Tôi nói gì khi nói về những tác giả yêu thích

Việc thích một tác giả, tựa như việc thích một ca sĩ, một diễn viên hay là thương thầm một người nào đó trong đời thực. Một khi đã quan tâm, ta sẽ có xu hướng muốn biết tường tận, chăm chút và nâng niu từng lần xuất hiện của nhau. Lần này, thay vì review một cuốn sách, tôi muốn viết về một số tác giả mà bản thân, không chỉ đọc một tác phẩm, nhưng đọc khá nhiều tác phẩm của họ.

Đối với tôi, đằng sau một cuốn sách là lời tự sự của một con người, là một phần tính cách và cái duyên trong lời ăn tiếng nói của tác giả khiến ta bị cuốn hút. Có thể kể sơ qua một vài tác giả tôi quen mặt thuộc tên, cũng như kể được vài tác phẩm của họ. Chẳng hạn như Guillaume Musso, Marc Levy, Nicolas Sparks, Sidney Seldon, Thomas L. Friedman, Patrick Modiano, Jack London và Orhan Pamuk.

Với tác giả Việt Nam, tôi đặc biệt thích những cuốn sách của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Nhật Ánh là một thói quen từ thuở nhỏ. Và cuối cùng, tôi dành riêng sự kính trọng cho nhà văn Nguyên Ngọc. Tôi cũng có đọc một số tác giả Nhật Bản, thích nhưng chưa đủ quen và hiểu để viết về họ, đành hẹn một dịp ít lâu nữa.

Trí nhớ của tôi với một cuốn sách thực ra cũng không tốt lắm. Với tiểu thuyết, gần như khi đọc xong, chỉ là cảm giác thích hay vui vì quen biết được một con người nào đó (chính là một trong các nhân vật ở trong sách). Biết họ là ai, họ làm gì và đặc biệt là họ suy nghĩ như thế nào. Chính cách mà nhân vật trình bày suy nghĩ của mình trong cuốn sách làm tôi thấy thân quen, thấy quý mến.

Cảm giác đó, giống hệt như khi ta bắt đầu làm quen và kết thân với một người bạn. Sau khi hiểu rõ tính cách của nhau, thấy được tầm nhìn và suy nghĩ của nhau, tự dưng đem lòng trân quý, mến mộ và muốn giữ chặt tình thân. Trong những tác giả mà tôi kể trên, có thể gom lại thành một số nhóm, bởi tôi nói về họ như những người bạn, không còn đủ trí nhớ và tư liệu để phân tích, diễn giải lỗi hành văn cũng như nói tới cái hay cái dở của từng nhà văn.

Kì thực mà nói, nhà văn nào cũng vậy, đọc một tác phẩm thì thấy họ hay. Chứ đọc nhiều, thể nào cũng biết, họ có cái thích, cái không thích cả.

Marc Levy và Nicolas Sparks là hai nhà văn chuyên viết tiểu thuyết tình cảm. Những câu chuyện của họ rất Mỹ, một kiểu tình yêu không khó đoán, không quá phức tạp, hiện đại, giản đơn và sau cùng, lưu lại một chút triết lí hay định nghĩa cụ thể nào đó. Marc Levy biến hóa hơn, câu chuyện có diễn biến, có lên bổng xuống trầm, câu cú của Marc Levy cũng mang tính hình tượng, thể hiện nhiều quan điểm hơn. Trong khi Nicolas Sparks là một tác giả trung thành với những tình yêu định mệnh, lãng mạn, từ đầu chí cuối, luôn đi theo nhịp điệu : khởi đầu – cao trào – và kết thúc có hậu.

Tác phẩm khác nhất của Nicolas Sparks có lẽ là Dear John. Gây ấn tượng nhất, với tôi là The Notebook, với một người bạn nghiện phim của tôi là A walk to remember (Đoạn đường để nhớ). Tôi còn nhớ, tác phẩm đầu tiên của Marc Levy mà mình đọc là Bạn tôi, tình tôi. Hồi đó chắc là bắt đầu học cấp 3. Bạn thân tôi sưu tập nguyên cả serie Marc Levy. Nếu em không phải một giấc mơ là cuốn sách mãi về sau tôi mới đọc. Vì thế mà có cảm giác nó cũ, cũ trong nội dung, cũ trong câu cú.

Không phải do nhà văn, do tôi đọc được quá nhiều tác phẩm có nội dung từa tựa, những trích dẫn từ chính câu chuyện này (tất thảy những nội dung này đều có sau khi ấn bản Nếu em không phải một giấc mơ được phát hành, tôi vô tình cầm đèn chạy trước ô tô). Tôi đọc Sự lựa chọn của trái tim của Sparks trước hết. Một câu chuyện không quá đặc sắc nhưng có phần kể, phần dẫn dắt ý tứ cực kì nuột nà của tác giả, thành ra ấn tượng. Suốt thời gian sau, phim nào chuyển thể từ tiểu thuyết của Sparks, tôi đều không bỏ sót.

Thật tiếc, hai tác giả đều làm việc quá công suất, các nhà xuất bản cũng quá nhiệt tình ra mắt các tác phẩm của cả hai. Trong cùng một thời điểm, có tới hai hoặc ba cuốn sách đóng mác Levy, Sparks được lên kệ. Điều đó cũng tốt, nó tạo thành một làn sóng hâm mộ đặc biệt. Nhưng điều đó cũng có phần tiêu cực, làm loãng hai hiện tượng văn học trên. Đã rất nhiều năm, tôi không đọc những tiểu thuyết tình cảm Âu Mỹ này, không có động lực để cầm lên bất kì một cuốn sách nào có tên Marc Levy. Họ trở thành những cái tên mà tôi từng yêu thích.

Guillaume Musso là tác giả của ba năm đầu Đại học. Tôi thích Musso ở điểm hay có những trích dẫn ở đầu mỗi chương, trích dẫn của Musso hay. Bản thân tôi cũng là một người đi sưu tập trích dẫn, nên mỗi lần đọc Musso là vồ vập lấy những câu chữ hay ho mà nhà văn trích lại. Tôi không thích những cốt truyện giả tưởng, đó là lí do vì sao tôi đọc, nhưng không mặn mà với Musso. Thomas L. Friedman là một cái tên hơi ngoại lệ so với những tác giả còn lại.

Vì những tác phẩm không phải ở dạng tiểu thuyết tình cảm, đó là những bản tự thuật, phân tích và giải trình về kinh tế xã hội, về con người trong thời kì công nghiệp hiện đại. Là những cái nhìn đa chiều, tạo cảm hứng cho bất kì độc giả nào muốn biết thêm về thế giới, đúng với những góc độ sâu và xa của nó. Đối với tôi, Friedman là một tác giả cần mẫn, học thức rộng, chăm chút, sâu sắc và tỉ mỉ. Với tôi, Friedman là một tác giả có ảnh hưởng.

Jack London và Orhan Pamuk. Đây là hai tác giả yêu thích nhất. Tiếng gọi nơi hoang dã là cuốn tiểu thuyết đầu tiên mà tôi đọc, đọc với tất cả sự hứng thú và say mê. Là lần đầu tiên tôi biết tới thế giới của những kẻ đào vàng, hình dung nhiều hơn về cuộc đời của một con vật và bước đầu hướng tâm trí vào những cuộc phiêu lưu đầy say mê. Orhan là người vẽ cho tôi lại từng chi tiết của đất nước tôi muốn đến nhất trên thế giới. Orhan Pamuk giống như một thầy giáo thông Thiên văn, tường Địa lý, rành Lịch sử. Sách của ông là một kho tàng để độc giả thỏa mình vùng vẫy khám phá. Tưởng chừng như văn minh phương Đông chẳng bao giờ hết kì bí, chẳng bao giờ toát hết ra vẻ đẹp huyền thoại vĩnh cửu của nó. Vẫn luôn luôn bí ẩn, đầy say mê.

Truyện của Sidney Seldon khá giống những bộ phim bom tấn, có hơi hướng hình sự phá án, có một chút phiêu lưu, có một chút sexy quyến rũ. Cốt truyện linh hoạt, tình tiết hợp lí, có cao trào, có ngạc nhiên. Với tôi, Sidney Seldon là phiên bản phương Tây của Kim Dung, cứ có sách là có truyện hay để nghiền ngẫm. Dù chẳng phải là giá trị nghệ thuật hàn lâm tầm cao gì, nhưng sự đại chúng trong lối viết truyện đó giống như một món ăn có thể nếm đi nếm lại nhiều lần, rất căn bản, không gây ngán ngẩm thái quá. Nhưng nói về một lối kể đậm đặc hình sự thì tôi thích Truman Capote nhiều hơn (với Máu lạnh, với Bữa sáng ở Tiffany). Tôi đặc biệt thích sự khúc chiết gãy gọn đó hơn là văn phong mềm mại, uyển chuyển của Modiano.

Patrick Modiano thì sao ? Sau khi đọc hết 3 cuốn sách của ông thì tôi cũng có thể hình dung được chút ít. Tôi đồng tình là lối viết của ông rất đẹp, nhưng bản thân vốn thích sự tỉ mỉ, thích cái gì đó dài dài để ngấm từ từ, thích lê thê qua nhiều tháng năm. Và đã viết hơi nhiều về ông trong những lần chia sẻ trước, xin mạn phép nhắc tên và không bàn thêm.

Tôi không nhắc tới một nhà văn nữ nào. Có lẽ, tôi hơi nam tính, luôn cảm thấy không đủ với một tác phẩm từ các nữ nhà văn, nó thiếu sự hào sảng, nó thiếu nét nam tính. Đáng kể đến là Nguyễn Ngọc Tư, tôi biết có nhiều người thích văn của chị. Còn tôi, tôi hơi sợ những tác phẩm quá đời, quá nghiệt ngã, có cách khai thác vấn đề quá gai góc quá xông pha như vậy. Nguyễn Ngọc Thuần là người có giọng văn dí dỏm, trào phúng tao nhã, ý nhị.

Cuốn sách yêu thích nhất đối với tôi, hay của người bạn ân nhân đã giới thiệu tác giả cho tôi chắc chắn sẽ là Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ. Trong cuốn sách đó, tôi thấy cả tuổi thơ của mình, thấy lại những ấm áp của đời sống gia đình – có cha, mẹ, có anh chị bạn bè… Có thể nói thế này, những cuốn sách của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần gợi lại cho tôi về cuộc sống, mà trong cuộc sống đời thường đó, có sự xuất hiện đều đặn qua các năm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với Tôi là Bê-tô, Mắt biếc, Bồ câu không đưa thư.

Tôi khâm phục những nhà văn dám dùng ngòi bút của mình để chiến đấu, không hiếu thắng, không đao to búa lớn, dày dặn, thâm thúy, rừng rực thiện tâm. Mà giọng văn cho tôi cảm nhận như thế, không ai khác là nhà văn Nguyên Ngọc.

Vậy đó, động lực gì để ta cứ thế mà giành ngay một quyển sách không nao núng. Ngoài những cuốn tạo được hiệu ứng truyền thông, thì sự quen biết với tác giả cũng là một lí do.

Leave a Reply