Có địa hạt nào mà người Pháp không đặt chân vào không? Vốn Pháp là một nước lớn, từng có những thời kì đứng đầu châu Âu về mọi mặt, ngày nay cũng đứng thứ năm thế giới về kinh tế, là một quốc gia vừa có nền tảng khoa học kĩ thuật vững vàng vừa có nền nghệ thuật phát triển phong phú. Từ văn chương cho tới điện ảnh, đâu cũng thấy dấu chân khai phá của người Pháp. Điện ảnh thì có anh em nhà Lumière, văn chương thì đã có hàng loạt tên tuổi từ Rousseau cho tới Victor Hugo, Modiano…
Tiếp theo đây, ta lại nói về Mỹ thuật. Trên thực tế, chúng ta thường nghe nhắc nhiều hơn về các danh họa Ý, Tây Ban Nha và Hà Lan. Nhưng, có một vài sự kiện nổi bật khiến cho Mỹ thuật Pháp có quyền tự hào: Bảng thống kê năm 2015 cho biết: Bức tranh đang giữ kỉ lục đắt nhất thế giới là tranh của họa sĩ người Pháp Paul Gauguin. Hiện tại thì nó đã rớt xuống sau tranh của Léonard de Vinci (người cũng dành rất nhiều năm tháng sống và vẽ, làm việc ở Pháp). Một trường phái ư? Người Pháp thích là cội nguồn của một cái gì đó, hoặc khai sinh được một cái gì đó mới! Chính đấy: Nước Pháp là nơi khai sinh của dòng tranh theo trường phái Ấn tượng. Mà trong đó, họa sĩ nổi tiếng nhất là Claude Monet.
Claude Monet ngày nhỏ là một cậu bé thông minh và có phần tinh quái. Monet rất lười học, sau này, bản tính ưa thích tự do tự tại cũng nhiều lần đưa đẩy Monet phá vỡ những nguyên tắc học tập và làm nghề truyền thống, để rồi, ông đã thực sự tạo nên một cuộc đột phá cho nền mỹ thuật và lịch sử đã tôn vinh ông bằng danh xưng: cha đẻ của trường phái Ấn tượng. Ngày nhỏ, Monet rất thích vẽ tranh biếm họa. Người ta vừa học vừa chơi, còn cậu bé Monet vừa học vừa ưa thích vẽ biếm họa các giáo viên ở trường.
Dù tỏ ra đặc biệt có năng khiếu hội họa như vậy nhưng bố mẹ muốn định hướng cho Monet kế tục công việc buôn bán của gia đình hơn là chỉ vẽ vời. Người đầu tiên phát hiện ra năng khiếu thiên bẩm của Monet và giúp chàng trai trẻ có những ước định cụ thể về hội họa chính là Boudin. Họa sĩ Boudin chỉ cho Monet ra biển để vẽ nước xanh, mặt trời, ánh sáng chũng chĩnh trên từng con sóng. Kể từ đó, Monet bắt đầu tìm thấy nguồn cảm hứng với hội họa ngoài trời, tìm được nhiều ý tưởng có sẵn từ thiên nhiên.
Quyết chí đi theo nghệ thuật, Monet sớm rời bỏ gia đình để tới Paris bắt đầu sự nghiệp. Định rằng học hành từ các bậc thầy ở kinh đô để rèn luyện kĩ năng, nhưng Monet sớm cảm thấy chán với những giờ đằng đẵng ngồi vẽ và tô chì các tượng mẫu. Một lần, hai lần rồi nhiều lần khác, Monet bị khiển trách vì đầu trò lôi kéo bạn đồng môn đi dã ngoại vẽ tranh. Không chịu được sự gò bó khuôn mẫu, cuối cùng, Monet đã tìm cho mình con đường riêng, lập nhóm sáng tác của riêng mình.
Cuộc đời của Monet là một chuỗi các sự kiện phá luật, vượt rào. Tình yêu cũng không ngoại lệ. Quen biết Camille từ việc sáng tác, sau đó hai người yêu nhau và quyết định sống chung. Gia đình Monet chưa bao giờ ủng hộ chuyện của hai người, thậm chí còn phản đối gay gắt. Cặp đôi trẻ đã cùng nhau tình cảm mặn nồng những ngày thanh xuân khó nghèo.
Nhưng dòng đời đưa đẩy, nghệ sĩ không tránh được kiếp đa tình. Monet vướng vào một mối quan hệ tay ba, tơ tình tròng nối tròng với Alice – vợ của Hoschedé, người chủ đã đặt hàng kha khá sáng tác của họa sĩ. Monet quen biết Alice trong thời gian chuyển đến dinh thự nhà Hoschedé để sáng tác. Camille bất hạnh. Khi chồng tán tỉnh người khác thì cô bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư cổ tử cung. Bệnh tình ngày một nặng hơn, sau khi sinh hạ người con thứ hai không lâu, Camille đã từ giã cõi đời khi chỉ mới 32 tuổi. Cái chết của Camille là mất mát lớn đối với Monet, tiếc nuối.
Hối hận giằng xé cõi lòng, suốt một thời gian dài, Monet không tha thiết gì việc cầm cọ sáng tác. Alice vốn là một người phụ nữ độc đoán, ích kỉ. Cướp chồng người một cách ngang nhiên, sau khi Camille qua đời vẫn không hết ghen tuông, ngang ngược. Tất cả các tư liệu, hình ảnh về người vợ trước đều bị Alice đem tiêu hủy sạch sẽ, không còn dấu tích. Sau này, chỉ có duy nhất một tấm ảnh của Camille không lọt vào tay của Alice nên còn sót lại, đó cũng là hình ảnh thật duy nhất mà ngày nay chúng ta còn biết được về nàng thơ Camille của Monet. Sau khi cưới Alice, Monet chuyển hẳn về sống tại Giverny và dần mở rộng quy mô của khu vườn.
Thực sự, Camille là một tình yêu lớn và là nguồn cảm hứng sáng tác lớn trong suốt quãng đời làm nghệ thuật của Monet. Sau cái chết của nàng, người ta cũng ít kể thêm đời sống tình cảm của Monet ở giai đoạn sau ra làm sao. Chắc chủ yếu là bị người đời chê trách chế nhạo, đặc biệt là chồng của của Alice. Sau một thời gian lang bạt, quý ngài Hoschedé làm việc cho một tờ báo ở Paris và liên tục mỉa mai chuyện Monet lăng nhăng. Nàng thơ đã từ giã cõi đời, từ đây, Monet cần tìm một nguồn cảm hứng sáng tác mới. Chương tuổi trẻ khép lại trong bi thương. Chương tiếp theo vừa chớm khai mở: Monet trở thành người làm vườn và là họa sĩ của thiên nhiên cây cỏ.
Paul Cézanne, cây cọ hàng đầu về tranh tĩnh vật, cũng là họa sĩ rất nổi tiếng Aix-en-Provence, từng nhận xét rằng: “Tranh của Monet không thể chỉ xem bằng hai mắt thường”. Lí do ư? Vì Monet còn nhìn đời bằng một con mắt khác.
(Paul Cézanne là họa sĩ người Pháp thuộc trường phái Hậu ấn tượng; ông là người được cho là cây cầu nối giữa trường phái ấn tượng thế kỷ 19 tới trường phái lập thể thế kỷ 20)
Ở giai đoạn khai sinh, các tác phẩm của Monet và bạn bè cùng đi theo trường phái Ấn tượng bị ghẻ lạnh vì sự cách biệt so với hội họa truyền thống. Người ta đã đến xem bức Ấn tượng, mặt trời mọc của Monet nhưng chẳng mang theo lời khen nào. Trông bức tranh chẳng khác nào một mớ bụi bám trên giấy, vàng nhờ nhờ, không rõ hình rõ nét. Về sau, có một nghi vấn đối về thời điểm được vẽ trong bức tranh này, nhiều người không tin đây là quang cảnh mặt trời mọc mà cho rằng đó là ráng chiều hoàng hôn.
Một giáo sư Vật lí và Thiên văn học của Texas đã nghiên cứu bức tranh suốt 15 năm ròng. Cuối cùng, ông khẳng định bức tranh đúng là vẽ cảnh mặt trời mọc với những giải thích đầy thuyết phục. Ông chỉ ra rằng hướng chuyển động của nước trong bức tranh vẽ cảng Le Havre là hướng nước chảy buổi sáng. Và đây là một khung cảnh của mùa đông, với con số 72 nằm sau chữ kí, có thể Monet đã vẽ tranh vào mùa đông – tháng 11 năm 1872 hoặc tháng 1 năm 1873. Nghi vấn này được giải mã thì mới thấy cái tài tình trong tranh Monet là như thế nào.
Cách đây không lâu, các nhà khoa học ở London còn dùng tranh của ông để nghiên cứu ô nhiễm không khí. Suốt một thời gian dài, người ta vẫn cho rằng màu sắc trong tranh Monet là hoàn toàn ngẫu hứng, không thể nào có những vạt khói, khí có màu sắc lạ như thế. Cho đến khi, các tư liệu nghiên cứu cho thấy màu sắc trên tranh của Monet là hoàn toàn đúng với thực tế. Thế mới hiểu vì sao Monet được tôn là danh họa, vì chỉ nói tới sự quan sát, ông đã tinh tường hơn người đời, thậm chí là tinh tường hơn cả thế hệ.
Nếu không làm nghệ thuật hoặc có sự tìm hiểu sâu về lĩnh vực này, có lẽ, chúng ta cũng không hiểu được thế nào là chủ nghĩa Ấn tượng và phần nào, khó cảm nhận được cái hay, cái đẹp trong tranh của Monet. Ấn tượng là sự khắc ghi trong trí nhớ một hình ảnh lướt qua trong khoảnh khắc. Bạn đã bao giờ quan sát hoàng hôn và định chụp ảnh hoàng hôn chưa? Nếu đã từng, bạn sẽ hiểu thế nào là cảm giác khoảnh khắc tan biến. Hay như khi đoàn tàu hơi nước vừa khởi động phun khói trắng một góc sân ga, cũng chỉ độ mươi giây là hình ảnh này biến mất.
Hay như với bức tranh đặc biệt của Monet, vẽ Camille lúc giã biệt cõi đời. Ở khoảnh khắc Camille trút hơi thở cuối cùng, gương mặt nàng chuyển sắc hồng thành trắng rồi thành xanh. Chỉ trong tích tắc và bản năng nghệ thuật khiến Monet không kìm được lòng, vội giá vẽ và màu ra để lướt thật nhanh nét cọ. Tranh ấn tượng là dòng tranh mô tả cảm nhận thị giác, khối óc và trái tim về một khoảnh khắc chóng vánh như thế. Đặc trưng của dòng tranh mà Monet theo đuổi không chú trọng nhiều về việc khắc họa đường nét, chỉ tập trung về màu sắc. Monet là người rất thích sáng tạo ra những màu sắc mới ngay trên bảng pha màu của mình. Và sau đó, áp dụng kĩ thuật tán màu thật nhanh để tạo ra những ấn tượng về ánh sáng, tự nhiên thật đặc biệt.
Nhà soạn nhạc vĩ đại như Beethoven thì phải chịu cảnh điếc tai, danh họa tài ba như Monet thì cuối đời gần như hoàn toàn mù màu. Cuộc chơi màu sắc của Monet trở thành một thử thách chống đối lại số phận, những bức tranh cuối cùng của Monet, dù là vẽ cây cỏ hoa lá rực rỡ, rốt cuộc chỉ còn lại một sắc xanh lạnh lẽo và u ám.
Ngoài “Ấn tượng mặt trời mọc” và bức tranh về người vợ Camille, thì còn có một dòng tranh làm nên nét riêng cho Monet đó là tranh hoa cỏ, đặc biệt là hoa súng. Nhiều người yêu thích tranh của ông cũng chỉ vì vậy. Ngược lại, cũng có không ít kẻ khinh khi tài năng của họa sĩ và cho rằng: Monet chỉ là lão già vẽ cỏ khô và hoa anh túc (hoa coquelicot, hoa mĩ nhân). Trong di sản hơn 2000 bức tranh mà Monet đã vẽ thì có khoảng 300 bức được vẽ tại vườn hoa Giverny.
Giverny là một trong những vườn hoa tư nhân nổi tiếng nhất nước Pháp, mỗi năm thu hút không biết bao nhiêu du khách tới thăm. Tiếng lành đồn xa, người ta tìm tới Giverny vì tò mò, vì lòng ngưỡng mộ một cây cọ tài năng và biết đâu, cũng có những người vừa bước chân vào lãnh địa nghệ thuật và muốn tới đây để tìm cảm hứng. Cách Paris không xa, lại được địa thế non nước hữu tình, sau khi người vợ đầu qua đời, Monet đã chuyển hẳn về định cư tại Giverny.
Sau mỗi lần đi sáng tác ở xa trở về, Monet lại thấy một sự gắn bó lớn hơn với thiên nhiên non nước trong vườn nhà. Ông trở thành một ông chủ trang viên cần mẫn, tốt tính và hiền hòa đến lạ với những bông hoa. Trong khi đó, bình thường ông rất hay nổi nóng và khó tính, nếu không ưng ý với những bức tranh đã vẽ, có thể Monet sẽ rạch cho bằng nát.
Trồng hoa rồi mua thêm đất, có hồ rồi lại xây cầu, trồng đủ thứ hoa tây chưa đủ, Monet lại thêm cả hoa súng cho trọn vẹn một khu vườn Nhật Bản. Monet từng nói rằng, nếu không vẽ tranh thì ông sẽ làm vườn. Mà quả thật, sự nổi tiếng của vườn Giverny chắc hẳn không phải chỉ qua tranh, mà còn vì sắc màu thiên nhiên sống động nơi đây, qua bao nhiêu năm vẫn còn giữ được nét tươi xanh. Người con trai của Monet và Camille đã cưới nàng Blanche – con gái riêng của Alice (người vợ sau của Monet) làm vợ. Blanche có thể được coi là hậu duệ duy nhất của nhà Monet, người chịu khó kế thừa nghề hội họa của bố chồng. Một mối nhân duyên lạ kì, Blanche thường chịu khó phụ giúp bố chồng, kề cạnh ông mỗi khi nhà họa sĩ khó tính cần chuyển đồ qua mỗi góc trong vườn và lặng lẽ quan sát học hỏi các kĩ thuật vẽ tranh. Có vẻ như Monet không trực tiếp chỉ bảo cho Blanche, vì với cá tính độc lập của mình, ông thích khuyến khích người khác tự nghiên cứu tìm tòi hơn là bắt chước. Sau này, mẹ mất, chồng qua đời, Monet đã gọi Blanche về Giverny sống, dù là bố chồng và con dâu nhưng thực sự giữa hai người thân thiết còn hơn cha con ruột. Blanche không tái giá, cứ lặng lẽ sống và chăm sóc cho bố chồng và vườn Giverny. Chính cô là người coi sóc cho trang viên trong giai đoạn bị người Đức chiếm đóng ở Thế chiến thứ hai.
Người tài thường bị ghẻ lạnh ngay trên xứ sở mình. Nếu như nước Pháp là bệ phóng hoàn hảo cho những người đến từ ngoại quốc như Picasso, Oscar Wild, Josephine Baker… thì chính xứ sở này lại đối xử lạnh nhạt với công dân chính thống như Monet. Với một gia sản hội họa khổng lồ cũng như nhìn vào cơ ngơi dinh thự và trang viên Giverny, hẳn nhiều người đã nghĩ sinh thời Monet cũng được tận hưởng không ít vinh hoa phú quý. Nhưng sự thật là, Monet đã phải sống trong cơ hàn một thời gian rất dài.
Gia đình, đặc biệt là người cha ruột, không hề ủng hộ Monet đi theo con đường nghệ thuật, cùng với đó mọi liên lạc tài chính cũng bị cắt đứt. Mặt khác, lối vẽ mới theo trường phái Ấn tượng không được lòng giới nghệ thuật Pháp. Vì tranh vẽ ra nhưng không ai quan tâm đoái hoài nên thời trai trẻ, chàng họa sĩ Pháp chỉ biết nương nhờ vào những người bạn cùng trường phái với mình, có đời sống kinh tế khá khẩm hơn chút đỉnh. Khi thì nhận được chút tiền, khi thì được mời về nhà ăn cơm qua bữa.
Vào thời điểm bế tắc cùng quẫn, Monet cũng đã từng muốn kết liễu đời mình cho xong chuyện. Sau này, đặc biệt là trong giai đoạn lang bạt ở London, cuộc đời Monet mới có những hi vọng mới. Tranh của Monet được thương nhân London mến chuộng và đặt mua thường xuyên. Người ta thường gọi Durand Ruel bằng danh xưng: Gã đánh cược cho đám vẽ tranh Ấn tượng. Claude Monet đã trịnh trọng ghi ơn ân nhân của mình: “Nếu không có Durand Ruel chúng tôi hẳn đã chết đói. Phải, chúng tôi, cái đám theo chủ nghĩa Ấn tượng.” Ruel là người mua tranh, giúp Monet mua nhà và hơn nữa, giới thiệu tranh Monet qua bên kia bờ Đại Tây Dương.
Kể từ đây, số phận của Monet được thay đổi: người Mỹ thích tranh Monet!
Nếu cả thế giới tôn vinh Monet như bậc thầy của dòng tranh Ấn tượng và không ngừng nghiên cứu, học hỏi kĩ thuật vẽ tranh của ông; các học giả và giới thưởng tranh Nhật Bản cũng đặc biệt yêu thích tranh của ông, thì suốt hàng chục năm trời, Monet vẫn là dạng vô danh tiểu tốt, một kẻ tầm thường giữa rừng nghệ thuật trăm hoa đua nở của nước Pháp nói chung và Paris nói riêng. Ngày nay, những bức tranh của Monet được đấu giá lên tới hàng chục triệu đô, một khoản tiền mà sinh thời Monet có lẽ sẽ chẳng bao giờ nghĩ tới.
Nhưng với những nỗ lực từ phía gia đình và những người yêu mến tài năng của Monet, ngày nay, ít ra, người Pháp đã chịu nhớ tới ông. Quỹ bảo tồn vườn Giverny được thành lập. Tranh và tài liệu của Monet được đem ra nghiên cứu và bảo tàng Marmottan Monet ở Paris là nơi mà bạn có thể ghé thăm, để chiêm ngưỡng những bức bích họa kì công do chính tay ông thực hiện và sau đó, phải thốt lên rằng: Monet thật sự là một danh họa! Một tài năng đặc biệt!
Rồi bạn hãy đi thêm 70 km, tránh xa sự xô bồ lạnh lẽo của Paris, để về với thiên nhiên ôn hòa, dịu hiền trong khu vườn Giverny. Đó là một hành trình khám phá xứng đáng, đặc biệt là khi bạn cũng yêu nghệ thuật không kém gì các nghệ sĩ.