Hãy như Gabrielle Colette: yêu mèo và sống vị tha!

Nhà văn Colette. Người ta biết tới bà với tư cách là một nhà văn tai tiếng. Nhưng, như Micheal Jackson đã từng nói : « Trước khi phán xét tôi, hãy thử yêu tôi trước. » Thực vậy, trong cuộc sống, đôi khi, nếu bạn tìm hiểu kĩ hơn chiều sâu tâm hồn của một con người, bạn sẽ vượt qua được rào cản những nghi kị ban đầu để hiểu họ hơn, thông cảm cho cuộc đời họ hơn.

Trong khi tìm hiểu thêm về cuộc đời của bà, có lẽ, tôi đã thực hiện được một cú lội dòng ngoạn mục, tránh được cú lừa của truyền thông về những điều tai tiếng trên, để cuối cùng, hiểu ra, thực sự Colette là ai. Từ đó, tôi cũng hiểu được, vì sao người Pháp luôn dành cho bà một tình cảm cực kì đặc biệt. Xinh đẹp như nữ hoàng Ai Cập, quyến rũ, phong cách là kiểu mẫu chính hiệu đại diện cho phụ nữ Pháp hiện đại, đó chính là : tiểu thuyết gia Sidéone-Gabrielle Colette.

Những điều mà người ta thường nói về Colette : ba đời chồng, lưỡng tính, có rất nhiều áng văn về tình dục. Nhưng, văn chương của bà chưa bao giờ bị coi là dạng « tiểu thuyết ba xu ». Ngược lại, bà từng là viện sĩ của Viện Hàn lâm Hoàng gia Bỉ về ngôn ngữ và văn học Pháp, thành viên và sau này là Chủ tịch hội Văn học Goncourt. Chưa kể, nữ nhà văn Colette còn được trao Bắc đẩu bội tinh hai lần và về cuối đời bà được tổ chức Tang lễ theo nghi thức Quốc tang. Colette là người nữ duy nhất từ đó tới nay được Nhà nước Pháp tổ chức Quốc tang. Chỉ một vài dòng ngắn đây thôi cũng đã đủ cho chúng ta tò mò về cuộc đời của Colette.

Vốn sinh trưởng ở tỉnh lẻ, nhưng người ta thường nói về sự mâu thuẫn nơi Colette : yêu kiều như thiếu nữ Paris lạc vào tỉnh lẻ, và ngược lại, như một cô gái tỉnh lẻ lạc lối ở Paris. Colette là một người xinh đẹp, đa tài và thừa hưởng rất nhiều tính tốt từ người mẹ : bà Sido. Bà Sido theo miêu tả của Colette là một người giàu lòng trắc ẩn, bà mở rộng cửa đón những chú mèo hoang vào trú ngụ. Bà rất thương người, đôi khi buồn chỉ vì không có đủ tiền để cho người nghèo khó gặp trên đường ra phố. Những đặc điểm này lây lan sang cô con gái rượu.

Một trong những điều đặc biệt, khi mà người ta nhắc tới đời sống cá nhân của Colette, đó là nữ văn sĩ rất thích mèo. Những chú mèo cùng bà sinh trưởng trong ngôi nhà ấu thơ cho đến lúc phải chuyển nhà. Rồi sau này, về già, bà lại trở lại nơi mình đã sinh ra, sống cùng với những chú mèo đáng yêu. Sau một chặng đường dài sóng gió với ba cuộc hôn nhân, bà từng kết luận rằng : Sống với một chú mèo, thế là đủ, chẳng cần đến bóng dáng đàn ông. Colette đặc biệt yêu thương các loài vật và bà không ngần ngại thể hiện sự yêu thương đó. Bà yêu chúng đến nỗi mang chúng vào văn chương, trong tác phẩm « Cuộc đối thoại của các con vật » và « Nàng Mèo ».

Nếu như trong một cuộc tình tay ba, các nam nữ chính giằng co chuyện yêu đương thì đây, nàng Mèo quyến rũ đến mức có thể đánh bật một mối quan hệ khắng khít, để chiếm trọn trái tim của con người. Cũng có người từng so sánh, nếu trong quan niệm Tây phương, mèo có tới chín mạng, thì nơi Colette, người ta cũng có thể tìm thấy điểm tương tự. Suốt cuộc đời mình, Colette có lúc thì làm một vũ công, lúc là một diễn viên hài kịch, khi thì viết văn, rồi trở thành nhà báo, một nhà phê bình văn học và cả chủ nhân của một tiệm làm đẹp. Bà biến hóa và lanh lẹ thích nghi với mọi hoàn cảnh, mềm dẻo và linh hoạt như một chú mèo. Không chỉ viết về loài mèo, Colette còn tự mình hóa trang thành một nàng mèo quyến rũ trong màn biểu diễn. Còn ngày nay, hơn 60 năm sau ngày bà qua đời, người ta có nhắc tới một chi tiết rằng : những chú mèo hoang trong nghĩa trang Père Lachaise thường thích quanh quẩn bên mộ bà. Colette luôn có một sức hút đặc biệt đối với loài vật này, đó là một mối quan hệ huyền bí.

Không những yêu loài vật, như mẹ mình, Colette cũng là người hết mình lo lắng, giúp đỡ cho người khác. Về điều này, xin được đặc biệt nói thêm ở đoạn sau.

“Mèo ở nghĩa trang Père Lachaise thì nhiều, mà chúng chỉ thích quẩn quanh ở chỗ bà Colette thôi.”

Quay lại với văn chương, Colette được mệnh danh là một trong những kì tài văn chương của nước Pháp, một hiện tượng hiếm có của làng văn học, theo như lời nhà văn André Maurois. Colette không phải là một nhà văn của những cuốn tiểu thuyết viễn tưởng, câu chuyện của bà đơn giản và thực tế. Thế thì đâu mới là điều đặc biệt làm nên sức hút của Colette ? Đó là cách hành văn tinh tế, việc chọn lọc từ ngữ một cách chính xác và điêu luyện, văn chương của bà là một chuẩn mực về câu cú, từ ngữ. Văn chương của Colette phản ánh đúng sát với con người của bà : tự do, thực tế và coi việc viết lách như niềm vui riêng.

Có rất nhiều lời đồn cho sự tan vỡ của cuộc hôn nhân đầu tiên giữa Colette và nhà văn Willy. Mà cũng kể từ thời điểm đó trở đi mà Colette được biết tới dưới danh nghĩa một nhà văn. Người ta vẫn lan truyền câu truyện rằng bà đã bị Willy quản thúc, ép buộc viết và rắp tâm xuất bản Bộ truyện Claudine (những tác phẩm đầu tay mà Colette viết) như tác phẩm riêng. Nhưng Colette chưa bao giờ lên tiếng khẳng định những điều này, bà nói rằng Willy là người dẫn bà vào sự nghiệp văn chương, khi chăm chú nghe những hồi ức ấu thơ mà bà kể lại và động viên bà viết ra.

Willy vốn đã là một nhà văn, ông đưa cho bà một số lời khuyên, một số lời động viên. Đó cũng không hẳn là chỉ dẫn cho cách hành văn, cách kể chuyện. Willy, đơn giản chỉ gợi ý cho Colette : hãy kể lại hồi ức tuổi thơ xinh đẹp của mình bằng văn chương. Người ta cũng sớm bác bỏ đi lời đồn kia, câu chuyện được thêu dệt như một chiêu trò truyền thông cho bộ sách. Bởi, với cá tính của Colette, bà sẽ không bao giờ để người khác ép úc thúc bách mình. Bà không để cho người khác thúc ép gò bó mình cũng như chẳng bao giờ làm việc mà bản thân không thích.

Colette là một nhà văn đầy đam mê. Người ta đọc thấy trong văn chương của bà một niềm vui to lớn và sự thích thú ngập tràn với việc viết lách. Bà cũng là một trong số những nhà văn viết rất nhiều về tình dục. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất, đó là Gigi. Sau này chính vở kịch chuyển thể đã góp phần giới thiệu Audrey Hepburn với công chúng. Đó là câu truyện về một cô gái điếm hạng sang lỡ rơi vào lưới tình. Trong cuốn sách khác là « Le pur et l’impur » (Trong trắng và không trong trắng), Colette lắp ghép những mảnh suy nghĩ của mình về người phụ nữ, về ham muốn và tình dục, về các mối quan hệ nam nữ. Bà mạnh dạn và phóng khoáng viết về tình dục, đó cũng là con người Colette.

Nhưng, đối với người Pháp, chuyện tình dục không phải là điều gì đó quá nhạy cảm, người ta không cần phải giấu giếm nhiều về tình dục. Có người từng nhận xét rằng, phụ nữ pháp còn phóng khoáng, đào hoa hơn cả cánh đàn ông. Nên việc nói về tình dục không nằm trong những điều tối kị của văn chương chuẩn mực. Có nghĩa là, văn chương trong mắt xanh hay cái đầu có gu thẩm mĩ của người Pháp, không nhất thiết phải là một cuốn sách quá sạch sẽ, nhưng, bản thảo chỉ thuần túy thỏa mãn nhu cầu tình dục thì chắc chắn sẽ chỉ là giấy rác vứt đi, chẳng bao giờ được ra mắt, chứ chưa nói tới chuyện được gọi là « tiểu thuyết ba xu ». Nhưng cũng như tôi đã giới thiệu sơ với các bạn ở trên, bà từng được làm viện sĩ, rồi Chủ tịch Hội Văn học Goncourt.

Một nhà văn nổi danh khắp thế giới vì những áng văn đậm đặc tình dục, liệu có phải là một điều xấu hổ cho Goncourt không? Thưa không, văn chương của Colette tiềm tàng những điều trăn trở, những suy tư. Bà không chỉ đơn giản kể về một cuộc đời, yêu đương và kết thúc. Bà đặt tình yêu vào những môi trường cạm bẫy khác nhau, để phân tích và nêu lên các triết lí sống, cũng như để cân đo các giá trị với nhau. Colette cổ vũ cho một tư tưởng mới, là sự bình đẳng hoàn thiện hơn so với thời Cách mạng Pháp 1789.

Đi xa hơn bình đẳng giới ở lĩnh vực chính trị, về quyền bỏ phiếu của nữ giới, Colette đấu tranh cho một sự bình đẳng có phần nhạy cảm hơn nhưng nó có ý nghĩa lớn về mặt tâm lí, đó là bình đẳng về tình dục. Tư tưởng này thực sự tiến bộ và có ý nghĩa đặc biệt trước vấn nạn nô lệ tình dục hay tình trạng phụ nữ bị chèn ép ngay trong quan hệ hôn nhân hợp pháp với người đàn ông. Nên, xét ở một khía cạnh nào đó, Colette cũng có thể được xem như một nhà tư tưởng, một nhà đạo đức học.

Phần lớn tư tưởng hiện thực của Colette chịu ảnh hưởng từ một tác gia lớn của nền Văn học Pháp, bậc thầy của văn học theo chủ nghĩa hiện thực – Balzac. Nói một chút về Balzac, tôi nhớ, trong lần đi thăm nghĩa trang Père Lachaise, lần đó tôi không ghé thăm mộ của bà, nhưng người hướng dẫn cho tôi – ông Bill, đã khuyên tôi hãy đọc Balzac nhiều vào. Balzac mới là nhà văn của người nghèo, là quan sát viên và bình luận viên của các vấn đề xã hội. Từ văn Balzac, con người ta có thể phát triển nhân sinh quan của mình. Còn Colette ? Bà từng chia sẻ rằng, bà đọc Balzac từ khi còn rất nhỏ và có niềm say mê đặc biệt với văn chương của ông. Colette từng nhấn mạnh, bà như được sinh ra trong văn chương của Balzac, người thôi thúc bà phải viết như một sứ mệnh, có một thói quen nhạy cảm với các vấn đề xã hội, biết quan sát và nghiền ngẫm.

Balzac còn ảnh hưởng tới đường hướng văn chương của Colette, bà ý thức rất rõ vai trò của tiền bạc trong đời sống. Bà không kế thừa tinh thần lãng mạn của Victor Hugo, Colette, qua những tác phẩm của mình, cho thấy tiền bạc tác động tới một mối quan hệ như thế nào. Tiền bạc, có thể dẫn dắt hành động của các nhân vật, cách riêng là của một người phụ nữ.

Những suy nghĩ thực tế không chỉ xuất hiện trong văn chương, nó cũng là một phần tính cách của Colette. Bà là một trong những hình mẫu phụ nữ cực kì hiện đại của thời bấy giờ, tự mình thoát khỏi sự phụ thuộc kinh tế với người đàn ông. Có thể nói rằng, Colette là một người hoàn toàn độc lập, hoàn toàn tự do về mọi mặt, vật chất cũng như tinh thần. Trong cuộc đời mình, đôi lúc, bà cũng nói rõ mục đích viết của mình là để kiếm sống. Khi Đức quốc xã chiếm đóng Paris, bà đã không rời đi, nhưng ở lại và viết lách để kiếm sống, để tạo ra một thứ văn chương giải phóng con người ta khỏi nỗi u uất, bế tắc của những ngày tháng chiến tranh. Khi mở Viện Thẩm mỹ, mục tiêu của Colette cũng rất đời, rất người, bà muốn kiếm tiền, có thêm thu nhập.

Sinh thời, Colette cũng là một người bạn của Marcel Proust, nhà văn vĩ đại nhất thế kỉ XX. Nhưng bà không cần mượn danh bạn mình hay chồng mình để nổi tiếng, Colette vốn đã là một đóa hoa đẹp của làng văn chương, bà có thể tự mình tỏa sáng bằng tài năng thiên bẩm của mình. Điều đó đưa bà thành một trong những tên tuổi lớn của Thời kì tươi đẹp (Belle époque) ở Pháp. Một trong những điều đáng yêu khác của Colette, ngoài chuyện về những con mèo, đó là Colette có niềm say mê đặc biệt với ẩm thực, những công thức nấu ăn xuất hiện trong tác phẩm của bà không biết bao nhiêu lần. Bà dùng sự nhạy cảm văn học của mình để tiếp cận với thế giới đồ ăn, biến cảm nhận của vị giác, khức giác thành những hình tượng cụ thể, dễ hình dung. Đôi khi, bà so sánh những miếng phô-mai cũ với những ông già, bà tỉ mỉ kể về sự biến đổi của rượu. Tất cả những chi tiết đó tạo nên một hình ảnh quý bà sành ăn Colette.

Suốt cuộc đời mình, Colette đã viết rất nhiều tác phẩm, kể cho thiên hạ nghe rất nhiều câu chuyện hấp dẫn. Nhưng còn hơn thế, cuộc đời của bà vốn cũng đã là một câu chuyện li kì, nhiều thăng trầm biến đổi. Bà đã sống một cuộc đời đầy tai tiếng, vượt qua những phán xét nghi kị, bà tiếp tục sáng tạo và trở thành biểu tượng của Nữ quyền và tự do của nước Pháp, nhất là trên văn đàn. Nơi Colette, tôi cũng thấy có nét gì đó giông giống với Edith Piaf và Coco Chanel, đặc biệt là giống Coco Chanel (cũng có tên Gabrielle) ở dáng vẻ mình hạc xương mai, đôi mắt sắc sảo và một mái tóc uốn xoăn rất kĩ. Nhưng nếu như Chanel được biết tới như một người phụ nữ của chuẩn mực, với những nguyên tắc thời trang không thể hạ bệ, thậm chí vẫn còn là bí quyết vàng cho phụ nữ ngày nay. Thì ngược lại, Colette là một con người không bao giờ có quy tắc, bà là hiện thân của chủ nghĩa tự do và là nàng thơ của sự tự tại, phóng khoáng.

Phụ nữ nói chuyện về nghệ thuật làm đẹp thì được để ý hơn là người mải miết nói những chuyện cao siêu trên trời dưới bể. Điều này đúng với hai quý bà Gabrielle. Nếu cuộc đời Colette phủ đầy tai tiếng, thì Coco Chanel lại xức đầy dầu thơm thành tựu và danh vọng. Dù là một cây bút nổi bật trên văn đàn, là một nghệ sĩ xuất hiện trên nhiều sân khấu khác nhau, cuộc đời Colette dường như đã phơi bày hết trên mặt giấy, mặc người đời phán xét.

Thật không may, bà không có sự hậu thuẫn về truyền thông và chính trị tốt như Chanel. Trong khi đó, những bộ sưu tập thành công, những sản phẩm thời thượng đắt hàng dựng lên cho bà một bức tường tương đối kín đáo, khéo giúp Chanel che chắn con mắt tò mò của công chúng. Có lẽ, công chúng đã có phần bất công với Gabrielle Colette và hơi thiên vị cho Gabrielle Coco Chanel. Phụ nữ khi ngồi với nhau, quanh đi quẩn lại thì họ cũng chỉ nói chuyện phụ nữ thôi. Nhân tiện đây, tôi xin được lạm bàn thêm một chút về hai nữ kì tài này của nước Pháp. Về một số điểm mà các nhà sử học cũng chỉ vừa mới xác minh gần đây.

Cách đây vài năm, có một cuốn sách lấy tựa là « Ngủ với kẻ thù : Cuộc chiến bí mật của Coco Chanel » được xuất bản, dựa vào các nguồn tư liệu lịch sử, tác giả cuốn sách cho rằng : Coco Chanel từng làm gián điệp cho phát-xít Đức và là một người có tư tưởng bài Do Thái cũng như ghét bỏ người đồng tính. Thật trái khoáy, cùng lúc đó bí mật về một số quan hệ tình cảm đồng giới đặc biệt của Bà hoàng Thời trang cũng được tiết lộ. Nhà mốt Chanel đã lên tiếng phản bác, nhưng sau đó, chuyên mục đặc biệt của đài France 3 mang tên « L’ombre d’un doute » (Bóng đen nghi ngờ) đã xác nhận những nghi vấn trên là đúng sự thật.

Phát-xít Đức hứa trả tự do cho người em trai của bà với điều kiện bà phải trở thành gián điệp cho bọn chúng. Bà lấy mật danh là Westminster và có số hiệu chính thức là F-7124. Bà quen biết với nhiều sĩ quan cao cấp người Đức, có một người tình là nam tước người Đức từ trước cuộc Thế chiến. Chanel chủ trương bài Do Thái với hi vọng chính sách mới sẽ giúp bà lấy lại được dây chuyền sản xuất nước hoa đang nằm trong tay một chủ sản xuất người Do Thái. Vốn có quan hệ tốt với Thủ tướng Churchill, bà cũng từng tìm cách giúp lính Đức đạt được thỏa thuận ngừng bắn tạm thời nhưng ngài Thủ tướng không bao giờ cho phép điều đó. Sau khi các tài liệu mật của các nước được đưa ra đối chiếu và kiểm chứng thì giờ đây, đúng sai đã rõ. Cũng phải nói thêm rằng, ngay sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, Coco Chanel đã sang Thụy Sĩ sống một thời gian để tránh các phiền phức và các đợt điều tra rà soát của cảnh sát Pháp.

Còn Colette, bà không thuộc giới tài phiệt và không phải lo chuyện bảo vệ một gia sản kếch xù như Bà hoàng thời trang. Bà không kiếm sống bằng cách bán sản phẩm của mình cho bè lũ tài phiệt phát-xít đang là những kẻ có của có quyền nhất lúc bấy giờ. Trong suốt những năm tháng chiến tranh, bà quyết tâm ở lại Paris, kế sinh nhai là nghề viết lách cho người Pháp đọc, giúp họ xua bớt nỗi buồn chiến tranh. Sau khi chồng mình, ông Maurice Goudeket, một người gốc Do Thái, bị bắt vào năm 1941. Bà đã tìm cách để giải cứu cho ông và sau đó tiếp tục sứ mệnh cứu giúp những người Do Thái khác. Bà đã lập một bệnh viện thời chiến tại dinh thự của chồng mình. Để ghi nhận những công lao đó và các thành tựu khác trong nghệ thuật, Colette đã hai lần được nhận Bắc đẩu bội tinh của nước Pháp, gia nhập vào hàng binh ngũ danh dự đặc biệt do Napoléon thiết lập.

Nếu như Chanel sống ngoài luồng hôn nhân với những người tình khác nhau thì Colette « rất chịu khó » cưới chồng. Tôi không có ý châm chọc hay chế giễu bà, chẳng là vì bà có tới ba đời chồng. Tâm hồn nghệ sĩ vốn nhạy cảm, luôn khao khát tìm kiếm cho mình một tâm hồn thật đồng điệu để cùng nhau sánh bước, nữ nghệ sĩ thì khó chiều, đàn ông làm nghệ thuật thì khó yêu. Đó là cách giải thích đơn giản nhất cho những lần đổ vỡ và bắt đầu lại đó. Một trong những vụ tai tiếng đặc biệt nghiêm trọng nhất trong cuộc đời Colette đó là mối quan hệ với con trai riêng của người chồng thứ hai. Chàng trai đã phải lòng Colette. Mối quan hệ tưởng như thoáng qua này rốt cuộc đã kéo dài tới 4 năm. Xen giữa các cuộc hôn nhân chính thức, Colette cũng công khai những mối quan hệ đồng tính của mình. Một nụ hôn đồng giới khiến cả khán phòng xôn xao, Colette vấp phải một làn sóng phản ứng mạnh mẽ vào thời bấy giờ. Lối sống, lối viết và một cá tính mạnh mẽ, bộc bạch tất cả, khiến Colette trở thành tâm điểm chú yếu và chỉ trích của công luận.

Chanel hay Colette, đều là những hình mẫu phụ nữ thành công trong lĩnh vực mình đã chọn và họ đã phải đánh đổi thành tựu bằng những cái giá rất đắt. Qua hai ví dụ thật tiêu biểu này, chúng ta thấy rằng phụ nữ Pháp, họ đấu tranh cho Nữ quyền và một sự bình đẳng tuyệt đối một cách mạnh mẽ, đồng thời cũng không ngại những đánh đổi đi kèm cho sự bình đẳng đó. Và có gì đó hơi kì lạ nơi phụ nữ Pháp, họ chẳng phải những cô gái bánh bèo dễ bảo đâu, ngược lại, họ khá nam tính, mạnh mẽ và lấn lướt luôn cánh mày râu.

Theo lẽ thông thường, phụ nữ nên sống đời bình thường để luôn được an yên và nhàn nhã. Colette trong con mắt của công chúng có lẽ sẽ dễ thương hơn nếu suốt cuộc đời bà chỉ quanh quẩn trong vườn nhà cùng lũ mèo, vui đùa với chúng và âm thầm kể những câu chuyện lãng mạn về chúng. Có lẽ báo chí và văn đàn thế giới sẽ tốn ít giấy mực hơn khi bàn luận về bà.

Nhưng nếu cuộc đời bà chỉ có thế, bà đã chẳng là một Colette của viện Văn học có uy tín nhất nước Pháp, không đứng vào hàng ngũ Bắc đẩu bội tinh của xứ lục lăng. Người ta sẽ không phải thốt lên rằng : « Phụ nữ hiện đại đã nợ Colette những gì ? ». Nhân đây, tôi cũng xin trích dẫn luôn đáp án. Đó là một lối sống tự lập và độc lập về vật chất lẫn tinh thần, ý chí tự do và tinh thần giải phóng chính mình. Sau hết, là một giải pháp để cân bằng lại cuộc sống sau chuỗi ngày thăng trầm : trở về với thiên nhiên hiền hòa, mở lòng và sống vị tha.

Leave a Reply