Luyện viết tiếng Pháp thôi!

Viết tiếng Pháp có phải để trở thành nhà văn như Victor Hugo không?

Thưa không. Chúng ta cần phải xác định với nhau từ đầu rằng luyện viết tiếng Pháp và làm tập làm văn (như tiếng Việt) là hai chuyện khác nhau. Đương nhiên, việc viết bằng tiếng Pháp cũng giúp các bạn giải quyết được một số nhu cầu về mặt diễn đạt ý tưởng, nhưng còn xa chúng ta mới đạt tới ngưỡng viết hay như nhà văn.

Thậm chí, chúng ta chỉ mới dừng lại ở việc viết sao cho đúng, chưa bàn gì tới việc viết sao cho hay. Nhưng trái ngược với việc ai học tiếng Pháp cũng muốn nói được thành thạo, thì không nhiều người quan trọng việc viết tiếng Pháp cho lắm. Lí do thì chắc là rất dễ đoán: lười (hoặc là không có thời gian). Với lại, viết cái gì bây giờ? Tiểu thuyết, thơ, văn, tản văn, nhật kí?

Tập viết chính là cách học từ vựng tiếng Pháp hiệu quả nhất!

Đã bao giờ các bạn rơi vào trường hợp, từ người ta nói mình có biết, có hiểu nhưng trước đó cứ ậm ờ mãi mà không biết cách diễn đạt? Việc học thật nhiều từ không khác gì mua sách về để cho đầy tủ, gom cho nhiều lúa vào bồ, nhưng sách thì cứ để đó, lúa cũng để nguyên đó.

Quan trọng cho việc học và nhớ được từ vựng là phải tạo ra các liên kết cho não. Khi đọc, chúng ta cũng phần nào giúp não liên kết được từ với nhau, nhưng cách đó hiệu quả hơi chậm. Nếu muốn tăng hiệu quả thì các bạn nên đọc thành tiếng và đọc đi đọc lại một bài cho quen.

Còn một cách khác, đó là chủ động lắp ghép từ với nhau thành những câu có nghĩa. Nếu biết rằng những từ ngữ đó được đưa vào não có lợi ích/ tác dụng nhất định thì não có lẽ sẽ chịu khó nhớ hơn một chút đấy!

Viết để áp dụng kiến thức ngữ pháp một cách chính xác

Tập đặt câu là bài tập hữu ích nhất, hơn hết tất cả các bài tập ngữ pháp khác. Thường thì giở sách bài tập ra rất là tiện, câu đã có sẵn, việc của chúng ta chỉ là điền vào chỗ trống: động từ phải chia, mạo từ, tính từ phù hợp. Dẫn tới một trường hợp rất phổ biến, dù điểm bài tập ngữ pháp thì cao chót vót nhưng khi làm bài viết, lúc nào cũng đỏ choét lỗi ngữ pháp.

Hãy nghĩ tới việc viết câu như nấu một bữa cơm. Thịt, gạo, rau ráng có sẵn. Việc làm bài tập ngữ pháp cho sẵn giống như việc sắp chén và dọn bát mỗi bữa ăn. Nếu không có người nấu, bụng chúng ta vẫn rỗng.

Đừng vội nghĩ rằng, đặt câu tiếng Pháp giống như làm bài đặt câu tiếng Việt hồi cấp 1, cấp 2. Việc đặt câu bằng tiếng Việt giúp bạn: biết chủ động chia động từ và biết chủ động phù hợp giống số cho các cụm từ trong câu.

Viết chính là tập tạo ra các ngữ cảnh khác nhau để hiểu chính xác nghĩa của từ vựng

Ví dụ như : Tôi đang ở (sống) tại quận Bình Thạnh => dùng động từ HABITER và Tôi đang ở Bình Thạnh (chỉ vị trí tạm thời) => dùng động từ ÊTRE.

MAISON cũng có nghĩa là nhà, FAMILLE cũng dịch là nhà được, MA FEMME trong tiếng Việt cũng có thể dịch là là nhà tôi. Nhưng để diễn đạt « Tôi đang ở nhà » (trong một căn hộ, nhà là một danh từ cụ thể) thì chúng ta viết Je suis à la maison hoặc Je suis chez moi (Tôi đang ở nhà tôi). Còn để nói « Nhà tôi đi du lịch » thì chúng ta sẽ nói là Ma famille part en voyage, không thể nói Ma maison part en voyage. Còn với từ Femme thì không khó lắm, cụ thể như trường hợp : « Nhà tôi làm việc cho công ty ABC » thì chúng ta sẽ viết là Ma femme travaille pour la société ABC.

Chỉ cần viết đi viết lại các câu trên thì trong vòng chưa đầy 15 phút chúng ta có thể hiểu và nhớ luôn được nghĩa của các từ trên mà không cần mất công suy luận hay đọc từ điển quá nhiều.

Viết là để kiểm tra xem tiếng Pháp của bạn có dễ hiểu hay không?

Thường thì lúc mới học tiếng Pháp, chúng ta sẽ xác định với nhau là cần học phát âm, từ vựng, ngữ pháp… Nhưng có một vấn đề khác quyết định xem tiếng Pháp của chúng ta có thể HIỂU ĐƯỢC hay không, chính là SYNTAXE. Được hiểu một cách khái quát là cú pháp.

Chúng ta có thể hình dung về các thí nghiệm hoá học hoặc viết code cho một phần mềm máy tính. Nếu không cho đúng và đủ chất, đúng thứ tự vào ống nghiệm, thì chưa chắc chúng ta thu được kết quả mong muốn. Việc viết code cũng tương tự, thậm chí là chỉ cần sai một dấu cách là chương trình đã không chạy.

Tiếng Pháp không đến mức khuôn phép như thế, nhưng trong rất nhiều trường hợp, sai về SYNTAXE sẽ dẫn tới câu bị tối nghĩa hoặc bị sai nghĩa. Tức là câu đúng ngữ pháp nhưng không có nghĩa.

Ví dụ: J’envoie une lettre à ParisLa lettre envoie à Paris. Về ngữ pháp thì đúng hết, ngôi Je thì động từ ENVOYER sẽ chia là envoie còn ngôi Elle thì động từ sẽ được chia là envoie.

NHƯNG: bản thân bức thư nó không thể tự gửi mình đi được. Phải nói là : La lettre est envoyée à Paris hoặc La lettre s’envoie à Paris (bức thư được gửi tới Paris). Đặc biệt là trong câu thứ hai, chỉ thêm một chữ s’ là nghĩa của câu hoàn toàn thay đổi.

Viết là tiền đề cho việc nói trôi chảy tiếng Pháp

Đừng nhầm lẫn giữa việc học tiếng bồi, tức là thấy người ta trả lời như thế nào thì mình bắt chước tương tự và việc nói chuẩn tiếng Pháp : câu có động từ được chia, dùng từ chính xác. Câu trước và câu sau có kết nối với nhau.

Nếu quen với việc viết câu đúng thì dần dần bạn sẽ thấy việc nói chuẩn tiếng Pháp cũng không khó lắm. Còn lên giọng xuống giọng, còn phát âm, còn ngữ điệu, còn ngôn ngữ hình thể… tất cả chỉ mới là bổ trợ thôi, bạn định thế nào nếu cứ ì ạch mãi kiểu : Moi – aller – à la gare – comment? Trong khi câu đúng phải là Comment je peux aller à la gare?

Xa hơn, tập viết chính là tập sắp xếp trước ý tưởng trên giấy

Xuất phát từ thói quen từ thời phổ thông, với các bài tập làm văn, chúng ta thường chủ quan không nháp dàn bài ra trước. Hoặc nhiều khi đầu nhanh hơn tay, nháp luôn trong đầu cho khỏi tốn giấy nháp. Thói quen này mà tiếp tục duy trì sang tiếng Pháp thì sẽ rất hại.

Nên là, khi học viết tiếng Pháp thì chúng ta cần học cho biết cách và cần luyện để nháp được, nháp nhanh, nháp đúng. Việc nháp sẽ giúp chúng ta biết nói ý gì trước ý gì sau, không để bị sót ý, không nói câu trước ngược câu sau… Hơn nữa, sẽ giúp chúng ta chủ động đi sâu vào trọng tâm thay vì lan man, mập mờ không rõ ý.

Việc nháp, thực sự sẽ giúp chúng ta suy nghĩ và phản ứng nhanh hơn. Tất nhiên là nhấn mạnh hiệu quả này với tiếng Pháp.

Dưới đây là một vài ví dụ cho việc nháp ý, với các đề viết B2:

Vậy tập viết tiếng Pháp như thế nào?

  • Quan sát và mô tả, quan sát và nhận xét: Hãy bắt đầu bằng việc quan sát xung quanh sau đó tập đặt câu.

Ví dụ: Cuốn sách ở trên bàn. Cuốn sách màu xanh. Cuốn sách nói về cuộc phiêu lưu của Robinson…

  • Liệt kê và tường thuật sự việc theo tình tiết hoặc trình tự có sẵn.

Ví dụ: Tôi thay đồ vào lúc 9h. Lúc 9h15 tôi bắt đầu mang giày và ra khỏi nhà. Khoảng 9h30, tôi đã có mặt ở chỗ hẹn còn Nam thì 10h mới tới nơi.

Để thành thạo hơn trong việc phát triển ý tưởng, các bạn có thể đặt mua cuốn HỌC ĐI THÔI – Giao tiếp, cuốn sách sẽ giúp các bạn rất nhiều trong việc viết, và sau đó là nói sao cho trôi chảy. Còn nếu không, để học viết online hoặc học nói, học tiếng Pháp từ căn bản (offline – tại Sài Gòn), các bạn có thể đăng kí học tiếng Pháp với mình qua email hocdithoi2017@gmail.com và zalo 0947229921.

Leave a Reply