on-thi-B2-nhu-the-nao

FAQ – những câu hỏi thường gặp về việc luyện thi DELF B2

Kể từ đầu năm 2019 tới nay cũng tầm 4 tháng, mình chợt nhớ ra là không mở Q&A trên instagram @vitirouge. Tuần rồi, tranh thủ mình có trả lời cho một số bạn. Tháng 4 là tháng chuẩn bị cao điểm cho kì thi DELF B2 tháng 5.

Dù không có nhiều bạn hỏi về nội dung này nhưng mình nghĩ, xét lại tầm quan trọng của nó thì nên làm một list FAQ về bài thi B2 (frequently asked question) để các bạn hiểu hơn và chuẩn bị tốt hơn cho kì thi sắp tới của mình.

on-thi-B2
Các bạn có thể xem lại phần Q&A trong highlight (tin nổi bật) của @vitirouge

Đây là một chủ đề không mới trên blog của mình. Nếu cần thì các bạn có thể đọc lại những bài viết dưới đây. Mở ngoặc chút, thói quen của mình khi vào website hoặc kể cả searching google là right click – open link in new tab hàng loạt kết quả hoặc bài đăng, sau đó mới bắt đầu đi đọc từ từ.

Thế nên, mình list lại một số đường link ở đây, bạn nào cần thì cứ làm như mình trước, hoặc sau khi đọc xong bài thì có thể quay lại phía đầu tìm thêm bài, hoặc nhìn qua bên tay phải của các bạn để chọn bài theo hashtag có sẵn nha. Chúc các bạn ôn thi tốt!

So sánh thi DELF và TCF

Luyện nghe cho DELF B2

Mẹo hay cho bài nghe B2

Lỗi thường gặp trong bài viết B2 (phần 1)

Lỗi thường gặp trong bài viết B2 (phần 2)

Sách ôn thi B2

Sau đây là những câu hỏi thường gặp về bài thi B2

Nên thi B2 hay thi TCF?

Như đã nói trong bài viết so sánh về hai kì thi, mình có nhắc tới ở trên, việc chọn một trong hai kì thi tuỳ thuộc vào thời gian ôn thi, ngành mà bạn định học, khả năng tài chính, những thế mạnh về ngoại ngữ của bạn và thời gian bạn có tính cho tới lúc đi du học.

Lệ phí thi TCF đắt hơn. Nhưng kì thi này được tổ chức thường xuyên hơn so với DELF.

Việc ôn thi TCF thì thường là ôn cấp tốc, kì thi này không hợp cho những người thích học từ từ, ôn dần thấm kĩ, thế nên học phí ôn thi một khoá cấp tốc sẽ khá mắc. Nhưng đó là tính theo số tiền mà bạn đóng theo tháng. Thực ra thì cường độ học dày đặc hơn, bài tập nhiều hơn, thời gian học bị dồn vào một hoặc hai tháng nên cảm giác là học ít hơn.

Trong khi đó, DELF, đặc biệt là B1, B2 hoặc ôn lên C1 thì cần phải có thời gian tích luỹ ngôn ngữ lâu hơn. Kì thi này đánh vào khả năng sử dụng ngôn ngữ của bạn chứ không phải kiểm tra kiến thức và khả năng trí nhớ về ngoại ngữ của thí sinh như TCF.

TCF nhanh gọn lẹ tiện. Người Mỹ nói « easy come easy go ». Nếu bạn đi học lâu rồi thì cũng sẽ biết là có những môn chỉ đến sát kì thi mới học, nhồi một mớ chữ vào đầu và thi xong là quên sạch sẽ. Học mang tính chất đối phó cho qua là chính. TCF dù giúp bạn có chứng chỉ tiếng Pháp và cũng giúp công nhận khả năng tiếng Pháp cho bạn. Nhưng với những đặc thù trong nội dung kiểm tra, khả năng cao là học xong thi xong chỉ cần một thời gian ngắn sau là bạn sẽ quên sạch. Một cái khó nữa là, nếu bạn muốn cải thiện hoặc tiếp tục duy trì khả năng tiếng Pháp của mình sau kì thi, thì học theo những giáo trình ôn thi TCF sẽ không hiệu quả. Đó là những phần kiến thức ngôn ngữ được rập khuôn sẵn, được sàng lọc theo tiêu chí cụ thể nên không lí tưởng lắm cho việc học tiếng để sử dụng hằng ngày.

Nen-thi-TCF-hay B2
Phân vân không biết thi TCF hay DELF thì ổn hơn?

Trong khi đó, nếu bạn muốn củng cố kĩ năng tiếng Pháp của mình sau các kì thi. Hoặc muốn học tiếng Pháp dần dần thì ngoài các giáo trình, việc học theo các cuốn chuyên đề luyện thi DELF vẫn có hiệu quả. Vì các bài ôn thi hướng tới việc giúp bạn hiểu cách sử dụng tiếng Pháp trên thực tế như thế nào (từ nói, hội thoại, phỏng vấn cho tới viết, gửi tin nhắn, viết thư, viết email…).

Nếu TCF hướng tới tính chính xác, dễ khiến bạn rập khuôn trong một phạm vi kiến thức tiếng Pháp bó hẹp thì DELF hướng tới tính ứng biến và đa dạng, giúp bạn linh hoạt trong việc sử dụng ngôn ngữ hơn.

Cuối cùng, nếu bạn học các ngành kĩ thuật, khoa học tự nhiên, y dược, nghệ thuật tạo hình, kiến trúc, kinh tế, ẩm thực, thiết kế… Tóm lại là những ngành ít chữ, việc thi TCF sẽ tiện cho bạn hơn.

Còn nếu để học các ngành nhiều chữ và để làm những công việc yêu cầu cao về ngôn ngữ như biên tập, báo chí, sáng tạo nội dung, truyền thông, khoa học xã hội, nghiên cứu lịch sử – văn hoá – văn học, chính trị, triết học, tâm lí… thì đòi hỏi bạn phải thật tốt về tiếng. Việc có chứng chỉ DELF điểm tốt một chút sẽ hứa hẹn giúp bạn học dễ dàng hơn, sau này cũng dễ tìm việc hơn.

Để đi du học, chứng chỉ DELF ở cấp độ (niveau) nào thì được?

Cái này tương tự, cũng sẽ tuỳ vào trường, vào chương trình học và ngành học mà bạn muốn theo. Nếu là BTS (Brevet technicien supérieur) – tạm hiểu là bằng chứng nhận chuyên môn cao cấp, có thể hiểu là chứng chỉ nghề hay cao đẳng nghề ở Việt Nam, bạn chỉ cần A2 là tạm chấp nhận được. Vì chương trình đào tạo này hướng về đào tạo nghề hơn là bằng cấp chuyên môn nặng về lý thuyết.

Nếu là Đại học, ngành nào dễ học thì A2, ngành nào ít yêu cầu về tiếng thì B1, ngành nào yêu cầu ngoại ngữ ở mức phổ thông thì B2, ngành nào đòi hỏi nhiều về tiếng thì C1. Để dễ hình dung, hãy thử tưởng tượng bạn đang tham gia một tiết học và đối chiếu.

Nếu thầy cô nói ít vẽ nhiều, nhắc tới số liệu, công thức, mô hình nhiều thì chẳng cần C1 bạn cũng có thể hiểu được 50% bài. Nhưng nếu như thầy cô giảng về chính sách, giải thích cho bạn sự khác nhau giữa chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa hiện thực thì liệu rằng chỉ có khoảng 500 từ vựng tiếng Pháp trong đầu, bạn có hiểu được gì không?

Học và ôn thi tiếng Pháp ở Việt Nam có ổn không?

Hoàn toàn ổn. Thực tế, nếu lúc ở Việt Nam bạn đã từng đi du lịch nước ngoài thì có thể bạn nhạy bén hơn một chút. Còn nếu Pháp là nước đầu tiên bạn đặt chân tới sau bao nhiêu năm nhốt lồng ở Việt Nam thì hãy chấp nhận một điều là bạn không thể rút ngắn thời gian thích nghi được, tối thiểu là 3 tới 4 tháng. Hãy sẵn sàng cho thực tế là bạn cần thời gian để hoà nhập. Chứ không phải dẫn đến một quan niệm sai lầm là : « Sang Pháp mới học được tiếng Pháp ».

Ở Việt Nam ôn DELF B2 thế nào?

Ưu điểm của việc học tiếng Pháp ở Việt Nam: rẻ hơn, các kì thi so với tại nước sở tại (Pháp) cũng dễ thở hơn. Giáo viên Việt Nam truyền đạt kiến thức ngữ pháp dễ hiểu hơn (đó là lí do vì sao học sinh Việt Nam giỏi ngữ pháp, nhiều khi còn tốt hơn cả sinh viên bản địa). Cả 3 kĩ năng nghe, đọc và viết ở Việt Nam đều có thể tự học để đạt trình độ xuất sắc được.

Riêng kĩ năng nói, nếu bạn không linh hoạt thì hơi khó cải thiện chút thôi. Đó có thể là một nhược điểm. Nhưng cũng đừng vội suy ra rằng sang Pháp thì bạn sẽ có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn, năng động hơn, được nói tiếng Pháp nhiều hơn. Cái này là do bạn tưởng tượng ra và được các trung tâm tư vấn du học « chim mồi » quảng cáo cho.

Việc nói hay không nói còn do tính cách bạn có hướng ngoại hay không. Cũng không nên tự mặc định giỏi tiếng là nói giỏi. Nói giỏi không phản ánh khả năng viết, đọc. Việc bạn có muốn nói, khi ở Pháp hay không, phải nói là đo bằng mức độ dày mặt (hoặc là tự tin đi cho văn vẻ). Tâm lí của người mới học, chưa giỏi tiếng luôn là tự ti về phát âm, bế tắc trong việc diễn đạt trôi chảy. Thế thì, đứng trước một người Pháp, liệu bạn có thực là sẽ tự tin để nói bất kể chê bai bình phẩm không?

Tiếp nữa, hiện tại, tài liệu mà bạn có thể tìm được, qua internet, tại Việt Nam, ở thư viện hoặc các trung tâm tiếng Pháp, ở các hiệu sách hoàn toàn đủ cho việc ôn thi.

Các bạn có thể tham khảo cuốn HỌC ĐI THÔI – Nghe nói để hiểu hơn về các tật phát âm hay mắc của người Việt khi học tiếng Pháp. Đây là hướng dẫn về nghe nói tiếng Pháp đặc biệt dành riêng cho người Việt, giúp các bạn tách bạch vấn đề và không bị nhập nhằng. Vì đa số các giáo trình dạy nói và phát âm được xây dựng trên khung giao tiếp châu Âu hoặc châu Mỹ, không bao gồm các đặc thù vốn có của ngôn ngữ châu Á, hay đặc biệt là của tiếng Việt: http://bit.ly/2BoSEzA

Bài thi B2 yêu cầu những gì?

Nói chung, DELF B2 yêu cầu bạn có thể xử lí các tình huống cơ bản trong đời sống hằng ngày bằng tiếng Pháp, thông qua việc nghe – phản hồi (nói lại) và đọc – phản hồi (viết lại).

Nói như vậy thì có vẻ hơi mơ hồ. Vậy chúng ta tìm hiểu cụ thể cho từng kĩ năng một chút.

Nghe: xem một bản tin trên VTV chừng 3 phút bằng tiếng Việt. Giờ tương tự, xem một bản tin trên TF1 (một kênh truyền hình Pháp).

Đọc: lên kenh14, vnexpress, vietnamnet, cafebiz hay bất kì trang báo mạng nào và đọc một bài báo bất kì tầm 700 chữ bằng tiếng Việt. Giờ tương tự, đọc một bài báo bằng tiếng Pháp.

Viết: lớp 10 môn Ngữ văn, đọc đề « Hiện nay, giới trẻ đang có rất nhiều phong trào bảo vệ môi trường rất sáng tạo. Theo bạn, điều này là nên hay không nên ? Hãy viết một bài văn để nói về vấn đề này (tối thiểu là một mặt giấy kẻ ngang) ». Giờ tương tự, hãy viết một bài chia sẻ ý kiến nhưng bằng tiếng Pháp.

Nói: trong một buổi tư vấn chọn nghề, cô giáo khuyên bạn nên bỏ suy nghĩ làm travel blogger đi và nên cố gắng để làm việc cho một công ty du lịch lớn. Bạn phản bác lại ý kiến đó. Giờ tương tự, nhưng hãy làm điều đó bằng tiếng Pháp.

Học tiếng Pháp bao lâu thì thi được B2?

Mình thì học hết 12 năm, thêm 1 năm rưỡi Đại học, tất cả là 13,5 năm để thi được DELF B2, nhưng sau đó ôn thêm 3 tháng thì mình thi được DALF C1.

Học trò mình kèm (dân tự nhiên, con trai – nói chung để các bạn hiểu là con trai thì không giỏi viết lách, lại dân tự nhiên thì chữ nghĩa cũng có phần khô khan hơn so với dân nhân văn hay sinh viên ngành xã hội…) thì mình quên hỏi đã học trong bao lâu, nhưng tháng 5 đậu B1, tháng 9 có B2 (sau khi ôn với mình 1 tháng kĩ năng viết).

Một số khác thì mình thấy có gia sư kèm hoặc tự học, sau 6 tháng có B1 sẽ lên được B2.

Nếu cần một con số lý thuyết để liệu cơm gắp mắm thì mình sẽ cho các bạn mới học lộ trình như thế này: 2 tháng học phát âm, 3 tháng học ngữ pháp, 1 tháng luyện nghe, 1 tháng luyện viết căn bản, 1 tháng luyện nói liên tục. Tổng cộng là 8 tháng để bạn có B1, theo lý thuyết. Sau đó, bạn có từ 4 đến 6 tháng để ôn lên B2. Vậy thì, vị chi là một năm rưỡi tới hai năm học tiếng Pháp liên tục. Bạn có khả năng đạt B2.

Lập kế hoạch ôn thi B2 như thế nào?

Về thời gian học: Nên tập trung và phân chia thời gian học liên tục các ngày trong tuần. Mỗi ngày ít nhất là 1 tiếng. Nhiều hơn thì có thể 2 tiếng. Sau 1h đến 1h30 phút học thì nên nghỉ ngơ thư giãn tầm 10 đến 15 phút để đầu óc thoải mái. Không khuyến khích các bạn cố gắng nhồi 3 tiếng mỗi ngày, vì như thế thì giống tra tấn hơn là học ôn thi.

delf-B2-can-on-nhung-gi
Ôn thi DELF B2 như thế nào cho hiệu quả?

Danh sách tư trang cho đợt ôn thi: Trước khi học, tập liệt kê danh sách và tổng hợp, đánh giá năng lực bản thân trước.

Liệt kê điểm mạnh và điểm yếu về tiếng Pháp của bản thân

Xem lại điểm tiếng Pháp của mình ở trường – ghi chú lại những môn nào mình giỏi sẵn, những môn nào mình đang yếu.

Tìm một đề mẫu ở trên mạng (link ở đây), nhìn lướt qua đề một lượt, đánh dấu những chỗ mà bạn có thể làm được ngay. Những chỗ chưa làm được, hãy ghi ra lí do vì sao.  

Mở mục lục sách ngữ pháp ra, đánh dấu những chỗ mình đã hiểu rõ, những chỗ mình còn yếu.

Tìm hiểu qua các bài hướng dẫn trên mạng, bằng tiếng Việt hoặc tiếng Pháp, như ở blog của mình chẳng hạn, những trang web, app, kênh youtube, sách, tài liệu cần cho kì thi. Sau đó ghi chú lại một danh sách riêng cho mình trong sổ ghi chép: tài liệu ôn thi nghe, tài liệu ôn thi đọc, tài liệu luyện viết.

Nhất quyết là phải ghi chép ra để sau này kiểm tra xem mình đã học được bao nhiêu trong số đó. Tải về, mua về, in ra một đống ở bàn học, nhét đầy bộ nhớ điện thoại, chưa chắc là sau 3, 7, 21 ngày bạn còn nhớ tới nó là gì và để làm gì. Hãy thật thà chút đi!

Có kế hoạch giải trí cho việc ôn thi bớt căng thẳng: nếu ở nhà thì nhờ mẹ tháng này nuôi ăn kĩ một chút, nếu ở riêng thì tháng ôn thi chi nhiều tiền cho ăn vặt và café một chút. Lọc bớt các cuộc hẹn lại, không bao biện hôm nay đi chơi ngày mai học bù. Nhưng cứ căng thẳng quá thì phải hẹn lịch đi ăn với bạn thân, với anh chị em hay người yêu ngay! Không thì mua sắm, đi hóng gió, đi dạo. Dành khoảng nửa ngày offline để refresh bản thân và tái tạo năng lượng.

Tích sẵn một số truyện cười bằng tiếng Pháp, bài hát tiếng Pháp, vlog hài hước bằng tiếng Pháp, tài khoản chuyên đăng những post hài hước bằng tiếng Pháp, phim giải trí/ phim hoạt hình bằng tiếng Pháp. Để những ngày không học nổi thì có phần « thực phẩm » tiếng Pháp thay thế bù vào.

Nếu cảm thấy chừng này việc đã quá sức… bạn có thể bỏ luôn ý nghĩ thi B2 điểm cao đi là vừa!

Để thi B2 cho tốt thì cần học gì, ôn gì?

Tài liệu căn bản là cuốn 100% reussite B2, 250 activités B2 hoặc Học đi thôi chuyên đề B1, B2.

Sách ngữ pháp, hệ thống từ vựng và bài đọc hiểu phù hợp với trình độ.

Tài liệu để luyện viết. Mình khuyên các bạn google các file PDF về méthodologie (texte argumentatif, texte explicatif, expression écrite intermédiaire, ecriture DELF français) hoặc xem một số blog về ôn thi B2 bằng tiếng Pháp (révision/ préparation DELF B2) bằng tiếng Pháp để một công đôi việc, vừa luyện đọc hiểu luôn.

Tai-lieu-on-thi-B2
Một số tài liệu cần thiết để ôn thi DELF B2

Khi học, theo mình, nên theo trình tự như sau:

-Căn bản ngữ pháp phải biết hết. Các bạn có thể theo hướng dẫn ở đây, mình đã tổng hợp lại. Hoặc học theo phần hệ thống ngữ pháp của cuốn HỌC ĐI THÔI – Đọc hiểu gồm 3 phần Từ vựng – Hệ thống ngữ pháp (gồm hơn 80 trang kèm giải thích chi tiết bằng tiếng Việt) và các Bài đọc hiểu theo từng cấp độ, có kèm giải thích từ vựng theo hướng có thể sử dụng được, chứ không phải học theo lối dịch. Các bạn có thể liên hệ qua zalo 0947229921 để xem bản demo.

-Từ ngữ pháp chuyển sang đọc, cố gắng vừa đọc vừa làm phân tích ngữ pháp (analyse gramaticale). Tức là biết tách nhóm các cụm từ, giải thích được – theo kiến thức ngữ pháp – vì sao người ta lại viết như vậy.

-Trong quá trình đọc, kết hợp với việc tổng hợp vào sổ tay những cấu trúc hay, nhưng DỄ DÙNG (cái gì màu mè quá thì bỏ qua, đẹp tối giản đừng đẹp lố).

Lưu ý: Cuốn Luyện thi TCF do Vitirouge phát hành có tổng hợp những cụm từ theo chức năng, từ vựng theo bối cảnh và các cấu trúc thường gặp phổ biến có thể áp dụng cho bài viết B2, với chi tiết cách sử dụng. Video giới thiệu sách:https://www.instagram.com/tv/B8RZQqPlMd3/

-Sau khi cảm thấy đã ngấm ngấm được chút, chuyển sang học viết. Hoặc nếu chưa sẵn sàng cho việc luyện viết thì luyện nói trước (nhiều người lười viết). Bằng cách đưa ra ý kiến về những vấn đề mà bạn đọc được. Chẳng hạn: sau khi đọc xong vụ ly hôn nghìn tỷ của gia đình Trung Nguyên bạn có ý kiến gì không, bênh ai, về phe ai…

À, nhưng hãy nêu ý kiến bằng tiếng Pháp (ứng dụng thực tế của tiếng Pháp là ở chỗ đó). Ví dụ khác, sau khi biết tin các siêu thị Việt Nam bỏ túi bọc nilong và dùng lá chuối bọc thực phẩm, bạn có ý kiến gì… Tới đây thì nhắc luôn các bạn một điều, nếu chưa… hãy bắt đầu siêng đọc báo hơn một chút, báo tin tức chứ không phải báo giải trí, để cải thiện tư duy, khả năng suy nghĩ, phân tích và kiến thức về đời sống xã hội nha!

-Nói thử, viết thử, tìm bài nghe để làm reprise de note (take note). Nói bằng cách tập độc thoại về các chủ đề đơn giản: Bạn thích nhạc Pháp hay nhạc Hàn, vì sao? Bạn thích uống café hay uống trà, vì sao? Bạn thích sống với gia đình hay tự lập ở riêng, vì sao? Bạn thích đi du lịch ở châu Á hay châu Âu, vì sao? Giữa việc đọc sách, du lịch, xem phim, mua sắm bạn thích cái nào nhất, vì sao? Bạn thích phim anh hùng hay phim kinh dị, vì sao? Cứ tập lảm nhảm mỗi ngày cho đến khi nào bạn thấy nói tới đâu là từ ngữ trôi ra đến đấy, không ú ớ nữa thì có khả năng cao là bạn sắp đậu B2 tới nơi rồi.

Các phần expression – diễn đạt (nói, viết) thì làm như thế nào?

Phải biết cách làm nháp. Nháp 10 tới 15’ sẽ giúp bạn biết sau mỗi câu, mỗi đoạn mình sẽ đi tiếp như thế nào. Hạn chế được việc, sau khi đã xong 1/3 bài thì thấy dở quá, cặm cụi viết lại. Cực kì tốn thời gian!

Nếu có 1 tiếng để chặt cái cây, hãy dành 40 phút cho việc lập kế hoạch. Nếu có 30 phút cho việc viết, hãy dành 10 phút để đọc đề và nháp, khoảng 2 đến 3 phút tiếp tục nháp chi tiết sau khi làm xong từng đoạn, từng phần lớn. Với phần thi nói thì quá rõ ràng, nếu có 10 phút thi thì hãy dành 15 phút chuẩn bị để hiểu rõ đề và liệt kê ngắn gọn tất cả những điều bạn định nói với giám khảo.

Để nói, để viết, trước hết: hãy chủ động về việc bạn sẽ nói gì và viết gì trước. Tưởng tượng như việc bạn soạn một cái đơn, có những cái phải theo mẫu sẵn, có những cái phải tự điền. Mình sẽ lấy một ví dụ cho các bạn dễ hình dung.

-Nói về việc nấu một món ăn thì cần trả lời các vấn đề: nguyên liệu là gì, dụng cụ nấu nướng gồm những gì, các công đoạn là gì, bí quyết chọn nguyên liệu/ sơ chế một loại nguyên liệu đặc biệt/ bí quyết gia giảm gia vị cho ngon, hoặc nếu cần thì bổ sung thêm chi phí cho mỗi món nguyên liệu/ dụng cụ đặc biệt. Cuối cùng là cách trình bày/ cách thưởng thức. Đây là những gạch đầu dòng bạn phải có ngay trong nháp. Sau đó, tìm cách thêm chi tiết thực tế (của món ăn cụ thể) vào.

Làm sao để thi cho thật tốt?

Ôn cũ biết mới, ôn kĩ thi sẽ tự tin. Tiếng Pháp càng thân thuộc với bạn, bạn sẽ càng cảm thấy thoải mái với kì thi.

on-thi-delf-B2-hieu-qua
Làm sao để thi tốt DELF B2

Tránh áp lực cho bản thân và tự tạo ra những nỗi sợ nhảm nhí trước ngày thi: lỡ vào không hiểu đề thì làm sao, lỡ nói ấp úng thì làm sao, lỡ 15 phút chuẩn bị bài nói không kịp thì làm sao, lỡ đọc đề thấy chủ đề đó mình không có vốn từ nhiều thì làm sao… Đó là những nỗi sợ bạn cần list ra trước khi ôn thi để tìm cách giải quyết, chứ không phải đến sát ngày thi thì mới lo chẳng khác nào « mất bò mới lo làm chuồng ».

Có kế hoạch cho từng phần bài thi, dễ làm trước, nhưng nhớ căn thời gian làm nhanh nhất có thể. Khó thì làm sau. Làm đủ hơn là cố xuất sắc một câu hỏi hay một phần nào đó. Chẳng hạn như bài thi viết, cố viết mở bài cho hay mà thiếu kết luận thì điểm sẽ thấp hơn một bài chỉ đạt mức diễn đạt cơ bản như đủ cấu trúc thân bài – mở bài – kết bài.

Hoặc, thay vì cố trích dẫn thật sâu sắc hoặc tìm sự kiện chấn động để tạo chú ý ngay mở bài thì hãy tìm cách làm tròn vành rõ chữ: nêu được vấn đề – hiểu sơ lược được vấn đề – có trình tự để giải thích/ trình bày/ tranh luận cho vấn đề.

Nên cách dòng giữa các phần mở bài – thân bài – kết bài để khi đọc lại, cảm thấy chỗ nào cần bổ sung, cần sửa thì bạn có chỗ để « bôi », phần trình bày sẽ bớt xấu xí hơn. Nhìn đất (số trang trống trong đề cho bài viết) để có kế hoạch viết thưa, viết sát, viết chữ to hay chữ nhỏ. Sau khi viết xong dòng đầu tiên thì đếm thử được bao nhiêu chữ (lấy số từ maximum mà đề bài cho chia ra, để ước lượng mình cần viết bao nhiêu dòng là phù hợp).

Khó quá bỏ qua! Câu nào ăn may được thì vẫn nên cố (vậy đó, nếu không hiểu đề thì cứ làm theo những gì mình hiểu sơ sơ được và cầu trời là hiểu trúng ý giám khảo).

Có thời gian để xem lại bài. Tối thiểu là 5 phút cho bài viết.

Ôn viết B2 qua email (hocdithoi2017@gmail.com)

Nội dung học: Bạn sẽ nhận được file hướng dẫn về bài thi trước, kèm các tài liệu cần thiết và danh sách đề. Thời gian học sẽ tính từ khi bạn gửi bài viết đầu tiên về cho mình. Lần lượt làm xong đề nào thì gửi bài đó để mình sửa ngay và ghi chú những điểm cần sửa đổi. Không khuyến khích dồn nhiều đề rồi gửi một lúc vì như thế sẽ không tránh được lỗi sai lặp đi lặp lại và bạn không có thời gian để chỉnh sửa dần dần, cải thiện kĩ năng qua các đề. Điểm đánh giá theo barème của thi B2.

Lộ trình học của khoá luyện viết DELF B2 online

  • Bài tập ngữ pháp trọng tâm
  • Tổng hợp từ vựng theo từng chủ đề qua bài đọc và bài nghe
  • Luyện phân tích đề, xác định trọng tâm của đề bài và định hướng bài viết theo yêu cầu đề
  • Viết bài và sửa lỗi chi tiết

Trình bày, có thể viết tay rồi chụp lại ảnh hoặc viết trên file word.

Bài sửa đề viết B2 chi tiết: phân tích đề, nhận xét về cấu trúc và trình bày/ cách triển khai ý, lỗi chính tả, lưu ý về từ vựng, kèm bài báo cùng đề tài để tham khảo. Thường thì bài sửa lúc nào cũng dài gấp hai, hoặc gấp ba lần bài viết.

Đăng kí: qua email hocdithoi2017@gmail.com hoặc zalo: 0947229921

Leave a Reply