co-hoi-cho-nguoi-hoc-tieng-phap

Chuẩn bị hành lý khi đi du học Pháp như thế nào?

Từ lúc còn sống ở Pháp cho đến thời điểm hiện tại, nói hàng trăm lần thì hơi quá nhưng tính ra cũng phải vài chục lần mình nói chuyện, chat hoặc lên một list « đồ đi du học » cho bạn bè, người quen, học trò. Mà thậm chí là không phải chỉ kê ra một list để đó, mỗi năm cũng phải vài lần mình ngồi gần 2 tiếng đồng hồ cà-phê để giải thích và nhắc cho các bạn sắp đi những thứ cần phải chuẩn bị.

Cũng không biết sao, ngày xưa, lúc đi du học mình cũng chỉ lên mạng tìm danh sách này và tự chuẩn bị cho bản thân thôi. Nhưng nếu viết ra càng chi tiết thì sau này cũng sẽ không chỉ có những bạn mình biết, mà bất kì ai đó khi đang cần tìm thông tin này cũng sẽ có thể dễ dàng « đóng gói đồ đạc » cho… có thể là lần đầu xuất ngoại lâu dài như việc đi du học.

Nếu các bạn đang bước đầu lên kế hoạch đi Du học Pháp thì có thể nghe tập Podcast này trước:

Tìm hiểu quy định về hành lý cho chuyến bay quốc tế trước khi đóng gói đồ đạc thậm chí là trước khi mua vali

Đối với các kinh nghiệm trong bài viết, các bạn cần lưu ý một số điểm. Một là, đọc kĩ quy định về hành lý trên điều kiện vé máy bay về số cân, số kiện, quy chuẩn đóng gói hành lý, kích thước vali ký gửi và vali xách tay. Nên tìm hiểu thật kỹ vấn đề này, vì các quy định có thể thay đổi ít nhiều và mình cũng không đề ra cụ thể trong phạm vi bài viết này là hành lý ứng với khối lượng bao nhiêu kilogramme.

Thứ hai, hãy đọc kỹ các quy định về transit nếu bạn quá cảnh ở một số nước lạ, đặc biệt nếu quá cảnh ở Nhật, Đài Loan và Singapour (có thể có vài nước khác có thêm quy định đặc biệt, nhưng đây là 3 nước có quy định về hành lý ở sân bay khá chặt chẽ và mình từng được bạn bè chia sẻ lại một số tai nạn hành lý ở sân bay). Đa số các chuyến transit thì không yêu cầu khai hành lý ở sân bay quá cảnh nhưng cẩn thận vẫn hơn.

Thứ ba, đọc kỹ quy định và cách phân loại chất lỏng, gel, quy định về dung tích trên bao bì hay theo lượng sản phẩm. Xem hướng dẫn đóng gói một số hành lý dễ vỡ, khó bảo quản, các loại bột trắng hoặc bột mịn (như bột sắn dây, matcha), các vật sắc nhọn, pin của thiết bị hoặc sạc dự phòng (thường pin li-on rời, pin dự phòng của các máy móc điện tử phải để ở hành lý ký gửi)

Tóm lại, liên quan đến phân loại, kích thước, dung tích, khối lượng và quy cách đóng gói, các bạn cần để ý. Quy cách đóng gói thì không phải là bắt buộc trong nhiều trường hợp nhưng sẽ là mẹo giúp các bạn còn nguyên vẹn đồ khi đã đặt chân về tới « nhà của mình » ở Pháp sau một chuyến đi dài, jetlag và mệt mỏi.

Quần áo trong hành trang du học – Giày dép – Mũ nón – Khăn (hoặc là cả khẩu trang)

Khoản đầu tiên là đồ mặc, bao gồm trang phục và các loại phụ kiện. Nếu nói về việc mặc đồ thì thời tiết ở Pháp có thể chia làm hai giai đoạn : đông xuân là đồ lạnh và hè thu là đồ thoải mái, đồ mùa nóng. Về mùa đông, các trang phục tối màu được ưu tiên hơn sáng màu vì tiện, tính giữ nhiệt của màu sắc tối, đỡ phải bảo quản quần áo hơn (hãy tưởng tượng một chiếc áo trắng mà bị một vế ố nước trà thôi là chắc chúng ta sẽ không muốn mặc lại nữa). Vì mùa đông còn có mưa phùn và tuyết, nên trang phục chống thấm tốt cũng được ưu tiên hơn để tránh cảm giác ẩm mốc khó chịu.

Để giữ ấm mùa đông, một trong những tips giúp cho đồ bớt cồng kềnh và nặng người hơn (cực kì cần cho bạn nào người nhỏ con) đó là mặc nhiều lớn, gồm một lớp áo giữ nhiệt (thường có kiểu tay dài, áo trắng, đen, xám, be màu đơn giản, chất liệu giữ nhiệt tốt có thể là sợi dệt hoặc polyester cho hội nhà nghèo). Các loại áo giữ nhiệt này nếu không tìm thấy ở Việt Nam các bạn vẫn có thể dễ dàng tìm mua ở Pháp ở một số trang bán hàng với từ khoá « sous-vêtement thermique » hoặc là « sous-vêtement de ski » (dù đồ mặc trượt tuyết thì bình thường cũng có thể mặc chống lạnh được, quan trọng là cơ thể được giữ ấm tốt).

Thứ hai là một lớp áo sơ-mi hoặc áo vải mỏng, các loại sơ-mi và áo vải mình nghĩ các bạn lựa chọn từ thương hiệu ở Việt Nam để vừa size và có giá hợp lí. Form áo ở châu Âu của nhiều hãng phù hợp cho người vai rộng và lưng dài. Đối với mình thì lớp áo này cần để bớt sự cọ xát giữa các lớp áo dày với da gây ngứa ngáy. Vì mùa Đông ở nhiều vùng của nước Pháp khá là khô nên làm sao để giữ cho da dẻ bớt bị kích ứng, ngứa mẩn vì vải vóc khá là cần thiết. Da ai cũng có thể trở nên nhạy cảm hơn sau khoảng nửa năm, một năm ở Pháp.

Với các loại áo quần có thể mua ở Pháp. Áo len là lớp áo và loại áo thứ ba chúng ta nên có. Đã có lớp áo giữ nhiệt rồi thì đến lớp áo thứ ba, chúng ta cũng đỡ được phần nào việc phải cân nhắc giữa những chiếc áo len đắt đỏ có thương hiệu. Áo len rộng, cổ tròn và màu sắc trung tính sẽ dễ phối hợp đồ nhất. Đừng chọn những loại nổi bật như Asian Girl hay bánh bèo châu Á như chấm bi, đỏ, hồng néon và cam loè loẹt.

Mình khá thích áo len của GAP, quần jean của GAP cũng ổn trong mức giá bình dân tại Pháp. Nếu mua vào đợt giảm giá thì rất hời, rất bền màu. Một chiếc áo 20 euros mình đã mặc suốt hai mùa đông ở Pháp vẫn còn mới và không bị xù lông. Đồ len vừa tiền thì các bạn nên ra cửa hàng mua để sờ thử chất len hoặc mặc thử lên người xem có bị cọ xát da gây ngứa không vẫn tốt hơn. Mua đồ trái mùa hoặc trước khi trời lạnh hẳn là một lựa chọn tối ưu.

Với áo măng-tô (manteau) các bạn có thể chọn mua đồ cũ (vintage, d’occasion) ở các trang như leboncoin hoặc các app mua đồ pass lại hoặc ở một số đợt vide dressing. Vide dressing có thể hiểu như là garage sale hoặc sự kiện pass đồ (offline) của nữ giới ở nhiều thành phố lớn; website thì các bạn nên xem thêm review để lựa chọn.

Để biết vide dressing diễn ra ở đâu, khi nào thì các bạn nên chú ý các sự kiện ở thành phố trong một số nhóm hoặc qua giới thiệu trên facebook.

Nếu muốn mặc áo phao (blouson thermique) hoặc parka cho nhẹ, tiện và năng động hơn. Các bạn có thể mua và mang theo từ Việt Nam. Với giá tầm 3-400 ngàn mình thấy cũng khá là hợp lý so với áo giá vài triệu ở Pháp. Mình vẫn khuyên là nên chọn các màu tối như xanh rêu, xám, xanh đen, tím than v.v…

Áo nỉ, hoodie cũng là một lựa chọn hợp lý cho mùa đông và đầu xuân còn lạnh. Nhưng riêng các bạn nữ ở Pháp thì thích phong cách chic, nữ tính – thanh lịch và sang, hơn là kiểu teenager, tomboy.

Đồ mùa hè thì các bạn mặc như ở Việt Nam cũng không có vấn đề gì. Sau một mùa đông « đen thui » thì đến mùa hè các bạn Tây sẽ banh nóc với đủ các thể loại màu từ pastel cho tới rực rỡ hoa lá cành của xứ nhiệt đới.

Các loại khác như underwear, tất, legging (tất lưới cho mùa đông với nữ giới), pyjama nên chuẩn bị cho một tuần thay đổi được là hợp lí. Không nhiều quá cũng không ít quá. Hoặc bạn nào thích extra thì có thể sắm hẳn chục bộ mang đi. Các loại đồ mặc nhà và đồ dài, giá hợp lý, vừa người và thoải mái, đa dạng về màu sắc thì chỉ có Việt Nam mới kiếm được. Ở Châu Âu thì kể cả đồ con nít đôi khi trông cũng bị già hơn cuộc sống đa màu sắc của người châu Á chúng ta. Cũng không biết nữa, mặc đồ ở nhà mà đồ mua Việt Nam luôn cho mình cảm giác đỡ nhớ nhà hơn, có cái gì đó của Việt Nam luôn ở bên mình mỗi đêm khi ngủ và mỗi sáng thức dậy.

là một món phụ kiện cần thiết cho mùa hè, đi lại trong thành phố cũng nên có mũ cho đỡ nắng, mũ vành hay mũ lưỡi trai. Hoặc là găng tay mùa đông (cũng không cần thiết lắm đâu vì mình thấy nó cũng chẳng ấm lên bao nhiêu, thao tác thì khá bất tiện). Ô (dù) đi mưa thì các bạn nên có một chiếc ô gấp gọn chất lượng, hoặc áo đi mưa dạng áo cánh dơi hoặc áo chỉ mặc nửa trên cần cho một số ngày đầu xuân hay có mưa phùn hoặc mấy ngày mưa bão gió đùng đùng, dùng ô (dù) chẳng giải quyết được gì.

Quần cũng nên ưu tiên mua ở Việt Nam hơn ở Pháp. Để kiếm được quần vừa size thì rất khó khăn. Nếu lúc ở Việt Nam mà các bạn đã thuộc sẵn tuýp mua đồ phải đem sửa mới mặc được thì tốt nhất là cứ có quần mang đi mà mặc chứ bên Tây không có bà cô nào mở hiệu sửa quần áo lấy 20k cho một cái lai quần đâu (20k là một con số tượng trưng thôi nhé)

Tóm lại, ưu tiên những loại cần đúng size vừa người, mỏng nhẹ, đồ mặc nhà và trang phục cơ bản. Nếu bạn nào có ý định làm vài bộ ảnh áo dài trên đất Pháp thì mình cũng không có ý kiến vì nó vẫn là đồ mỏng nhẹ. Còn sắm đồ để tiệc tùng, prom hay lễ hội gì đó thì thực ra cũng không cần lắm đâu.

Về giày dép thì mình khuyến khích với các thể loại dép, xăng-đan còn các loại cồng kềnh từ sneaker đến botte thì ở Pháp mua thoải mái. Dép tông, dép lào, dép đi trong nhà, dép để tiện chạy đi đâu gần gần không có bán. Giày thì loại nào êm chân cho đi bộ nhiều, mang một hai đôi từ Việt Nam sang cũng được như giày của Bitis hay Ananas chẳng hạn. Nếu cần, có thể mua thêm miếng lót giày (nên sắm trước miếng lót giày ở Việt Nam).

Có một hộp kim chỉ nhỏ để phòng trường hợp tự sửa đồ, khâu cúc áo cũng là rất cần thiết.

Đồ fake không đến mức lúc nào cũng bị kiểm tra và phạt hành chính, nhưng các bạn hình dung, châu Âu cũng là cái nôi của sở hữu trí tuệ và sáng tạo thời trang. Chúng ta có thể dùng trên người một món đồ nào đó đắt tiền, rẻ tiền không quan trọng. Nhưng một người dùng một sản phẩm ăn cắp trắng trợn chất xám và thành quả sáng tạo của những người làm thiết kế, sáng tạo thì rõ ràng là một điều không hay ở xã hội phương Tây.

Một chiếc áo còn không làm nên thầy tu huống chi là chiếc áo thun vài chục ngàn có hai chữ C ngược, rồi chiếc túi vài trăm có gắn logo Gucci. Đừng chọn những món đồ dán logo trên người để khuếch trương không cần thiết, lại còn bị phản ứng ngược các bạn nhé.

Bạn nào chân nhỏ quá thì hoặc chọn không mang hoặc phải chọn mua đồ dành cho trẻ em nhé (size 35, 36 của người Việt tương đương size cho trẻ 12-14 tuổi châu Âu). Mình không nghĩ là cao gót hợp với kiểu đường đá lõm chõm và cái lịch trình mỗi ngày vài cây số đi bộ ở Pháp.

Các đồ dùng chăm sóc bản thân và phục vụ sinh hoạt hằng ngày

Trong vali đi du học thì ít nhiều mình nghĩ các bạn nên có một combo những thứ cơ bản một bộ kit để úp mì, đựng rau và một cái chén nhỏ đựng tương, ớt, nước mắm. Hầu như mỗi bạn sang đều mang theo 1 chiếc nồi cơm điện mini. Không nấu cơm thì kho thịt, nấu xôi, luộc củ quả cũng tiện. Mình có một chiếc nồi vẫn chủ động hơn. Theo mình đó là đồ cơ bản để đi bất kỳ đâu và xử gọn trong mấy ngày đầu tới Pháp hoặc là trong những giai đoạn chuyển nhà, tìm nhà đột xuất ngoài ý muốn.

Một chiếc bình nước gọn nhẹ để mang đi học. Ống hút inox. Đùa, thìa, dao nhỏ, đặc biệt là chiếc dao hai lưỡi gọt trái cây thần thánh mà không mang thì sang Pháp sẽ phải khóc ròng bỏ mười mấy euros ra để sắm. Một vài chiếc kẹp hay móc phơi đồ nhỏ gọn không nặng hành lí lên bao nhiêu nhưng sẽ rất tiện cho sinh hoạt sau này.

Các loại khăn tắm, khăn mặt. Tất nhiên, Việt Nam đất mẹ là nhất. Hãy hình dung, nếu ngày đầu tiên tới Pháp mà phòng chỉ có mỗi một chiếc giường và cái bàn học, bếp thì có nhưng nồi thì không và nắp vung nồi là thứ bất chấp quỷ thần cũng không gọi ra được, thì ăn món gì trước khi lao ra đường đây?

Những vật dụng lặt vặt cá nhân như nhíp, giũa móng tay, cắt móng tay, kéo nhỏ, lược cũng nên có. Những món này nhiều khi đi du lịch hay công tác còn phải chuẩn bị huống chi là đi du học đúng không?

Một bộ kit các loại đồ skincare vệ sinh cá nhân travel size, đối với mình là hoàn toàn hợp lý khi đưa vào hành lý. Chúng ta phải có gì đó để dùng trước khi tìm ra loại phù hợp ở khí hậu và thời tiết mới. Sau này, nếu còn băn khoăn chọn sản phẩm, các bạn có thể chọn những sản phẩm dành cho da nhạy cảm (peau sensible) hoặc là cho trẻ sơ sinh (bébé như sữa tắm, nếu da bị khô và kích ứng nhiều). Trước khi sang Pháp thì các bạn cũng nên tìm hiểu qua một số brand phổ thông như Bioderma, Avène, Vichy, La Roche Posay, Yves Rocher, Garnier, Loreal, Cadum, Jonzac, Biotherm, Melvita, Embryolisse v.v… đã có bán ở Việt Nam.

Drap giường, vỏ gối nếu muốn có 1, 2 bộ để thay đổi, giữ vệ sinh cho phòng, giảm bệnh mùa lạnh và để dễ ngủ thì các bạn hãy canh chừng theo size giường đơn (thông thường). Màn thì không cần vì chẳng lo muỗi đâu. Còn nếu có cái quạt mini để bàn giải nhiệt mùa nóng thì cũng ổn áp đấy, đề phòng nóng quá mà dân Pháp vét sạch quạt ở các siêu thị mua không được.

Hành lý của mình trước đây còn có cả bàn ủi loại nhỏ, máy sấy tóc loại nhỏ (để sấy quần áo mùa lạnh trước khi mặc lên người cho ấm nữa). Tuỳ các bạn cân nhắc nhé !

Nếu bị cận và đeo kính, hãy cắt thêm 1 cặp kính mang theo, đỡ tiền hơn nhiều lắm. Và kéo cắt tóc (cho nữ), tông-đơ (tondeur) cho nam.

Một chiếc ổ cắm điện có 2 chấu và 3 chấu loại tốt để ra đầu dây điện cho các thiết bị trong nhà. Các loại sạc, giá để máy tính, ốp lưng (nếu các bạn thích đổi áo cho điện thoại)… Sạc dự phòng đều nên chuẩn bị. Còn nếu các bạn là dân Hitech dùng các thiết bị điện tử thì hàng châu Âu vẫn chuẩn tốt, không cần phải sắm sửa cồng kềnh.

Trong trường hợp cần mà không có các món mình vừa liệt kê, để cho nhanh và tiện, giá hợp lí thì các bạn cứ lên amazon mà tìm.

Thực phẩm khô và gia vị cho những bữa ăn Việt xa nhà

Nếu có tâm hồn ăn uống và đặc biệt luôn đặt ẩm thực Việt lên trên các nền ẩm thực khác, lại còn thích lăn vào bếp thì các loại gia vị khô, ngũ vị hương hoặc gia vị gói sẵn ở siêu thị cho một số món phở, bún, kho, sốt, các bạn hãy cho một hai gói vào vali, không thừa.

Thực phẩm khô chỉ cần hút chân không và đóng gói kĩ đều có thể được thông quan mà không bị lo phạt về quy định bao bì như cá, thịt, ruốc, tôm, gà khô. Các loại hút chân không rồi mà muốn bảo quản lâu khi ở Pháp thì các bạn nên để ngăn đá. Lúc nào dùng thì mang ra sấy sơ trên chảo nóng, và bỏ tủ lạnh vì chúng rất dễ mốc. Đồ ăn ở Pháp dễ mốc cực kì.

Các loại ớt bột hoặc ớt khô hoặc ớt tươi đóng gói hút chân không, vì các bạn Tây không có ớt.

Các loại trà và cà phê, đồ sấy khô. Mì gói, phở gói. Cho những ngày chưa đầy đủ được một cái bếp yêu thương của người sinh viên.

Thuốc – vật kỷ niệm – tiền mặt và cả tiền Việt

Hãy nói về các loại mua ở tiệm thuốc trước : thuốc nhỏ mắt, berberin, hoặc thuốc than (loại hay uống khi bị ngộ độc thực phẩm, trúng độc), panadol và một vài thứ kháng sinh cơ bản, kẹo ngậm, thuốc bổ mắt, vitamine tổng hợp, vitamine C hay nhóm B…

Các bạn có thể tới tiệm thuốc gần nhà để hỏi kê một vài liều cho các bệnh thường gặp như đau đầu, sốt, ho, sổ mũi, đau bụng các loại, thuốc giảm đau cho một vài trường hợp như đau răng… Bản thân mình thì mình ưu tiên dầu gió, gừng (ở Pháp mua mật ong thoải mái), dung dịch vệ sinh mũi dạng chai xịt nhỏ cầm tay, thuốc nhỏ mắt (chủ yếu để bớt mỏi mắt) và các loại thuốc đau bụng nhưng có nguồn gốc thảo dược. Gừng, tinh bột nghệ hoặc một số thảo dược pha uống như trà hoặc socola đen có tác dụng tốt cho các bạn nữ bị đau bụng ngày đèn đỏ, đừng tuỳ tiện mua uống khi không có chỉ định nhé.

Chung quy thì tinh thần và thói quen sinh hoạt quyết định tới sức khoẻ chúng ta nhiều hơn chứ thuốc thang chỉ là để dự phòng.

Nhưng hãy để ý nếu các bạn hay bị dị ứng với loại thực phẩm hoặc tác nhân nào đó. Lúc mới sang thì gần như rất ít ai uống được sữa ở Pháp, mình cũng không tìm hiểu kỹ về khuẩn hay men dạ dày gì lắm, có điều các tuýp uống hoặc viên uống men tiêu hoá rất cần cho các trường hợp thay đổi chế độ ăn. Nếu chẳng may bị ốm rồi nhạt miệng hoặc không ăn được hoặc uống sữa mà bị sôi bụng thì men tiêu hoá sẽ giúp ích rất nhiều cho các bạn đó. Món này nhất định phải cân nhắc nhé!

Những tuýp bôi nho nhỏ trị sẹo, trị bỏng, xức khi bị ngứa, cước da cũng cần như 1 tuýp Lucas Papaw Ointment hay Pathenol để phục hồi da (ngứa, bỏng…) chẳng hạn. Ngoài ra còn có một số thứ lặt vặt như miếng dán mụn, urgo dán vết thương, bông và gạc.

Nói tới tinh thần, mình nghĩ các bạn nên mang theo một bức ảnh hoặc một album ảnh in càng tốt, ảnh gia đình, bạn bè, người yêu, vợ/ chồng, người thân. Đó là một đồ vật rất có giá trị nâng đỡ và tiếp sức cho chúng ta rất nhiều khi đi xa nhà. Facebook hay videocall hằng ngày không thay thế được, khi bất chợt chúng ta muốn nhìn thấy họ. Qua những bức ảnh đã rửa in thì luôn có cái gì đó để nâng niu thực sự hơn. Một cuốn sổ nhỏ mà trước khi đi, chúng ta nhờ bạn bè ghi chú cho vài dòng. Đó là những thứ mà khi đi xa, chúng ta mới thấy quà tặng về tinh thần thực sự có giá trị.

Lúc trước, mình được nghe kể chuyện một chị, trước khi đi học bác sĩ ở Úc, lén mang theo chiếc áo công nhân của Bố để mặc ngủ hàng đêm. Mãi đến sau này người bố mới biết khi chị ấy kể lại. Và chú ấy là người kể lại cho mình nghe. Mình chỉ kể vắn tắt thế thôi, để các bạn tự trải nghiệm nhé!

Mình có một hai cuốn sách mỏng mang theo trong hành lý như thơ (thơ của chị Nguyễn Thiên Ngân) hoặc tuỳ bút, tản văn để lúc chỗ đất khách quê người có chút tiếng Việt trải lòng. Khoảng mấy tháng đầu ở Pháp, có khi tối nhớ nhà không ngủ được hoặc cảm thấy chơi vơi lạc lõng mà đọc hết cả 1 cuốn sách trong một đêm.

Mình thì mang sách là vật tượng trưng, có vài cuốn gần như đi đâu xa mình cũng mang theo hoặc lỡ chuyển nhà là phải tìm nó đóng gói đầu tiên vì là quà của bạn, kỉ vật của tuổi trẻ. Sắm một chiếc Kindle khi ở Pháp thì không hề lãng phí chút nào, loại rẻ nhất cũng được. Còn không thì một chiếc paperwhite gen 2, gen 3 gì đó là đã ổn lắm rồi. Mình vẫn dùng một chiếc paperwhite gen 2 mua cũ từ ba năm nay, cũng không có nhu cầu nâng cấp thêm. Nhưng nên sắm cho nó cái case thì sẽ dùng được bền hơn. Cách để đọc được sách Việt trên Kindle thì các bạn tìm hiểu cài đặt Send to Kindle trên máy tính nhé!

Khi đi đổi tiền euro để mang theo, các bạn nên đổi khoảng 50-100 euros tiền nhỏ lẻ mệnh giá 5, 10, 20 euros để dễ dàng chi trả vé tàu, hoặc mua các thứ nhỏ nhỏ hằng ngày lúc chưa có thẻ ngân hàng. Và nên mang thêm một vài tờ tiền Việt để lúc về nước dễ dàng bắt taxi, mua mã thẻ điện thoại ở sân bay.   

Vậy thôi, mình nghĩ đã tính luôn cả lúc về cho các bạn thì cũng coi như chi tiết hết sức rồi. Còn các bạn cứ tuỳ nhu cầu bản thân mà chuẩn bị. Chúc các bạn có một chuyến đi có nhiều trải nghiệm ý nghĩa. Đúng như lời một người chị viết cho mình hồi năm nào : Wish you have a meaningful adventure !

Leave a Reply