Credit: Ảnh trích từ video giới thiệu bộ sưu tập Le Mythe Dior (Thu Đông 2020/2021)
Như đã hứa, lần này mình sẽ cập nhật cho các bạn những thông tin chi tiết nhất, trong khả năng truyền tải của mình và trong khuôn khổ một bài blog để hỗ trợ cho bạn nào đang có định hướng học cũng như làm việc trong các ngành dịch vụ phân khúc cao cấp.
Nói một chút về những thuật ngữ
Với mình thì xa xỉ phẩm là một từ làm giảm giá trị nghệ thuật của những sản phẩm thuộc hàng bậc thầy, còn hàng hiệu thì nghe mùi nhiều tiền nhưng cũng có gì đó mất đi giá trị của sản phẩm, bởi vì từ thương hiệu sang hiệu cảm giác như nó đã bị mất 50% ý nghĩa. Phân khúc cao cấp thường được người Pháp gọi là « haut de gamme » mà dịch là phân khúc cao cấp nhiều khi lại thành ra biến chữ haut kia thành tính từ cho chữ gamme (dòng sản phẩm). Từ định nghĩa của những từ điển đơn ngữ (monolingue) dễ hiểu nhất, chúng ta sẽ biết haut de gamme là gì?
Định nghĩa về đồ hiệu theo thuật ngữ “les produits haut de gamme”
« Haut de gamme est une locution employée pour qualifier quelque chose de très grande qualité, qui se situe dans la partie haute de l’offre d’un fabricant. »
LInternaute
Người Pháp không định vị thương hiệu dựa trên giá tiền, mặc dù số tiền mà chúng ta bỏ ra để mua đồ hiệu người Pháp bán là không hề rẻ. Trong tiêu chí của các sản phẩm cao cấp, người ta định hình lõi giá trị là chất lượng. Haut de gamme là một món đồ nào đó có chất lượng rất cao, nằm ở ngưỡng trình độ cao trên thang tiêu chí của người sản xuất. Như vậy, một món đồ đắt tiền với người Pháp không chỉ là một món đồ đắt tiền. Nếu bạn bỏ quá nhiều tiền cho một sản phẩm mà không nhận được một giá trị tương xứng, với người Pháp mà nói, trông bạn có vẻ giống một kẻ ngốc.
Nếu ai đã từng làm trong ngành dịch vụ thì hẳn cũng đã biết qua rằng: «Người Pháp là một trong những đối tượng khách hàng khó chiều lòng nhất, cái gì họ cũng có thể chê. Cười cười đó nhưng về nhà họ sẽ lẳng lặng viết một cái review dài cả sớ chỉ để chê những thứ lặt vặt mà họ không hài lòng. Người Pháp cũng thuộc hàng kẹt xỉn. Nên cứ ở khách sạn 5 sao, 4 sao họ cũng tỏ ra liu chiu lắt chắt bởi chuyện cứ chê dài người ta là dịch vụ không tương xứng với giá tiền.“
“Il n’y a pas de rapport qualité/ prix.“
Tuy nhiên, tiêu chí về « dịch vụ và sản phẩm cao cấp đảm bảo một tương quan hợp lí giữa giá cả và chất lượng » của bạn chắc chắn sẽ được nâng cấp nếu như bạn hoàn thành một trong những khoá học đào tạo thế hệ tinh hoa tương lai « les futurs élites » như ví dụ ở đây là về thời trang (la mode) tại trường thiết kế nổi tiếng nhất Paris. Ecole de la chambre syndicale de la couture parisienne (ECSCP) – Trường của Công đoàn may mặc Paris với cái tên vừa cổ vừa cảm giác « mãi mãi ở thế kỉ XIX » chính là cái nôi đào tạo Yves Saint Laurent hay giám đốc sáng tạo bậc thầy của Chanel Karl Lagerfeld cùng nhiều tên tuổi lớn khác.
Học viện thời trang Paris, nơi gặp gỡ của những bàn tay và khối óc nghệ thuật tài hoa, tỉ mỉ
Chúng ta có thể xem qua 15 phút tài liệu của chương trình Visite privée (Chuyến thăm riêng) đến trường ECSCP – nay đã đổi tên thành Học viện Thời trang Pháp (địa chỉ: 119 Rue Réaumur, 75002 Paris). Các bạn có thể thấy sinh viên ở đây đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, cũng có rất nhiều tài năng trẻ tới từ Trung Quốc, Hàn Quốc. Với môn học về phong cách Stylisme trong năm đầu tiên, các bạn trẻ phải làm một tập hồ sơ như bản nghiên cứu sơ bộ về phong cách, trường phái thiết kế và trong quá trình làm hồ sơ, phác thảo sản phẩm, các bạn sinh viên sẽ dần tiếp thu được các định hướng thiết kế hiện đại. Từng quyển hồ sơ (dossier) sẽ được giáo viên bộ môn tham vấn và đề xuất các hướng chỉnh sửa tối ưu.
Có thể các bạn thấy điều này hơi khuôn khổ, nặng nề và có thể mài giũa mất tinh thần sáng tạo đột phá nơi các bạn trẻ. Thời trang và nghệ thuật sáng tạo Pháp phải chăng cũng bảo thủ như tất cả những gì chúng ta nghe về nước Pháp? Đồng ý hoặc không, nhưng cá nhân mình cho rằng, để một thiết kế trường tồn với thời gian và đắt lên theo thời gian như đồ của bà Coco Chanel thì chắc chắn, một cái nhìn từ quá khứ xuyên đến tương lai thì hẳn sẽ hơn một cái nhìn đột biến từ một tài năng mới nhú và chẳng biết là đi về đâu hoặc tồn tại được bao lâu.
Để đánh giá một cách khách quan, chúng ta có thể nhìn sang xu hướng đào tạo của các trung tâm thời trang láng giềng. Các học viện thời trang như Luân Đôn, Milan thường ít gò bó, hướng tới việc hình thành một không gian sáng tạo cởi mở hơn (như lời khẳng định của Jean Paul Gauthier).
Nhưng qua quan sát trong một đoạn phim tài liệu ngắn, chúng ta cũng thấy rõ một nhịp điệu làm việc rất sôi nổi, tích cực và cũng rất căng thẳng từ thế hệ sinh viên tại học viện. Bù lại, hẳn là cơ sở đào tạo này cũng đã cho thấy một cam kết chuẩn mực về việc theo sát sinh viên trong quá trình làm sáng tạo. Đa số sinh viên trong trường đều là học việc (apprenti) ở các nhà mốt danh tiếng như Dior, Chanel, YSL. Và nếu hình ảnh hào nhoáng trên các sàn diễn thời trang thế giới vẽ cho chúng ta một bức tranh bảy sắc cầu vồng, sôi nổi và huyên náo thì trong các lớp học, xưởng thiết kế, bài học lớn nhất của các sinh viên ngành mốt cao cấp là kiên nhẫn (patience).
Các bạn có thể xem kĩ đoạn phỏng vấn với Pomeline Réau (học việc cho nhà mốt Dior), lược dịch: “Khách hàng đã trả một khoản tiền rất lớn nên mình không thể làm họ thất vọng… Vì vậy từng đường kim mũi chỉ đều phải cẩn thận. Nếu sản phẩm thực sự lỗi và khách hàng không hài lòng thì chắc chắn sẽ phải làm lại, không có lựa chọn khác.”
Để phục vụ được những khách hàng ở phân khúc cao cấp, có thể một nhà thiết kế, tối thiểu, cần biết may bằng máy 15 giây và may bằng tay 15 phút thì sự khác biệt về giá trị là nằm ở đâu.
Visite privée – ECSCP – Institut Français de la Mode
Cái tôi ở tầm quốc tế thầm lặng, kiên trì
Lựa chọn làm việc cho các nhà mốt danh tiếng đã là một lựa chọn không tồi, nếu không nói là niềm mơ ước của rất nhiều sinh viên thời trang trên thế giới. Nhưng còn hơn thế, những nhà thiết kế trẻ đã vượt vũ môn thực sự có một tương lai rộng mở phía trước như ví dụ của Yang Li, chỉ mới ra trường 4 năm đã có thương hiệu riêng – Quetsche, đã có bộ sưu tập được giới thiệu ở nhiều tuần lễ thời trang, ở nhiều nước.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống dệt may, mẹ có một công xưởng ở Trung Quốc, Yang Li ra đặt chân đến Pháp ở tuổi 19, bắt đầu con đường hiện thực hoá ước mơ của mình. Với tư cách một nhà thiết kế có thương hiệu riêng, các sản phẩm của anh cũng có một mức giá rất ra dáng một thương hiệu cao cấp (mà người ngoại đạo nhìn vào chỉ thấy đắt, chưa hình dung được giá trị ở đâu). Yang Li có niềm đam mê với các chất liệu và anh muốn làm nổi bật lên sự đặc biệt của chất liệu trong từng thiết kế của mình. Câu chuyện có vẻ truyền cảm hứng và khiến ai nghe xong cũng muốn lao đi học thiết kế ngay.
Tuy nhiên, như đã thấy, học thiết kế thời trang ở Pháp cũng là một câu chuyện dài và lặng thầm của nhiều mồ hôi nước mắt, đòi hỏi nhiều cố gắng và một khả năng thẩm thấu giá trị nghệ thuật tuyệt vời. Sau đó là một cái đầu biết kinh doanh. Nhưng thiết nghĩ, khi bạn đã có tầm nhìn và biết đầu tư cho sự nghiệp ngay từ đầu, quá trình học tập và rèn luyện sẽ dẫn dắt bạn tới chân trời rộng mở, bạn biết mình là ai, ở đâu, định hình được giá trị cho bản thân và lúc kỹ năng chín muồi thì cũng là lúc các bạn thành công.
Phải lưu ý thêm những con số đáng chú ý của người dẫn chương trình: Chỉ có khoảng 25% số sinh viên ở Master 1 tốt nghiệp tức là khoảng 40 sinh viên. 600 sinh viên là con số tổng của toàn học viện. Như vậy, một NTK hàng đầu của nước Pháp cũng phải tầm ngang ngửa nỗ lực của sinh viên ngành Y.
Bản thân Jean Paul Gaultier (người được mệnh danh là “kẻ quái kiệt” của thời trang Pháp với những thiết kế nổi loạn và đôi lúc cho công chúng cảm giác “bạo liệt”) dù đã nói ở trên, không đề cao tính khuôn mẫu nặng nề trong ECSCP cũng từng theo học “bổ túc” nhiều cuối tuần liền ở đây để hoàn thiện kĩ năng cho bản thân. Chính xác mà nói, ông chỉ đưa ra một chút lời khuyên đối với người dạy trong cách họ diễn đạt, để sinh viên không bị suy nghĩ rập khuôn mà có thể liên tưởng tới thực tế nhiều hơn (do phần lớn thời gian, sinh viên chỉ làm việc với ma-nơ-canh nên có thể sẽ gặp một số khó khăn khi lên form đồ cho người thật). Làm thời trang phải nghiêm túc và sáng tạo. Hai yếu tố luôn luôn song hành.
Mở ngoặc kiến thức: Size quần áo phổ biến của người Pháp là size 38. Sinh viên thiết kế làm việc trên mannequin có các số đo ứng với size 38. Nhưng giữa hai phân khúc đồ may sẵn (prêt à porter) và đồ thời trang (haute couture) thì số đo vòng 1 của đồ Haute Couture sẽ nhỏ hơn một chút.
Từ trường học bước ra trường đời: Bước vào xưởng thiết kế của những thương hiệu nổi tiếng nhất nước Pháp Chanel, Dior, YSL…
Qua tập phim Trésor de la Haute Couture của kênh L’ombre d’un doute, chúng ta được cùng bóc tách các giá trị nghệ thuật ẩn mình trong một sản phẩm thời trang cao cấp. Từ một nền móng huy hoàng, rực rỡ, ngày nay Haute Couture của Pháp là những người kế thừa xuất sắc của những công xưởng thiết kế Hoàng Gia thời phong kiến, mà với con mắt sáng suốt của mình Louis XIV đã sớm đưa các nhà nghề truyền thống về may mặc trở thành những báu vật của quốc gia.
Vậy, nói tới một sản phẩm thời trang và nghệ thuật cao cấp, có phải chỉ cần một cái tên thương hiệu, một khuôn mặt người mẫu đình đám, một cái đầu sáng tạo khủng khiếp đầy sức hút là nghiễm nhiên mọi thứ sẽ đâu vào đó? Thực tế là không, thời trang cao cấp là một tập hợp các xưởng thủ công và công sức của nhiều thợ thủ công lành nghề miệt mài mà có thể… nếu không bảo tồn, những kỹ năng chuẩn mực đó đã phôi phai từ lâu.
Một món đồ thời trang cao cấp là tổng hoà của nhiều ngành nghề thủ công trình độ cao như plumage (làm lông vũ), pliage (xếp li trên vải), broderie (thêu chỉ và đính cườm), những ngành liên quan đến phụ kiện thời trang như maroquinerie (chế tác da) và những ngành khác tưởng chừng như không có mối liên hệ nào với thời trang như potterie (gốm sứ).
Nghề thêu và câu chuyện của những con tim miệt mài
Sẽ không có lao động nghệ thuật nào mà không đòi hỏi sự miệt mài và cống hiến. Người được gọi là nghệ nhân chắc chắn đã lao động miệt mài và bền bỉ cống hiến mà không cần thế giới biết tới và tôn vinh. Có lẽ đó là lí do vì sao, từ thời trang cao cấp, đi sâu vào là tổ hợp thủ công cao cấp, câu chuyện cứ thế mà gợi lên nhiều cảm hứng cho công chúng.
Nhắc tới thêu, Lesage chính là xưởng thêu nổi tiếng và lâu đời nhất của nước Pháp, ra đời năm 1924 cùng với hoạt động đào tạo ngành thêu nghệ thuật từ năm 1992, tới năm 2002 thì được tập đoàn Chanel mua lại và hiện là một trong những xưởng thủ công quan trọng của Chanel. Điều đặc biệt nhất ở Lesage chính là một kho báu có một không hai các tuyệt tác trong ngành thêu được lưu trữ, phản ánh kỹ nghệ thêu từ truyền thống cho tới hiện đại. Ngoài Lesage thuộc Chanel, một xưởng thêu khác cũng nổi tiếng không kém là Vermont, thuộc Dior là một xưởng thêu nghệ thuật độc lập. La maison Vermont nằm ở đường Faubourg-Poissonnière, được thành lập năm 1956 bởi ngài Jean Guy Vermont.
Ngài Lesage từng nói, “nghề may mà không có nghề thêu thì như 14/7 mà không có pháo hoa”
Monsieur Lesage
(Nghề may ở đây là thời trang cao cấp Haute Couture. Ngày 14/7 là ngày Quốc khánh Pháp). Nhưng ngược lại, nếu không có nghề may (Haute Couture) thì nghề thêu cũng không thể đạt tới những vị trí rực rỡ như ngày nay.
Nghề thêu là nghề của đôi tay và con tim. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện đầy xúc cảm. Câu chuyện của một thợ thêu với 4 năm hành nghề trong xưởng của Lesage Caroline là câu chuyện chuyển đổi nghề sau những áp lực về doanh số, kinh doanh ở một công ty mỹ phẩm. Cô muốn đôi tay mình được làm việc, muốn tập trung nhưng cũng muốn thả lỏng mình khỏi những áp lực không mong muốn.
Trong một tập phim khám phá nghề nghiệp – serie Une autre école, chúng ta có cơ hội tìm hiểu một cách cụ thể hơn nữa ngành nghề thêu móc nghệ thuật ở Pháp được đào tạo như thế nào. Trường Lesage nằm ở quận 9 của Paris. Một không gian thinh lặng của những thiền giả miệt mài với những tác phẩm nghệ thuật đang thành hình qua quá trình tích luỹ kỹ năng chuyên môn không ngừng. Nếu đến Lesage học, người ta có thể học từ vài tuần, vài tháng, vài năm hoặc thậm chí tới 20 năm đi đi về về chốn này.
Tất nhiên, không phải đến đây chỉ để ngồi thêu và im lặng, vẫn có những giờ học lý thuyết và hầu hết bài tập, học viên phải hoàn tất ở nhà. Có những học viên ở Lesage có thể ngồi thêu tới 18 tiếng mỗi ngày, thật sự khiến chúng ta phải kinh ngạc. Mỗi năm, có khoảng 400 người đăng kí vào các lớp và các trình độ thêu móc mà Lesage cung cấp. Với những học viên kì cựu đã học ở đây suốt 20 năm, không có nghĩa là họ cứ học mãi học mãi như thế, họ tới để củng cố kiến thức trong một vài tuần, một vài giờ, học thêm những kỹ thuật mới để trau dồi kỹ năng và để được những bậc thầy giàu kinh nghiệm nhất truyền đạt để họ có thể nâng cao tay nghề.
Nếu mình không nhầm thì trước đây có đọc một bài phỏng vấn về nghệ sỹ thêu nghệ thuật Phạm Ngọc Trâm và xưởng thêu Meo Meo Atelier của chị, trong đó có nói tới việc chị ấy từng theo học thêu tại trường Lesage ở Paris. Hiện tại mình không còn giữ cuốn tạp chí và trên mạng không có bài viết nào liên quan nên bạn nào có duyên xác nhận việc này có thể để lại comment, hoặc bạn nào muốn tìm hiểu thì có thể liên hệ qua facebook hoặc các lớp workshop của chị ấy, mình nghĩ cũng sẽ có phản hồi.
Tất nhiên, không thể nói thêu là chỉ ngồi xếp xếp mấy cái hạt cho đúng thứ tự và xâu chơi chơi, nếu làm sai một bước thì sẽ phải tháo ra làm lại ngay. Đối với những yêu cầu đặc biệt của những nhà thiết kế hàng đầu, trong nhiều trường hợp, chỉ có một hoặc một vài thợ thêu cực kì lành nghề mới có thể thoả mãn ý tưởng “không tưởng và yêu cầu thẩm mỹ khắt khe đó.
Những nghề không tên không tưởng nhưng là một phần không thể thiếu của Haute Couture
Sau nghề thêu đan móc nghệ thuật thì kho báu tiếp theo của ngành Thời trang cao cấp, qua câu chuyện, nằm ở chương khủng hoảng và hồi sinh của các nhà mốt với sự ảnh hưởng đặc biệt của Yves Saint Laurent (NTK qua đời năm 2002). Với những tác phẩm đánh dấu sự chuyển mình, đằng sau đó, công chúng mới biết tới có một nơi trên thế giới lưu giữ những bộ lông vũ đặc biệt và nghệ thuật chế tác với lông vũ. Và tiếp theo đó, với bông hoa Trà (camélia) là chỉ điểm thương hiệu “signature” riêng, loài hoa mà Coco Chanel yêu thích, chúng ta còn biết tới có những xưởng thủ công như Lemarié chỉ làm hoa vải phục vụ cho các nhà mốt cao cấp từ bộ sưu tập Xuân Hè năm này cho tới BST Thu Đông, rồi Đông Xuân năm khác.
Đối với những mảng khác, tương đối độc lập hơn, chúng ta có một cái nhìn tương đối rõ nét, vì những tinh hoa nghệ thuật này, chúng ta cũng đã ít nhiều có thể tìm hiểu, đó là ngành chế tác da, giày da… Massaro là một xưởng chế tác và hiệu giày (bottier – chuyên làm bốt) ra đời từ 1894, đã hợp tác với rất nhiều nhà mốt và đặc biệt là Chanel.
Cũng thật là hiếm hoi, công chúng mới được tham quan các nhà lưu trữ, công xưởng và được xem lại tư liệu ghi hình gần như từng công đoạn của một bộ sưu tập thời trang, ở đây là tác phẩm sáng tạo của bậc thầy Karl Lagerfeld.
Nếu tinh ý, các bạn cũng có thể thấy được những đặc trưng riêng ở mỗi nhà mốt Pháp, những nhà mốt lớn nhất. Chanel với hoa và thêu tay. Dior với thêu tay và một kỹ thuật xếp ly trên vải đặc trưng và những sáng tạo về chất liệu như porcelaine (men sứ) ở thời kỳ cách tân chất liệu của Raff Simon. YSL và những phá cách trong đó có những tuyệt phẩm đính lông vũ…
Ngành Quản lý xa xỉ phẩm & Thời trang tại Học viện thời trang
Để tổng kết và bổ sung thêm một hướng khác cho những ai đam mê thời trang nhưng lại không có đôi tay nghệ thuật để trở thành nhà thiết kế, ngành quản lý xa xỉ phẩm và thời trang cũng là một trong những hướng hứa hẹn cho những ai vừa đam mê kinh doanh vừa hướng tới phân khúc ngành hàng cao cấp.
Nếu muốn tìm hiểu sâu thì tất nhiên, chúng ta nên xem kỹ chương trình học mà các Học viện Quản lý hoặc Học viện Thời trang cung cấp. Nói qua một chút về background (nền căn bản) của những sinh viên đã đi làm hoặc đang đi học chia sẻ lại dưới dạng vlog trên youtube thì mình thấy như thế này:
Đa số các bạn ấy gốc từ các ngành ngôn ngữ và không những giỏi 1 ngoại ngữ mà còn có thể là nhiều ngoại ngữ.
Yêu cầu đầu vào ở các trường là IELTS hoặc TOEFL, có khá nhiều chương trình thạc sĩ của ngành này được dạy 100% bằng tiếng Anh, yêu cầu đầu vào điển hình với TOEFL là 93/120.
Về chương trình học 2 năm master Quản lý Thời trang và Xa xỉ phẩm
M1 – kì 1: nền cơ bản về kinh tế, tài chính, kế toán, quản trị v.v…
M1 – kì 2: mua bán trong sản xuất thời trang, quản trị dự án thời trang, thiết kế và thương hiệu, marketing và chuyển đổi số v.v…
M2: 6 tháng thực tập và luận văn tốt nghiệp.
Học phí: khoảng 23.000 euros cho 2 năm học.
Cạnh tranh cao, môi trường mang tính quốc tế (tiếp xúc đa dạng nhiều văn hoá, đến từ nhiều nước khác nhau trên thế giới, lượng sinh viên Pháp theo học master này cũng khá thấp – vì vấn đề học phí cao và vì đây là một chương trình tiếng Anh nên chắc chắn sẽ không phải là một lựa chọn của nhiều sinh viên Pháp – những người cũng gặp không ít khó khăn với việc học ngoại ngữ mà đặc biệt là tiếng Anh).
Yêu cầu: Sinh viên nên có một số kinh nghiệm thực tế trước khi vào học để tiếp cận vấn đề dễ dàng hơn. Đây là một điều rất rõ ràng, gần như đúng với cả các master khác.
Hãy chuyên sâu khi bạn đã xác định được chuyên môn của mình là gì – đây là lời khuyên của mình cho những ai đang muốn tìm một chương trình master để học.
Một số công việc thực tập hay công việc đầu ra thực tế của sinh viên quản trị ngành hàng xa xỉ phẩm
Bạn có thể trở thành nhân viên bán hàng của Louis Vuitton hay của các thương hiệu cao cấp. Hiển nhiên, từ phong cách cho tới trình độ, sẽ không có chuyện chỉ có duyên ăn nói mà bạn được LV hay Hermès để mắt tới. Các bạn có thể tham khảo một ví dụ một nhân viên của Magasin Louis Vuitton Montaigne tốt nghiệp trường Tunon (Trường tư về Nhà hàng – Khách sạn -MBA).
Một trong những yêu cầu khó nhất với các nhân viên bán hàng của LV đó là qua đào tạo, nắm được kĩ năng giữ liên hệ với khách hàng. Tất cả các kỹ năng từ tài chính, tính toán, ngoại ngữ đều cần phải thật nổi bật nếu như ai đó đang nghĩ rằng chỉ cần có ngoại hình là làm việc được ở LV. Trong video ví dụ này, Anatasia (chắc bạn ấy người gốc Nga) nói được 3 thứ tiếng Anh – Pháp – Nga, một ít tiếng Trung và một ít tiếng A-Rập.
Nếu các bạn muốn đi sâu vào ngành Thời trang thì có thể tìm các khoá thực tập tại các Nhà mốt hoặc các công ty thời trang. Nếu các nhà mốt nơi bạn thực tập có tham gia các tuần lễ thời trang thì trong quá trình thực tập, các bạn sẽ được tham gia vào các công đoạn khác nhau, nhưng lưu ý là trong khâu sản xuất chứ không phải khâu sáng tạo hay lên hình. Tức là học hỏi kinh nghiệm từ việc mua bán vật liệu và phụ liệu may mặc, tìm hiểu và thương lượng với các nhà cung cấp, điều phối công việc và bảo đảm tuân thủ các deadline (thời hạn – délai) cực kì xiết sao trong mỗi mùa trình diễn.
Để hiểu về quy trình làm việc, chúng ta có thể hình dung như sau: Giám đốc sáng tạo là người đưa ra các ý tưởng chung cho bộ sưu tập (concept). Sau đó sẽ điều phối và chi tiết hoá công việc với cấp dưới để hình thành dự án (xây dựng projet / project). Mỗi bộ sưu tập sẽ là một dự án cần quản lý – điều phối và vận hành. Sau đó, sẽ có các bộ phận cùng làm việc song song trong khâu sản xuất như chuẩn bị vật liệu (vải – màu nhuộm hoặc in, chỉ, nút, các loại vật liệu và phụ liệu khác…) cũng như một quy trình mua nguyên liệu ở các cơ sở sản xuất khác.
Việc hiện thực hoá một thiết kế từ bản vẽ, chúng ta thấy có thể sẽ cần có sự hợp tác sản xuất từ nhiều đơn vị. Người điều phối sẽ đảm nhiệm việc liên lạc, làm việc và kiểm tra tiến độ cho từng công đoạn, từng phần trên trang phục tổng thể. Các bạn có thể xem chi tiết trong chiếc vlog dưới đây, cũng kết thúc luôn bài tìm hiểu về Thời trang hay Nghệ thuật Thương hiệu với các Nhà mốt Pháp.
P.S: Nếu các bạn đang tìm hiểu một số ngành hơi đặc biệt và có quá ít thông tin tham khảo, có thể để lại comment, mình sẽ tiếp tục làm những bài chi tiết như thế này. Các bạn có thể xem thêm bài giới thiệu Trường học – Ngành Điện ảnh – Cinéma ở Pháp.
Nếu cảm thấy bài viết này có ích cho việc ôn thi B2, C1 của các bạn, thì các bạn có thể donate một chút nhỏ để duy trì hosting cho blog qua ví momo: 0947.2299.21. Cám ơn các bạn đã đọc và ủng hộ.