website-hoc-tieng-phap

Năm con chuột, cố gắng từng tí một

Năm 2018 là một năm khởi đầu thuận lợi đối với bộ ấn phẩm HỌC ĐI THÔI của VITIROUGE nhưng sang 2019 là một bước chững lại, khi bản thân mình, sau một thời gian nhiệt huyết thì cũng dẫn cảm thấy mình bị chững lại. Mình không đi núi thường xuyên, nhưng có cảm giác như một khi đã lên một ngọn núi thì việc tiếp theo là phải đi xuống và chọn tiếp tục đi đâu. Có rất nhiều vấn đề mình phải suy nghĩ. Tuy nhiên, việc hình dung về cuộc đời như những lần rong chơi khiến bản thân mình cảm thấy nhẹ nhõm và bớt áp lực hơn.

Cuối năm có nhiều trăn trở, phải chi mình có đủ thời gian để tĩnh lặng lại và viết một cái gì đó có ý nghĩa hơn, mang tính động viên chia sẻ với tất cả những người theo dõi blog trong suốt hơn một năm vừa qua. Tuy nhiên, rất nhiều dự định và kế hoạch bị dồn vào dịp Tết, một vài chuyện cá nhân mà mình không tự thu xếp được. Dẫn tới việc đến tận hôm nay, khi các bạn sinh viên hết đợt nghỉ Tết thứ hai thì mới có thể viết được vài dòng. Và mình cũng vừa nghĩ ra được những gì cần viết cho bản thân và có thể viết cho mọi người.

Để nhận xét về năm 2019, thì mình có thể nói bằng cả hai từ thành công và thất bại. Chúng ta luôn phải chấp nhận đánh đổi, hi sinh và lựa chọn liên tục, cho bản thân hoặc vì người khác. Trong mỗi sự cố gắng của chúng ta luôn sẽ tạo ra một kết quả hoặc một hệ quả nào đó. Thành công hay thất bại đều mang tới những ảnh hưởng tích cực dù không hoàn toàn. Nếu thành công khiến con người ta vui nhanh thì cũng có thể vì thế mà sớm hoang mang. Ngược lại, thất bại có vẻ như là một cú shock gây hoang mang thì cũng tiềm tàng trong đó khả năng hồi phục đặc biệt nơi bản thân mỗi người trong chúng ta.

Kết lại 2019

Mình cũng có một năm giống như các bạn, có lúc vui, có lúc buồn, lúc căng thẳng khó khăn, lúc suôn sẻ thuận lợi. Cũng có lúc mình băn khoăn đi học hay nghỉ làm, tiếp tục hay từ bỏ, lựa chọn hay không lựa chọn, cái này hay cái kia. Những mối quan hệ trong cuộc sống có lúc vui có lúc không vui, có chuyện chia sẻ được chuyện không chia sẻ được. Thậm chí, mình cũng phải đau đầu như các bạn là đi học ngành gì, làm tiếp công việc gì, mọi thứ hiện tại cần phải cố gắng và phát triển ra sao. Cũng có lúc cảm thấy bất lực hoặc thất vọng về bản thân. Nhưng đôi khi cũng có một niềm vui nho nhỏ để tự mỉm cười.

Trong một năm dài, à, có thể là không dài, thực sự là tháng 1 cho tới tháng 9, tháng 10 cứ trôi đi cho mỗi dịp nghỉ Tết, nghỉ 30 tháng 4, nghỉ 2 tháng 9 rồi một vài cột mốc nhỏ nhỏ như vậy cho tới lúc hết năm. Cũng có thời điểm một ngày dài như một tuần, một tháng dài như một năm và cuối năm ngẫm lại, một năm dài như một thập kỉ. Một năm đủ khép lại nhiều thứ, bóc trần mọi ngưỡng vọng và mọi đám mây mù. Là phù du, hay là một đoá phù dung.

Nhưng một năm 2019 vừa qua, thứ mình phải ghi nhận nhiều nhất đó là sự chia sẻ và sự trao đổi. Có những điều giản đơn nhưng ăn uống linh tinh, chuyện vặt vãnh đùa vui hằng ngày hay là cả những dự định lớn lao to tát. Khi bạn nói chuyện mà đôi mắt lấp lánh, bản thân bạn hạnh phúc. Khi bạn nói chuyện mà đôi mắt người khác lấp lánh, có khi bạn còn hạnh phúc gấp đôi.

Có một điều mình phải thừa nhận, ở những thời khắc cuối cùng của năm Kỷ Hợi : người ta nói Kỷ là ra hoa kết trái, nhưng đối với mình đó là một vụ mùa có trái nhưng trái bị hư, bị hỏng, trái kém chất lượng, kết lại một năm tưởng ngắn mà dài, tưởng có niềm vui sau tất cả nhưng cuối cùng chỉ là những niềm vui hư vô và một lần nữa phải đối mặt với nhiều câu hỏi, nhiều vấn đề, nhiều sự thật để bản thân lớn lên và tiếp tục trưởng thành. Cuộc sống có thể giàu lên, vui hơn, buồn đi, con người ta có thể già đi mà cũng có thể trẻ ra, có thể xấu xí đi mà cũng có thể nâng tầm nhan sắc, nhưng điều đó không quan trọng bằng việc con người ta phải cố gắng để trưởng thành.

Với bản thân mình, có thể, vốn dĩ, đã đặt ra nhiều quy chuẩn và quy tắc cho bản thân, thế nên thời điểm đánh dấu sự trưởng thành có lẽ lại nghiệt ngã hơn chăng ?

Một năm mình phải chia sẻ một phần quá khứ của mình, một điều mình không thích làm ! Nhưng nếu nó có thể có ích cho ai đó, thì mình có thể tạm bỏ qua chuyện thích hay không thích mà cân nhắc tới việc cần hay không cần làm ! Một quá khứ mình vẫn còn cảm thấy đâu đó trong bản thân chưa hoàn toàn có một sự bao dung và tha thứ đầy đủ. Một quá khứ mình cảm thấy hỗn loạn nhưng cũng chính từ đó tạo ra các cột mốc thay đổi cuộc đời mình. Đó không phải là một ngày chính xác như ngày vào lớp Một, ngày kết nạp Đoàn, ngày cấp Chứng minh thư. Đó là một thời điểm nào đó không còn dấu chỉ thời gian nhưng mình biết rõ, từ đó, mình đã trưởng thành.

Mình cũng không biết là dùng một thuật ngữ nào đó của thời hiện đại như sang chấn tâm lý, trái tim mong manh dễ vỡ, hay trầm cảm để mô tả về một giai đoạn đó đã diễn ra trong cuộc đời mình. Mình cũng không biết chính xác nó thực sự diễn ra trong bao lâu. Đó là một thời gian mình nghĩ rất nhiều về việc tự tử. Đó là quãng thời gian khi mà bản thân đang làm rất tốt việc mình có thể làm được nhưng lại không được thừa nhận, thậm chí là bị chê bai, bị dè bỉu, bị xem như một kẻ vô tích sự. Sau này, nhiều khi, nghĩ tới quá khứ và mình cho rằng, sợi dây duy nhất giúp mình chỉ nghĩ tới mà không làm đó chính là nhờ em gái mình. Những suy nghĩ về em gái mình khiến mình từ bỏ việc tự tử. Và một sự kiện khác, vô tình đến vào thời điểm đó, khiến mình tạm quên, rồi sau đó quên hẳn việc tự tử.

Mình không dám đưa ra lời khuyên hay cách thức nào lỡ như bạn cũng là một ai đó như mình từng quen biết, rơi vào tình trạng rối loạn lo âu và căng thẳng tới mức muốn tìm tới cái chết, hoặc trầm cảm nặng, hoặc bị ám ảnh bởi việc phải kết thúc hết vì cuộc đời không còn ý nghĩa gì nữa. Bản thân mình, mình may mắn vì có em gái. Đó là sợi dây níu kéo như sợi tóc buộc được ngàn cân trước thanh gươm Damoclès, với riêng bản thân mình. Và mình may mắn bởi vì cuộc sống dù không khiến mình lạc quan hơn thì dần dần cũng giúp mình bình tĩnh hơn, có bước chậm lại cũng biết cách tự quan sát và phản ứng thích nghi theo.

Năm 2019, người ta nhắc nhiều về trầm cảm, năm 2020, người ta nói màu biểu trưng của năm mới là Dark Blue. Đó là một màu buồn, nó khác hoàn toàn với màu xanh thiên thanh hi vọng, màu xanh sẫm phải chăng là sâu cùng của sự tuyệt vọng. Nhưng chỉ có điều, người ta quyết định đi tiếp chứ không từ bỏ mà thôi.

Chọn đúng điểm rơi, hay chọn đúng động lực giúp ta cố gắng

Mình cảm thấy mọi người xung quanh quá cởi mở, để dần dần mình cũng tìm được cách mở lòng mà không cảm thấy bản thân một lần nữa bị ám ảnh về tổn thương, về chết chóc, thất vọng hay buồn khổ. Cũng nhờ những cuộc trao đổi đó, mình chưa biết là có kéo được ai ra khỏi một vòng xoáy chán trường hay không, nhưng bản thân mình, thực sự mà nói, mình đã thu được phần lại quả rất đáng quý, đó chính là việc thức tỉnh bản thân mình nhiều hơn nữa. Cũng như một cảm giác đồng cảm, thậm chí, tham lam hơn đó là một cảm giác được trấn an : Đừng lo có người còn đang chao đảo hơn mình, đừng nghĩ ngợi nhiều vì ít nhất mình may mắn hơn, mình đang bình an hơn một ai đó.

Tuy nhiên, mỗi lần tiếp cận sâu hơn vào những công việc mình đang làm. Chẳng hạn, xây dựng blog này nhưng làm cách nào để bạn đọc gắn bó hơn với mình. Để họ có thể ghé qua đây như một ngôi nhà đẹp, như gặp được một gia chủ thân thiện dễ mến khiến họ muốn tới nhiều hơn. Đó là sự tham lam đầu tiên của mình khi muốn được nhận được sự yêu mến hay biệt đãi như vậy (giữa hàng trăm hàng ngàn trang web, trang blog khác trên mạng). Để có thể làm được những nội dung đạt hiệu quả cao hơn trong công việc content, ở lĩnh vực mình đang làm và bằng một thứ ngôn ngữ tới hơn hai mươi năm theo đuổi vẫn là ngoại… của mình chứ không là nội hàm của mình được – tiếng Pháp. Để có thể dạy được một học trò như đúng kế hoạch mình đề ra và nhận được một sự thoả mãn tuyệt đối nơi học trò từ những thành quả mà các bạn ấy đạt được. Hay như làm được một bộ sách HỌC ĐI THÔI càng ngày càng chất lượng hơn, hay hơn chứ không kết cục nhạt nhẽo như một vài bộ truyện manga đình đám ở Nhật Bản… Quá nhiều mục tiêu và thực sự là mục tiêu nào cũng khó và không thể làm được ngay, cũng như bản thân mình thực sự kiểm soát được kết quả.

Có điều, sau này mình cũng đã dần ngộ ra được những việc không nhất thiết ở trong đời và những việc cấp thiết ở đời. Chẳng hạn, nếu việc cấp thiết là viết cho các bạn bài chia sẻ này. Việc cấp thiết là tìm một động lực sống thực sự, một mục tiêu kết nối được tới suối nguồn hi vọng cho một ai đó. Hơn là việc cố gắng cho những mục tiêu hời hợt như kiếm được nhiều tiền, nổi tiếng, được người khác yêu mến (mình không hoàn toàn ủng hộ thuyết vị lợi đắc nhân tâm).

Chẳng hạn như việc tiết kiệm được một trăm triệu và một cuộc cãi vã đổ lỗi để người này không nhìn mặt người kia, ác cảm, rồi sức khoẻ ảnh hưởng, tinh thần và công việc từ không suôn sẻ lại kéo tới xui xẻo không ngừng.

Hay những việc đơn cử như tiết kiệm được chi phí cho một kì thi, có được một tấm bằng kịp thời, lấy được quốc tịch, tấm vé du học, định cư ở lúc mà người ta gọi là cơ hội đến, thời tới hay là những hành trang lâu dài tích góp được. Nên chăng là lấy một tấm bằng trong ngơ ngác, hay là chuẩn bị kĩ lưỡng để sau này, mình còn có thể nói, nghe, đọc, viết hoàn toàn tự tin. Mình biết cách để ứng xử và phản ứng kịp thời, mình có thói quen và tư duy. Mình có đường để đi, thay vì chọn đại một điểm đến nào gần đó có thể phù hợp có thể không.

Đó cũng chính là cái mà người đời thường nói là nghĩ ngắn và nghĩ dài, mưu ích cho bản thân hay là hạnh phúc cho bản thân.

Tiền mất rồi kiếm lại được, thi rớt kì này kì sau thi lại được, người này muốn ra đi thì sẽ có người sau muốn bước đến. Nên có lẽ, trong năm mới này, điều đầu tiên, chúng ta cần bình tĩnh và suy nghĩ thật kĩ, tự đối diện với bản thân mình và cân nhắc : Đâu là động lực đúng đắn nhất cho mỗi việc nhỏ mà chúng ta đang hoặc sẽ làm ?

Kế hoạch, dự định mới không cần phải quá to tát

Từ đầu mình có gợi nhắc tới các bạn về việc leo núi. Phải rồi, cuộc đời chúng ta, nhiều người tự coi cuộc đời như một cuộc chinh phục, như một chuyến đi khám phá, như một chuyến hải trình lênh đênh trên biển đảo. Nhưng chúng ta không đi tới chỉ một nơi duy nhất rồi hết, mà chúng ta phải trải qua nhiều chương, nhiều điểm khác nhau. Đó là một chuyến đi, tuy không phải liên tục nhưng sẽ kéo dài và cuộc đời không bao giờ cho phép chúng ta ngồi yên một chỗ. Hoặc chúng ta không tiến thì sẽ xa dần thành quả đã có, cũng xa rời với mục tiêu tiếp theo. Rồi có lúc còn trệch nhịp, lệch nhịp.

Cuộc đời chúng ta cũng là một cuốn tiểu thuyết với chương đầu là Ra đời chương cuối là Cái chết hay sự kết thúc. Bao lâu chúng ta đã viết chữ in hoa khởi đầu thì sẽ phải đợi cho tới ngày được đặt dấu chấm hết mới gọi là chấm dứt cuộc đời. Bổn phận của chúng ta là tuỳ hoàn cảnh, điều kiện mà phải viết tiếp một chương mới, chứ không thể ngồi mãi yên không như thế. Cuộc đời là một dòng sông, có nhảy xuống hay đứng ngắm, hay phản ứng thế nào trước dòng chảy đó đều là tự nguyện, là ý định của chúng ta. Nhưng đi xuôi hay đi ngược thì còn tuỳ.

Nếu chúng ta tìm được dòng chảy và quyết định xuôi thì được, còn nếu đứng lại hay chảy ngược lại, cả hai cái đều khó. Ở đây, hãy nhìn nhận xem, đâu là dòng chảy đích thực của bạn, mà bạn tự khám phá ra được, hay cảm nhận được.

Không ai ép buộc chúng ta sau Bali phải đi Paris, sau Paris phải đi ngay sang Ý, sau Ý phải trở lại về Việt Nam. Nên việc lựa chọn mục tiêu cũng vậy, đừng phân trân là cái sau phải quan trọng hơn so với cái trước, đừng phân trần là trước thế này sau phải thế kia. Ở mỗi thời điểm, chúng ta có cho mình một điểm đến cụ thể đã là 1 cố gắng lớn lao.

Khoảng từ cuối năm 2019 đến nay, mình nhận ra một điều là không cần phải gồng, phải ép bản thân làm những việc khó, việc chưa ai làm được, việc gì đó vĩ đại, hoặc phải tốt hơn, khó hơn, áp lực hơn những gì trong quá khứ mình đã đạt được. Bản thân chúng ta không cần phải gồng cho chính mình xem. Sự thực là, khi bạn gồng thì người ngoài cũng thấy đó, nhưng không biết là họ phục, họ khen, họ cổ vũ hay họ cười chê. Mà chung quy lại, sông có khúc người có lúc, tại sao cứ phải đi lên mà không cho mình có cơ hội được thả dốc một chút, khi cơ thể đang lên tiếng để được nghỉ ngơi. Và chung quy, chúng ta cố gắng vì điều gì ? Không phải là để chúng ta được hạnh phúc hay sao ?

Đơn giản hoá mục tiêu bằng việc chia nhỏ các kế hoạch

Dạo gần đây, mình cũng nói chuyện nhiều hơn với các bạn đang có dự định đi du học. Vì cuối năm và 3 tháng đầu năm là giai đoạn cao điểm để nộp và xét hồ sơ. Có nhiều bạn đã đi Pháp, cũng có bạn đang ở Việt Nam và cảm thấy bản thân «đang chịu những cú lừa». Mình từng học Đại học ở Việt Nam trước khi sang Pháp 4 năm. Suốt thời gian ở Việt Nam, khi chuyển từ Cấp 3 ở tỉnh lẻ cho tới Đại học danh tiếng ngay Thủ đô, không phải một lớp 30 học sinh mà là một lớp tính ra hàng trăm sinh viên, nhiều lúc mình cảm thấy thực sự là tụt lại phía sau, mất tự tin trước các bạn thành phố. Kể cả trong việc học chuyên môn cũng như tiếng Pháp.

Mình cũng có suy nghĩ là sang Pháp việc học sẽ hiện đại, tiến bộ hơn và bản thân sẽ phát huy được nhiều hơn. Điều đó vừa đúng vừa sai. Sức cạnh tranh ở nước ngoài lớn hơn rất nhiều. Có điều, áp lực nhiều khi là do bản thân tự tạo ra chứ không phải bị ép từ dư luận, từ người thân, bạn bè, những người xung quanh như ở Việt Nam. Kể ra lạc lõng nơi xứ người cũng có cái lợi mà gần gũi với quá nhiều người thân như ở nước nhà cũng tạo ra cái hại.  

Kiên trì và luôn nhắc nhở bản thân phải kiên trì

Tuy nhiên, sau này nhìn lại, mình mới sáng suốt và phân tích được với các bạn như thế. Trước đây, mình cũng rơi vào những lần đặt mục tiêu rồi chán nản và bỏ dở giữa chừng. Thời gian học, gặp những thầy cô «đày» học trò lên bờ xuống ruộng. Độc đoán và khó tính (khó tính bởi người ta đã ở một tầm quá cao và có quá nhiều bận tâm để có thể có thời gian nhìn xuống dưới học trò và tận tình chỉ vẽ cho sinh viên của họ một nước đi đúng đắn). Học Đại học là một cuộc cạnh tranh thực sự như ở trường đời vậy, nhưng đó chỉ mới là những quan tâm đơn giản như làm xong một bài luận, khóa luận, kỳ thực tập, lên lớp. Còn ra đời thì ngoài những mục tiêu liên quan tới « vị thế xã hội » như vậy, còn những mối quan tâm khác mà chúng ta cần phải dung hoà. Chắc chắn là tương lai sẽ còn nhiều việc mà chúng ta không ngờ tới có thể xảy ra.

Bước vào Đại học, hãy để thời gian cho mình, trước khi học và lao đầu vào bất kì một môn, một ngành nào, tìm hiểu bao quát nó trước. Xác định cho mình vài kế hoạch cụ thể và cố gắng đạt được. Ở đây, mình sẽ chỉ xoáy sâu vào ngôn ngữ. Ví dụ, sau 2 năm học phải có A2, 3 năm phải có B1. Làm sao nhỉ ? Bây giờ mình sẽ chia ra tháng 1 làm gì, 3 tháng tiếp theo làm gì, 5 tháng sau đó làm gì ? Khi nào là thời gian cao điểm, khi nào mình có thể « rảnh lịch » hơn so với các giai đoạn khác (lo thi sấp mặt) để mà tập trung ôn ? Mỗi kế hoạch nên cố gắng kéo dài được 2 tuần (vì 1 tháng đôi khi quá nhiều cho người nào không kiên nhẫn). Rồi cứ từ từ điều chỉnh như vậy.

Mình nghĩ ai cũng có kinh nghiệm học tiếng Việt cả rồi, sau đó là học tiếng Anh. Hãy cố gắng nhớ lại xem lúc nhỏ, ở trường, tiếng Việt mình đã được học như thế nào. Nếu không nhớ thì chạy ra nhà sách một buổi sáng coi lại sách Tiếng Việt từ lớp 1, 2, 3 rồi sách Ngữ văn 6, 7, 8. Vậy mình sẽ chia ra 2 tuần học phát âm, 2 tuần bắt đầu thử về từ vựng. Cứ mỗi hạng mục trong ngữ pháp mình lại dành 2 tuần để cày. Nếu biết cách chia nhỏ mục tiêu ra thành những thứ cụ thể như vậy thì các bạn sẽ dần dần tự chủ được thôi, không có gì khó cả.

Nhiều bạn hỏi mình, bây giờ em phải thi A2 trong 3 tháng tới thì làm gì hả chị ? Mình không biết trả lời ra làm sao, hoặc có nói thì phải nói rất dài rất kĩ. Bây giờ mình nói là học từ vựng, cũng không biết các bạn sẽ học như thế nào, hiệu quả hay không. Mình đưa ra 10 cách, các bạn thử cả 10 trong 3 ngày không thấy chuyển biến. Rồi bỏ cuộc luôn. Mình nói là học về giao tiếp đời sống hằng ngày, các bạn đi tìm hằng hà sa số hội thoại, báo chí, đọc 3 tiếng đồng hồ thấy chán, bỏ luôn. Nhưng mình cũng không đủ thời gian và chưa đủ năng lực như một chuyên gia đào tạo (coaching) để lên plan, lên kế hoạch cho các bạn một cách chi tiết tỉ mỉ từng chút một.

Nhưng cách thì mình vừa nêu ra, các bạn cứ thử kiên trì một việc gì đó 2 tuần xem. Coi thử có biến chuyển gì không ? Sau 2 tuần chúng ta đổi hướng cũng không muộn. Còn nếu các bạn muốn thứ gì đó ngay và luôn sau 2 tuần thì câu trả lời của mình là đi tìm Doraemon xin bánh thần kì hoặc mượn não của mấy con robot AI về lắp vào chắc xong. Thông cảm nếu mình phải nói thẳng ra như vậy !

Không đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả nhưng tìm niềm vui trong quá trình

Năm nay, một mùa Tết mình vẫn làm việc, như thời điểm cách đây 2 năm, cố gắng hoàn thành cuốn Học đi thôi – Nghe nói. Nhưng ở mỗi thời điểm, mục đích, định hướng và tư duy trong công việc mình mỗi đổi khác. Nếu cách đây 2 năm, khi mình cảm thấy quá sức, muốn trở lại vòng an toàn và lùi lại trong những giới hạn mà bản thân tự dựng lên thì trong năm nay, mình làm việc với những mục tiêu dài hơi hơn, bản thân mình cũng nỗ lực nhiều hơn trong mỗi cố gắng. Mình thực sự đã tìm lại được niềm vui trong công việc và tham vọng làm được nhiều việc hơn. Hiển nhiên, biết chăm sóc bản thân, cân bằng cuộc sống và giữ sức khoẻ cho bản thân hơn.

Làm gì thì làm, luôn phải nghĩ cho bản thân, đó là điều quan trọng nhất. Mình không thể quay lại thời Đại học để làm khác đi, để biến những ngày lười biếng thành chăm chỉ, những ngày bi quan thành động lực cố gắng. Không thể sáng suốt để chăm sóc bản thân tốt hơn thay vì bào sức phí sức và lao vào cố gắng điên cuồng để sống sót qua một học kì và còn lấy đó làm tự hào. Có lẽ đó cũng là cái giá phải trả cho việc thiếu sáng suốt của tuổi trẻ. Nhưng tuổi trẻ ai chẳng có lần dại và có bao giờ thắm lại đâu. Nói giá như nhưng mình hoàn toàn đồng cảm cho tuổi trẻ đó. Nhờ vậy, năm 2020 này mình mới ý thức được giá trị hạnh phúc nằm ở đâu và cách cố gắng thế nào cho đúng.

Lại nói về việc học ngoại ngữ, mình từng khuyên một bạn rằng nếu cảm thấy không thích được thì mạnh dạn từ bỏ ngoại ngữ đi. Không phải vì không có khả năng, chẳng qua bạn đang tự ép bản thân đi sai đường và bạn sẽ chỉ nỗ lực, cố gắng cũng như thoải mái trước mọi chướng ngại ở lĩnh vực mà bạn đam mê thôi.

Việc học ngoại ngữ, cần có niềm yêu thích ở đó. Mình có thể nhiều lần nói với các bạn rằng mình ghét tiếng Pháp, mình cũng không hoàn toàn yêu nước Pháp như cái tên sến sến của người sáng lập Nước Pháp – Tình yêu của tôi nhưng rồi lại bất đắc dĩ làm người truyền thừa và phát triển suốt 8 năm qua. Nhưng, thay vì ghét, mình bắt đầu tập lựa chọn đúng, cảm thấy thoải mái trước, sau đó dần dần tìm ra được những niềm vui trong công việc phải làm. Mình hiện tại không ghét cũng không quá thích tiếng Pháp. Tuy nhiên, riêng với những công việc phải làm và những chuyên môn mình cần cải thiện bằng tiếng Pháp, mình thấy nó chỉ tiến chứ không lùi. Làm việc gì không quan trọng, quan trọng là vui và tìm thấy hạnh phúc hay niềm vui ở đó. Nếu nói là đam mê, chắc chắn cũng sẽ có lúc bị ngộp trong đam mê, có đam mê thì không dám thử thách bản thân ở những thứ mới, cuộc sống có khi lại nhàm chán hơn chăng. Người không có đam mê thì ráng đi tìm. Người có đam mê rồi thì bận rộn với những suy nghĩ làm sao duy trì được, làm sao cứng cáp vượt lên được dư luận, liệu có đam mê mù quáng không ? À, chúng ta không cần quá quan trọng hoá đam mê đâu. Còn đam mê không nhất thiết cứ phải gò ép nó vào một cái khuôn là công việc và sự nghiệp, hãy chắp cho nó đôi cánh để nó có thể thoả thích bay lượn trên bầu trời của những giấc mơ.

Kết lại, mình chia sẻ với các bạn một video TED mà sớm nay vô tình hiện lên trên youtube. Đó là video chia sẻ về việc học ngoại ngữ: The secrets of learning a new language | Lýdia Machová. Những người giỏi ngoại ngữ, họ có một đặc điểm chung là cảm thấy thích thú và say sưa với ngôn ngữ. Có người là đọc sách, có người là học nghe, học nói… Nhưng đời chúng ta sẽ thích thú với nhiều thứ, cũng có những thứ từ ghét lại chuyển thành yêu. Hãy nhẹ nhàng và đơn giản với những cảm xúc, trước hết, rồi tìm cho mình từng niềm vui nho nhỏ bên trong về sau.

Mình không có quá nhiều năng khiếu về ngôn ngữ, mình có thích một chút việc viết lách, đó là một sở thích từ nhỏ. Mình là người hướng nội, nên sách vở, đọc sách, đọc báo, viết lách là thú vui của mình. Đó là những điểm khởi đầu để mình phát triển vốn tiếng Pháp tốt lên. Điều duy nhất mình luôn thấy vui thích khi học tiếng Pháp đó là một vài lần được nghe thầy, hoặc nghe bác đồng nghiệp giải thích cho những trò chơi chữ vui vui của người Pháp, ví dụ, copain thì có co là cùng, pain là ổ bánh mì. Copain là bạn cùng chia nhau ổ bánh mì như tiếng Việt có từ bạn nối khố đó, copain là bạn thân. Hay 2020 là năm của rượu vang vì năm nay chúng ta sẽ uống deux mille vins (hai nghìn chai rượu vang lận). Những người thầy, người bạn, chỉ cho mình một chút chút về étymologie (từ nguyên học – tức là học về gốc nghĩa nguyên thuỷ của từ), bao hàm rất nhiều thứ về lịch sử và tiến hoá trong ngôn ngữ, những biến hoá và ảnh hưởng của ngôn ngữ Anh, La Mã, Hy Lạp, German (Đức) đối với tiếng Pháp v.v… và những trò chơi chữ (jeux de mots) đó khiến mình thấy tiếng Pháp thú vị, cũng vui vui.

Mỗi khi dạy tiếng Pháp thì mình cũng hay châm biếm, tìm những cái trò ngớ ngẩn tếu táo hoặc buồn cười của người Pháp ra để nói, mà như vậy rồi từ từ lại thấy nó có cái hay.

Kết lại

Mến chúc các bạn một năm hạnh phúc. Có thể nào tách chữ hạnh phúc BONHEUR trong tiếng Pháp ra thành bon – tốt đẹp và heure – giờ không nhỉ ? Tức là mình muốn chúc mỗi giờ trôi qua trong năm nay của các bạn, sẽ là 60 phút thật tốt đẹp, khiến các bạn mỉm cười, khiến các bạn bình tĩnh, khiến các bạn hài lòng, khiến các bạn ngạc nhiên, khiến các bạn trải nghiệm được nhiều cảm xúc hơn chứ không hà cứ là phải vui không được buồn, phải tích cực chứ không được tiêu cực. Mỗi cảm xúc đều cho chúng ta một trải nghiệm ở cả hai thái cực mà đúng không ?

Leave a Reply