Nâng niu gót hài theo kiểu ngài Louboutin

Chúng ta nên tìm một ai đó đáng để viết về, để thực sự có cảm hứng làm việc trước một tuần mới. Tuần này, tôi sẽ kể cho các bạn về ông hoàng giày Christian Louboutin.

Những năm gần đây, thế giới chỉ nói về sneaker về Nike, Adidas, New Balance hay những hãng giày khác. Còn trước đó thì hình như chính là giày đế đỏ Louboutin chiếm sóng spotlight.

Ở đâu người ta cũng nhắc tới những đôi giày này, kể về Louboutin như một ảo thuật gia, một người bạn tâm giao thân thiết của mọi bà cô trên thế giới. Có những từ ngữ hoa mĩ hơn để nói về những người phụ nữ duyên dáng, quyến rũ đi giày Louboutin trên thảm đỏ nhưng tự dưng tôi có ý nghĩ rằng, kể về Louboutin như một “ông chàng” nhiều chuyện, thích buôn dưa lê với các bà cô để làm giày, bán giày có lẽ sẽ bình dân, gần gũi và đáng yêu hơn.

Mà tôi nghĩ phong cách đó cũng sẽ hợp hơn với Louboutin: một ngôi sao, một ông hoàng vừa có vị thế vừa chiếm được cảm tình của số đông dân chúng.

Người ta kể rằng trước khi Louboutin mở tiệm giày, có thời ông đã dạo quanh Le Grand Palais hằng tối để dự những buổi vũ hội, nhưng không phải để tỏ ra là một quý ông ăn chơi sành điệu.

Louboutin đến đó để quan sát phụ nữ, tìm hiểu về những đôi giày của họ, hỏi thăm họ như một bác sĩ trị liệu: “Cô đi giày cao, nhảy múa rồi có đau chân không? Cô đau chỗ nào? Đau ra làm sao? Sàn này có làm cô bị trơn trợt không? Với độ cao này, cô cảm thấy thế nào khi di chuyển?…” Ông như một nông dân vào vụ vặt, tới các buổi hội để gom về cho mình cảm hứng và kĩ thuật ứng dụng đối với giày: sự uyển chuyển mềm mại nhịp nhàng của những gót chân di chuyển trên sàn gạch sáng loáng.

Điều đó giải thích cho sự thành công của Louboutin. Bạn chỉ bán được hàng khi hiểu khách hàng như “đi guốc trong bụng họ”, nắm bắt được trước cả họ nhu cầu, trải nghiệm đối với sản phẩm. Phụ nữ thường sẽ chỉ nghĩ tới một đôi giày hợp với bộ cánh, một đôi giày vừa chân, một đôi giày đẹp. Nhưng họ sẽ rất hạn chế trong việc hiểu cụ thể thế nào là đẹp, thế nào là hợp, thế nào là dẫn lối thời trang. Louboutin đã ở đó, lặng lẽ, chú tâm lắng nghe, từ tốn, thấu hiểu và để từ đó, người ta không nỡ lòng nào từ chối những đôi giày của ông.

Xin lỗi các bạn nếu có điều gì không thật ở đây. Bởi, đó là những gì tôi thấy qua truyền thông, qua cách trả lời phỏng vấn của Louboutin (với đặc tính cố hữu của người Pháp, hóm hỉnh, vừa ngạo mạn vừa khiêm tốn và rất hiếm khi hoa mĩ kiểu Mỹ). Đó là những điều tôi đúc rút được khi nghe những người phụ nữ đã đi giày Louboutin nói về giày và về Louboutin.

Người ta sẽ tò mò vì đâu mà Louboutin quan tâm và có cảm hứng với giày cao gót? Tất nhiên sẽ rất khó giải thích vì sao một người nghệ sĩ đam mê cái này cái kia, sáng tạo ra được cái này cái kia. Đó sẽ là thành quả của sự quan sát thực tế, cảm quan với chuyển động, màu sắc, âm thanh, những va chạm xung quanh và khi những quan sát, cảm nhận đó hòa trộn với nhau, cộng với sự khơi mào của cảm hứng (là một sự kiện, một ý nghĩ, ý tưởng tưởng chừng không liên quan nào đó bất chợt như gió xào xạc trong đầu của người làm sáng tạo) thì sản phẩm sẽ ra đời.

Một người làm sáng tạo mà suốt ngày chỉ ba hoa về cảm hứng và sự sáng tạo, sẽ khó để tin được là anh ta làm được điều gì đó nên hồn. Nếu không vì sự thôi thúc phải nói cái gì đó cho ra hồn, như một sự hồi đáp nhiệt tình dành cho những người làm sáng tạo non trẻ đang nhìn ông với ánh mắt hi vọng cũng như là nhiệt huyết sáng tạo, đang mong đợi một sự giúp đỡ nào đó từ phía ông thì có lẽ đã không có thêm điều gì được tiết lộ. Louboutin nói rằng, những người phụ nữ trong gia đình ông không thích giày cao gót cho lắm. Nếu nói về cảm hứng, có lẽ duy nhất có người chị em gái của ông, là một vũ công ba-lê.

Khi người ta hỏi ông rằng từ ý tưởng nào mà ông đã tạo ra đôi giày Lọ Lem. Ông nói trong truyện Cô bé Lọ lem có rất nhiều ý tưởng tiềm tàng ở trong đó, những điệu nhảy trong vũ hội cũng là cảm hứng, phép màu cũng là cảm hứng, lời miêu tả của tác giả truyện “đôi giày pha lê lấp lánh đẹp nhất trần gian”. Có lẽ, tôi sẽ xem lại phim hoạt hình hoặc đọc lại truyện một lần nữa, thay vì đọc để biết truyện nó như thế nào, thì lần này, sẽ đọc với nhãn quan và đầu óc của một người làm sáng tạo, hình dung từng chuyển động, từng bước chuyển cảnh trong câu chuyện đó.

Báo chí cũng nói rằng, Louboutin đáng lí đã không mở tiệm giày nếu như mẹ ông, không quá yêu thích những bản vẽ của ông. Bà đã thúc giục ông mở tiệm giày vào năm 27 tuổi. Chỉ trong vòng hơn 20 năm, một đế chế giày đã chiếm được ngôi vương trong làng thời trang, với con số vài trăm ngàn đôi được bán ra mỗi năm.

Thực ra, có thể một tháng nữa, khi đã lậm đầu trong thế giới giày và hiểu biết nhiều hơn, tôi sẽ chia sẻ với các bạn những dòng chữ gây được nhiều cảm hứng hơn, logic và mượt mà hơn về ông hoàng giày Louboutin. Lần này, tôi như một đứa học trò đang cố gắng nhớ hết bài để trả bài cho thầy. Lần này, mục đích của tôi là sẽ không bỏ sót chi tiết nào mà mình đã tìm hiểu được cho các bạn.

Louboutin là một kẻ ưa lang thang và đam mê văn hóa phương Đông. Ông đã có thời gian chu du Ai Cập trước khi trở lại Paris và làm việc trong xưởng thiết kế của mình.

Louboutin thực sự là một người truyền cảm hứng vì thực sự là tôi vẫn muốn luyên thuyên thêm chút nữa nhưng lo là nói quá sẽ thành lôi thôi. Thôi thì ta tạm dừng ở đây và hẹn một lần khác nói tiếp về Louboutin.

Leave a Reply