Hà Nội và thơ mộng tuổi trẻ

Nghe câu nhắc của bạn: “Hà Nội hay mà!”, mới nhớ ra, đã lâu lắm không còn dạo chơi trên những nẻo đường Hà thành. Giữa phương Nam, thỉnh thoảng, tôi lại thấy nhớ dáo dác.

Tôi nhớ không khí bình yên. Hà Nội cứ bình yên đâu đó, rất lạ. Sớm sớm, chiều chiều, nơi mỗi góc đường, những bó hoa e ấp trong làn lá xanh. Hoa và cái kiểu bó hoa “mộc” của ngày xưa rất đặc trưng. Mỗi mùa một hương sắc, từ sắc trắng loa kèn, cúc họa mi, thạch thảo hay sen trắng rồi vàng của vài khóm hướng dương, hồng mơ màng của sen, đỏ của hoa hồng yêu kiều, li ti đủ sắc màu của cẩm chướng nhỏ xinh, hay tím ngắt như violet, hoa cúc áo. Mỗi lần ngó ngang thúng hoa sau yên xe là tôi lại xao lòng. Các chàng trai có ngắm xe hoa Hà Nội, mới hiểu sao các cô gái yêu hoa và mong được ôm trong lòng một bó hoa như vậy.

Hà Nội có những lề đường chật chội hàng, chật chội xe và rầm rĩ tiếng xe, tiếng còi nhưng khiến mỗi bước người đi ung dung lạ. Không hiểu từ khi nào tôi lại ham xỏ đôi giày vải và lê la qua bao con đường dài như thế. Cảm giác được thu hết vào tầm mắt và lãng đãng suy nghĩ, coi thế mà kích thích con người ta lắm. Hà Nội cũng có lắm phố đẹp quá, những con phố có hàng cây xanh đặc trưng, ngày càng được quan tâm, càng được kể nhiều.

Hà Nội còn có sáng bình yên và khuya yên bình. Có cảm giác rằng, Hà Nội là cô gái lười, dậy muộn – ngủ sớm? Sáng mai của những ngày chuyển mùa có nắng nhè nhẹ, đường điểm nhấp vài lượt xe cộ, bến buýt có cô gái say trong bản nhạc nào du dương, chiếc khăn lụa ai bay khẽ trong gió làm chạnh lòng. Đêm, đèn vàng rải lụa trên làn đường in bóng cây nghê ngủ. Ngày quá đông đúc nên đêm mới thấy quang đến thế. Cảm giác chạy xe bon bon, nhâm nhi một chuyện vui trong đầu, con đường dài rất yên đón tôi trở về.

Hay là khi đã cực khuya khoắt, giọng Tuấn Ngọc với những bản tình ca không bao giờ cũ, với Hồng Nhung và những khúc điệu Hà Nội du dương, thanh âm của vĩ cầm, của dương cầm, của Tây Ban cầm làm tôi nao nao. Yêu mơ hồ để say sưa tự lúc nào không biết. Mà kì thực, chỉ có không khí đó, không gian đó, mới tạo nên hương vị nghệ thuật vẹn tròn như vậy. Tôi nói thế, bởi bản thân đã có thử nghiệm vài lần, mong tìm lại cảm giác thấm nhạc ấy, nơi thành phố khác mà không tìm ra.

Hà Nội còn làm người ta nhớ sự cô đơn, nhớ cảm giác độc bước giữa chốn xa lạ. Tôi nhớ những giờ tan tầm ứ đọng đến hậm hực. Trăm con người đặc như nêm nhưng mình chẳng quen ai, nghe rỉ rả xung quanh vài câu vô nghĩa lẫn trong tiếng còi, tiếng động cơ xe ù ạch. Một giờ tắc đường đủ tái hiện rất nhiều về cuộc sống của chốn thành đô: bon chen, xô bồ, lách đầu này né đầu kia, hay là bế tắc đến tiến thoái lưỡng nan. Cái sự thành công, sự phù hoa lôi người ta vào guồng, guồng nghiền ngặt như ngày nóng gần bốn chục độ. Nhiều khi, oi ức ngay cả ngày mưa, ngày đông rét buốt. Tôi nhớ căn phòng trọ bên, cứ trưa trưa tối tối lại vang giọng chòi chõi của vài người con duyên hải Nam Trung Bộ. Giữa những cuộc đối thoại đã thấy lẻ tẻ, một mình… giọng Nam nơi xứ Bắc.

Còn nhớ một ngày mưa lâm thâm, Hà Nội vắng tiếng xe, đêm hao gầy dưới ánh điện vàng mờ nhạt, trông lên cao, bụi mưa tung tẩy dưới quầng sáng của đèn. Tôi rảo bước và nghe lách tách những thanh âm rất hiếm gặp. Tiếng loẹt xoẹt của một cô công nhân có tuổi trước nhà hàng. Tiếng người đang gọi món lẩu BBQ sau những dãy bàn hoa lệ trong kia. Tiếng giày rảo lóc cóc trên hè của người bảo vệ. Tiếng sùm sụp đương bữa cơm muộn trong quán ăn bình dân. Một ngày đói, một chốc đêm no ứ. Những ánh mắt bắt gặp nhau ngần ngại, may nhờ mưa đã làm nhòe cửa kính, đã mờ hơi nơi mắt người. Có thế, mới bước qua nhau điềm nhiên được. Đêm mưa phùn, Hà Nội khắc họa từng khuôn mặt người. Chấp chới tối mưa miền Nam, tôi bỗng nhớ dáng người lạ mà quen, người quen mà lạ nơi ấy.

Cái duyên gặp Hà Nội vào mùa oi ả. Có lẽ không phải mỗi tôi cảm nhận như thế, Hà Nội, khi mới ghé qua, xa lạ xù xì. Dù ở lâu, lòng vẫn bao lấn cấn, rốt cuộc, Hà Nội là một dấu hỏi to đùng, là đương ghét hay đương thương tôi cũng chẳng biết. Có điều, một khi xa, một khi chấp chới nhớ, mới hiểu ra rằng: “Có nhiều điều đã quện lại trong kỉ niệm, đã thành nét vẽ của thời gian.”

Cũng ngót nghét hai năm tôi không còn được rộn ràng cùng Hà Nội. Như thể có một tình yêu đầu không trọn vẹn, Hà Nội đẹp trong những xúc cảm nuối tiếc của tôi.

Tôi nhớ những ngày đầu lần mò từng con đường, lạc lối trong mạng ô chằng chịt của phố cổ. Nhớ những buổi ăn lề đường chóng vánh vội vàng, chất lề đường đậm đến nỗi chẳng còn thấy gì thanh cao. Tôi nhớ một dịp bất ngờ, khi cả đám miền Nam mình cùng leo lên chiếc xe điện để dạo hết băm sáu phố. Tôi nhớ ngày mình bước vào cửa nhà thờ Lớn, thấy nôn nao như thánh đường ở xứ lạ. Tôi nhớ một hôm đi lùng trong phố Hàng Mã những cuộn giấy nhăn nhiều màu cho một cơn nổi hứng với Origami, một hôm tần ngần với đủ loại ô mai trên phố Hàng Đường. Tôi nhớ một hôm lạc mình vào không gian Tây cuối phố Tràng Tiền, vào l’espace nghe người ta nói tiếng nước ngoài, chơi nhạc cổ điển của Châu Âu.

Tôi nhớ những chiều âm u như thời tiết hôm nay, mưa rả rích, lòng rìu rịu những nỗi buồn tuổi trẻ, đong đưa những giấc mơ và mệt nhoài chật vật. Tôi nhớ ánh đèn vàng hiu hắt, bị hàng cây già cản lối, những nhấp nhô vắng lặng giữa một thủ đô hiện đại. Tôi nhớ một con hẻm dài nghi ngút, nhớ những hàng khăn mùa lạnh. Nhớ khung cửa sổ có nhạc mùa thu của Tuấn Ngọc. Có một quán cà phê nho nhỏ, một quán ăn chuyên đồ Hàn gọn gọn, một tiệm quà lưu niệm – sinh nhật xinh xinh.

Từng có ngày chạy dài với gió và khí khô phương Bắc, đôi mắt mệt nhoài vì buồn ngủ và khô khốc. Chúng tôi đã đi thật xa, thật tự do và thoải mái như thế. Háo hức trên những triền đê, về làng quê cũ, háo hức trên cây cầu Long Biên lịch sử, thấy những kiếp đời và những kiếp người. Chúng tôi ẩn thân vào lòng Hà Nội, trong vai khách du lịch đến từ Việt Nam.

Ngoài những xe hoa, những hàng cây, và những điều người ta hay nói, tôi đã từng nói… Hà Nội chiều nay chất vào tôi đầy nỗi nhớ.

Tôi đi tìm một bài hát về Hà Nội, nhưng thật trở quẻ khi bỗng dưng chẳng tìm ra được ý niệm nào trong đầu. “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ…”, nhưng tôi không còn muốn nghe Hồng Nhung hát nữa. Bài hát đầu tiên, không có chữ Hà Nội nào trong tiêu đề mà tôi muốn nghe, cảm giác Hà Nội nhất, đó là Gửi người em gái của Đoàn Chuẩn (Tuấn Ngọc hát). Hãy để cho một ngày thật nhiều tự tình, còn hôm nay, rưng rưng buồn nỗi buồn phôi pha ấy da diết quá.

Rồi tôi, vô thức gõ Hà Nội lên thanh tìm kiếm, những bài hát mới chẳng gợi niềm thu hút. Tôi sẽ tìm thấy thôi, hoặc dong tai ngân nga cùng giọng trầm của Tấn Minh đấy, hoặc là Chị tôi. Hay là bâng quơ như: “Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có đắt nhất tình người mà thôi…”

Những ngày tự do, những ngày nuôi hồn tôi trở về lãng đãng, những ngày bắt đầu thấm cho mình một mạch cảm xúc riêng. Thỉnh thoảng mở ra rồi đóng vào. Hay vì gió bật, mở tung ra thì cũng phải đóng vào. Thôi thì, khoảnh khắc đủ cho một bài hát, ta cũng giả vờ làm nghệ sĩ ngày đông:

“Ta còn em một màu xanh thời gian

Từng chiều phai tóc em bay

Chợt nhòa, chợt hiện

Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố

Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường…”

Tháng 10. 2013

 

Leave a Reply