơ lược từ vựng và hội thoại, nói viết câu đơn giản là đã đủ để tự tin du học rồi!

Chất lượng chương trình Đào tạo bằng tiếng Anh ở Pháp thì chỉ những người đã học qua mới có thể cho nhận xét khách quan nhất. Tuy nhiên, có một số lưu ý, nếu bạn học cả tiếng Anh và tiếng Pháp rồi thì sẽ biết là hai thứ tiếng này có những đặc trưng phát âm khác biệt nhau. Người Pháp nói tiếng Anh nói không quá, cũng có thể ví như người Việt nói tiếng Pháp, dù giỏi, dù chuẩn nhưng vẫn có những đặc trưng của tiếng mẹ đẻ ảnh hưởng lên.

Nếu bạn muốn Giáo sư dạy mình là le meilleur des meilleurs, nói chuẩn giọng (người đứng nhất trong số những người giỏi nhất) hay chương trình học là tiên tiến nhất, chuẩn nhất (theo chuẩn Mỹ, Anh, Úc… một nước không phải Pháp) thì có lẽ bạn đang đi nhầm nước rồi chăng?

Nếu còn nhiều lăn tăn về con người – văn hoá – lối sống, các bạn có thể bỏ thời gian đọc qua chuỗi ấn phẩm Alezy – Tìm hiểu nước Pháp được phát hành online miễn phí, trong đó các bạn sẽ hiểu hơn về những vùng đất, thành phố Pháp thực tế ra làm sao, chuyện ăn uống hằng ngày sẽ diễn ra như thế nào. Biết đâu nó sẽ giúp các bạn củng cố tốt lựa chọn của mình.

Tạm kết, nếu các bạn còn câu hỏi gì về DU HỌC PHÁP nữa, có thể để lại comment trên blog, mình sẽ đọc và trả lời giúp các bạn.

Xin vui lòng không sao chép và đăng lại bài viết này ở các trang facebook hoặc website, blog khác. Xin cảm ơn.

Leave a Reply