Lo lắng vì nói tiếng Pháp không hay và việc phát âm tiếng Pháp sao cho chuẩn

Câu hỏi đầu tiên mình muốn đặt ra cho các bạn là : « Các bạn đã gặp được một người nước ngoài nào nói tiếng Việt chuẩn chưa ? »

Câu trả lời của mình là rồi. Mình đã từng gặp một người Pháp nói được câu ỐI GIỜI ƠI đúng giọng địa phương của Hải Phòng và nói được 3 chữ Điện Biên Phủ mà không bị một chút vấn đề về ngữ điệu, phát âm nào.

Nhưng, không có nghĩa là bạn sẽ gặp được người nước ngoài thứ 2, thứ 3 làm được như thế. Đa phần, họ đều bị ngọng, hoặc bị tật phát âm ở một vài âm hoặc một vài dấu trong tiếng Việt như hỏi và ngã, sắc hoặc nặng hay là âm NH, âm TR…

Vì thế, rất nhiều bạn thắc mắc tại sao mình luyện mãi mà nói tiếng Pháp vẫn dở, vẫn không thể nào trơn tru được. Thì trước tiên, mình muốn động viên các bạn trước. Những người giỏi 3, 4 thậm chí là 6, 7 thứ tiếng trên thế giới chưa chắc đã nói được tiếng Việt. Mà từ ví dụ của những người Pháp, người Tây học tiếng Việt, chúng ta cũng thấy là: PHÁT ÂM CHUẨN là một việc gần như chỉ là nhiệm vụ của một bộ phận dân cư tập trung ở thủ đô của một nước hoặc những người làm ngành NÓI trước truyền thông. Còn lại, đâu đó, rải rác, chúng ta hoặc vô tình, hoặc bất đắc dĩ, vẫn đang có vấn đề về PHÁT ÂM CHUẨN.

Khi tới Pháp học tập, bạn sẽ có dịp được nghe nhiều kiểu tiếng Pháp khác nhau. Tiếng Pháp bồi của người Việt định cư lâu năm, nhưng là dân lao động và không có điều kiện học hành bài bản. Tiếng Pháp của dân Phi Châu. Tiếng Pháp của dân Trung Đông. Tiếng Pháp của dân Trung Quốc. Tiếng Pháp của dân Hàn Quốc. Tiếng Pháp của người Tây Âu và người Đông Âu… Nếu có dịp thì các bạn có thể lượn một vòng youtube để nghe và khám phá thêm.
Thực ra thì tiếng Pháp, cũng giống như tiếng Việt, có giọng địa phương.

Tiếng Pháp cũng giống như tiếng Anh, dù đều là tiếng Anh nhưng có Anh Úc, Anh Mỹ, Anh Anh, Anh Sing v.v…

Nên các bạn đừng quá tự ti về vấn đề phát âm của mình. Có người vì không hài lòng về chất giọng của mình mà luyện để nói cho hay lên. Có người lại coi cái giọng nửa Pháp nửa Ta là một đặc sản bất di bất dịch và thấy thoải mái khi giao tiếp, hài lòng với sự đặc biệt của mình, chẳng lo chỉnh sửa gì nữa và cứ thế nói tới. Kệ xác chúng nó ! Hiểu tới đâu thì hiểu, ông đây cứ nói cho mà nghe ! Hihi!

Nhưng, cũng chưa chắc đâu nhé ! Dân Pháp vốn nổi tiếng nhiều chuyện không thua ai, nếu mà đọ tay đôi với người Pháp về mức độ NÓI LÂU, chứ không bàn đến nói hay, chưa chắc bạn đấu lại họ đâu, từ chuyện phiếm cho tới chuyện châm biếm, chuyện triết học, chính trị blahblahblah. Haizzz !!!

NẾU BẠN MUỐN CHỈNH SỬA GIỌNG MÌNH HAY LÊN…

Thì hãy trả lời những câu hỏi sau :
1. Bạn có biết bạn đang gặp những vấn đề gì khi phát âm không ?
2. Bạn có âm nào chưa phát âm được không ?
3. Bạn đã thuộc hết bảng phiên âm, phát âm, đánh vần, ghép vần trong tiếng Pháp chưa ?
4. Bạn đã biết hết các quy tắc ghép âm, nối âm, nuốt âm, nhấn âm trong tiếng Pháp chưa ?

Sau đó, chúng ta sẽ tiếp tục hỏi CÁC CÂU HỎI TIẾP THEO…

#A/ Khi nói tiếng Việt, bạn có vấn đề về giọng địa phương không ?

Mình nghĩ là hầu hết các bạn sẽ có vấn đề về giọng địa phương. Các bạn lưu ý giúp mình rằng, đây chỉ là một vài ví dụ minh hoạ để các bạn hình dung được vấn đề : chẳng hạn như người Bắc hay nói là giời thay vì trời, z…zét thay vì rét… Một số nơi sẽ hay bị ngọng chữ N và chữ L. Hoặc là cách người Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định phát âm chữ E, chỉ cần ai đó nói một chữ MẸ, bạn có thể nhận ra được họ là người ở đâu đấy ! Hoặc là chữ B và chữ P của người Quảng Ngãi. Căn bản thì trong tiếng Việt chúng ta ít khi ghép trực tiếp chữ P và các chữ cái khác, nhưng người Quảng Ngãi đọc số pi ra số bi, pằng pằng ra bằng bằng là chuyện không lạ v.v…

Vậy thì, trước hết, giọng địa phương khiến cách bạn phát âm tiếng Việt so với giọng chuẩn của Hà Nội (giọng bạn hay nghe trên tivi ấy) có sự khác biệt đúng không ? Điều này cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới cách phát âm tiếng Pháp của các bạn. Mình đã từng gặp trường hợp các bạn bị ngọng N và L sang bên Pháp cũng phát âm Lyon thành Nyons rồi. Hoặc chữ PAR mà đọc thành BAR… Thực sự thì có giọng địa phương không đồng nghĩa với việc PHÁT ÂM TIẾNG PHÁP không chuẩn, nhưng nếu không chỉnh sửa các thói quen phát âm căn cố từ tiếng Việt, đem bê y nguyên sang tiếng Pháp thì sẽ rất tai hại cho bạn.

Đối với âm T tiếng Việt và âm T tiếng Anh rõ ràng là có sự khác biệt. Khi bạn đọc tiếng Anh, bạn không dồn nhiều hơi để đọc chữ T như khi bạn nói TÔI, TA, TÁ của tiếng Việt. Do đó, bạn nghe tiếng Anh thấy nó dìu dịu, nhẹ nhẹ, lướt lướt như gió.

Ngược lại, tiếng Pháp không giống tiếng Anh. Để đọc đúng được các âm P và B, âm T, âm CH, âm R và âm TR, CR, BR, PR bạn phải tốn rất nhiều hơi, phải rung được cuống họng, phải khào khào cổ họng như đang súc miệng. Tương tự với các âm PL, CL, BL, bạn phải đọc cùng một lúc âm P và L, âm C và L, âm B và L với cường độ như khi bạn đọc từng chữ đấy bằng tiếng Việt.

Nếu chịu khó bật hơi mạnh, rung được cuống họng thì bảo đảm chỉ tập phát âm được 15’ là bạn đã đau hết cả cổ. Vui một chút, thế nên, người uống rượu nhiều, người hút thuốc nhiều, hoặc người bị cảm cúm nói tiếng Pháp hay hơn là vì thế, vì cuống họng của họ đã có độ khào sẵn. Còn, bình thường, nếu không có, bạn phải tự tạo ra thôi.

Các bạn có thể theo dõi PODCAST của Vitirouge để học lại từ cơ bản nghe – phát âm, đây là chuỗi PODCAST dài tập dành cho người bắt đầu tự học tiếng Pháp.

Những trò chơi như đặt một tờ giấy trước miệng và thổi cho nó bay phất lên, hoặc uống nước rồi khào khào trong cuống họng để súc miệng, hoặc mím môi và nói pằng pằng, pặc pặc liên tục, hoặc ngồi trước quạt máy và thổi để ra các tiếng lạ như Bla blah… Blo bloh… vô tình lại rất có tác dụng cho việc luyện phát âm tiếng Pháp của các bạn.

Tiếp theo, đối với các âm mũi, một loại âm cũng tương đối khó trong tiếng Pháp, bạn phải tìm được cách đẩy một phần hơi qua cuống họng để đưa lên mũi. Nếu khi đặt ngón tay trước mũi và nói mà thấy có hơi nóng nóng tay, chứng tỏ bạn đã có âm phát ra từ mũi. Chuyện chuẩn hay chưa chúng ta lại phải tiếp tục luyện tiếp. Đặc thù của âm mũi là phải dồn hơi lên mũi, đồng nghĩa với việc bạn phải ép họng, miệng của mình lại. Nếu đọc âm mũi mà hai má phúng phính đáng yêu là có gì đó sai sai rồi ! Bạn phải tìm cách ép miệng mình hẹp lại, giữ cho môi mình tròn, dẹp, bè đúng lúc. Một cách có thể áp dụng đó là áp hai tay lên má, hoặc giữ hai đầu ngón tay để chỉnh sửa phía trên môi trên khi bạn luyện âm mũi.

#B/ Bạn có biết mình có một số tật phát âm không ?

Ví dụ như đọc thừa âm, đọc thiếu âm. Rất nhiều người khi bắt đầu học, nghe tiếng Pháp xong và bắt chước theo thì heureuse đọc là heureu, quatre đọc là quat, heure đọc là heu, stade đọc là stat mà quên mất còn sự hiện diện của âm E đằng sau. Đó là chuyện nuốt âm.

Còn một số khác, lại theo thói quen đọc âm cuối của tiếng Anh, vent trong tiếng Pháp lại đọc là ven-t, chữ dos lại đọc là do-z, chữ sang lại đọc là san-g. Những trường hợp không có âm E ở cuối, thường kéo theo phụ âm cuối bị câm. Cái này, bạn lại phải quay lại lý thuyết về cách đọc âm cuối để hiểu rõ chi tiết.

Ở đây, mình sẽ không bàn nhiều tới cách sửa, vì phạm vi một post sẽ không truyền tải được hết, nhưng các bạn hãy quay lại câu hỏi của mình : BẠN CÓ BỊ TẬT PHÁT ÂM không ?

Tật phát âm ở đây còn có nghĩa là gì ? À ví dụ như, đọc dấu cố định cho một âm, một từ nào đó trong tiếng Pháp. Ví dụ : boutique (có bạn đọc là bou-ti-cơ, hoặc bou-tích-cơ có bạn đọc là bou-tích-cờ). Vấn đề là tiếng Pháp không có dấu cố định như tiếng Việt. Để đọc được tiếng Pháp, bạn bắt buộc phải qua từng bước : luyện âm – luyện từ – luyện cụm từ – luyện câu. Đừng vừa đọc được phát âm trong từ điển đã vội bê nguyên xi vào câu, kiểu phiên âm đó rất hại, nếu cứ luyện tập nửa mùa như thế thì bạn sẽ khó mà nói hay được.

#C/ Bạn có nhạy cảm với âm thanh và giai điệu không ?

Khi học tiếng Anh, bạn biết là có trọng âm. Khi tra từ điển và tra phát âm, bạn sẽ thấy có dấu hiệu, có nguyên tắc nhấn âm ở đâu. Nhìn chung thì tiếng Pháp không có những nguyên tắc đấy, cách để dễ thấm được ngữ điệu của tiếng Pháp nhất là học theo bài hát. Qua các bài hát, bạn sẽ cảm giác được dần sự lên xuống của thanh điệu từ âm nhạc chuyển sang ca từ.

Tiếng Pháp, thường thì, để cho dễ đọc, bạn hãy nhấn vào âm đầu tiên. Hạ giọng ở âm cuối, càng nhẹ càng tốt. Chẳng hạn : supplémentaire – Với từ này, hãy đọc với cường độ giảm dần, nhấn thật mạnh vào âm đầu tiên SUP (khác vớ sub nhé các bạn) – sau đó đọc rõ chữ PL và âm É thành PLÉ. Và men-tai-re… bạn đọc theo cường độ giảm dần. Càng nhẹ nhàng, thanh thoát càng tốt.

Trong tiếng Pháp cũng như tiếng Anh, tiếng Việt, việc thay đổi ngữ điệu có thể biến câu khẳng định thành câu hỏi, câu nêu nhận định khách quan thành câu bày tỏ cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố… Thế nên, nếu chưa hình dung được các ngữ điệu này nói theo kiểu Pháp thế nào. Các bạn buộc phải nghe những clip nhạc kịch, hoặc vlog độc thoại chính kịch, theo hướng phóng đại chất giọng, ngữ điệu hoặc nhại giọng nhiều hơn để thấm thêm cho mình cách điều chỉnh giọng là gì.

Nói tới đây, các bạn cứ thử nghe giọng của mình, thu âm, bằng tiếng Việt trước đi, xem nó có hay không ? Nếu mà không hay thì đừng hỏi tại sao tiếng Pháp của bạn nghe vẫn còn dở.

Mình từng nghe một clip hướng dẫn về cách đọc có giọng điệu, đó là bật những soundtrack nhạc phim lên, khi nào nhạc hùng hổ thì đọc giọng mạnh mẽ, khi nào giai điệu du dương thì đổi tông dịu dàng, nhẹ nhàng… Cứ thế, phải tập thiên biến vạn hoá như thế thì sau các bạn mới có một chất giọng căn cốt hay được !

#D/ Bạn nói tiếng Việt nhanh hay chậm ?

Nhớ cho mình là khi bạn đọc tiếng Việt chuẩn nhé. Tiếng Việt chuẩn là dấu hỏi khác dấu ngã, chữ s khác chữ x… Nếu bạn có thể nói nhanh tiếng Việt chuẩn thì cũng dễ hiểu là bạn không tốn thời gian lắm cho việc luyện chuẩn một thứ tiếng khác. Trên thực tế, theo những gì mình quan sát được, thì đặc điểm giọng của mỗi vùng có thể tiện cho bạn hơn hoặc bất lợi cho bạn hơn khi nói tiếng Pháp. Nhưng, vẫn phải nhắc lại lần nữa để các bạn hiểu : KHÔNG ĐƯỢC ĐỔ LỖI CHO GIỌNG ĐỊA PHƯƠNG. Bạn hãy quay lại câu C, cố gắng nghe thật nhỏ, nghe thật tinh tế, nghe để phân biệt được sự khác nhau trong âm điệu, hãy luyện TAI NGHE thật thật tốt trước khi luyện NÓI thật thật hay.

Câu hỏi của mình không phải để khuyên bạn rằng hãy cố nói thật nhanh thì tự khắc nó sẽ hay ! HOÀN TOÀN SAI LẦM ! Nếu bạn đang gặp vấn đề về NGHE và NÓI cùng một lúc. Hãy quay lại với những bài nghe CĂN BẢN, chậm, chậm đến mức bạn có thể hiểu kịp và nói theo kịp. Bạn có thể luyện 1 ngày, 1 tuần, thậm chí là 1 tháng, 2 tháng với một video siêu chậm, siêu cơ bản như thế. KHÔNG SAO CẢ ! Một tay đua công thức 1 khác với một thanh niên chạy xe ẩu ở ngoài đường ở chỗ : một người làm chủ được tốc độ còn một người đùa giỡn với tốc độ. Thế nên, nếu bạn chưa làm chủ được phát âm, ngữ điệu tiếng Pháp của bản thân thì đừng tội gì mà phải lóng ngóng với những cái clip bật nhanh như gió. Đó không phải là vấn đề bạn phải giúp cho thế giới lúc này!

Hãy đọc lại truyện RÙA VÀ THỎ. Nếu bạn cứ bị hoảng hốt, cứ vội vã theo những bài nghe nhanh, gấp, nói toàn những từ khó thì bạn đang đi giống như chú THỎ đấy. Mập mờ, không chắc chắn, không vững vàng. Còn nếu chọn một bài nghe CHẬM, CHUẨN thì hãy nhìn chú RÙA để giữ hi vọng. Bạn có thể thắng, có thể nói TỐT, nếu bạn làm đúng.

Và khi làm được rồi, tức là chuẩn về phát âm rồi thì bạn hãy là chính bạn. Nếu bạn muốn giữ tốc độ nói của mình bình bình, từ từ mà thấm cũng chẳng chết ai, không phải là não phản xạ chậm hay bạn chậm hiểu, đơn giản, đó là PHONG THÁI đĩnh đạc, từ tốn của bạn.

Còn : Đi đâu mà vội mà vàng, mà vấp phải đá mà quàng phải chân ?

Nói nhanh quá, người khác sao nghe kịp, sao trả lời kịp ?!?

Chúc các bạn sớm cải thiện được khoản NGHE – NÓI, người Pháp có câu : VOULOIR c’est POUVOIR – MUỐN là CÓ THỂ.

Các bạn có thể tham khảo cuốn HỌC ĐI THÔI – Nghe nói để hiểu hơn về các tật phát âm hay mắc của người Việt khi học tiếng Pháp. Đây là hướng dẫn về nghe nói tiếng Pháp đặc biệt dành riêng cho người Việt, giúp các bạn tách bạch vấn đề và không bị nhập nhằng. Vì đa số các giáo trình dạy nói và phát âm được xây dựng trên khung giao tiếp châu Âu hoặc châu Mỹ, không bao gồm các đặc thù vốn có của ngôn ngữ châu Á, hay đặc biệt là của tiếng Việt: http://bit.ly/2BoSEzA

Leave a Reply