Lỗi thường gặp trong bài viết TCF, DELF (p.1)

Trong quá trình sửa bài viết cho các bạn học viên, mình nhận thấy có một số lỗi cơ bản mà hầu như các bạn đều gặp phải. Mình sẽ dựa phân loại lỗi theo trình độ B1, B2 và TCF. Tuy nhiên, lưu ý chung với các bạn một điều: lỗi thường gặp ở người ôn thi B1 không có nghĩa là người thi B2 không mắc phải, chỉ là khi kiến thức ngữ pháp dày hơn, bạn sẽ chú ý hơn một chút và nhạy cảm với các lỗi đó hơn.

VỀ NGỮ PHÁP

1. Nhầm xưng hô TU và VOUS
2. Nhầm cách sử dụng các pronom COI, COD
3. Không phù hợp giống số cho danh từ, tính từ
4. Nhầm lẫn trong việc chia động từ, đặc biệt là các thì quá khứ: passé composé, imparfait, plus-que-parfait
5. Dùng các câu hội thoại / giao tiếp vào bài viết
6. Không cẩn thận trong việc sử dụng các pronom và các déterminant

Giải thích và hướng cải thiện

1. Chúng ta có thể xưng TU-JE trong các trường hợp viết thư cho bạn bè, người thân trong gia đình (bố, mẹ, ông, bà, chú, bác) cái này không dựa trên tuổi tác mà theo mức độ thân sơ trong quan hệ. Còn với VOUS-JE, chúng ta sẽ dùng trong các mẫu thư hành chính, gửi cho một trung tâm dịch vụ, một người mà chúng ta không có quan hệ gia đình, bạn bè chỉ có quan hệ công việc/ xã hội.

Lưu ý quan trọng nhất: Một khi đã xác định rõ quan hệ giữa người gửi và người nhận thư; bạn cần đồng bộ một kiểu xưng hô trong toàn bộ bài viết – nhớ tự nhắc bản thân làm đúng khi thay pronom (đại từ), khi sử dụng các định từ sở hữu (votre, vos…) và chia động từ.

2. Các pronom COI và COD không phải lúc nào cũng đứng sau động từ, đó là lưu ý thứ nhất. Một loại nữa các bạn hay nhầm đó là LEUR (pronom COI – cho đối tượng tương đương với ils, elles). Ví dụ: Je leur donne hay cách khác là Je donne à eux… Và déterminant possessif (leur, leurs: dùng cho trường hợp danh từ ở số nhiều), leur maison est très belle, leurs vêtements sont très beaux.

3. Quan trọng, bạn cần phải cố gắng nhớ một số quy tắc căn bản về giống đực giống cái, có những tiếp vĩ ngữ (suffixe)/ âm đuôi, ấn định giống đực cho danh từ ví dụ như: ment trong changement, ard trong retard hay age trong emballage. Và những âm đuôi ấn định giống cái như tion trong construction, trong beauté v.v Và nếu có tính từ bổ nghĩa, hãy nhớ phù hợp giống số, đó là vấn đề rất cơ bản và vấn đề cần phải để ý hàng đầu. Khi học từ vựng, nhớ nghĩa không chưa đủ, bạn còn phải hiểu rõ cách dùng từ vựng như thế nào, khi nó đi với mạo từ thì ra làm sao, khi đi với tính từ thì ra làm sao, khi chuyển từ số ít sang số nhiều cần phải làm gì?

Tất nhiên, làm sao một người mới học tiếng Pháp có vài tháng đến nửa năm có thể tỉ mỉ đến mức như thế, nhưng tinh thần của một giám khảo bài viết tiếng Pháp là: Họ giống như một người bị dị ứng với vết bẩn, nếu trên chiếc áo trắng có một vết mực, dù chỉ bé bằng đầu mũi kim, hay bằng hạt đậu, họ cũng muốn tẩy đi cho bằng được, họ quan tâm đến việc có vết mực trên chiếc áo hơn là chiếc áo của họ rất đẹp trong mắt người khác.

Vì thế, lời khuyên tiếp theo của mình cho các bạn là RIGUEUR – sự khắt khe, sự khó tính đối với từ con chữ mình viết ra. Đừng căng thẳng kiểu BÚT SA GÀ CHẾT mà hãy nghĩ MỖI CON CHỮ CÓ THỂ QUYẾT ĐỊNH CHO TƯƠNG LAI CỦA CON EM CHÚNG TA, ha ha, chứ không phải của chính bạn.

4. Về vấn đề động từ ở 3 thì quá khứ. Mình tin là các bạn làm bao nhiêu bài tập vẫn không đủ, vẫn có thể sai. Bản thân mình, trong một số trường hợp cực kì “tinh tế”, theo tiếng Pháp là délicat (tức là một kiểu diễn đạt phải phù hợp với tư duy đặc thù về ngôn ngữ, câu cú của người Pháp) thì mình vẫn có thể không xác định được đúng động từ đó phải chia ở passé composé hay imparfait.

Mình chỉ có một lưu ý duy nhất với các bạn: đó là hãy hình dung ra trạng thái chính xác của động từ đó, trong bối cảnh thời gian và không gian. Đó có thực sự là một hành động, là một sự kiện đập vào trí nhớ của người nói/ người viết hay không, rõ ràng không, có xác định được cụ thể thời gian, nơi chốn hay không, có tạo cảm nhận đó là một sự kiện đột biến/ ấn tượng/ đáng ghi chú hơn những hành động khác hay không.

5. Để phân biệt được đâu là văn nói, đâu là văn viết khi bạn chỉ vừa học xong A2 thì cũng hơi khó, lời khuyên của mình là bạn hãy đọc nhiều hơn, trước tiên là tìm các mẫu thư, các mẫu bài viết (exemple expression écrite niveau intermédiaire/ hay niveau B1 hay exemple lettre simple en francais/ hay DELF B1) trên google sẽ rất có ích cho các bạn. Lưu ý: hãy làm các bài phân tích (analyse) về ngữ pháp (analyse grammaticale) – cái này kết hợp với sách lý thuyết về ngữ pháp mà bạn có, hoặc xem lại bài viết về luyện thi ngữ pháp TCF ở đây: hoặc làm phân tích về từ vựng (vocabulaire) – cái này bạn cần kè kè cuốn từ điển Pháp – Pháp – Việt (tối thiểu, dùng từ điển Pháp – Việt không có giá trị mấy) hoặc từ điển đơn ngữ (monolingue) như larousse, như ở đây: – bạn đối chiếu các ví dụ và phân tích nghĩa trong từ điển với cách bạn hiểu nghĩa, bối cảnh của từ vựng.

Mình lấy một ví dụ: livraison expédition khác nhau như thế nào? Trước đây mình không hề biết, mình nghĩ cả hai đều là giao hàng hay gửi hàng. Nhưng sau này, khi đi vào bối cảnh, trong một tình huống giao tiếp, người nghe khi nghe câu “Votre commande a été livrée hier” (Đơn hàng của anh/chị đã được giao hôm qua) và họ trả lời lại: “J’ai rien reçu hier” (Hôm qua tao không nhận được gì cả!) – À, vậy là bạn dùng sai từ rồi, livraison/ livrer nghĩa là giao tận nơi, đã nhận hàng. Còn expédier là gửi hàng đi, tức là nó chỉ mới vừa từ tay người gửi chuyển sang nhà vận chuyển và người nhận thì đang chờ, chưa có hàng tới tay.

Đấy là một ví dụ về từ vựng, còn đối với câu thì sao, mình đơn cử: “Bạn khoẻ chứ?” Comment vas-tu? Hay Comment ça-va? Đó là câu dùng để giao tiếp. Sau đó, người hỏi sẽ nhận được câu trả lời ngay lập tức. Còn trong thư, chúng ta không thể nào coi thư như tin nhắn được, người nhận thư không thể trả lời trong tích tắc.

Vì vậy, thường thì người ta sẽ viết dài dòng văn tự hơn, người ta sẽ gửi gắm hi vọng vào đó, một lời chúc ở đó, họ không cầu thị một câu trả lời, cũng không mặc định ở đây cần một câu hỏi thăm vô thưởng vô phạt. Nên chúng ta sẽ viết: “Mình hi vọng là bạn luôn khoẻ mạnh. Mình hi vọng là công việc của bạn tiến triển tốt. Mình hi vọng là bạn không gặp bất kì bất trắc gì ở thời điểm này…”

6. Ý thứ 6 này hơi lặp lại với vấn đề về pronom COD và COI ở trên. Nhưng ngoài những yếu tố xoay xung quanh động từ, mình muốn lưu ý các trường hợp để tránh lặp lại ý, hoặc lặp lại từ, các bạn dùng từ thay thế. Ví dụ: cet homme, il, lui, ce dernier, celui-ci, lequel… Khi đó, các bạn cần phải hiểu rõ bản chất những từ thay thế này có thể nắm vai trò ngữ pháp gì, nó sẽ nằm ở đâu trong câu, nó có được làm chủ ngữ không, nó có thể làm bổ ngữ không.

Xa hơn, hãy nhìn trong tổng thể đoạn văn mà bạn đã viết ra và suy nghĩ xem: Người đọc có theo được mạch văn của bạn không, họ có tự động hiểu được việc bạn thay từ này, từ kia là cho đối tượng nào ở các câu văn trước hay không. Mình gặp tình huống này ở trong rất nhiều bài viết. Bạn nói về cái bàn ở câu 1 (la table). Sang câu 2 bạn nói về gỗ. Sang câu 3 bạn nói về việc sản xuất nội thất (la fabrication des meubles). Sang câu 4 bạn dùng elle để chỉ cái bàn (vì la table giống cái), nhưng quên rằng, ở câu 3, la fabrication cũng có thể dùng elle để thay thế. Voilà! Đấy, bạn viết và trong suy nghĩ của bạn là như vậy, nhưng người đọc không hiểu THEO CÙNG CÁCH với các bạn đâu! Làm ơn!

Về các loại pronom, các bạn có thể tìm HỌC ĐI THÔI số thứ 6 (tháng 5. 2018)

VỀ NỘI DUNG

1. Không hiểu rõ tình huống mà đề bài đặt ra, có thể là do thiếu trải nghiệm thực tế
2. Không phát triển ý theo trình tự logic
3. Diễn đạt vòng vo, nhưng không nêu bật được một ý tưởng cụ thể phù hợp với yêu cầu của đề bài
4. Dịch tiếng Việt sang tiếng Pháp bằng từ điển Việt – Pháp hoặc google translate, người ta hay gọi là dịch mot-à-mot. Như kiểu TẠI SAO là À CAUSE DES ÉTOILES hay ĐƯỜNG ĐI là SUCRE ALLER.
5. Hơi thiên về hình thức một chút: không chia bố cục cho bài viết.

Giải thích và hướng cải thiện

1. Vấn đề này là khó nhất, giả sử trong đề bài có một từ mà bạn không biết. Cái này là trải nghiệm của mình, ở một đề bài thi viết (kì thi Olympic 30/4 hồi còn học THPT với từ vivre sain và saineté. Mình chỉ nhớ có saint là thánh và santé là sức khoẻ. Hoá ra vivre sain là sống lành mạnh, saineté là kiểu bảo đảm về mặt sức khoẻ, tức đề bài bàn về một vấn đề thể chất, thể lý, về chuyện ăn uống/ tập luyện/ làm việc khoa học/ cân bằng cuộc sống. Trong khi đó, mình lại hiểu rằng đó là một vấn đề về đạo đức: sống trong sạch, sống nghiêm túc, tuân thủ pháp luật – bảo vệ lề lối truyền thống, đạo đức …

Thứ hai, mình cũng trích ví dụ một đề nói mình gặp ở Đại học: Cuộc hội thoại ở cửa hàng băng đĩa. Mình và bạn mình đều nghĩ rằng tương tự như ở Việt Nam, chúng ta sẽ dùng tiền mặt mọi lúc mọi nơi (thời điểm cách đây 7 năm, Việt Nam chưa có nhiều công cụ thanh toán bằng thẻ như bây giờ nha các bạn). Và vì thế, bọn mình cho rằng có thể trả một hoá đơn vài chục đến khoảng hơn trăm euros bằng tiền mặt.

Trên thực tế, ở Pháp, với các khoản như thế, thường người ta sẽ dùng thẻ (tính cùng thời điểm khoảng 7 năm trước, ở Pháp). Rất ít khi bạn nhìn thấy tờ tiền 50 euros, 100 euros trong các cửa hàng, siêu thị tại Pháp. 90% khách hàng trả thẻ, hoặc khác thì trả chèque (chi phiếu) …

Đó không phải là 2 lần duy nhất mình hiểu sai đề trong các kì thi. Thời học Đại học, mình cũng gặp vấn đề tương tự khi đọc đề bằng tiếng Pháp, thực sự là cảm thấy rất bất công khi bản thân là người nước ngoài, lại phải hiểu hết 100% đề như một sinh viên Pháp bản xứ, không có bất kì sự trợ giúp nào. Nhưng học tài thi phận mà! Đời của chúng ta còn dài lắm, còn nhiều dịp để nỗ lực và chứng tỏ lắm, không phải chỉ có mỗi các kì thi là chấm hết. Rồi sau mỗi lần làm sai, các bạn sẽ đúc kết cho bản thân một chút gì đó, nhưng những trải nghiệm mà mình đang chia sẻ cho các bạn đây.

Lời khuyên của mình là đọc nhiều và cập nhật thêm kho từ vựng cho mình. Các bạn cũng nên xem thêm vlog (bằng tiếng Việt cũng có, khá nhiều trên youtube) để hiểu hơn về đời sống hằng ngày ở Pháp. Mặt khác, đại đa số đề tài viết và chủ đề của bài đọc hiểu trong đề thi DELF là một. Nếu bài đọc nói về sức khoẻ, thì nghiễm nhiên bài viết sẽ nói về lối sống lành mạnh về mặt thể chất. Nếu bài đọc nói về tình trạng đạo đức của giới trẻ, thì gần như 90% đề viết sẽ nghiêng về chủ đề bảo vệ truyền thống đạo đức… Đó là một mẹo để các bạn có thể định hướng chung cho bài viết tốt hơn mà mình đúc kết được.

2. Trình tự logic phổ biến nhất là diễn dịch và quy nạp. Theo cảm nhận chủ quan của mình, người Pháp thích diễn dịch hơn. Tức là, họ sẽ đi từ cái khái quát nhất đến cái cụ thể nhất. Họ sẽ đi từ gốc rễ vấn đề: tình trạng, nguyên nhiên sau đó đến hậu quả, hệ quả, kết quả – sau đó bắt đầu đặt ra câu hỏi: Vấn đề nằm ở đâu? Và cuối cùng là đi tìm giải pháp. Nếu giải pháp phát sinh ra vấn đề khác: tiếp tục phân tích. Nếu giải pháp có kết quả tối ưu: dẫn dắt ra để tăng sức thuyết phục. Nếu giải pháp trả lời được cho một nguyên nhân hay nguồn gốc A, B, C của vấn đề: đối chiếu lại để làm sáng tỏ.

Ví dụ:
a) Trái đất đang nóng lên mỗi năm 2 độ C (mình ví dụ, không phải số liệu chính xác các bạn nhé)

b) Tìm hiểu nguyên nhân: Hiệu ứng nhà kính, thủng tầng Ô-zôn => Do ô nhiễm môi trường (tăng thải các khí độc). Do đốt phá rừng (trong khi cây xanh có vai trò điều hoà khí hậu, cung cấp Oxi và giảm thải Cacbonic)

c) Thực trạng: xả rác, xả khí thải độc hại trong sản xuất Công nghiệp, chặt phá rừng để xây dựng nhà ở, sản xuất, làm đường sá, làm đồ nội thất… 

d) Phản ứng của con người: ở các quốc gia phát triển (người ta bắt đầu phát triển các nghiên cứu và cảnh báo nhiều hơn về tình trạng trái đất nóng lên – ra sức cải thiện chất lượng môi trường sống – vận động trồng cây xanh).

viet-delf-dalf-B2-C1-huong-dan
Hãy phân tích đề bài thật kĩ khi luyện viết trước ngày thi
vì đa số bài thi bị mất điểm vì không nắm được yêu cầu đề.

Ở quốc gia nghèo/ đang phát triển: ý thức con người còn kém, tập trung vào các lợi ích kinh tế, chưa thực sự có trách nhiệm và suy nghĩ nghiêm túc về việc phát triển bền vững. Dân số tăng nhanh, nhu cầu sinh hoạt, tiêu thụ áp đảo khả năng điều tiết của quốc gia. Nhà nước mất kiểm soát trong việc bảo vệ tài nguyên và môi trường sống…

e) Giải pháp: trồng cây xanh (trồng cây gì? Trồng ở đâu?), giảm khí thải (khí gì? Trong hoạt động nào? Công cụ là gì?), phân loại rác (vì sao? Mục đích là gì?) …

f) Hiệu quả của các giải pháp: mức độ thành công, mức độ khả thi, phạm vi áp dụng, đối tượng có thể triển khai các giải pháp này, tác động và thời gian có hiệu quả…

Khi viết đoạn văn, các bạn cần thoả mãn một trong các trình tự sau:
A – B – C cùng bàn về một đối tượng thì cho vào trong cùng một đoạn văn.
A => B => C: giữa các ý có tính chất bắc cầu.
Có A vì B – vì C và vì C hoặc A sẽ bao gồm B và C.

3. Mình sẽ lấy một, hai ví dụ cho các bạn hiểu rõ ý thứ 3 này, bài như thế nào sẽ bị coi là không có ý. Rõ ràng là bạn viết rất nhiều đấy, tại sao lại bị nhận xét là không có ý gì nhỉ?

Ví dụ 1: Đề bài yêu cầu viết thư đòi bồi thường. Bạn viết vỏn vẹn thế này: Tôi mong ông sẽ bồi thường cho tôi. Xin cám ơn. Chào tạm biệt.

Nhưng thực ra, bạn phải đi xa hơn một chút, như thế này:

Tôi đang chờ bồi thường của ông, từ nay tới cuối tháng mà ông không bồi thường tôi sẽ kiện theo lên Uỷ ban bảo vệ người tiêu dùng. Tôi yêu cầu số tiền bồi thường là xxx euros. Tôi muốn ông trả cho tôi cả khoản tiền phạt trễ hạn giao hàng mà công ty tôi phải chịu vì bên ông không giao hàng đúng hạn cho bên tôi…

-Hoặc đi sâu hơn một chút:
Tôi muốn ông bồi thường cho tôi vì: A – B – C. Tôi muốn bồi thường cho các khoản: X – Y – Z. Tôi cần ông chuyển tiền bồi thường vào địa chỉ: I – J – K. Hạn bồi thường là từ nay đến cuối tháng. Nếu không, tôi sẽ có các giải pháp cần thiết: O – P – Q…

Ví dụ 2: Đề bài yêu cầu đưa cảm nhận về một cuốn sách. Bạn viết: Tôi thích cuốn sách này. Cuốn sách này hay. Tôi sẽ nói vợ tôi đọc cuốn sách này.Ơ!!! Hay là hay như thế nào? Nói thế thì khỏi cần đọc sách, ai cũng nói được.

Cách sửa
Tôi thấy sách hay (cảm nhận tổng quát) => Nội dung: liệt kê các chi tiết A, B, C và hình thức: lối viết của tác giả, văn phong, cách dẫn dắt câu chuyện, cách giới thiệu nhân vật, cách đưa ra cái kết, ngôn từ sử dụng, thủ pháp nghệ thuật…
Tôi thấy sách có vài chỗ không logic lắm => Ví dụ: nhân vật A di chuyển từ thành phố X đến thành phố Y cách nhau 200 cây số mà chỉ mất nửa giờ. Còn nhân vật C bị gãy chân mà chưa đầy một tuần đã được tháo bột…
Tôi thấy sách có vài chi tiết rất ấn tượng => Ví dụ: tác giả mô tả con mèo và tôi hình dung ra được từng chân tơ kẽ tóc của nó. Đoạn nói về cuộc truy đuổi thực sự tạo cảm giác hồi hộp vô cùng…

4. Lời khuyên của mình cho các bạn là: hãy tìm các từ gần nghĩa và tập phân biệt chúng, thường xuyên đọc các bài viết trên wordreference, là một diễn đạt mà mọi người giúp nhau giải thích từ vựng rất tích cực. Chịu khó đọc giải nghĩa trong từ điển. Thử sai, nhờ người giỏi tiếng Pháp hơn sửa và giải thích cho mình. Đơn cử như gửi câu hỏi vào groupe Học tiếng Pháp và tìm hiểu nước Pháp này, sẽ có người giải đáp kịp thời cho các bạn. Các bạn có thể chủ động, một khi thấy không chắc chắn về ngữ nghĩa, hãy thử google, thử với từ với cụm từ, với cấu trúc mà bạn đang định sử dụng. Nếu giỏi tiếng Anh, hãy thử cụm từ tiếng Anh rồi thêm 2 chữ en francais/ français vào, bạn sẽ có các trang dịch để so sánh…

Lưu ý quan trọng nhất: Mình biết, đa phần các bạn sẽ suy nghĩ ra ý trong đầu bằng tiếng Việt, sau đó, cố gắng dịch nó sang tiếng Pháp. Và các bạn mặc định rằng ai cũng sẽ hiểu điều bạn đang viết Y NHƯ ĐIỀU BẠN ĐANG NGHĨ trong đầu. Nhưng không! Mọi người sẽ dựa vào cấu trúc ngữ pháp, họ sẽ phân tích câu từ để hiểu điều mà bạn vừa viết ra, họ không tự động biết logic trong đầu của bạn đâu! Nên hãy cố gắng quên tiếng Việt đi, và suy nghĩ bằng tiếng Pháp.

Phần 2: Những lỗi thường gặp khi thi viết TCF, DELF

5. Vấn đề về bố cục có lẽ dễ cải thiện nhất

Trên thực tế, khi làm văn bằng Tiếng Việt ở trường phổ thông, chúng ta có xu hướng viết nguyên phần THÂN BÀI thành một đoạn dài. Rất, rất dài. Chúng ta không hề xuống dòng để chia nhỏ ý ra.

Ví dụ một đoạn bài sửa viết TCF.

Vậy thì bây giờ, bạn hãy phân tách các ý ra thành từng nhóm, khi phát triển xong một ý lớn, hãy xuống dòng.

Giữa các câu văn, các đoạn văn, hãy dùng từ nối/ liên từ, các thành ngữ diễn đạt (nguyên nhân – kết quả – mục đích – đối lập – thời gian) để tạo ra sự mạch lạc. Đừng nhảy như đỉa phải vôi, người đọc sẽ không đi kịp logic của các bạn đâu. Hơn nữa, khi đưa ra một nhận định nào đó, bạn cần phải giải thích. Đừng mặc định rằng: Cái này là hiển nhiên rồi, ai mà chẳng hiểu, việc gì phải giải thích!?! Chẳng nhẽ con nít 3 tuổi cũng tự động hiểu điều bạn nói sao?

Để nắm chắc ngữ pháp và hệ thống được vốn từ thật tốt cho phần thi viết/ hoặc nói, các bạn có thể chọn Tài liệu Đọc hiểu – ngữ pháp mà mình đã biên soạn.

Các bạn có nhu cầu học online (offline Tiếng Pháp ở Sài Gòn) / luyện viết để ôn thi TCF, DELF B1, DELF B2 – xin vui lòng liên hệ qua zalo 0947 2299 21

Leave a Reply