Thường thì các bạn hay thi TCF dịp đầu năm để kịp chuẩn bị hồ sơ. Hi vọng, bài viết này giúp các bạn tranh thủ được thời gian nghỉ Tết sắp tới, tập trung và ôn tập kĩ lưỡng hơn để có kết quả khả quan làm lộc đầu năm. Cho một năm công thành danh toại.
Tìm hiểu đề trước khi ôn
Tìm hiểu ở đây là việc các bạn thử tìm một đề mẫu, xem các nội dung đề cập trong đó là gì và bắt đầu ghi chép lại các nội dung hoặc các việc phải làm trong quá trình ôn tập.
Nếu google với các từ khoá như “exemple test TCF” hoặc xem trên link youtube, các bạn đều có bài sửa và đề mẫu. Các bạn nghiên cứu cả đề lẫn bài sửa thật kĩ càng. Việc này có thể mất từ vài ngày đến vài tuần tuỳ theo trình độ.
- Xác định phạm vi ôn tập dựa trên mức điểm ứng với trình độ của mình. Ví dụ: TCF có điểm tối đa cho mỗi phần thi Trắc nghiệm là 699 – ứng với thang cao nhất là C2 nhưng các bạn chỉ cần thi A2, thì lấy mức cao nhất hoặc trung bình giữa 2 đầu điểm thấp – cao nhất.
- Tính tỉ lệ:
Điểm cần/ 699 ứng với Số câu/ Tổng số câu của mỗi phần
Sau khi tính ra được mình cần phải đúng bao nhiêu câu, giới hạn phạm vi ôn tập trong số câu đó, tính theo thứ tự, vì đề sẽ ra từ dễ tới khó, không xáo trộn mức độ khó dễ giữa các câu. Nếu các bạn tính được tỉ lệ là 7/ 25 câu chẳng hạn thì có thể xem thêm 3-5 câu nữa trong bộ đề. Để nới rộng phạm vi ôn tập một chút. Thừa còn hơn thiếu.
Tìm hiểu phạm vi từ vựng cần có
Khái quát hoá các nhóm từ xuất hiện trong đề đọc, nghe và đề viết thành các chủ đề lớn. Chẳng hạn: nếu các bạn nghe một bài nghe về Mua sắm quần áo. Hãy quy đổi ngay thành 2 nhóm từ vựng: mua sắm, shopping và quần áo. Tiếp đó, các bạn có thể tự tổng hợp hoặc lên google tìm gợi ý hình ảnh, bài viết có sẵn các nhóm từ như thế này, hoặc tìm trong các sách học về Vocabulaire par thème (từ vựng theo chủ đề) để ôn tập. Các bạn cũng có thể dựa trên các danh sách từ vựng tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Đức (nếu đó là ngoại ngữ bạn đã học và khá linh hoạt) rồi làm thêm thao tác dịch bằng từ điển Anh – Pháp, Đức – Pháp thành bảng từ vựng riêng cho mình và học theo đó.
Một số bảng từ vựng cơ bản (khoảng 300 từ vựng đầu tiên), các bạn có thể tìm thấy trong ấn phẩm Học đi thôi – Đọc hiểu, hoặc các bạn cũng có thể thấy phần từ vựng lồng ghép giải thích theo chủ đề trong cuốn Học đi thôi – Luyện thi TCF (đi trực tiếp tới các chủ đề trong bài thi).
Quá trình chuẩn bị về ngữ pháp cũng rất quan trọng
Ngữ pháp không quyết định hoàn toàn phần điểm Cấu trúc ngôn ngữ và ngữ pháp (phần dễ lấy điểm nhất trong các kĩ năng) nhưng trước hết, nó rất cần cho việc cải thiện tốc độ Đọc hiểu và độ chính xác trong phán đoán khi làm trắc nghiệm Đọc hiểu. Nhưng học ngữ pháp cho thi TCF thì cần định hướng và tập trung thật tốt vào những điểm cần thiết, không cần phải quá đào sâu lan man. Bài thi TCF ở bất kì kĩ năng nào cũng quan trọng tính chính xác cao, không yêu cầu khả năng biểu đạt hay mức độ sáng tạo, ứng dụng ngôn ngữ linh hoạt. Nếu vốn từ đa dạng nhưng tính chính xác tuyệt đối thấp, các bạn rất khó để làm tốt bài thi TCF.
Ngay cả ở trình độ TCF B2, C1, C2, yếu tố quan trọng nhất vẫn là sự tập trung, trí nhớ và tính hệ thống để chính xác hoàn toàn trong việc phán đoán, lựa chọn đúng đáp án. Nếu như ở trình độ A2, B1 Delf, nếu không nhớ maison là giống đực hay giống cái thì thí sinh có thể thay bằng le bâtiment vì biết chắc chắn nó là giống đực. Trong cách thể hiện, việc chọn lọc từ ngữ, thí sinh được tự do hơn thì trong TCF, nếu không biết maison là giống đực hay giống cái thì chúng ta sẽ “đi đời”một câu ngữ pháp chẳng hạn. Vì đề bài yêu cầu tìm đại từ thay thế, hoặc tìm tính từ tương ứng với danh từ hoặc tìm các định từ (déterminant) phù hợp theo giống và số của danh từ…
Hướng dẫn chung về các dạng bài tập thực hành
Học công thức ngữ pháp và nhớ chắc chắn, biết cách lập luận từng bài tập ngữ pháp theo công thức đã học (như kiểu học toán chứng minh ở phổ thông) là cách để ôn ngữ pháp. Chẳng hạn, nguyên tắc: danh từ giống cái sẽ dùng la, une, celle, toute… Vì maison là danh từ giống cái, nên đáp án có la, une, celle, toute là đúng. Còn lại các lựa chọn như le, un, celui, tout sẽ là sai. Phương pháp loại suy.
Phương pháp loại suy có thể áp dụng cho phần lớn các câu hỏi trắc nghiệm TCF. Lí do là vì, để làm bài theo cách loại suy, chúng ta gần như phải đi qua các đáp án, sẽ mất thời gian đọc và phân vân với từng đáp án, chúng ta dễ nhầm lẫn giữa các đáp án. Như vậy tính thử thách trong bài thi trắc nghiệm sẽ cao hơn. Còn nếu muốn nhanh hơn, thường chỉ có một cách là thí sinh đã quá “nhàu” (thuộc làu về dạng đề, câu hỏi và chắc chắn kiến thức như đinh đóng cột), tốc độ đọc thì gần ngang ngửa máy quét.
Việc đọc nhiều và nghe nhiều rất có ích. Các bạn nên chú ý vào trau dồi hai kĩ năng này.
Có một chiến lược hợp lí về thời gian làm bài
Như chúng ta đã đề cập ở trên. Nếu muốn có 10/25 câu đúng và thời gian thi là 30 phút chẳng hạn thì trước hết chúng ta phải làm kịp 10 câu đó trong vòng 30 phút. Kịp trước rồi mới tính chuyện đúng sai sau. Yếu tố thời gian thì chúng ta có thể tập dần cho quen và làm chủ được trước khi vào phòng thi. Không nên cứ làm bất chấp thời gian để đến lúc thi thật thì bị ngợp vì thời gian quá dài. Nếu đọc đến đây và đang ôn TCF mà chưa có đồng hồ hay chức năng hẹn giờ được bật thì các bạn chú ý nhé!
Luôn luôn làm chủ thời gian trong các lần ôn tập. Nếu đặt mục tiêu cao hơn, hãy nghĩ ngay tới việc thu hẹp thời gian khi giải quyết mỗi câu hỏi.
Như vậy, cần chú ý giữa các lần làm đề, các bạn phải đảm có đủ giãn cách để không bị tình trạng nhớ đề, nhớ đáp án khiến cho lần 2, lần 3 làm lại không được trung thực. Tốt nhất, với mỗi bộ đề nên làm cách nhau 5 đến 7 ngày. Nếu làm lại bộ đề ngay sau lần 1 thì thường thời gian sẽ được rút ngắn đi rất nhiều tuy nhiên điều đó chẳng nói lên được gì. Hãy đảm bảo là các bạn đã quên hẳn nội dung và lần làm lại đều làm trên kiến thức và phân tích như kiến thức đã học.
Luôn đọc đáp án với tinh thần học, hiểu rõ phân tích cấu trúc hoặc lựa chọn càng tốt. Không học vẹt.
Không học đáp án mà tìm trong đáp án điều có thể học
Điều này kể ra thì hơi mông lung so với các bạn đang ở ngưỡng mới học. Tuy nhiên, khi chọn một đáp án xong, các bạn cần phải kiểm tra lại từ tư liệu ngữ pháp mình có, từ việc đọc hiểu đáp án hoặc tìm thêm giải thích trên mạng để nắm rõ vấn đề. Đừng học như app tức là chỉ luyện xong biết đúng sai rồi lặp đi lặp lại. Hãy nhớ những thông tin có ý nghĩa, như vậy, giá trị của chứng chỉ mà bạn cầm trên tay cũng sẽ phản ánh chân thực hơn trình độ tiếng Pháp hiện tại của bạn.
Youtube là một nguồn học tiếng Pháp ngữ pháp rất hiệu quả. Mình gợi ý một vài trang mà có thể các bạn chưa biết chỉ chuyên về ngữ pháp, chính tả. Các bạn vừa học vừa luyện nghe rất tốt. Thường thì hiểu được phần ngữ pháp, các bạn cũng nghe được luôn trọn vẹn nội dung. Những nội dung học này so với một bài nghe hội thoại, đoạn trích ở trong bài thi thì dễ hơn nhưng luyện tập bằng cách này không có nghĩa là trình độ nghe của bạn sẽ kém đi hoặc giả bạn chẳng thu hoạch được gì. Một mũi tên trúng hai đích đấy!
Kênh gợi ý: Bien écrire, Nahathee, Cours de français – Jonathan Vangrootloon, Atelier du Français, French School TV, Projet Voltaire, Mon coach Bescherelle
Luyện viết và luyện nói như thế nào?
Trong trường hợp của tự luyện thì giải pháp đơn giản nhất là tự viết, kèm tham khảo thêm những chủ đề tương tự, có bài viết, đoạn văn, bài báo cùng nội dung trên mạng. Đọc đi đọc lại nhiều lần cho nhớ. Phần luyện nói cũng chủ yếu dựa trên các đáp án mẫu và các bạn thảo lược lại một cách chi tiết coi như mình làm sẵn rồi học tủ và mang đi thi viết lại. Nhìn chung, với hai kĩ năng này, chỉ tự học mà được trình độ A2 thì cũng khá là đuối sức rồi.
Các bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Phần nói TCF sẽ diễn ra như thế nào?