luyen-nghe-tieng-phap

Luyện nghe tiếng Pháp mệt như thế nào?

Khi theo dõi các cộng đồng Học tiếng Pháp thì mình thấy có 3 câu hỏi được đặt ra rất thường xuyên: (1) Làm sao để nói tiếng Pháp hay hoặc phát âm được một vài âm đặc biệt của tiếng Pháp, (2) Làm thế nào để nghe được tiếng Pháp vì người ta nói nhanh quá, (3) Làm thế nào viết được câu tiếng Pháp theo các dạng cấu trúc câu như tiếng Anh.

Câu trả lời chỉ có một: tập luyện đúng cách.

Vấn đề lớn nhất khi nghe là kiểm soát sự tập trung

Bạn đang nghe cái gì đó nhưng bạn lại không thực sự nghe nó. Bạn bị cảm nhận về âm thanh đang vang lên bên tai đánh lừa. Âm thanh xung quanh có thể dễ chấp nhận như một điều kiện vật lí, bên cạnh các điều kiện hiển nhiên khác như: bụi bay trong không khí mà ta không nhìn thấy, hình ảnh trước mắt.

Một cách hiển nhiên, trừ trường hợp bị thương tật, bệnh lý hoặc khuyết tật, thì các giác quan của chúng ta luôn ở trạng thái hoạt động, kể cả lúc ngủ. Nhiều khi đang ngủ, vì một mùi thơm hoặc mùi hôi thối nào đó mà chúng ta bật dậy, vì bị ai đó nhéo đau hoặc thả cục đá lạnh lên người (hoặc vì cảm giác nóng, lạnh, ngứa đột ngột) mà chúng ta bị kéo ra khỏi giấc ngủ. Cũng có trường hợp, vì một tiếng động bất thình lình mà chúng ta bị đánh thức lúc ngủ.

Bạn nghe nhưng không thực sự nghe khi nào? Hẳn là ai trong chúng ta đều sẽ có lúc như thế. Không nói chuyện phải học nghe ngoại ngữ. Chúng ta cứ xét việc nghe hằng ngày trước. Nghe người khác nói chuyện khi cả một hội bạn tụ tập. Nghe bố mẹ nói khi ở nhà (nghe mắng, nghe than phiền hoặc nghe khuyên nhủ, nghe kể chuyện hàng xóm…). Nghe thầy cô giảng ở các bộ môn khác. Nghe đồng nghiệp trao đổi trong một buổi họp ở công ty. 

Chúng ta ngồi ở đó, tồn tại trong không gian đó với mục đích CHUNG là để nghe, nhưng với mục đích RIÊNG là để làm một cái gì đó khác. Có thể không liên tục nhưng cũng thi thoảng. 

Một số trường hợp cho thấy chúng ta lờ đi một cách tự nhiên việc không tập trung khi nghe

  • Cả nhà ăn cơm rồi bật phim hoặc tivi và thỉnh thoảng sẽ tập trung nói chuyện khác chứ không phải là cái đang chiếu trên màn hình
  • Nếu vừa ăn vừa xem một chương trình giải trí hoặc thời sự, kinh tế và có thể bàn luận về chương trình nhờ những lúc chuyển tiết mục, chuyển cảnh quay thì khoảng thời gian xem tivi lại thú vị hơn. 
  • Vừa coi phim vừa chơi games hoặc vừa xem bóng đá lại ảnh hưởng nhiều đến cả chất lượng bữa ăn hoặc trận đấu đang xem vì một bên thì cần sự thoải mái để thưởng thức – cơm ăn nóng mới ngon. Một bên thì cần sự tập trung để không bỏ lỡ những phút gay cấn, thậm chí là cú sút phạt chỉ tính bằng giây.
  • Đọc truyện trong lớp, hoặc trong giờ làm, lén chơi games hoặc coi video (đặc biệt là video có sub, thì không cần phải nghe, đọc và nhìn hình là được.
  • Nghe nhạc khi học, đặc biệt là nhạc có lời và bị tập trung vào nhún, nhảy, hát hay là nội dung đang phải học. 
  • Đang trong cuộc họp và có tin nhắn gấp từ người quen, người nhà. Hoặc gia đình có sự cố mà chưa về ngay được. Những lúc như vậy, thường thì khả năng tập trung sẽ giảm hẳn.
  • Buồn ngủ mà vẫn phải học, nghe. Ngủ lúc coi phim vì quá chán.
  • Nhắn tin cho người khác hoặc đọc comment, xem ảnh trên mạng khi đang ngồi nói chuyện trong một nhóm bạn. 
  • Đang học hoặc đang làm một việc gì đó rất tập trung nhưng bị đau bụng, bị ngứa, bị nhức đầu, đói cồn cào, hoặc ngửi thấy những mùi khó chịu. 
  • Dù bố mẹ cố truyền đạt cho con cái một điều gì đó khi mắng con. Hoặc người yêu cố truyền đạt cho mình điều gì đó khi họ than vãn, càu nhàu. Hoặc con cái cố truyền đạt cho bố mẹ điều gì đó khi chúng khóc lóc, lèo nhèo. Nhưng thực sự, chúng ta là người nghe, chúng ta chỉ thấy phiền, thay vì bỏ sức tập trung lắng nghe những điều như vậy. Trong nhiều trường hợp, là phát sinh và sống với cảm xúc khó chịu, tức tối, tiêu cực về mình hoặc về người kia. 
  • Nghe những lúc có tâm trạng không ổn định. Thất tình, bị mẹ mắng, bị trừ lương, bị bạn bè cà khịa, sau đó vẫn phải vào lớp học hoặc vẫn phải đi làm. 

Mức độ phức tạp mà não phải xử lí trong khi làm nhiều việc một lúc 

Lấy ví dụ 1, khi đang vẽ và nghe nhạc, cả hai việc đều cần trạng thái thả lỏng thoải mái và không bị sức ép về thời gian làm gián đoạn mạch cảm xúc. 

Lấy ví dụ 2, đang rửa rau, quét nhà và nghe một nội dung kiến thức khoa học, dinh dưỡng. Dù thông tin cũng hơi phức tạp nhưng cũng chưa hẳn đã đến mức khó không thể vào đầu. Các thông tin về dinh dưỡng thường cũng được nhiều thương hiệu khai thác như một cách thu hút người dùng gắn bó với thương hiệu của mình. Như vào siêu thị nghe hướng dẫn chọn rau, củ, quả. Vào tiệm cà phê nghe phân tích cảm xúc và tác động của môi trường lên chất lượng cuộc sống…

Lấy ví dụ 3, đang làm toán và nghe đọc truyện ma. Toán thì khó mà truyện ma thì đến hồi gay cấn. Đang đọc bài tiếng Pháp mà lại nghe nhạc Anh rồi buột miệng hát theo. Đang đọc sách (dạng truyện dài) lại còn nghe podcast về Thị trường tài chính. Đang lái xe ở đoạn đường xe lưu thông phức tạp nhưng trên đài đang kể chuyện trầm cảm sau hôn nhân. 

Combo các việc có thể làm cùng nhau cũng khá giống với việc chọn thực phẩm ăn cùng nhau sao cho không bị đau bụng, đi ngoài, hay không gây chướng bụng và cảm giác đầy hơi khó chịu. Thể trạng và tình hình sức khỏe có ảnh hưởng tới việc chọn lựa một combo cho phù hợp. Người khác cần nghe nhạc để làm việc, không có nghĩa là chúng ta cũng cần. Người khác cần nghe hài cho thoải mái lúc edit video không có nghĩa là chúng ta cũng cần. Người khác cần ăn hoặc uống cái gì đó trong lúc làm việc, không có nghĩa là chúng ta cũng nên bắt chước theo. 

Một combo có vẻ hiệu quả để làm gồm một việc không gây áp lực cho não bộ, có tác dụng kích thích nhẹ. Như một kiểu dỗ ngọt bản thân. Và việc chính chúng ta cần tập trung. Hiểu rằng, trong trường hợp rửa rau mà nghe podcast là vì chúng ta cần nội dung podcast kia để kích thích đầu óc vận động, suy nghĩ do việc rửa rau quá tẻ nhạt. Tuy nhiên, nếu nấu bếp một cách rất chuyên tâm và tập trung vào cái vẻ ngon lành của rau củ; có khi, chúng ta lại chỉ cần rửa rau là đủ. Và suy nghĩ tới chuyện nấu món gì song song thì hợp lí hơn là nghe podcast kinh tế, khoa học. 

Việc nghe ngoại ngữ lúc làm việc

Thực sự nó là việc không phải cần thiết và hiệu quả cho mọi người. Bài nghe ngoại ngữ cần dễ hơn cái chúng ta đang xử lí song song – cái mới chính là thứ chúng ta dành nhiều sự tập trung hơn lúc đó. Công việc không thể lấy làm chất xúc tác cho việc nghe nhạc hay nghe bài nghe ngoại ngữ hiệu quả. Ngược lại, vừa cố nghe được người ta nói gì trong audio và giải quyết công việc, tức là ta đang tăng cường độ stress lên cho não. Có thể vì ở mức độ nhẹ, nên chúng ta không cảm thấy nó có ảnh hưởng rõ ràng. Tuy nhiên, nếu làm thử một hoặc hai tuần, ta sẽ thấy việc cũng không ổn mà nghe thì điếc vẫn hoàn điếc. Vì vậy, chúng ta cần đặc biệt chú ý tới nội dung mình đang nghe là gì. Ưu tiên những nội dung rất dễ nghe, không cần bỏ sức tập trung mới hiểu và có thể lặp đi lặp lại nhiều lần (để giúp nhớ). 

Đối với việc nghe nhạc bằng ngôn ngữ đang học cũng tương tự. Âm nhạc còn là một sản phẩm tạo cảm xúc và cảm hứng, chúng ta chỉ nghe khi nhạc phù hợp tâm trạng. Chúng ta cứ lấy nhạc Việt hoặc nhạc một thứ tiếng gì đó mình không hiểu để làm quy chiếu. Có những bài hát, dù mình không biết tiếng Nga, tiếng Nhật mình vẫn thấy hay. Hay tiếng Thái, tiếng Hàn, mình vẫn thấy nó bắt tai (catchy), hoặc nghe vui tai. Trong trường hợp này, vì chúng ta đã mặc định ngay từ đầu là nghe không cần quan tâm ý nghĩa, nên bài hát cũng tương tự như một dạng tiếng ồn dễ chịu (tiếng ồn trắng) để kích thích sự tập trung. Đôi khi, nghe vui tai quá thì hát luôn (tạo ra các âm thanh vô nghĩa). Việc bất chợt hát lên thì chỉ cần hiểu là giải phóng cảm xúc để não không bị ức chế. Còn nếu cứ hát lâu thì có thể, chúng ta đang chuyển trạng thái tập trung sang việc khác là hát, làm suy giảm nhẹ hiệu suất công việc. 

Vậy vấn đề ở đây là âm nhạc có phải là một chất xúc tác hay chất kích thích nhẹ cho não ta làm việc không? Câu trả lời, cũng tùy vào từng cá nhân, tùy thời điểm trong ngày, tùy theo không gian, thể loại nhạc và tâm trạng. 

Vì vậy, khi đặt các mục tiêu như NGHE NGOẠI NGỮ trong lúc làm việc khác (việc nhà, vẽ tranh, tắm rửa, ăn sáng…) thì mình cần tìm hiểu lại thói quen, mức độ thoải mái, sở thích, mình thường có hứng thú và cảm thấy có động lực khi làm những việc gì. Sau đó, lên danh sách những thứ gây phiền nhiễu với mình khi đang xem phim hoặc đang làm bài tập. Để giải quyết phiền nhiễu thì chúng ta có nhiều cách: đi bộ, thay đổi chỗ ngồi, nghe nhạc, đeo tai nghe, uống cà phê, ăn nhẹ, tập thể dục, hoặc cả việc đi ngủ kèm báo thức 5-10 phút. 

Ở trạng thái siêu tập trung thì chúng ta có thể lờ đi mọi thứ (vậy phải xem chúng ta đang tập trung vào cái nào vào lúc đó!). Tuy nhiên, với những người nhạy cảm (về mùi, về nhiệt độ, về âm thanh) thì sẽ khó để họ có thể sống chung với lũ hơn, điểm nhạy của họ quá thấp đồng nghĩa với việc họ phải chịu đựng cảm giác tiêu cực với mùi, nhiệt độ, âm thanh. Có một cuốn sách, dù không hay lắm, có mô tả về những gì mà người nhạy cảm phải chịu đựng, đó là cuốn Vườn cam trong cung điện Versailles và Mùi hương sát nhân. Trong đó, tác giả mô tả một cô gái có biệt tài kết hợp các mùi hương cây cỏ để tạo ra những mùi nước hoa tuyệt vời. Nhưng cô gái này đồng thời cũng phải chịu. đựng cảm giác muốn ói, lờm lợm, kèm với các kí ức không vui khi ngửi thấy mùi máu tanh, mùi cá ươn. 

Mức độ phức tạp của thông tin cần nghe 

Bạn có thể thử bằng việc mở một nội dung không phải lĩnh vực mình quan tâm, để nghe bằng tiếng Việt trước. Ví dụ: Nếu là dân học văn, xã hội thì hãy thử nghe « bản tin thuế ». Nếu là dân học tự nhiên hãy xem qua một video về « giáo dục khai phóng » hoặc « chủ nghĩa hiện sinh ».

Không phải nội dung bằng tiếng Việt nào, chúng ta cũng có khả năng nắm bắt, hiểu toàn vẹn nội dung ngay lần đầu nghe. Nếu làm thêm bước thứ hai là ghi chép, cũng sẽ có những trường hợp, ghi chép của chúng ta không hề hỗ trợ cho việc giải mã thông tin sau khi nghe. Điều này làm cho việc ghi chép trở nên vô ích. 

Nếu trong trường hợp có chuẩn bị trước khi nghe thì sẽ như thế nào? Ví dụ, nếu nghe về việc nhà nước tăng thuế các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Thì chúng ta cần xem qua trước cách đánh thuế và các mặt hàng nông sản xuất khẩu phổ biến của Việt Nam là gì? Lưu ý, suốt các quá trình này, chúng ta vẫn đang ở các bước phân tích kỹ năng khi NGHE BẰNG TIẾNG MẸ ĐẺ.

Sau khi nghe qua lần 1, với khả năng diễn dịch thông tin, chúng ta có thể chủ động ghi nhớ những thuật ngữ khó hoặc những chi tiết khó trong nội dung vừa nghe xong. Sau đó thử tra Google để hiểu. Trong một số trường hợp, quá trình diễn giải thông tin sau khi nghe này kéo dài lâu hơn quá trình nghe. Nhưng nó bảo đảm cho chúng ta hiểu, nhớ và từ đó, có nền tảng để nghe những nội dung tương tự dài hơn và có thể khó hơn. Như vậy, một mũi tên trúng hai đích! Nghe hiểu được và muốn nghe tiếp để hiểu sâu!

Tại sao nghe không hiểu?

Trong một số trường hợp, có thể dẫn ra một trong các lí do sau: 

  1. người nói nói quá nhanh
  2. tốc độ của người nói không ổn định (lúc nhanh, lúc ậm ờ) cũng như 4G trên núi, làm ảnh hưởng tới chất lượng truyền tải
  3. âm sắc không rõ ràng ở một số chi tiết
  4. người nghe bất chợt bị phân tán, mất tập trung 
  5. thông tin quá khó để tiếp cận trong lần nghe thứ nhất
  6. bối cảnh phức tạp hơn dự đoán của người nghe
  7. trong audio hoặc video có nhiều tiếng ồn gây nhiễu (phỏng vấn trên đường phố)

Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác, người nghe đã thực sự bị cản trở trong suốt quá trình tiếp nhận thông tin. Vì vậy, họ cần nghe lại hoặc kiểm tra lại các chi tiết để bảo đảm rằng mình không bỏ lỡ những thông tin quan trọng.

Tuy nhiên, cần lưu ý về mức độ quan trọng của thông tin mà mình vừa bỏ qua trong các hoàn cảnh vừa nói ra ở trên. Có những chi tiết được thêm vào để tăng tính giải trí hài hước cho thính giả, mục đích là làm cho việc diễn đạt thêm sinh động nhưng không hẳn là thông tin quan trọng. Cũng có những nội dung hài hước được xây dựng có chủ đích và có ý nghĩa hơn, có thể từ ví dụ đó mà người nghe nắm bắt được vấn đề ngay và luôn. Nhưng không thường có trong nghe học thuật, diễn giả chuyên nghiệp không định nghĩa bằng khả năng hài hước. Có những thông tin quan trọng trong nội dung nghe, nhưng lại không đến từ người diễn đạt rõ ràng nhất (như giọng MC) trong đoạn audio mà đến từ khách mời ở xa, ở vùng bão (phóng viên) hoặc từ một người ít giao tiếp, không chủ động và linh hoạt khi nói trước máy quay hoặc trước đám đông (nhà văn, nông dân…) làm cho thông tin hơi lộn xộn, nhiễu, khó hiểu. Nếu người nói không chủ động co hẹp khoảng cách trình độ, cũng có thể sẽ gây khó dễ cho người nghe và việc này thì diễn ra khá thường xuyên.

Giải pháp cho việc luyện nghe

Không bàn tới chuyện không nghe được thì bỏ qua, cách làm chung, đặc biệt là khi chúng ta đang ưu tiên thông tin giải trí hoặc vui vẻ trong cách xem video ngắn hằng ngày. Định hướng này không giúp chúng ta tìm được cách cải thiện khi gặp vấn đề về nghe thông tin. Nếu không nghe được thì chúng ta làm gì? 

  1. Nghe lại
  2. Tìm một phiên bản rõ ràng hơn của nội dung vừa nghe/ xem để theo dõi lại.
  3. Việc nhờ một người khác giải thích cũng giống như bước 2 (tìm phiên bản dễ hiểu của nội dung đó)
  4. Theo các bước giải mã và kiểm tra thông tin như đã nói ở trên.
  5. Nếu là ngoại ngữ, cần nghe kèm ghi chép vì não sẽ quên rất nhanh các nội dung và không xử lí kịp các thông tin khó (dịch, hiểu)

Công thức chung có thể suy từ việc nghe nhạc Sơn Tùng là thấy: nghe lần 1 thấy dở, không hiểu hát gì, nghe lần 2 phải bật phụ đề, nghe lại giai điệu thấy catchy nên bấm nghe lại thêm lần 3, lần 4. Nếu bài hợp tai thì có thể sẽ được cắt nhỏ để làm nhạc viral trên tiktok hoặc các nền tảng video ngắn khác. Công thức làm nhạc này bây giờ quá phổ biến!

Vậy,

Cứ nghe hết để có cảm nhận hay thắc mắc, cần thiết thì tìm lại lời để đọc, đọc theo hoặc nhẩm theo một số đoạn thích mà dễ. 

Tiếp theo là chịu khó lặp lại những đoạn khó (như ca sĩ để hát được đoạn đó cũng phải nhờ giảng viên thanh nhạc hướng dẫn hoặc phải thu đi thu lại nhiều lần). 

Chúng ta nên tự đòi hỏi bản thân, làm như thế nào để có thể lặp lại tương đối một số đoạn khó trong bài nghe. 

Nghe thông tin: không vừa nghe vừa đánh giá

Đây là một vấn đề phổ biến, làm cản trở quá trình nghe của chúng ta. Nếu bạn nói quá nhiều (dưới dạng nói bằng miệng, hay nói trong đầu) thì cái chúng ta nghe được nhiều nhất là giọng của mình chứ không phải là của người nói. Vì vậy, có thể sẽ hơi giống « chậm tiêu » nhưng nghe và phản ứng quá nhiều trong lúc nghe không phải là một ý hay.

Khi nghe ngoại ngữ, chúng ta không tập trung vào phân tích tác động của nội dung thông tin đó, chúng ta không đánh giá nội dung đó là đúng hay sai. Hãy xem lại trường hợp của đứa trẻ đang càu nhàu bố mẹ chúng vì không mua món chúng yêu cầu. Chúng ta có xu hướng không tiếp nhận những thông tin mà mình cho là sai, tiêu cực, hoặc không đúng ý mình. Như cách chúng ta bịt mũi hoặc nín thở khi thấy mùi khó chịu, chúng ta cũng có thể khóa các thông tin đi vào tai mình khi mặc định nó là tiếng ồn, tiếng nhiễu, thông tin không chính xác. Vì vậy, một lời khá hợp lí trong trường hợp này là « Hãy giả vờ xem thông tin đó thực sự có ích, hợp lí, hay! » như cách chúng ta thúc ép bản thân uống thuốc khi bị bệnh: « thuốc này đắng nhưng nó sẽ giúp mình khỏi bệnh! ». 

Luôn luôn phải tự nhắc nhở mình khi chúng ta nghe ngoại ngữ: nội dung mình nghe là cái đúng với tình huống bài tập đó. Và cái đúng đó có thể không hợp lí với kiến thức và kinh nghiệm ta đang có trước đó. Như trong các bài phỏng vấn người đi đường, chúng ta đâu đánh giá thông tin của họ là đúng hay sai. Chúng ta cần nghe chuẩn rồi đánh giá sau, tránh đánh giá sai trước khi nghe… mà có thể đó là thông tin đúng. 

Vậy làm thế nào để đánh giá logic trong một bài nghe? Chúng ta cần xem xét tổng thể. Dựa trên nhiều kinh nghiệm tiếp xúc với cùng vấn đề đó để giải quyết. Vì vậy, tránh những trường hợp chỉ nghe 1 bài nghe về việc đi siêu thị và mặc định đó là tất cả những gì cần nghe về siêu thị. Mỗi bài nghe cho chúng ta một chủ đề. Nếu muốn thực sự nghe và hiểu được sâu hơn cần kết hợp hiểu bằng nhiều cách (mở rộng cái đã nghe, đã đọc) kết hợp với định hướng câu hỏi giúp người học xác lập nhanh được cách tiếp cận nội dung. Luôn nhớ: câu hỏi là lộ trình, là con đường. Nếu đi quen thì chúng ta hoàn toàn chủ động được, không bị lạc quá lâu. Trong thực tế, có những trường hợp chúng ta làm quen với đường đi trong một khu phố còn mất thời gian lâu hơn việc xác định HƯỚNG ĐI của nội dung mà ta nghe. 

Kỹ năng: luôn do luyện nhiều mà có. Rút kinh nghiệm và xử lí khi gặp sự cố để trở nên linh hoạt. Không phải là quá trình thụ động tiếp nhận. Chúng ta cũng nên bổ sung thêm một ý mở ở đây, khi nói kỹ năng nghe là kỹ năng thụ động. Nội dung nghe ở các bài thi hiện tại đều khó và dài hơn, lẫn lạ hơn những nội dung mà chúng ta có thể diễn đạt được bằng nói (chỉ nói cái mình đã biết, có kinh nghiệm, quan sát được) và viết (theo những gì mình nhớ, hình dung được và nghĩ ra được trong tức thời). Nói kỹ năng nghe là một phần làm người học bị bị động trong khoảng tiếp nhận thì sẽ chính xác hơn là hiểu nó thành cách chỉ cần nghe thụ động là sẽ tiếp nhận được nội dung. Không thể không nhắc đến điều quan trọng nhất, cứ cao lên một trình độ thì thông tin sẽ phức tạp hơn một. chút, độ khó tăng lên một chút. 

Ở các trình độ cơ bản như A1, A2, thông tin trong bài nghe được giải mã nhanh do nội dung trong đó rất đơn giản, chỉ dừng trong 2 đến 3 thao tác của những quá trình quen thuộc: mua đồ (chào hỏi – đưa thông tin – thử – thanh toán). Còn các nội dung nghe B1 trở lên không được xử lý thành một lộ trình chung như vậy nữa. Nếu có, thì nội dung bên trong cũng không phải chỉ cần một, hai câu nói đi nói lại, mà là 3, đến 5, đến 7 câu thì chúng ta mới ra được toàn thể chi tiết. 

Nghe kể cả khi không hiểu

Nếu đủ tò mò, chúng ta hoàn toàn có thể tiếp tục nghe cho đến phút chót. Cũng như công thức của nhiều kênh video, tiktok hoặc của. phim Trung Quốc. Cứ đến đoạn gay cấn là dừng ngang để người xem chết vì tò mò. Những nội dung ở trong một. bài nghe khó đòi hỏi một sự tò mò đặc biệt hơn để có thể vượt qua bước bị chán. Thông tin không có tính giải trí, khó hiểu, vậy làm thế nào để tiếp tục tò mò?

Trong trường hợp này, chúng ta cũng có thể dùng cách giả vờ đã nói ở trên. Giả vờ rằng mình cần nghe và thông tin quan trọng nó còn ở sau. Hoặc là đặt kỳ vọng về nội dung đó, nếu các bạn không thích dùng từ TÒ MÒGIẢ VỜ (rằng nội dung này hay, không phải NGHE giả vờ). Hãy xem như người nói là khách quý đến nhà mình. Vì phép lịch sự mình phải ngồi đó nghe họ nói. Cũng như một môn học ở trường, nó không hay, không thú vị nhưng nó là môn quan trọng nhất, không thể không qua. Tính cam kết tạo ra kỷ luật hoặc ngược lại, kỷ luật cao cho phép chúng ta dễ dàng cam kết. 

Việc đánh giá qua loa khiến chúng ta bị mơ hồ trong cách thực hành. Cần có một danh sách tiêu chí để xem xét khi nghe: 

. Mình biết gì về vấn đề này? (cái thường xuyên bị người nghe bỏ qua)

=> Nếu không có một nhận thức chung về vấn đề đang nghe (từ tiếng Việt) thì có khác gì chúng ta nghe bài hát Thái Lan vài trăm lần vì nó vui tai mà không hiểu gì. 

. Khả năng nhìn nhận logic trong thông tin

=> Thông tin có vẻ đúng khi nó được tách rời nhưng khi lắp ghép lại với nhau thì sẽ để lộ ra những lỗ hổng, làm chúng ta phải xem xét lại vấn đề. 

Khi nói về logic, chúng ta có thể đi từ một ví dụ đơn giản. Nếu bạn định nói dối ai đó, bạn cần cố gắng tìm cách để cho người ta tin, qua một chuỗi thông tin logic. Ví dụ: lúc còn nhỏ, muốn xin mẹ đi chơi mà được mẹ đồng ý, thì không thể thật thà nói rằng mình đi với đứa quậy nhất lớp. Mà nên nói là đi học nhóm, đi chơi với bạn đó học giỏi, ngoan… Ví dụ này muốn chứng minh một điều rằng: logic cũng không phải là năng khiếu hay cái gì đó khó nắm bắt, luyện tập nhiều là sẽ thành thạo. Quan trọng là dùng để suy luận và tư duy chứ không phải cứ dùng để nói dối và lừa lọc. Logic quá phức tạp thì sẽ làm thông tin trở nên khó hiểu, nhưng thực tế là không phải cứ khó thì ai cũng bỏ cuộc. 

Những lỗi sai về logic càng dễ gặp hơn khi chúng ta phát biểu hay diễn đạt bằng một ngôn ngữ khác. Dịch một số đoạn hội thoại ngắn mà chúng ta hay bị sa đà vào kể lể không đáp ứng được yêu cầu logic:

Đoạn 1

Câu bắt đầu: Tôi là một người thích âm nhạc. 

Câu hỏi: Bài hát bạn hay nghe thuộc thể loại nhạc gì? – Tôi không biết.

Đoạn 2

Câu bắt đầu: Tôi là người thích đọc sách. Tôi đọc sách mỗi tối.

Câu hỏi: Bạn có thích nhân vật nào trong số những cuốn sách bạn đọc không? – Không, tôi không đọc văn học hoặc truyện.

Câu hỏi: Bạn thích tác giả nào? – Tôi thích nhiều lắm, những tác giả người Mỹ. Tên họ hơi dài nên tôi không nhớ nổi.

Câu hỏi: Bạn hãy nói về nội dung của cuốn gần đây nhất mà bạn đọc. – Đó là một cuốn sách kinh tế.

=> Nhận xét: Người hỏi đang muốn kiểm chứng xem người này có thực sự thích đọc sách không. Nhưng anh ta không cho thấy bất kì bằng chứng nào về việc mình thực sự đọc thường xuyên. Một người không đọc sách và ăn nói linh hoạt thì vẫn có thể cho những câu trả lời được chăng hay chớ như trên. Về diễn đạt thì không sai, nhưng về logic thì chưa đạt yêu cầu.

Trên thực tế, thông tin ở trong một bài nghe phải rất cụ thể. Không thể là những đáp án chung chung như trên. Nếu chúng ta không thực sự đi tìm đáp án mà chỉ xoáy vào những chi tiết vòng quanh thì chúng ta sẽ không giải mã được bài nghe. Như thể bị ăn trộm dắt mũi đi lòng vòng. 

Khi nghe những ngoại ngữ như Anh / Pháp, cái gọi là cảm giác về câu rất quan trọng. Đặc biệt từ khoảng trình độ B1/ B2 trở lên. Việc trả lời các câu hỏi: Ai? Cái gì? Ở đâu? Làm gì? Như thế nào? Với mục đích gì? Tại sao? Bao nhiêu? sẽ được chia nhỏ dần đến tiểu tiết và cần thời gian để gạn lọc. 

Lấy ví dụ về một danh sách câu hỏi chung trong một bài nghe

  1. Đó là giọng của ai? 
  2. Người này làm gì và làm việc ở đâu? 
  3. Giọng của người này như thế nào? (có khẩn thiết, cấp bách, hay chào mời gì đó không?)
  4. Anh ta nói về ai? => Mở rộng các câu hỏi về nhân vật này nếu có thể.
  5. Nói cho ai nghe? => Mở rộng các câu hỏi về nhân vật này nếu có thể.
  6. Anh ta đưa ra dạng thông tin gì? (yêu cầu – hỏi – giải đáp – chỉ trích – hướng dẫn – xin lỗi – phán đoán – khen ngợi…)

Ngoài ra, với những bài nghe ở các mức độ trung cấp trở lên, thông tin có thể đi theo những mô hình cấu trúc chính như: đối lập – tương phản, khẳng định – phủ định, nguyên nhân – kết quả, giả thiết – hệ quả, mục tiêu – thực hiện, lý thuyết – thực tế. Những đoạn thông tin chỉ có một trong hai yếu tố bắt cặp đều mắc lỗi diễn đạt, không hoàn thiện tác vụ giao tiếp. Và những dạng diễn đạt lỗi như vậy không xuất hiện trong bài đọc hay bài nghe. Vì vậy, khi xử lí vấn đề, nếu đã phát hiện ra nguyên nhân thì cần kiểm tra lại hậu quả đã được liệt kê ra chưa. Nếu đã phát hiện ra chi tiết lý thuyết thì tìm tiếp đoạn nói về thực tiễn áp dụng. Không bỏ lửng vấn đề. 

Làm hết các bước nhưng không bao giờ đặt kì vọng

Những thứ sẽ làm bạn kiệt sức trước khi có thể nghe được đó là: mất quá nhiều thời gian để căng thẳng và lo sợ mình sẽ không nghe được, không cho mình một deadline đủ mà hay đưa ra những thách thức không tưởng như:

  • 15 ngày nói được tiếng Pháp
  • 30 ngày nghe được tiếng Pháp B2
  • Phục thù 10 điểm nghe B1 bằng 20 điểm nghe B2
  • Nghe B2/C1 chép kín mặt giấy
  • Nghe 8 tiếng mỗi ngày như người bản xứ (trong khi còn phải đi học và làm việc bằng tiếng Việt, tiếng Anh)
  • Nghe 15 bài B2 mỗi ngày. 

Nếu có ai làm được những nội dung này, chúng ta cần xem xét trước background của họ và xem họ đã thực sự khởi đầu khi nào. Như một người học 3-4 năm ở một trung tâm Anh văn quốc tế sau đó đặt mục tiêu 3 tháng luyện nghe IELTS 9.0 nó sẽ khác với việc trước nay chúng ta không nhạy bén với ngôn ngữ và làm theo mục tiêu tương tự. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có nói trong cuốn “Người Quảng đi ăn mì Quảng” là nếu như không thể trở thành thần tượng, chúng ta thường có xu hướng bắt chước một cái gì đó trong khả năng như ăn mặc giống thần tượng, mặc áo, đi giày giống thần tượng. Việc tương tự với một số trường hợp khi nghe người khác khoe mẽ thành tích, sau đó, chúng ta cũng mua cùng cuốn sách và không thu hoạch được gì hoặc mua về để đó mà không thực sự học.

Tham khảo chi tiết một bài thực hành nghe (áp dụng từ 5-10 lần nghe/ bài)

Các bạn có thể đối chiếu thời gian mình xử lý một đoạn tin tức để cho ra bảng câu hỏi và đáp án để đánh giá năng lực nghe cho học viên B2 (thường kéo dài khoảng 2 đến 3 tiếng cho một bài nghe 3 phút) 

  1. Nghe và đánh giá xem chủ đề có phù hợp không, có đoạn nào có độ khó vượt trình độ không.
  2. Nghe hiểu qua 1 lần. Nghe lần 2 và lần 3. Có một số đoạn cần nghe từ 3-5 lần để xem xét lại một số ẩn ý của người nói (ví dụ: người nói dẫn ra tên một nghị sĩ Quốc Hội nào đó có phát biểu gây shock trong thời gian gần đây, người nói dẫn ra tên một đạo luật « tăng tuổi tính hưu trí cho người lao động tại Pháp » vừa được thông báo – thường lấy tên Bộ trưởng, một start up có tên bằng tiếng Anh hay một hội chứng tâm lý được đọc lại bằng tiếng Anh/ sẽ rất khó nghe) 
  3. Tìm các từ khóa chính để sắp xếp thành danh sách câu hỏi. 
  4. Giấu các chi tiết để câu hỏi sau không làm lộ đáp án của câu hỏi trước. Trong một vài trường hợp, cần đưa thêm một số gợi ý để không đến mức gây khó dễ cho học viên.
  5. Cân nhắc một số từ khóa cần đưa ra gợi ý cụ thể về ngữ cảnh và nghĩa để người nghe không bị nhầm lẫn. 
  6. Kiểm tra và soạn lại đáp án, để không bị quên.

Còn đối với các bạn đang làm bài luyện kỹ năng nghe, thứ tự các bước có nhiều thay đổi: 

  1. Nghe để có cái nhìn bao quát về chủ đề (lưu ý, gồm những ý tưởng phát hiện được mà chưa có câu trả lời) chứ không phải cứ bao quát chủ đề như xe đạp điện, làm thêm mùa hè là đã xong bước này.
  2. Ghi chú các từ khóa. 
  3. Giải quyết logic của câu hỏi và  các từ khóa nghe được.
  4. Một số từ khóa đặt nghi vấn: cần tra từ điển, wikipedia, tìm thuật ngữ tiếng Anh – dịch sang tiếng Việt và đối chiếu lại xem có bổ sung được chi tiết đó vào để hiểu nội dung hay không. 
  5. Hoàn thiện bản văn, hoặc có sơ đồ và nhẩm qua các ý được đưa ra trong bài nghe. Đọc to là một cách kiểm chứng hiệu quả nếu chưa quen với việc logic vấn đề. 
  6. Hoàn thiện chính tả nghe nếu có thể.
  7. Đối chiếu đáp án, kiểm tra cuối. Phát hiện còn thông tin nào mình chưa hiểu thì đi đọc thêm. 
  8. Nếu thông tin còn kèm thêm một số nguồn trích như: theo báo cáo của OMC, OFC thì đọc thêm vai trò, tên đầy đủ, tên báo cáo… 
  9. Nghe lại nhiều lần nếu chưa thực sự nhớ được 30-40% những gì bài nghe đề cập.

Nghe ở những điều kiện khó hơn: như có tiếng ồn, nghe bằng 1 bên tai nghe khi ngồi ở chỗ đông người như quán cà-phê, nghe bằng loa và để ở khoảng cách xa hơn hoặc mở hơi nhỏ hơn như một bước rèn luyện thính lực. 

Thường để làm hết được các việc như thế này thì mỗi ngày mình chỉ nghe được từ 3-4 bài nghe. Một bài cũng không phải là vấn đề, nếu chất lượng làm việc với bài nghe đó của chúng ta tốt. Còn nếu các bạn đang học B2 mà một ngày nghe tới khoảng 10 bài nghe (do muốn nghe nhiều hoặc không có thời gian và muốn xử lí hết một lúc), thì nhìn chung là sẽ khá loạn và không xử lí được sâu các nội dung mình nghe. Vì vậy, đưa cho một nội dung khác cùng chủ đề, chỉ khác người trình bày, đôi khi cũng đã là làm khó các bạn. Nếu đã có ít thời gian để học, thì cần học sâu nhớ lâu thay vì đi rộng lan man nhiều nội dung. 

Trừ trường hợp, đó là những chủ điểm vô cùng quen thuộc: bạn học về khoa học môi trường và nghe các bài về ô nhiễm đất – nước – không khí; bạn học y và nghe về sự phát triển của tế bào ung thư.

Kỹ năng nghe được trình bày qua 3 tập podcast (tập 3 dành cho các trình độ B1 trở lên)

Với các bạn học song ngữ và chịu khó nghe từ nhỏ, kỹ năng nghe được phát triển song song với việc tiếp thu các kiến thức mới từ ngôn ngữ học. Lộ trình sẽ ít phức tạp hơn. Có rất nhiều bước trong bài viết này có thể bỏ qua. Nhưng, hãy phân biệt rõ rằng, thời gian mình dành cho việc nghe ngoại ngữ nhiều hơn người học cấp tốc hay người học trưởng thành rất nhiều (tính cả thời gian nghe giáo viên giảng bài, nghe bạn bè phát biểu…).

Khuyến khích các bạn xây dựng một lộ trình luyện nghe liên tục từ 8 tháng đến 1 năm (như A0 lên B2). Hiệu quả thì phải làm được khoảng 50% lộ trình chúng ta mới đánh giá. Lưu ý, như trường hợp của B2, ở trong mỗi sách học thường có trung bình từ 8 đến 10 chủ đề. Mỗi chủ đề như vậy cần trung bình 5 bài nghe. Vậy thực tế, để hoàn thành thật tốt kỹ năng nghe B2, bạn cần phải nghe và giải quyết chi tiết trung bình 40 bài nghe thuộc 8 chủ đề cụ thể, chứ không nên theo hướng đụng gì nghe nấy, tràn lan, thiếu định hướng.

Sách về kỹ năng nghe (bản PDF)

HỌC ĐI THÔI nghe nói – hệ thống phần ngữ âm và phương pháp luyện nghe

Bản xem thử: http://bit.ly/2BoSEzA

HỌC ĐI THÔI giao tiếp, bản xem thử: http://bit.ly/2TDm6cr

Khóa học đọc – nghe – nói B1 (mô tả và lộ trình khóa học): https://docs.google.com/document/d/10upI1Q2J3g1DCGWxu7ihuXmc-3KJ-O_cgsEP5ldxMug/edit

Leave a Reply