Phân tích tâm lý cho cuộc Cách mạng Pháp 1789

Nhân dịp Quốc khánh Pháp 14/7 hãy đọc một cuốn sách của chính người Pháp viết về sự kiện này cách đây 228 năm, cuốn « Cách mạng Pháp và tâm lý của các cuộc cách mạng » viết bởi bác sĩ, nhà nghiên cứu tâm lí – xã hội Gustave Le Bon (1841-1931).

Sau hơn 200 năm sự kiện phá ngục Bastille, người Pháp vẫn còn đó niềm tự hào về lịch sử đấu tranh giai cấp của cha ông mình; về một khoảng thời gian không dài nhưng cực kì ấn tượng trên bản đồ chính trị, lịch sử và pháp luật thế giới. Phá ngục Bastille là khởi đi của một Tuyên ngôn về Nhân quyền và Dân quyền, của xã hội « Tự do – Công bằng – Bác ái » không còn phân chia giai cấp và tiếp sau đó nữa, là sự khai sinh Bộ luật Dân sự nổi tiếng khắp thế giới.

Người Pháp vẫn luôn nói về Cuộc Cách mạng 1789 như những kẻ tiên phong của thời đại. Họ là kẻ dẫn đầu vì có thể phá đổ triệt để thành luỹ phong kiến, thiết lập một xã hội hoàn toàn mới, không « nửa xanh nửa đỏ » như chế độ Quân chủ lập hiến ở Anh. Họ phân tích sự kiện đánh chiếm ngục Bastille và hàng chục năm hậu khởi nghĩa với một sự tỉ mỉ, cẩn trọng có thể nói là hơn mọi dân tộc khác khi nghiên cứu lịch sử quốc gia của họ.

Điểm qua một vài nét sơ lược, có lẽ chúng ta cũng sẽ đồng tình với sự tỉ mỉ, cẩn trọng này của người Pháp. Nói là một cuộc Cách mạng nhưng trong thời kì này, những đảng phái chính trị với màu sắc tư tưởng đa dạng đã thay nhau nắm quyền, những bản Hiến pháp theo đó nối tiếp nhau ra đời? Chúng ta được biết tới cái tên như: Trào lưu Triết học Ánh sáng, phái Girondin, phái Jacobin, phe Bảo hoàng, phe Tư sản và nền Độc tài Quân sự. Biên niên sử nước Pháp từ thế kỉ XIX trở đi, cho đến ngày nay, chưa bao giờ sôi động và đầy màu sắc như giai đoạn 1789.

Gustave le Bon với vai trò là một bác sĩ, một nhà tâm lý học, một người nghiên cứu về nhân chủng và xã hội học, trong tác phẩm của mình đã lần lượt trình bày từng giai đoạn đó của Cách mạng Pháp rất khác. Không có nghiên cứu hoàn cảnh lịch sử hay các mưu toan chính trị, hoặc trình bày diễn tiến hậu 14/7/1789. Từ nền tảng lý thuyết về tâm lý học đám đông (cũng là tên cuốn sách trước của ông), Le Bon lấy Cách mạng tư sản Pháp như một ví dụ thực tiễn, cụ thể để phân tích và chứng minh cho từng luận điểm của mình. Do đó, người đọc nên tìm hiểu sơ về lịch sử Pháp giai đoạn này để tránh lạc vào một ma trận các sự kiện – nhân vật rối ren.

Trên thực tế, tác giả vẫn giữ đúng mạch dẫn của lịch sử xuyên suốt cuốn sách. Tuy nhiên, đôi khi, ông sẽ tập trung giải thích tâm lí đám đông dân chúng trong một cuộc nổi dậy nào đó. Ở chương khác, ông lại tập trung khắc họa chiến thuật đánh đòn tâm lý chớp nhóang của một phe phái. Sau đó, thay vì liệt kê những ví dụ tương tự, ông lại vẽ cho người đọc một bức chân dung bằng màu sắc cá tính và hành động của một hoặc một vài nhân vật cụ thể. Bối cảnh được lựa chọn làm phông nền cho bức tranh chân dung này là các xu thế phân hóa tư tưởng, sự ảnh hưởng của các tác nhân tôn giáo, xã hội… Tác giả lựa chọn mỗi chi tiết, mỗi nhân tố như một nút thắt, một điểm khuyết mà các sử gia còn bỏ ngỏ chưa lí giải, nhờ vậy, cuộc Cách mạng 1789 trở nên thật hơn và dễ nắm bắt hơn đối với độc giả thời hiện đại.

Phải nói thêm rằng, khi đào sâu nghiên cứu giai đoạn này, có biết sơ sơ lai lịch của các nhân vật, ta sẽ phát hiện ra rất nhiều nghịch lý: Vì sao Quốc hội lại tráo trở với Louis XVI nhanh chóng mặt? Câu trả lời đơn giản nhất, là do chế độ phong kiến thối nát, đã đến ngày tàn. Tuy nhiên, sau đó, chúng ta lại thấy phe Bảo hoàng đã lập được cả một liên minh trên khắp châu Âu để đánh bại Napoléon và còn duy trì được thế lực cho tới thời Charles X (tức là những 100 năm sau đó). Mặt khác, trong một xã hội phân cấp chặt chẽ như thế, có những nhân vật, xuất thân vốn không có thế lực – không có hậu phương nâng đỡ vẫn có thể đứng lên nắm quyền. Tiêu biểu như Robespierre và cả Napoléon – kẻ quê mùa từ đảo Corse. Tại sao một đảng phái không có chủ trương tiến bộ được nắm quyền, tại sao các sắc lệnh tàn sát khủng bố hàng loạt vẫn được thi hành sau khi Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền được xác lập ?

Bằng cách khai thác vấn đề theo góc nhìn tâm lý học và giải thích các hành vi, các hiện tượng xã hội bằng logic diễn biến tâm lí, Gustave Le Bon đã bóc tách được một số gút mắc của lịch sử Cách mạng Pháp nói riêng và của các cuộc đấu tranh nói chung. Theo quan điểm của tác giả và một số nhà nghiên cứu khác (mà ông đã đề cập, trích dẫn trong cuốn sách), đám đông bị chi phối bởi một số quy luật tâm lí nhất định. Những quy luật này điều hướng hành động của con người và cái gọi là « thiên thời – địa lợi – nhân hòa » trong khoa học chính trị của phương Tây có lẽ là cách mà một vài nhân vật lịch sử đã vận dụng được những quy luật tâm lý này để thay đổi tình thế, khích động đám đông và định hướng một cộng đồng.

Những chính trị gia, triết gia phản đối nền Dân chủ trực tiếp thường đưa ra luận điểm rằng: trình độ và nhận thức chính trị, pháp luật, tư tưởng của phần đông công dân không đủ để họ có thể đánh giá, kết luận chính xác một chính sách là sai hay đúng. Hệ quả là, những nhà cầm quyền có thể lợi dụng những điểm yếu đó để tích lũy tư lợi cho bản thân khi ban hành chính sách. Vấn đề này, ngày nay, thường được bàn đến sau mỗi kì phổ thông đầu phiếu và khi phân tích ảnh hưởng của truyền thông như một công cụ định hướng chính trị mới. Tuy nhiên, trên bình diện tâm lí học, đám đông chỉ chịu định hướng một phần bởi nhận thức. Các cảm xúc hỉ – nộ – ái – ố trong nhiều trường hợp không chịu tác động bởi yếu tố nhận thức, chính các quy luật tâm lý làm cảm xúc có thể bùng nổ bất chợt và lụi tàn bất ngờ trong đám đông như một mồi lửa. Bao gồm trường hợp, đám đông đó được coi là có đầy đủ nhận thức về chính trị, đủ hiểu biết về xã hội.

Dù tập trung nói về nhân vật và sự kiện của Cách mạng Tư sản Pháp, cuốn sách do Gustave Le Bon viết ra vẫn phù hợp với độc giả ngày nay, mặc cho họ có quan tâm tới đề tài lịch sử hay không. Chỉ cần tạo ra sự thay đổi trong một đám đông lẻ tẻ cũng có thể là mầm mống hoặc thậm chí là dấu mốc của một cuộc Cách mạng. Thế nên người ta có thể nhìn ra được tính ứng dụng từ những luận điểm trong « Cách mạng Pháp và tâm lý học của các cuộc cách mạng ». Mặt khác, các quy luật tâm lý độc lập với yếu tố niên đại lịch sử. Các luận điểm mà Le Bon trình bày, có thể giải thích được các phong trào tôn giáo từ Công giáo La Mã cho đến cải cách Tân giáo Tin Lành, từ Cách mạng 1789 điển hình (vốn đã là xâu chuỗi của nhiều cuộc nổi dậy) cho tới các cuộc Cách mạng về sau. Hơn nữa, những quy luật này không chỉ đúng với mỗi xã hội Pháp, nó có thể được diễn giải ở các xã hội khác tùy theo đối tượng thực tiễn là quốc gia, dân tộc được xác định cụ thể.

Luận điểm của Gustave Le Bon đánh mạnh vào chủ nghĩa lí tưởng và những người vẫn còn bị huyễn hoặc bởi ý niệm : Cách mạng phải là một cái gì đó đột phá. Cách mạng tư sản Pháp là một câu chuyện huyền thoại và những nhân vật đã lèo lái sự kiện đó là những nhà khai phóng tư tưởng, những ngọn đuốc sáng dẫn đường cho dân tộc Gaulois. Tất nhiên hiểu được tâm lý đám đông không phải là chiếc chìa khóa vạn năng cho thành công của mọi cuộc cách mạng. Nhưng, chỉ khi thoát ra được sự mơ hồ và hoang tưởng, hoàn toàn chấp nhận sự tồn tại của các quy luật xã hội thì khi đó, mới có những Napoléon mới, những chính trị gia và nhà lập pháp, những nhà lãnh đạo mới có khả năng chinh phục và tiếp tục tạo ra những cuộc Cách mạng.

Tên sách : La révolution française et la psychologie des révolutions
Bản dịch : Cách mạng Pháp và tâm lý học của các cuộc cách mạng
Dịch giả : GS.TS Tào Đình Bắc
NXB : Thế giới
Phát hành : Alphabooks

Leave a Reply