Tai-lieu-on-thi-B2

Bài đọc Delf B2 : Quel est le style du texte ? – Hãy cho biết cách hành văn chính của bài viết này !

Đối với một bài đọc tầm trình độ B2 trở lên, để hiểu được ý tứ sâu sa của tác giả. Trước hết chúng ta cần xác định xem định hướng lập luận của họ là gì ? Mục đích của người viết là để tạo ra những phản ứng gì nơi người đọc.

Vì sao phải tìm hiểu phong cách hành văn?

Đây là một câu hỏi dễ lấy điểm trong bài đọc hiểu B2, chắc chắn là một câu hỏi quan trọng để giúp các bạn đánh giá được mức độ tin cậy và chiều sâu của thông tin, hoặc trong tình huống mà người viết không thể nói trực tiếp vấn đề, các bạn vẫn biết cách để liên kết với những suy nghĩ thực sự, ẩn sau mỗi câu viết lời văn của tác giả. Cuối cùng là bạn nhận ra được thông điệp mà tác giả muốn truyền đạt tới.

Đôi khi, đây là mấu chốt quyết định xem bạn thực sự hiểu hay không hiểu một văn bản.

Để lấy một ví dụ minh hoạ cho dễ hiểu. Bạn mua một chiếc áo mới và mặc đi cà-phê với một người bạn. Có thể có các tình huống xảy ra như sau :

  • Chiếc áo này đẹp đó ! Bạn mua ở đâu vậy ? Mình tìm mẫu này lâu lắm rồi mà không thấy ! (có vẻ như khen thật lòng)
  • Chiếc áo này đẹp đó ! Nhưng mà chắc là mắc lắm ! (vừa khen mà cũng vừa hơi tiếc của)
  • Chiếc áo này đẹp đó ! Nhưng mà cho mấy em gái 13, 14 tuổi mặc thì hợp hơn ! (có ý chế giễu cưa sừng làm nghé)
  • Chiếc áo này đẹp đó nếu mà mẹ tôi mặc là hợp nhất ! (có ý chê bạn ăn mặc già)
  • Chiếc áo này đẹp đó ! Cúc thì Gucci, hoa lài thì Chanel, ca-rô thì Burberry ! Chắc cũng được gọi là sang ! (có ý mỉa mai dùng hàng nhái và không sành điệu)

LES STYLES DE TEXTE – Những cách hành văn thường gặp trong bài đọc B2

Sau đây, các bạn có một vài mô tả cụ thể cho một số phong cách viết hoặc lập luận thường gặp ở các bài báo (có thể được dùng làm đề thi)

hoc-tieng-phap-online-hieu-qua

Raisonnement déductif : lập luận diễn giải (ý chính trước, thông tin tổng quát => giải thích sau). Là phong cách lập luận trong hệ ngôn ngữ La-tinh và đặc biệt là tiếng Pháp.

Raisonnement synthétique : lập luận tổng hợp (ví dụ thực tế và các trường hợp đơn lẻ trước => kết luận sau). Thường là phong cách lập luận trong ngôn ngữ Anh.

Style polémique : bút chiến, chiến luận. Đấu tranh bằng ngòi bút. Mạnh về cảm xúc. Lập luận lên cao trào, cực điểm. Hướng người đọc người nghe tới những cảm xúc như bất bình, đồng tình và thôi thúc hành động. Thể hiện tâm huyết và khí thế chiến đấu nơi người viết. Thường trong các dạng bài về chính trị, chỉ trích chính sách, lên án một thực trạng xã hội bị nhìn nhận sai lầm hoặc được quan tâm chưa đúng mức.

Style moqueur : giọng điệu châm biếm. Gây hài, gây cười, bi hài kịch. Đưa ra những thông tin bỏ ngỏ, tréo ngoe, cười ra nước mắt. Tác giả thường dùng những hình thức chơi chữ, đánh đố, trào phúng, thậm xưng, đặt những câu hỏi bâng quơ, bóng gió nhưng chủ ý nhằm vào một đối tượng, sự việc, sự kiện cụ thể nào đó trong xã hội. Mục đích không phải để giải trí mà tạo ra tiếng cười sâu cay, gây ấn tượng và khiến người đọc sau khi cười phải suy nghĩ. Tranh biếm hoạ là một dạng (tranh + chữ) khá gần với thể loại văn phong này. Thường tập trung vào những mâu thuẫn xã hội hoặc bất bình đẳng, những quan niệm cổ hủ – lạc hậu – sai lầm, thói hư tật xấu, vấn đề đạo đức.

Style décisif/ déterminant/ définitif : quyết đoán, dứt khoát, một là một hai là hai. Lập luận trong những bài viết này cực kì sắc bén gãy gọn, phân tích tỉ mỉ chi tiết, số liệu chặt chẽ, sát với thực tế. Đây thường là các bài phân tích chính sách và bàn về chính trị.

Style modéré : cung cách dung hoà, bình ổn, nhẹ nhàng, mang tính an ủi và xoa dịu dư luận. Với một vấn đề được lăng-xê quá mức hoặc được đánh giá quá cao so với bản chất thực tế hoặc bị nhìn nhận lệch lạc theo hướng quá bi quan… thì người viết có xu hướng kéo vấn đề về lại thế cân bằng. Chẳng hạn như sau một vụ hoả hoạn, thiên tai, bên cạnh các bài chiến luận mang tính đấu tranh cho môi trường thì sẽ có những bài trung dung như phân tích về các chiến dịch phủ xanh trái đất, nhằm tiếp thêm hi vọng và giúp người đọc không bị rơi vào tình trạng bi quan quá mức. Thường thì đây là những bài mang tính phụ trợ bổ sung quan điểm cho một vấn đề nóng nào đó, quan điểm hơi trung lập. Khác biệt với phong cách chiến luận và quyết đoán ở trên.

Style dialectique : lập luận song song, lập luận đối chiếu, hiểu đơn giản là phân tích hai mặt tốt/ xấu, lợi/ hại của một vấn đề. Nếu modéré đi theo hướng xoa dịu và bình ổn thì dialectique hướng tới sự cảnh tỉnh người đọc, không nên quá tin vào một lập luận nào đó mà phải tỉnh táo. Vấn đề sẽ được mổ xẻ dưới nhiều góc độ, ở hai thái cực đối lập và theo nhiều quan điểm, trái chiều. Tuy nhiên, người đọc không vì thế mà bị hoang mang hay lẫn lộn thông tin. Sau khi biết đủ thì họ có thể tự cân nhắc và đưa ra được một lựa chọn hợp lí.

Texte contradictoire : đây không hẳn là một phong cách viết mà một kiểu bài, thường thấy khi đó là một vấn đề tương đối mới, chưa có nhiều nền tảng nghiên cứu, thống kê, lập luận chặt chẽ. Những scandal chấn động, những lý thuyết hoặc nghiên cứu mới còn gây nhiều tranh cãi và chưa kiểm chứng được ngay ở thời điểm hiện tại. Những chủ đề gây hoang mang. Những bài viết như thế này sẽ góp phần thúc đẩy những tri thức hoặc giới chuyên môn nhận ra sự cấp bách của vấn đề và có thể vào cuộc tìm hiểu để có lời giải sớm nhất.

Texte hypothétique : hypothèse là giả thiết, thường thì chủ đề phổ biến nhất của dạng này là những vấn đề khoa học, giả tưởng hoặc đang là ý tưởng chưa thành hiện thực. Các phân tích dựa trên thí nghiệm và lý thuyết khoa học, đang trong giai đoạn chuẩn bị được áp dụng vào thực tế.

Texte débutitif (ton doutant) : gây nghi ngờ, tạo ra sự nghi ngờ, thể hiện sự hoài nghi của tác giả về một giải pháp hay lý thuyết nào đó. Nếu như contracdictoire thiên về tổng hợp các lập luận trái chiều, hypothétique thiên về hướng khuyến cáo thì débutitif là trường hợp người viết (tác giả) có một quan điểm khá rõ rệt về vấn đề, anh ta có một vài hoài nghi dựa trên những hiểu biết và kiến thức anh ta có, tuy nhiên, anh ta chưa khẳng định mình đúng, cũng không nói người khác sai, anh ta bỏ ngỏ câu hỏi ở đó để người đọc tự tranh luận và tự tìm hiểu tiếp, hạ hồi phân giải.

  • Style passionnant / passionné : lôi cuốn, đam mê (gần với littéraire nhưng không hẳn là littéraire). Ví dụ : bạn thích âm nhạc, bạn muốn lan truyền cảm hứng âm nhạc và đam mê âm nhạc cho người khác, bạn có thể viết một bài truyền động lực, tạo cảm hứng hoặc gợi mở sở thích đó với mọi người. Nhưng đam mê (passion) đó cũng có thể là sự cuồng tín, ám ảnh, lặp đi lặp lại, mị dân, hoặc là tạo ra những sức hút cho những cái không thực sự lành mạnh hoặc có giá trị, như gây ra sự ám ảnh về bạo lực hoặc về tiền v.v…

Các bạn có thể ôn thi Delf B2 các kĩ năng với Vitirouge hoặc liên hệ qua zalo: 0947.2299.21 hoặc hệ thống lại ngữ pháp và luyện tập thêm kĩ năng Đọc hiểu với ấn phẩm Học đi thôi.

Leave a Reply