huong-dan-on-thi-delf-b1

Những việc bạn phải làm sau khi đọc đề viết DELF và DALF

Những việc bạn phải làm sau khi đọc đề viết DELF và DALF

Để có một bài viết DELF hoặc DALF tốt thực sự không dễ, nhưng có một số khâu đáng lẽ cần làm trước khi bắt đầu viết bài thì lại bị nhiều bạn bỏ qua. Đó mới chính là mấu chốt giúp các bạn có một bài viết tốt.

Phân tích đề là dịch đề? Nếu có từ nào đó không hiểu nghĩa tức là coi như bạn không hiểu đề và sẽ không viết được ? Tóm tắt là gạch vài gạch đầu dòng ra để lúc viết không bị sót ý? Nếu các bạn chỉ nghĩ đơn giản như thế thì thôi xong… làm sao mà có điểm cao được. Nếu chỉ làm đến đó thì giỏi lắm là các bạn được 14, 15/ 25 còn không thể nào đạt 24, 25/25 điểm viết được.

Một số tài liệu hướng dẫn kĩ năng viết DELF và DALF hiện tại có cung cấp cho các bạn một số phương pháp và nhắc nhở các bạn rất nhiều về việc đọc đề, phân tích đề, nháp dàn bài… Chỉ có điều là với kiểu làm việc không có mode d’emploi (hướng dẫn sử dụng), không có méthodologie (phương pháp) như sinh viên Việt Nam chúng ta thì dễ lạc đường lắm. Các bạn không biết một điều là: Các thầy cô giáo Pháp dạy rất tốt và bản thân các bạn học sinh, sinh viên Pháp cũng được hướng dẫn rất tốt, làm chủ được kỹ năng TIẾP THU PHƯƠNG PHÁP trước khi thực hành hơn hẳn chúng ta.    

Tệ hơn là các tài liệu chỉ hướng dẫn qua loa, đưa đề, mặc định cho các bạn là muốn viết tốt thì phải giỏi từ vựng, giỏi ngữ pháp (một lời khuyên thật vô thưởng vô phạt), sau đó là cung cấp bài viết tham khảo kèm theo cho các bạn rất nhiều danh sách cấu trúc, từ vựng tham khảo. Liệu đây là một tài liệu dạy viết DELF và DALF hay là sách học từ vựng, ngữ pháp? Có gì lẫn lộn ở đây rồi chăng?

Điều đầu tiên, để viết tốt thì các bạn cần thay đổi những thói quen xấu này ngay lập tức!

Học từ vựng vô thưởng vô phạt, không có cách học bài bản

Nếu các bạn nghĩ rằng học nhiều từ thì lúc đi thi đọc đề mới hiểu, viết bài mới ra ý… thì nói chung là định kiến này chỉ đúng khoảng 30% thôi. Đọc đề mà có từ mới, nhờ vào kĩ năng phân tích ngữ pháp bạn vẫn đoán được đâu đó 30%. Dựa vào các chủ đề của phần đọc hiểu (đặc biệt là các câu hỏi, tiêu đề), các bạn vẫn cá kiếm được đâu đó 20% và dựa vào bản năng cũng như kiến thức xã hội, bạn cải thiện được thêm 20% bài viết nữa. Như vậy, người biết từ vựng giỏi hơn hay người có kiến thức nhiều hơn tốt hơn, cần phải xem lại.

Bạn học như thế nào là đủ? Cố học thật nhiều từ vựng chỉ khiến bạn căng thẳng hơn, học nhiều cũng chỉ nhớ được bấy nhiêu. Có từ vựng mà không biết cách dùng đúng thà không biết còn hơn. Có từ vựng mà lập luận tào lao thì cũng bỏ. Nhiều từ vựng về lao động như đề bài lại hỏi về bảo vệ môi trường và sức khoẻ thì nói làm sao, hoặc ngược lại?

Viết bài không nháp

Cái này là bệnh của hầu hết học sinh, sinh viên Việt Nam. Gần như mọi người đều bao biện rằng: Thời gian thì ít, viết còn không kịp, đâu ra mà nháp nữa, nháp xong thì hết mất giờ rồi sao kịp viết. Viết thì nửa năm mới đẻ ra một chữ, làm sao mà kịp…

Hầu như các lớp dạy viết DELF và DALF cũng như các tài liệu hướng dẫn chỉ dừng ở bước nhắc nhở các bạn nên nháp, chưa ai chỉ các bạn nháp thế nào, chưa ai kiểm tra nháp của bạn ra sao. Trước đây, mình thấy trong một số sách văn mẫu cấp 2, cấp 3, sau phần đề bài sẽ có một phần dàn ý tham khảo. Nhìn chung là cứ sách có cái dàn bài như vậy mình vẫn đánh giá cao hơn.

Các bạn có biết là ở một số môn có viết luận ở bên Pháp, kể cả Đại học nhé, một vài thầy cô sẽ yêu cầu các bạn nộp nháp của bài luận luôn không?

Riêng mình, khi dạy viết tiếng Pháp cho các bạn, đặc biệt là từ DELF B2 trở lên, luôn phải sửa nháp trước, bài viết tính sau. Và thực tế cho thấy, bạn nào từ nháp đã tốt thì tức là tư duy logic tốt và viết bài có hơi… không được văn vẻ lắm vẫn được điểm cao từ 22 trở lên. Một yêu cầu bắt buộc khi mình dạy viết cho các bạn đó là: KIÊN NHẪN NHÁP trước khi làm bài.

Trường hợp dạy viết offline thì phần lớn thời gian ở lớp là nháp – sửa nháp và sửa bài làm. Khâu làm bài ở nhà thì mình không quan tâm lắm, các bạn có thể tự chủ động dùng từ điển, dùng google translate hay tham khảo đâu đó, mình không quan tâm. Đó được coi là việc tự học để giúp các bạn có định hướng trong việc cải thiện vốn từ. Quan trọng vẫn là LÊN KẾ HOẠCH (nháp) và RÚT KINH NGHIỆM (sửa bài).

Vì sao phải sinh ra nghề kiến trúc sư để thiết kế nhà thì việc nháp bài (nói hơi khoa trương chút) cũng có giá trị (ở góc độ nào đó) tương tự.  

Chép bài không nhìn đề

Đọc đề qua loa, không chú trọng các tiểu tiết, không hiểu được yêu cầu đề bài một cách đầy đủ là bệnh chung. Tất nhiên, chúng ta bỏ chuyện không biết từ vựng dẫn tới hiểu sai một phần nào đó đề bài sang một bên, không bàn tới. Ở đây, mình lấy một vài ví dụ:

Đề yêu cầu viết cho Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo của thành phố => Theo thói quen viết cho Hiệu trưởng

Đề yêu cầu viết cho Hiệu trưởng => Theo thói quen viết cho thầy cô chủ nhiệm

Đề yêu cầu viết cho khách hàng => Đọc không kĩ viết cho bộ phận chăm sóc khách hàng

Đề yêu cầu viết cho ban biên tập một tờ báo => Lại viết vô hộp thư bạn đọc

Trường hợp khác, viết sai yêu cầu của đề bài:

Đề bài nói viết thư từ chối => Viết thư blahblah về tác hại này, tác hại kia, ảnh hưởng gì gì đó, nhưng không chốt lại MỤC ĐÍCH cuối cùng của bức thư là gì

Đề bài nói viết thư yêu cầu => Lại blahblah về nguyên nhân, hậu quả, khảo sát nhưng không yêu cầu bất kì một giải pháp cụ thể hay chính sách cụ thể nào

Đề bài nói xin lỗi => Nhưng cứ luyên thuyên đổ lỗi cho khách hàng

Đề bài yêu cầu cảnh báo => chỉ chăm chăm giải thích kể lể về sự kiện

À, đó là chưa kể mấy bạn tủ đề. Lỡ xem đáp án năm ngoái có cái đề Chống hút thuốc lá xong năm nay đọc được cái đề mừng quá, nhớ hết cả bài nên cặm cụi chép từ đầu đến cuối. Đâu mà dễ ăn vậy các bạn, công người ta phải tuyển lựa ban giám khảo rồi trả lương cho họ ra đề làm gì mà để copy đề cũ sang đề mới. Các bạn không nghĩ rằng đó là cách loại thí sinh từ vòng gửi xe dễ nhất hay sao?

Mình ví dụ: Đề năm ngoái, bạn là một người bán thuốc lá giờ bị chính quyền yêu cầu thêm giấy phép nên cần viết thư hồi đáp. Đề năm nay, bạn làm việc ở công ty có quá nhiều người hút thuốc và muốn yêu cầu có chính sách giải quyết tình trạng hiện tại. Hai đề khác nhau nhiều nha!

Ham của lạ, thích khoe chữ

Trường hợp này phổ biến và mỗi lần sửa là một lần mệt nè! Mình đánh giá thấp nhất là những kiểu bài như thế này. Mà đến mình chưa qua một lớp tập huấn về ra đề, chấm bài DELF DALF bao giờ còn nhìn ra được thì các bạn nghĩ như thế nào? Tất nhiên là người đi thi thì không bao giờ rành barème (thang đáp án/ yêu cầu chấm điểm dành cho giám khảo) bằng người đi chấm thi rồi.

Phổ biến nhất là dùng sai từ, thứ hai là dùng từ khá sát nghĩa nhưng vô tình gây sự khó hiểu. Còn tệ nhất là râu ông nọ cắm cằm bà kia, không nhìn tình huống, viết thư cho cha mẹ thì lại xưng vous-je (vouvoyer), viết thư cho bạn bè lại « je vous prie d’agréer mes salutations respectueuses… ». Một trường hợp phổ biến không kém là dùng subjonctif và conditionnel vô tội vạ. Hiếm hơn thì có liệt kê citation, proverbe không phù hợp với hoàn cảnh.

Viết dài mới là giỏi viết

Cũng là một bệnh phổ biến không kém. Xuất phát từ chuyện đọc đề thấy yêu cầu viết từ 180-220 chữ, nên là sợ viết 170 từ người ta không chấm, viết 180 từ thì bị giám khảo chê ngắn nên phải cố bằng mọi giá cho đủ 220 chữ như yêu cầu đề bài. Đâu phải cứ viết dài thì mới được chấm các bạn.

Thứ nhất là các bạn được cộng trừ 5% yêu cầu đề, đối với một số đề cấp dưới (A1, A2, B1 hoặc TCF) các bạn vẫn được quyền du di 10% so với yêu cầu. Nhiều hơn maximum và thấp hơn minimum. Như ví dụ trên thì các bạn được dao động từ 170 từ tới 230 từ.

Do không biết nháp, không có ý để viết nên viết đối phó. Không biết cách lập luận nên cố liệt kê, cố lặp đi lặp lại một ý, với dụng ý là nhấn mạnh, tu từ điệp từ… Các bạn đâu phải nhà văn để nói từ đầu tới cuối một chữ cũng thành bài thơ. Mà thi viết chứ đâu có tìm tài năng nghệ thuật đâu các bạn!

Làm sao để nháp nhanh, nháp đúng?

Biết phân tích đề

Phân tích đề gồm: xác định các từ khoá chính trong bài. Tìm ra được mối quan hệ giữa các từ khoá. Trong đa số các đề viết DELF B2 và DALF C1, các bạn sẽ chủ yếu gặp bài nghị luận dưới dạng viết thư, vậy thì đầu tiên là tìm ra hai đối tượng gửi thư và viết thư là ai trước. Không phải lúc nào cũng nhìn là thấy đâu các bạn. Cũng gian nan muôn phần đấy!

Thứ hai là gì, sau khi có các từ khoá chính, bao gồm từ khoá về người viết, người nhận? Các bạn cần xác lập quan hệ giữa các từ khoá đó với nhau.

Mình lấy một đề ví dụ:

Ví dụ một đề viết DELF B2

Sau đó, các bạn lần lượt chia bảng, mô tả quan hệ giữa các từ khoá, phân thành hai nhóm, liên quan tới người đọc và người viết.

Xác định các quan hệ nguyên nhân – kết quả, các yếu tố nào liên quan trực tiếp với nhau, ví dụ: việc nhà ở xa thì dẫn tới đi làm rất tốn thời gian, dẫn tới việc mệt mỏi và cuối cùng là khiến cho năng suất lao động giảm vì đuối sức, không đủ tỉnh táo làm việc.

Hoặc đối với Directeur: dự án gấp cần làm nhanh, muốn làm nhanh thì phải có thêm nhân sự hoặc tăng thời gian làm việc lên, khỏi phải tuyển thêm người. Muốn tăng thời gian làm lên thì phải yêu cầu nhân viên đồng ý làm tăng ca. Để dự án xong đúng thời gian thì phải quy định về thời gian, deadline. 

viet-delf-dalf-B2-C1-huong-dan
Hướng dẫn phân tích đề DELF B2 ví dụ

Biết cách thức và trình tự của một lập luận

Hiển nhiên là trong giao tiếp, dù viết hay nói, thì người tham gia giao tiếp luôn có nhu cầu được nói và nhu cầu cao hơn là được lắng nghe. Vì thế, kể cả trong trường hợp không đồng tình mà các bạn phản bác ngay thì chẳng khác nào dội một gáo nước lạnh vào mặt người khác. Điều đó không nên một chút nào. Xa hơn là còn cho thấy bạn hơi… vô duyên trong giao tiếp.

Để cho một lập luận được thuyết phục thì nó cần cụ thể, thực tế, dễ hiểu. Để giải pháp đề xuất có giá trị thì nó phải có tính khả thi, tiết kiệm về mặt chi phí và thực sự có hiệu quả.

Nếu muốn người khác lắng nghe lập luận hay ý kiến của các bạn, trước hết cần phải có thái độ lắng nghe và thấu hiểu đối với người khác trước.

Đó là một số điểm cơ bản giúp các bạn xây dựng một lập luận tốt.

Hiểu rõ mục đích viết bài

Hiểu đề rồi, nháp rồi mà lúc diễn đạt lòng vòng làm cho người khác hiểu nhầm thì cũng đi tong. Các bạn cần cẩn thận, viết thì phải có ý chứ đừng lan man. Nói để cho người khác hiểu thì phải súc tích rõ ràng chứ đừng nói gà bà hiểu vịt.

Xác định các mục đích trước khi viết. Chẳng hạn như đề bên trên, bằng mọi giá, bạn cần phải TỪ CHỐI yêu cầu làm thêm vô lý của Giám đốc, vì lợi ích cá nhân của bạn và các thành viên trong nhóm mà bạn quản lí, nhưng không thể nào cứ củ chuối nói không làm là được. Bạn cần phải có KẾ HOẠCH làm việc thật chu đáo và có CAM KẾT rõ ràng sẽ hoàn thành được DỰ ÁN ĐÚNG KẾ HOẠCH, đó là điều ai cũng mong muốn.

Mục tiêu của công việc là làm xong dự án. Còn mục tiêu của riêng nhóm nhân viên các bạn là từ chối được yêu cầu tăng ca của sếp. Giải pháp mà các bạn đưa ra là tìm một giải pháp thay thế làm sao để sếp thấy mình vẫn chăm chỉ, có trách nhiệm với công ty. Có giải pháp rồi vẫn chưa đủ, nghe thì thuyết phục đấy nhưng làm ở nhà thì ai quản lí? Thế thì phải đưa ra các cam kết cho sếp tin. 

Biết làm chủ thời gian

Trả lời cho những bạn nói rằng đề dài, thời gian thi thì ngắn, đâu ra thời gian dư mà nháp và phân tích đề kỹ lưỡng… Mình xin thưa là nháp cũng phải học, chứ không phải chạm bút xuống giấy thi là chữ tuôn ra như thác. Nếu các bạn chưa có thói quen nháp thì tập dần đi, tập cho đến khi nào nháp được nhanh như người khác đi!

Nếu có 30 phút thi thì cần ít nhất 2 phút đọc đề và 5 phút nháp. Các bạn có 20 phút để viết vào bài thi. Cuối cùng, để 3 đến 5 phút để sửa lỗi ngữ pháp nhé!

Phải viết thêm gì trong nháp thì mới được gọi là nháp đủ?

Đã nháp tức là chỉ liệt kê ý, một cách đại khái, chứ không phải viết thành câu chữ đầy đủ.

Nháp phải theo trình tự thì rõ rồi. Trong trường hợp có ý nào quan trọng, điểm nhấn của cả bài, thì các bạn cần chú ý đầu tư chi tiết thêm một chút.

Viết một số ví dụ, kiến thức liên quan mà bạn nghĩ rằng mình có thể tận dụng làm ví dụ minh hoạ trong bài viết.

Những từ vựng quan trọng, cấu trúc đặc biệt mà bạn nghĩ có thể gây ấn tượng với giám khảo (tất nhiên là chắc chắn về cách sử dụng rồi) thì các bạn có thể ghi ra nháp, ở một góc cho khỏi quên.

Nháp thì viết tắt cho nhanh, nhưng đừng tắt đến mức đọc lại không hiểu mình đang viết gì.

Nháp cũng phải rõ ràng, có trật tự đừng để nháp xong rồi khi viết lại lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia.

Các bạn có thể nháp bằng tiếng Việt, hoặc kết hợp Việt Pháp, hoặc tiếng Pháp. Trừ trường hợp mình ví dụ ở trên đầu bài thì nháp tiếng Pháp cho thầy còn đọc. Hên xui là thầy có thể đọc nháp rồi mới chấm bài đấy, chứ không phải thầy kêu nộp cho vui đâu!

*Lớp học viết B2, C1: các bạn liên hệ qua zalo 0947 2299 21 hoặc instagram vitirouge

Leave a Reply