Review sách tháng 7/2021

Review này gồm tổng hợp nhiều sách mình đọc trong khoảng 1 năm trở lại đây. Vấn đề mình muốn chia sẻ trong một review sách là “tư duy sâu” mà qua đó, mình cũng có cơ sở để tự đào sâu và đúc kết được nhiều điều hơn sau khi đọc sách.

Thời gian khoảng nửa năm trở lại đây, việc phát triển những nội dung nói cũng làm cho quá trình viết và suy nghĩ của mình chậm lại. Quá trình này vừa mang lại hai tác động trái biệt: thứ nhất, việc ít suy nghĩ giúp mình đỡ những tình trạng như bị suy nghĩ ám ảnh, lo âu thái quá, phiền não hoặc “không nối đất” được do có quá nhiều suy nghĩa lơ lửng. Đồng thời, nhờ quá trình tự làm việc nhiều hơn, tiêu chuẩn cho chất lượng cuộc sống – chất lượng những gì bạn cống hiến – chất lượng những gì bạn trao đổi được tăng lên rõ rệt. 

Quá trình không viết, như mục review sách này, mình đã bỏ dở gần cả năm trời, cũng là một thách thức. Làm sao để vừa đọc, vừa quên đi một mục đích đánh giá phía sau, dù đó là một đòn bẩy để phát triển tư duy phê phán – critical thinking và giúp cải thiện những gì không cần ghi chú mà vẫn có thể nhớ được khi đọc một cuộc sách. Mình không có thói quen ghi chú, đánh dấu vào sách, thực tình thì đôi lúc không cưỡng lại được việc đó, nhưng mình sẽ chọn cách cố ghi nhớ, ghi vào mục note cá nhân hoặc chụp lại một bức ảnh trang sách. Với một cuốn sách tinh sạch, sau này có đem cho tặng hay nhượng lại cho ai đó, người ta cũng sẽ cảm thấy thoải mái. Mình thường đọc sách mới và giữ sách như mới, khác hẳn với những món đồ dùng khác. 

Ảnh trên mạng thôi, chứ sách và phòng mình thì chưa được 1 góc này, cũng đang ráng trồng cây cho mát tay hơn.

Nhưng đồng thời, quá trình không viết cũng đồng nghĩa với sự bất lực. Bất lực trong một mục tiêu hoàn thiện và cải thiện tư duy. Vì vậy, mình đọc và nghe nhiều hơn, hệ thống nhiều hơn, học cách sắp xếp tốt hơn. 

Sách về tư duy

Thực ra, khoảng 2 tuần nay, mình đã có suy nghĩ phải làm một booklist mới. Nhưng sau khi đọc xong hẳn cuốn “Điểm mù kinh doanh”, mình mới quyết định làm việc này. Năm rồi, mình đọc rất nhiều sách về tư duy, kinh tế, xã hội, phương pháp tư duy đều có. Trước hết, mình sẽ điểm qua một số sách về tư duy có nội dung tương đối ổn (nếu hay hơn chữ ổn thì các bạn có thể tự đọc và đánh giá). 

Tư duy song song – Edward de Bono

Khi đọc cuốn sách mình chỉ để ý về những gạch đầu dòng về sự nghiệp của Edward de Bono. Để viết bài review này, mình có đi tìm lại link tiki của sản phẩm và xem thêm một số thông tin trên Internet về tác giả. Đọc bản thu gọn wiki, bất giác rơi nước mắt vì tác giả đã qua đời ngày 9/6/2021. Vậy là cây đại thụ trong nghiên cứu về tư duy đã qua đời. 

Cuốn sách của ông mà mình đề cập ở đây là “Tư duy song song”. Đối với nội dung sách, có rất nhiều điểm mà trong quá trình học hay nghiên cứu mình đã được tiếp cận. Một trong những áp lực và đòi hỏi lớn nhất trong các ngành mình đã học qua* thì đều đặt lên hàng đầu những câu hỏi về tư duy. 

Trong một báo cáo về kỹ năng mềm do một người bạn (hơn mình nhiều tuổi) chia sẻ, trong thập kỉ tới, critical thinking là một trong những kỹ năng hàng đầu mà các nhà tuyển dụng tìm kiếm. Như mình cũng từng chia sẻ với nhiều bạn khi học về lập luận, nghị luận, tư duy phân tích giúp xã hội phát triển. Chúng ta không thể đi lên nếu cứ ở tình trạng “đã hài lòng” với bản thân mình hiện tại.

Vì vậy, những nội dung trong sách mình không bàn tới, đối với mình, mình đã được thực hành quá nhiều mà không thông qua việc định danh. Một số điểm nhìn xa hơn của tác giả giúp cho những ai đang tìm cách cải thiện tư duy, có định hướng về tính ứng dụng và làm thế nào để ứng dụng hiệu quả, đặc biệt là trong việc đưa ra các giải pháp.

Link mua sách trên TIKI

Mình trích lại ở đây một video bằng tiếng Anh của tác giả về tư duy sáng tạo. Các bạn có thể tìm hiểu thêm về mô hình 6 chiếc mũ tư duy của ông. 

Tư duy đơn giản – Ken Segall

Một điểm mới trong việc viết review của mình lần này là đi đọc lại thông tin về tác giả. Tư duy đơn giản nói về định hướng chiến lược của Apple dưới thời Steve Jobs. Bản thân mình đã “đổi gen” sang họ nhà Táo sau ít nhất 9 thế hệ Iphone, vì trước đó, không hề thích thiết kế, chất liệu hay mức giá “nhìn như trên trời” của nhà Táo. Nhưng Táo là một trong những cuộc cách mạng về chọn lựa sản phẩm và xu hướng tiêu dùng của mình. 

Mình là một dạng “bào thiết bị”, với cả chục tác vụ thậm chí cả trăm tab trình duyệt mở quanh năm và rất ghét việc “typing bị trễ”, nói không với case, bao bì, nói có với vẻ đẹp nhuốm màu thời gian trên những đồ vật dùng (khác hẳn với sách). Và ít nhất đến năm thứ 5, mình đã tính toán lại và thấy đều là các chi tiêu hợp lí. Đây là một bài nói về sách, mình sẽ bỏ qua Apple cho một lần khác (dù mình không thích public điều này, khi nhà nhà xài iphone và xung quanh promax nhan nhản, thì mình vẫn có cảm giác nói về apple là một cái gì đó giống như khoe của)

Thôi quay lại với Ken và Tư duy đơn giản. Ông là người là người dưới trướng Steve Jobs 12 năm, ở Apple, NExt rồi sau này làm việc ở IBM và Dell, vì vậy, việc mình nói về Táo thực sự là cũng có liên quan ở vài điểm. Ông là giám đốc quảng cáo, chuyên gia trong lĩnh vực makerting công nghệ. Ken không nói về các ý tưởng. Ông nói về sợi dây xâu chuỗi các ý tưởng, sự liên kết và liền mạch của các ý tưởng. Chắc hẳn, trong sự nghiệp của ông có một sự ám thị rất lớn những tư duy của Steve Jobs: về sự đơn giản, về tính chuỗi, về hệ sinh thái, về lưới. Keep it simple! Với cuốn sách này, ông đã làm rõ việc “đơn giản hóa” tác động nhiều như thế nào đến trải nghiệm người dùng, về tính bền vững của thiết kế.

Nếu như không phải là tín đồ công nghệ, thì những tư duy quản trị về việc đơn giản hóa đều có giá trị, mình nghĩ là với mọi mặt trong cuộc sống. Đặc biệt, ở thời điểm hiện tại, khi cộng đồng đang phức tạp hóa vấn đề hiệu suất – hiệu năng – hiệu quả trong vận hành và đời sống, thì mình thấy tư duy đơn giản sẽ giúp bản thân người tiếp nhận nắm được bản chất cốt lõi của vấn đề.

Link mua sách trên TIKI

Mình vẫn cố gắng đọc xong cuốn nào, update ngắn gọn lại trên Bookstagram.

Cuốn sách này là cuốn đầu tiên mình suy nghĩ về việc đọc lại. Mình cho mượn sau khi đọc xong và sách đi luôn đằng bên ấy. Thực ra, là sau đó bạn ấy đổi cho mình một cuốn khác dày gấp đôi, nhưng giữa 2 cuốn thì mình muốn đọc lại Tư duy đơn giản này hơn. Đang lên lịch mua lại, mà chờ giao nhận được trong tuần thì phải qua mùa dịch.

Điểm mù kinh doanh – Ross Baird

Cuốn sách tác động rất lớn đối với việc chọn lựa cái gì mình sẽ chia sẻ và cái gì mình muốn giữ lại cho bản thân. Một cuốn sách mà thực sự, khi đọc nó, mình đã suy nghĩ đến chuyện, cái này nên giấu đi, không nên cho người khác biết về sự tồn tại của nó. Một suy nghĩ thật sự kì quặc dù NXB không phải chỉ có mỗi mình là người mua hàng và bản thân cuốn sách cũng đã đi một vòng thế giới theo những chia sẻ ở cộng đồng khởi nghiệp của tác giả trước khi tới tay mình.

Cuốn sách khác với những gì mình tưởng tượng về nội dung khi đặt mua. Mình vẫn nghĩ nó là sách nói về kinh doanh thông thường, nhưng cuốn sách lại nói về việc khởi động các dự án khởi nghiệp. Nhưng có rất nhiều điều thú vị trong quãng thời gian đọc cuốn sách này và mình chiêm nghiệm ra được rất nhiều điều. 

Link mua sách trên TIKI

Trước tiên, ở thời điểm Dịch bệnh này, mình đọc được một vài đoạn về công nghiệp dược, vắc-xin (thật trớ trêu là tác giả có 2 câu nhắc tới Pfizer, tên tuổi vàng trong làng chống Covid). Ngoài ra còn nói về Bad Blood và start up trị giá hàng triệu đô của nữ tướng tóc vàng kinh doanh bằng máu người. Mình đọc và biết tới Bad Blood trước khi nghe tác giả nhắc tới. Mình cũng đã đọc về Henry Ford. Cũng đã đọc Lợi nhuận tốt và cũng đã đọc Lãnh đạo bằng sự khiêm nhườngTên Ngài là Thương xót về Đức Giáo hoàng Francis trước khi nghe tác giả nhắc tới. Cũng đã đọc Phẩm cách quốc gia để biết thêm một chút về Ấn Độ. Và cũng đã coi Shark Tank, cũng đã kịp hiểu ra những tương tác đa chiều mà chương trình này mang lại cho bàn buffet tivi show của khán giả. 

Như vậy, đây là một cuốn sách, với riêng mình là tổng kết những gì đã đọc trước đó dưới một cái nhìn tổng quan và hệ thống hóa. Cuốn sách nói về Giấc mơ Mỹ, vai trò tiên phong, về cơ cấu các hoạt động từ thiện và cách nó tách khỏi tầm kiểm soát của Chính phủ cũng như được nhét vào hai tròng mục tiêu như thế nào. 

Sau khi đọc cuốn sách này, thật sự mình đã có một cái nhìn khác về Ấn Độ. Từ khi biến thể Delta hoành hành và sự cuồng tín Ấn được đem ra mổ xẻ trên truyền thông, mình cũng chú mục vào đất nước này nhiều hơn. Khi người ta đặt câu hỏi: “Tại sao cái nôi của tâm linh lại trở thành vùng đất chết?”

Nhưng Ấn Độ với cuộc Cách mạng xanh, với Amartya Sen (1933) – học thuyết kinh tế hướng về phúc lợi xã hội, Sen là người được Nobel Kinh tế năm 1998, mình nhớ ông ấy vì tên Sen là cái tên nước ngoài ngắn gọn đọc y chang Việt Nam. Trong cuốn Phẩm cách Quốc gia, Fujiwara Masahiko vì là nhà Toán học nên ông cũng nói rất nhiều về Quốc gia có nền tảng Tư duy Toán và Tin học phát triển như Ấn Độ. Ấn Độ cũng là một trong những nước có ngành công nghiệp dược giàu mạnh hàng top, có số lượng tỉ phú tăng vọt trong đại dịch Covid và có rất nhiều mô hình Mỹ được Ấn hóa thành công trong tài chính và thương mại điện tử. 

Đường đến Cuộc Cách mạng Tâm thức – Dzogchen Ponlop Rinpoche

Tôn giáo không có biên giới. Những cuộc viễn chinh tận địa đầu Trái Đất sẽ giúp con người ta tìm về được với chính mình, về với cội gốc, với Mẹ, với Tâm. 2020-2021 đánh dấu việc mình quay lại với những cuốn sách có màu sắc Tôn giáo. Cũng có rất nhiều khi, mình nhìn nhận Tôn giáo là các rào cản về tư duy, về ứng xử, về sáng tạo, nhưng nếu được sinh ra một lần nữa, mình vẫn chọn là một người có tôn giáo thay vì sống vô thần. Cuốn sách này dẫn mình đi từ Trí tới Tâm và với mình, đây là cuốn sách hay nhất trong số sách đã đọc khoảng 10 năm trở lại đây ở thể loại hiện thực – non fiction. 

Lưu ý, cuốn sách này khác hoàn toàn với cuốn LUẬT TÂM THỨC của Ngô Sa Thạch (nói về các quy luật vũ trụ) đang nổi thời gian gần đây. Cuốn Đường đến Cuộc Cách mạng Tâm thức này (chỉ tập trung vào việc không ngừng đổi mới bản thân qua chân dung của một vị Phật đầy khiếm khuyết) khá hiếm, mình tìm lại ở các mall sách lớn hầu như không thấy.

Link mua sách trên SHOPEE

Dịch Covid tấn công những trung tâm tôn giáo lớn của thế giới, Ý với Rome, Ấn Độ, những lễ cầu nguyện của Đạo Hồi cũng trở thành tâm điểm chỉ trích. Con người sẽ tự lực hay phải cầu cạnh thần thánh? Cầu cạnh thần thánh với niềm tin trên trời sẽ giúp con người khỏi bệnh hay tự dắt mình vào chỗ chết. Câu trả lời mà mình tìm thấy khi đọc cuốn sách này.

Phải nói, đây là cuốn sách mỏng nhất mà mình đọc gần đây nhưng là cuốn sách mình phải dừng, phải nghĩ, phải thả lỏng, phải thanh lọc đầu óc, phải thiền trong tư tưởng trước khi tiếp tục đọc các chương sau. Với cuốn sách này, mình đã dừng và trao đổi với bạn bè rất nhiều lần trước khi đọc tiếp các chương.

Không biết có phải với Phật Giáo, mình là người ngoại đạo, nên con đường thức tỉnh Tâm, dựa trên những nền tảng Phật Giáo đem lại cho mình nhiều trải nghiệm lạ như vậy không. Đối chiếu với cách tiếp cận Nhân học và Tâm thức của các Tôn giáo khác, với căn tính có tôn giáo đã được củng cố qua nhiều giai đoạn trong cuộc đời và di sản Tâm thức của các thế hệ trước, mình không dám nói bản thân đã có một cuộc Cách mạng. Nhưng mình đã bắt đầu cuộc cách mạng cho bản thân khi xác định được: “Tâm thức tỉnh là một quá trình kéo dài cho tới khi nào bản ngã của chúng ta không còn được làm người.”

Có quá ít thông tin tiếng Việt về Đức Dzogchen Ponlop Rinpoche nên mình dẫn lại link wiki tiếng Anh cho các bạn tham khảo. 

Tạm kết

Vậy là xong một phần những cuốn sách về Tư duy. Còn một vài nhóm chủ đề mà nếu được thúc đẩy, mình sẽ quay trở lại. 

Chúc các bạn luôn tìm được kho báu vàng trong những cuốn sách mình đọc. 

Và một mùa cách ly bình an. 

Ngoài ra nếu ai bạn nào đang tìm sách đọc để củng cố cho các bài luận IELTS, DELF, DALF thì mình giới thiệu thêm cuốn Thấy Những Gì Người Khác Bỏ Qua Và Dự Đoán Tương Lai. Sách dễ đọc, giá mềm, ứng dụng cao, khai thác vấn đề đa dạng, mình nhẩm sơ sơ trong phần đầu của cuốn sách cũng có liên quan tới 5,7 đề nói B2.

*Mình học Kinh tế (chủ yếu học 2 năm đại cương và sau này đọc sách là chính, không dám nhận là chuyên môn), Luật (4 năm) và Giáo dục (nghiên cứu sâu hơn khoảng 1 năm trở lại đây).

One comment

  1. Là một người đang học tiếng Pháp, em tình cờ biết được blog của chị.
    Cảm ơn những chia sẻ hữu ích của chị về cách học, về sách,..
    Em để lại comment mong là động lực cho chị viết ra những bài tiếp theo.
    Em cám ơn ạ.

Leave a Reply