Chuyện vui về giày cao gót

Chuyện giày cao gót được làm ra, đầu tiên, không phải cho nữ giới mà là cho nam giới thì tôi đã từng nghe. Nếu bạn có xem bộ phim Ba chàng ngự lâm thì có thể đã thấy vua Louis đi giày cao gót. Những tài liệu lịch sử cho thấy, nhân vật hoàng gia đầu tiên đi giày cao gót chính là vua Louis XIV, ông vua Mặt trời, vị vua vĩ đại nhất của triều đại phong kiến Pháp.

Vào khoảng năm 1533 thì người ta thấy bà Catherine de Medicis đi một đôi giày cao trong dịp lễ cưới của mình. Đó là sự kiện đánh dấu sự ra đời của đôi giày đặc biệt trong lịch sử Pháp. Tôi không rõ ở các nước khác thì giày cao gót xuất hiện như thế nào. Chẳng hạn như đôi guốc gỗ của người Nhật Bản.

Sự kiện của bà Catherine de Medicis không được nổi bật cho lắm, nó không đánh dấu thời điểm phụ nữ bắt đầu đi loại giày này. Trước đây, đôi giày không được gán cho sự nữ tính, đôi giày được gán với sự phong độ, uy thế (khi bạn cao hơn người khác), cho những vị thế thuộc hàng độc tôn, thượng lưu của xã hội như vua chúa, quý tộc. Những đôi giày của Louis XIV cũng được làm đế đỏ. Đế màu đỏ của thời đó là biểu trưng cho quyền lực và sự giàu có.

Đến thời kì Cách mạng Tư sản Pháp, đôi giày đế đỏ là dấu hiệu của những người theo chế độ phong kiến cũ. Có thể một thời gian nữa, sau khi đọc nhiều tài liệu về giày hơn, tôi sẽ giải thích cho các bạn được vì sao, những đôi giày bỗng chốc đã được “chuyển giới” và thậm chí còn trở thành biểu tượng của sự nữ tính, mà bất kì người đàn ông nào, nếu ở thời hiện đại mà xỏ chân vào đôi giày này, sẽ có thể bị đánh giá là có vấn đề về giới tính. Trước đây, một giáo sư cũng từng phân tích cho chúng tôi điều tương tự về màu hồng và màu xanh da trời. Xa xưa, màu xanh da trời là màu áo của Đức Mẹ Đồng trinh nên đó là màu của nữ giới. Màu hồng cũng giống như màu đỏ, là màu áo choàng của Chúa Giê-su khi vác thập tự, màu của máu và sự chiến đấu nên nó là màu của nam giới. Ngày nay thì sao, điều đó dường như đã thay đổi 180 độ. Hãy để một hôm nào đó chúng ta muốn nói thêm về nhân chủng học, xã hội học về giới tính, khi đó, hãy bàn kĩ về những đặc trưng giới tính này nhé!

Phù thủy của những đôi giày cao gót, ngài Christian Louboutin từng có những năm phiêu bạt ở Ai Cập. Ở xứ sở nhân sư, người ta kể rằng, từ thời cổ đại, đôi giày cao gót đã xuất hiện. Nhưng ở một nơi mà ít ai ngờ tới. Những người làm ở lò mổ, đã nghĩ ra việc sử dụng những đôi giày có đế cao để giúp họ di chuyển trong lò mổ được thoải mái hơn, tránh bị bẩn chân do giẫm phải các vũng nước dơ và máu động vật. Còn người La Mã, có vẻ như đôi giày cao gót sẽ giúp họ phi ngựa được thoải mái. Có vẻ như những chi tiết này nghe không được “mượt mà, cao sang” cho lắm.

Bỏ qua chuyện lịch sử. Mới đây, tôi có coi một chương trình của Pháp có tên là C’est mon choix. Chủ đề của buổi ghi hình mà tôi xem có liên quan tới giày cao gót (jamais sans mes talons). Có người chuyên sưu tập những đôi giày siêu cao, thiết kế kì lạ để biểu diễn, có người đi giày cao gót mọi lúc – chỉ trừ khi tắm và ngủ, thậm chí lúc làm việc nhà cũng đi giày cao gót. Có tận 2 người đàn ông, đã có gia đình, hoàn toàn không có vấn đề về giới tính, thích đi giày cao gót. Họ cho rằng đó chỉ là sở thích cá nhân, giày cao gót, đối với họ, không hoàn toàn là biểu hiện của sự nữ tính, nhưng họ cảm thấy tự tin hơn, phong độ hơn, thoải mái và có uy hơn khi mình cao lên. Một trong hai người đang là giáo sư dạy toán. Kể cũng lạ nhỉ? Thực ra, nếu đồng bóng thì có mặc vest bạn cũng đồng bóng, còn nếu nghiêm chỉnh thì một đôi giày cũng không ảnh hưởng tới bạn là mấy. Dù đúng là… không thể tránh khỏi lời bàn tán vì tò mò của người xung quanh.

Có người đến chương trình với định kiến: Phụ nữ bắt buộc phải đi giày cao gót mọi lúc. Sau đó anh ta đã bị bắt đi thử đôi giày cao gót đúng size của mình để xem chịu được trong bao lâu, mà lại hống hách gia trưởng ép buộc phụ nữ như thế. Và anh ta đã rụt ngay khi MC đề nghị. Một anh chàng khác lại cấm bạn gái, mẹ mình đi cao gót vì ghét tiếng động lọc cọc của giày, vì cho rằng giày cao gót thứ nhất quá to, quá xấu (nhất là những đôi trên 10 phân) và chỉ là cái gì đó không có giá trị, phù phiếm, không đứng đắn trong mắt đàn ông (khác). Nhưng sau đó, mọi người đã thuyết phục được anh ta bỏ đi định kiến cổ hủ đó. Cô bạn gái rất thông minh, xuất hiện sau, và thổ lộ với người yêu mình trên chương trình là cô ấy rất thích và nhớ những đôi giày cao gót của mình: Bạn có nhớ chúng không? – Lâu lâu có nhớ? – Lâu lâu hay là thường xuyên? – Thực ra là cũng thường xuyên nhớ. Nhưng cô ấy cần chọn một thời điểm thích hợp để nói điều ấy với chàng trai mà cả hai vẫn vui vẻ với nhau. Chuyện, muốn giải quyết cũng phải đúng lúc.

Cũng có những người phụ nữ cho rằng không cần thiết phải đi giày cao gót, nhưng đến khi người dẫn chương trình lựa được cho họ một đôi hợp với dáng chân, thì cả hai đều đã bị thuyết phục. Giày, muốn đi cho chân đẹp, phải biết lựa đúng đôi.

Thế thôi, những chuyện vặt về giày hôm nay chỉ có thế. Nếu thích thú, bạn có thể lên youtube xem lại chương trình mà tôi vừa kể trên. Ít nhất là ngắm nghía thêm được vài đôi giày đẹp!

Leave a Reply