Học cách phát âm chuẩn và nói tốt tiếng Pháp

#1_ví_dụ

Như hôm trước mình đã nói với các bạn về các loại giọng khác nhau. Thì hôm nay mình xin dẫn cho các bạn một ví dụ, bài mẫu thi A1 của hai cô gái Ấn Độ. Bạn sẽ thấy là cả cô giáo lẫn bạn thí sinh đều nói tiếng Pháp đặc sệt giọng Ấn, rất khó nghe.

Nhưng có điều, cô bạn thí sinh khiến chúng ta ấn tượng ở chỗ : Nói rất trôi chảy, không vấp váp. Phong thái đĩnh đạc. Đó, kể cả nói tiếng Pháp thì quan trọng vẫn là thần thái nhé! Tự tin, tự nhiên sẽ được ưu tiên hơn là căng thẳng vì chuyện chuẩn chỉnh.

Có thể, đó cũng là một trong những lí do giải thích vì sao, các nước bạn như Campuchia hay Ấn Độ, cùng là dân châu Á như chúng ta, nhưng số người tự tin nói được ngoại ngữ ở họ có vẻ nhiều hơn Việt Nam chúng ta.

Cởi mở, có sự ham thích được nói bằng ngoại ngữ sẽ giúp bạn cảm thấy việc nói tiếng Anh, nói tiếng Pháp trở nên dễ thở hơn. Điều này cũng hơi hạn chế cho những bạn ở tỉnh lẻ, vì các bạn không có nhiều cơ hội để tiếp xúc với người Pháp hay các khách du lịch nói tiếng Pháp khác. Vì thực tế, nếu có cơ hội nói vài câu, hai bên bắt đầu hiểu nhau chút chút, thì chúng ta sẽ bắt đầu có thêm hứng thú và từ đó mạnh dạn nói nhiều hơn. Nhưng hi vọng là các bạn luôn giữ được lửa học tập.

#2_cách_thức

Clip tiếp theo đây là clip của một cô giáo dạy tiếng Pháp và là người Pháp. Hãy quan sát cách cô ấy nói tiếng Pháp. Bạn sẽ thấy là thỉnh thoảng cô ấy vẫn ah…uhmm….euh…. hay chêm vào những từ vô nghĩa như donc…. alors …. bon… bah….voilà… Hãy quay lại với việc nói tiếng Việt hằng ngày của các bạn. Có phải, các bạn cũng vẫn à …. ừ …. hoặc vô thức thêm vào những câu, những từ cửa miệng vô thưởng vô phạt như vậy không?

Văn chương thì phải nháp, phải suy nghĩ, phải viết rồi sửa lại nhiều lần mới thành bản thảo cuối cùng cho chúng ta đọc. Còn sản phẩm nói lại khác, chúng ta bị hạn chế rất nhiều về thời gian suy nghĩa. Bởi thế, chúng ta có nhiều du di cho ngôn ngữ nói hơn : đơn giản, tiện dụng, có thể sai ngữ pháp nhưng miễn sao hai bên cùng hiểu được ý nghĩa. Ngoài quan điểm, ngoài lập luận, văn nói chi phối nhiều bởi cảm xúc. Có thể vui quá nói xàm, giận quá nói điêu… không có gì lạ.

Người Mỹ thì hay chêm câu you know, người Pháp thì comme vous savez, tu sais… Các giáo trình về expression orale (speaking) ít khi nói tới, nhưng trên thực tế thì phải như thế: tức là, các bạn nên tìm hiểu và để ý xem, khi một người bản xứ họ phải dừng để suy nghĩ, khi họ ấp úng trong việc chọn từ, khi họ muốn điều chỉnh một điều gì đó trong tông giọng, trong cách diễn đạt của mình thì họ làm như thế nào.

#3_hướng_dẫn

Có thể các bạn không biết, nếu tiếng Việt có câu : Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói, thì tiếng Pháp cũng có câu : Il faut tourner sept fois sa langue dans sa bouche avant de parler. Thế nên, nói chậm, ăn có nhai – nói có nghĩ. Tiếng Việt cũng vậy, tiếng Pháp cũng vậy. Đừng có như con nhím động vào là phải xù lông lên. Việc bạn có phản xạ tiếng tốt, không nhất thiết đồng nghĩa với chuyện người ta hỏi là bạn phải trả lời.

Bạn có thể không trả lời, bạn có thể nhờ người ta lập lại câu hỏi, bạn có thể nhờ người ta giải thích câu hỏi. Đó hoàn toàn là phản xạ tự nhiên. Mình cho rằng, trong các kì thi, ngoại trừ những ông bà giám khảo độc đoán và siêu khó tính. Còn đâu, người ta vẫn có thể thoải mái với các bạn trong việc giải thích lại câu hỏi, nếu bạn biết cách phản ứng với câu hỏi đó một cách tự nhiên như hai người giao tiếp với nhau thông thường. Thế nên, đừng cố phản xạ bằng cách nói là phải bật lại ngay, có thể từ từ, chậm rãi, thong thả và thở một nhịp lấy lại bình tĩnh trước.

Tiếp đây, mình sẽ lấy một ví dụ minh hoạ cho các bạn. Có bao giờ bạn gặp vấn đề như thế này chưa? Bạn muốn nói với một người bạn Pháp câu này: «Ngôi nhà này hoành tráng quá!». Nhưng, khổ nỗi, bạn không biết từ HOÀNH TRÁNG trong tiếng Pháp là gì. HOÀNH TRÁNG là gì nhỉ? Một là bạn sẽ lục ngay cuốn từ điển Việt – Pháp trong túi ra để tra. Nhưng, lại khổ nỗi, từ điển nhỏ quá, nên mấy cái từ đặc biệt như HOÀNH TRÁNG không thấy có. Thế thì làm sao đây? Làm sao để nói được rằng căn nhà này hoành tráng đây?

Tình huống này có quen không các bạn? Ví dụ như: Khu chợ này đông đúc quá! Chợ thì là marché nhưng khu chợ là gì nhỉ? Rồi còn đông đúc là gì nhỉ? Ví dụ như: Cuốn sách này giải thích cặn kẽ thật! Thế cặn kẽ tiếng Pháp là gì nhỉ?

Liệu rằng, bạn có buộc phải nói chính xác từ hoành tráng, từ đông đúc, từ cặn kẽ như trên không? Đừng quên, dù chúng ta có từ điển song ngữ, nhưng nó chỉ giới hạn ở một số lượng từ nhất định. Phạm trù ngôn ngữ còn ảnh hưởng bởi văn hoá, phong tục, lịch sử của địa phương. Không thể có chuyện lúc nào chúng ta cũng tìm được một từ đúng nghĩa chính xác được. Đôi khi chúng ta phải sử dụng đến thủ thuật liên tưởng, diễn đạt tương đương, tìm từ gần nghĩa thay vì từ đồng nghĩa, từ sát nghĩa.

Hãy tưởng tượng, với một ngôi nhà hoành tráng, bạn có thể nói nó hiện đại, nó xinh đẹp, tiện nghi, nhiều cửa, nhiều đồ nội thất, nhiều đồ trang trí, cao ráo, sáng sủa, lí tưởng, hàng top đấy, xịn, nhìn vào là mê v.v… Có muôn vàn cách để nói là ngôi nhà hoành tráng. Tại sao bạn lại bắt bí mình bằng cái chữ HOÀNH TRÁNG kia?

Nếu không có từ điển. Nếu từ điển không có từ. Thế thì các bạn phải tiếp tục thế nào đây? Chẳng nhẽ nói với người Pháp đang trò chuyện với bạn là, chờ chút, chờ tôi về nhà tra lại tài liệu đã, chờ tôi đi hỏi người khác xem cái chữ này là gì đã rồi tôi quay lại nói với ông, với bà sau. Tại sao phải để mình rơi vào những tình huống dở khóc dở cười như thế?

Sau khi học xong A2, với vốn từ khoảng 100, 200 đến 500 từ vựng cơ bản, chắc chắn không nói được nhiều, bạn cũng đã nói được vài ý cơ bản. Nếu không phải hoành tráng thì là : hiện đại, lớn, đẹp… bạn có thể đúng không ? Tất nhiên có thể, bạn không truyền đạt được 100% ý tưởng ban đầu, nhưng 30, 40 rồi 50 đến 70%… được bao nhiêu % diễn đạt thì là tiếng Pháp của bạn đang tiến bộ lên bấy nhiêu đấy!

Mình tin chắc rằng, các bạn cũng sẽ hiếm khi rơi vào những tình huống phải nói chính xác 100%. Trừ những vấn đề quá sức chuyên môn, khi bạn nói với một người cùng chuyên môn với bạn ; chứ người không cùng chuyên môn thì họ cũng nói được chăng hay chớ rất phổ thông nhé!

Ở đây, các bạn có thể xem một clip của Français Authentique: Làm sao để không bị bloqué (bị khoá chặt, bị kẹt cứng, bị đóng băng, bị đơ, bị bí….) khi nói tiếng Pháp ? Đơn giản là bạn hãy tìm những cách diễn đạt khác, trong khả năng diễn đạt của mình.

Thực sự là vì các bạn chưa thử thôi, vì các bạn cứ ghim mình với một cấu trúc, một kiểu diễn dịch ngôn ngữ. Mình rất hay gặp trường hợp, sửa bài cho một số bạn, vốn dĩ bài ban đầu dùng những cấu trúc phức tạp vừa rối rắm mà vừa khó hiểu sau khi gợi ý cho các bạn một số cách nói khác thì hầu hết, các bạn đều trả lời rằng : À, từ này mình biết, chữ này mình học rồi!

Ừ, học rồi thì phải áp dụng chứ? Tại sao không dùng cái mình học rồi để nói mà toàn dùng những thứ khó hiểu trên trời đâu đâu làm gì cho mệt, cho khổ người?

#4_điều_chỉnh

Nhưng, nói gì thì nói, nếu tham vọng của các bạn là NÓI CHUẨN tiếng Pháp thì vẫn phải kinh qua bước này: nói đúng ngữ pháp, dùng đúng từ, chia đúng động từ, nói đúng ngữ điệu. Kể cả là người Pháp, muốn được làm MC truyền hình, họ cũng phải qua được các bài kiểm tra về phát âm. Các bạn sẽ đánh giá như thế nào nếu gặp một bình luận viên, một MC trên tivi mà suốt ngày nói lắp, nói ngọng, chia động từ không đúng, dùng mạo từ loạn cào cào? Chắc chắn là không hài lòng một chút nào rồi!

Thế thì, muốn nói CHUẨN, buộc các bạn phải bỏ thời gian nhiều hơn nữa. Hãy chuyển sang những bài chỉnh sửa lỗi phát âm, ngữ âm, dùng sai cấu trúc ngữ pháp mà bạn sẽ thấy rất nhiều trên youtube : erreur prononciation, parler francais correct, erreur typique parler francais… Như video dưới đây là một ví dụ:

Việc nói chuẩn còn kèm theo việc học từ vựng, đọc tốt, viết tốt, ngữ pháp tốt nữa. Một khi bạn đã có nhu cầu nói chuẩn thì bạn cần tập trung nhiều hơn. Và nên nhớ rằng : nói chuẩn thì phải đi từ phát âm chuẩn sau đó đến đọc chuẩn được các cụm từ, đọc chuẩn được ngữ điệu của một câu rồi mới đến nói CHUẨN và TRÔI CHẢY một đoạn hội thoại, một đoạn văn.

#5_luyện_tập

Cuối cùng, vẫn là chuyện quan trọng nhất. Dù muốn tập cho TRÔI CHẢY hay tập nói cho CHUẨN thì bạn đều phải luyện tập, luyện tập thường xuyên. Các bạn đã từng nghe nói tới chuyện : Để thực sự học được một cái gì đó, bạn phải tốn tầm khoảng 10 000 giờ rồi đúng không ? Các nhà khoa học cũng nhắc thêm rằng, muốn cái gì đó thực sự ghi sâu vào trí nhớ thì cần lặp đi lặp lại ĐỦ, và thường thì khoảng 30 lần. Không phải 1 lần, không phải 2 lần. Thậm chí không phải 10 lần mà là 30 lần.

Thế thì hãy tự xem lại xem, nếu với một bài giới thiệu như clip dưới đây mà chỉ nói đi nói lại có 2 lần, bạn có bảo đảm là sẽ nói được TRÔI CHẢY hoặc nói CHUẨN được như người hướng dẫn không?

Thực tế, có những âm trong tiếng Pháp rất khó, phải tập vài tuần, vài tháng thậm chí đến vài năm mới được. Một số người may mắn có tai nhạy cảm, hoặc được học đúng ngay từ đầu nên giảm được thời gian điều chỉnh. Còn cũng có một số đông không có may mắn đó. Lí do vì sao mình luôn dẫn các nguồn clip của người Pháp, nói tiếng Pháp chuẩn cho các bạn là vì thế. Không hiểu được thì ít nhất các bạn cũng quen được với âm gốc chuẩn. Chứ không phải là tiếng Pháp nói kiểu người Việt, nói kiểu người Lào.

Như đã nói ở trên, nếu gặp được một người nhiệt tình sửa phát âm cho bạn thì tốt, hoặc gặp được một người Pháp thì còn tốt nữa. Nhưng, ở post trước mình đã nói với các bạn, nói chuẩn tiếng Pháp tốn hơi, tốn nước miếng, thậm chí nửa tiếng đồng hồ là đủ đau cổ họng. Nên có nhiệt tình đến mấy, thì cũng một hai lần là người ta bỏ qua không giúp nữa. Bạn để ý là âm mũi thì phải đẩy hơi lên mũi nhé, nhiều âm thì phải khào từ cổ họng nhé và tốn rất nhiều hơi. Vì bạn không đọc đúng kĩ thuật nên mới thấy không mệt thôi còn người đã quen cách đọc, đọc đúng họ vẫn mệt như thường.

Cũng rất khó cho người dạy phát âm nếu như bản thân người học không phân biệt được âm này và âm kia có gì khác nhau, không nghe ra được là chỗ này phải đọc lên cao hay đang đọc xuống giọng. Và kể cả những mô tả như uốn lưỡi, hóp miệng, bật hơi… thì cũng mang tính tương đối, vì chẳng ai bẻ được lưỡi, uốn được hàm cho bạn ngoại trừ chính bạn.

Liệu các bạn có tự luyện NÓI CHUẨN tiếng Pháp được không? Có chứ, hãy theo lộ trình 30 lần ở trên đi, cùng với một chiếc máy ghi âm hoặc điện thoại có chức năng ghi âm.

Lần 1 : ghi âm lại, để đó, không xoá.
So sánh lại giọng trong ghi âm của bạn với bản gốc trên video, chỗ nào bạn thấy đang có vấn đề thì nhớ khoanh tròn, đánh dấu lại trên tờ script mà bạn đã kịp in ra (hoặc viết ra giấy).
Lần 2, 3, 4 : cố gắng từ từ sửa những chỗ đánh dấu ở trên.
Lần 5 : ghi âm lại một lần nữa, xem có gì tiến bộ hơn không nếu so với bản ghi âm đầu tiên.
Lần 6, 7, 8, 9 : tiếp tục nghe và sửa. Rồi lần thứ 10, các bạn lại tự ghi âm lại bản thứ 3, xem xem giọng mình đã khác gì chưa.

Các bạn hãy xem cách một vận động viên chuyên nghiệp và một người thích thể thao luyện tập. Ví dụ này chỉ nói một cách tương đối cho các bạn hình dung thôi nhé ! Cầu thủ chuyên nghiệp, họ tập đi tập lại một tư thế sút bóng ngày này qua tháng khác. Còn người thích thể thao, họ có thể hôm nay lái xe đạp, ngày mai tập thể hình. Hôm nay tập chân, ngày mai tập vai. Hôm nay đi bộ, ngày mai nhảy dây, nhảy dây chán sang bơi lội. Không đơn giản chỉ là việc lặp đi lặp lại, mà đó là một quá trình hoàn thiện kĩ năng và chuyên môn.

Tóm lại, mình muốn nhắn nhủ với các bạn rằng : NÓI CHUẨN hay NÓI TRÔI CHẢY là tuỳ bạn chọn. Chúng ta không thể nào cố ép nhau thành vận động viên chuyên nghiệp được. Có điều, nếu muốn NÓI CHUẨN thì buộc bạn phải nghiêm khắc hơn với bản thân mình!

Các bạn có thể tham khảo cuốn HỌC ĐI THÔI – Nghe nói để hiểu hơn về các tật phát âm hay mắc của người Việt khi học tiếng Pháp. Đây là hướng dẫn về nghe nói tiếng Pháp đặc biệt dành riêng cho người Việt, giúp các bạn tách bạch vấn đề và không bị nhập nhằng. Vì đa số các giáo trình dạy nói và phát âm được xây dựng trên khung giao tiếp châu Âu hoặc châu Mỹ, không bao gồm các đặc thù vốn có của ngôn ngữ châu Á, hay đặc biệt là của tiếng Việt: http://bit.ly/2BoSEzA

Các bạn có thể theo dõi PODCAST của Vitirouge để học lại từ cơ bản nghe – phát âm, đây là chuỗi PODCAST dài tập dành cho người bắt đầu tự học tiếng Pháp.

Leave a Reply