Những lầm tưởng khi luyện nghe tiếng Pháp (p.1)

Bài viết khá chi tiết vì thế chúng ta sẽ tách nhỏ thành nhiều kì. Hi vọng là sau khi đọc xong, các bạn có thể thực sự cải thiện được kỹ năng NGHE tiếng Pháp cho mình.

1. Nghe càng nhiều sẽ càng nhanh tiến bộ

SAI. Nếu mà bạn nghe theo kiểu đi vào tai này, đi ra tai kia thì cũng không ích lợi gì mấy. Lấy bằng chứng qua việc bạn nghe nhạc đi, nghe một bài hát thậm chí là 30 lần, 50 lần nhưng có chắc là bạn thuộc lời và hát lại được không? Kể cả nhạc tiếng Việt lẫn nhạc tiếng nước ngoài.

Nếu bạn đang định luyện nghe bằng cách chuẩn bị một list rất nhiều phim, nhiều serie truyền hình hoặc nhiều bài hát, nhiều băng đĩa luyện nghe thì có vẻ như việc chuẩn bị này sẽ chẳng hứa hẹn gì đâu.

ĐÚNG. Thực ra thì có một điều chắn chắn là nghe càng nhiều thì bạn sẽ càng tiến bộ. TUY NHIÊN, bạn cần phải làm đúng cách. Tương tự như chuyện người gầy ăn nhiều không béo hoặc tập gym nhiều mà vóc dáng không cải thiện hoặc học nhiều không vào… Tất cả đều do làm sai cách và không có phác đồ/ kế hoạch chi tiết.

GIẢI PHÁP

“Nghe nhiều nhưng phải bảo đảm nội dung lặp lại hoặc chủ đề lặp lại.”

Nếu bạn là người mới bắt đầu học: nghe thật nhiều các clip ngắn về phát âm, học từ vựng, nghe đi nghe lại nhiều lần. Đừng vì chán mà bỏ. Thời gian đầu, chúng ta cần chậm mà chắc, nhai kĩ no lâu, nghe đi nghe lại những âm cơ bản thì dần dần tai mình nó mới thính lên được. Ví dụ như nếu bạn đi học đàn hay học hát đi, chỉ có 7 nốt ĐỒ, RÊ, MI, FA, SOL, LA, SI thôi, nhưng từ 7 nốt có thể thiên biến vạn hóa ra hàng nghìn, hàng tỉ bài hát. Thì tiếng Pháp cũng vậy, nếu xét về cơ bản, các bạn chỉ có đâu đó khoảng mười mấy, hai chục âm cơ bản. Nếu bạn nắm được – hiểu được – nhớ được những âm này thì tương lai không phải lo gì nữa. Nếu không. Sau này học lên cao, bạn vẫn mắc đi mắc lại cùng một lỗi, hoặc từ cái sai này dẫn tới cái sai khác phức tạp hơn.

Nếu bạn là người đã học được một thời gian ngắn: Hãy tập trung 1 chủ đề để nghe đi nghe lại, hoặc tập trung vào một bài nghe, nghe đi nghe lại, ít cũng khoảng 30 lần. Chúng ta đọc trên báo, thường vẫn thấy khen rằng: Bộ não của con người thật diệu kì, Con người chưa khai thác hết khả năng kì diệu của não bộ blahblahblah… Các bạn hãy quên những điều “xàm xí” ấy đi, hoặc là, bộ não đó là của ai đó chứ không phải của chúng ta đâu. Trừ phi, bạn là người nghe bài thơ 1 lần là đọc thuộc lại được thì không nói. Còn bình thường, chúng ta đọc thơ xong, đọc 1 lần giỏi lắm nhớ được 1 câu thậm chí là 1 từ, 1 chi tiết ấn tượng gì đó thôi. Hoặc thậm chí, sau khi đã học thuộc thì chừng mấy ngày, một tuần hoặc một tháng sau cũng trôi theo dĩ vãng. Nên hãy nghe đi nghe lại thật nhiều cùng một bài để cho thấm dần, thấm dần.

Sau đó, thì có thể mạnh dạn tìm một số bài cùng chủ đề để nghe thêm, nhưng vẫn cùng nguyên tắc là phải nghe đi nghe lại nhiều lần cho quen.

Nếu bạn là người học tiếng Pháp ở trình độ “giao tiếp độc lập”: vẫn là nguyên tắc lặp lại như trên. Nhưng ở đây là CHỦ ĐỀ lặp lại. Ví dụ: hôm nay nghe tin về bóng đá, ngày mai lại tiếp tục nghe tin về bóng đá, ngày mốt lại tiếp tục nghe bình luận bóng đá. Cứ thế, chứ không chuyển đề tài. Khi nào bạn cảm thấy tự tin về chủ đề mình đang luyện rồi. Tức là, chọn đại một bài báo trên các trang báo lớn (như Le Monde, Le Point v.v) mà đọc vào lần 1 đã nắm được khoảng 50, 60 % ý, hoặc khi nghe podcast, clip thời sự về thể thao cũng follow (theo) kịp, ít tua lại, ít dừng… thì khi đó sẽ tạm coi là ổn.

Thực tế cho thấy, đối với giao tiếp phổ thông (chém gió, tán phét) thì bạn nói kiểu gì người ta cũng hiểu. Còn nếu đã đi làm (environnement professionnel: môi trường công việc) hoặc theo một chuyên ngành gì đó (secteur spécialisé: lĩnh vực chuyên môn) thì trước là nghe sau là nói lại – không nắm được vốn từ và cách biểu đạt đúng chuyên môn thì bạn sẽ không thích nghi được đâu. Và thường thì, kể cả một du học sinh lâu năm ở Pháp, nếu học nhiều về kỹ thuật, họ sẽ giỏi giao tiếp với các kỹ sư người Pháp cùng ngành, nhưng với một ông luật sư thì có thể chịu cứng và ngược lại. Vì thế, lan man sẽ là một cái hại, đặc biệt là lan man với tài liệu học mà bạn đang có hoặc tìm kiếm.

2. Đã gọi là nghe thì phải hiểu được hết từng câu từng chữ

SAI. Bạn không phải là phần mềm thu âm. Bạn cũng không phải cái máy tự động gõ chính tả. Nếu bạn định hướng cho mình làm thư kí cuộc họp, suốt đời chỉ ghi ghi chép chép lời của giám đốc. Hoặc phóng viên, một người từ chối hết tất cả các công nghệ hi-tech để làm một ký giả ghi chép tay theo lối truyền thống. Hoặc một ngành nghề gì đó chỉ có ghi ghi, chép chép lời người khác nói… thì bạn có thể cứ làm như thế đi, nghe chuẩn chỉnh không cần sửa bất kì một câu, một chữ nào.

Nếu tự áp lực cho mình như thế, đặc biệt là trong hội thoại trực tiếp, khả năng cao là bạn sẽ bị rớt lại ở đâu đó và cảm thấy như mình đã bị bỏ rơi khỏi vòng trao đổi giữa các thành viên trong nhóm. Tự dồn mình vào thế bí không phải là cách hay, vì các bạn sẽ bí thật đấy.

ĐÚNG. Như đã nói ở trên, nếu chuyên môn của bạn là ghi chép, dịch thuật cabin, dịch và script cho phim chẳng hạn… thì rất cần hiểu hết từng câu từng chữ. Nhưng trong nhiều trường hợp, họ có tài liệu chuyên môn hỗ trợ cho trước, có thêm một vài công cụ bổ trợ. Còn khi giao tiếp trực tiếp thì chúng ta không có gì ngoài bản thân và người đối thoại với chúng ta, họ cũng có thể nhờ vả được, nếu biết cách.

GIẢI PHÁP

“Cái khó ló cái khôn: Tận dụng những tình huống bị bí để cải thiện vốn từ vựng.”

Nếu bạn là người mới bắt đầu học: Chuyện nghe không hiểu là chuyện đương nhiên rồi. Hãy thoải mái, nếu mà nghe được một từ nào đó, chắc chắn bạn sẽ thấy vui chứ nhỉ? Không cần hoang mang đâu! Chẳng hạn như clip dưới đây, lần đầu nghe, bạn đặt mục tiêu nghe được hết chữ tarte xuất hiện bao nhiêu lần. Lần tiếp theo, bạn nghe thêm chữ chef. Lần ba, nghe thêm chữ vanille chẳng hạn… Đừng quên, nguyên tắc tối quan trọng: PHẢI TẬP TRUNG.

Nếu bạn là người đã học được một thời gian ngắn: Hãy cố gắng kết nối từ vựng và các chi tiết mình nghe được thành một nội dung, một câu chuyện. Chúng ta tiến lên một bước, không chỉ là nhặt nhạnh từ trong một bài nghe, mà cố gắng kết nối, xâu chuỗi những gì mình nghe được. Tất nhiên là sẽ khó hơn và cũng sẽ nhiều lúc hiểu sai. Nhưng yên tâm là cho đến khi bạn được chứng nhận DALF C1, C2 giao tiếp độc lập rồi thì cũng vẫn sẽ có không ít lần trong đời bạn hiểu sai ý người khác.

Nếu bạn là người học tiếng Pháp ở trình độ “giao tiếp độc lập”: sự phức tạp sẽ tới từ nội dung chứ không phải từ vựng hay cấu trúc. Có những chủ đề hết sức bản địa như: chính trị, truyền thống địa phương, triết học, trào lưu văn học, cải cách xã hội… Đó là những chủ đề mà có đọc qua sách vở về văn hóa – xã hội phương Tây/ nước Pháp rồi, có đủ vốn từ vựng chuyên ngành, cũng chưa chắc chúng ta đã hấp thụ được nội dung mà người đối thoại đang đề cập tới. Nó giống như chuyện làm thế nào để giải thích với người nước ngoài vì sao người Việt Nam thích nhậu, thích đi xe hai bánh, thích ăn vặt ngoài đường phố… Những chuyện như đảng phái chính trị, hiệu quả của chính sách – cần phải có kinh nghiệm thực tế ở xã hội Pháp, hiểu được phong tục tập quán của địa phương này so với địa phương khác, phân biệt được xuất thân, gia thế của các nhân vật chính trị…

Thực tế này giúp giải thích cho chúng ta vì sao: Muốn học ngôn ngữ của nước nào thì nên tới tận nước đó để học. Một người học tiếng Pháp ở Pháp sẽ khác nhiều so với người học tiếng Pháp ở Việt Nam đấy, nếu như cả hai không có nguồn bổ sung kiến thức về văn hóa – xã hội – chính trị Pháp khác.

Trong phần 2, chúng ta sẽ biết thêm 2 sai lầm tiếp theo trong việc luyện nghe, chính là: nghe thụ động và cố nghe cho được những clip nói rất nhanh

Leave a Reply