Phẩm cách quốc gia hay cách giữ căn tính của nước mình

Sách của Fujiwara Masahiko – Nguyễn Quốc Vương dịch – NXB Phụ nữ

Lâu rồi mới có một cuốn sách mà vừa đọc vừa muốn share lại từng đoạn và vừa đọc phải vừa bình luận vừa muốn giới thiệu thêm cho nhiều người cùng đọc. Bài review về cuốn Phẩm cách quốc gia này hơi dài, hơi mở sang nhiều khía cạnh khác. Xin lưu ý các bạn chút chút trước khi đọc.

Đọc cuốn sách này hơi nhiễu một chút vì lượng thông tin khá nhiều, tác giả là một nhà toán học, hệ thống chương mục có cái gì đó hơi khác logic văn thông thường. Mặc dù cực kì hệ thống nhưng không phải đọc cái là bắt nhịp được ngay. Nhiều khi đọc xong một chương lại phải tự hỏi: Ủa chương trước vừa nói cái gì mà ổng nhắc lại hay có cái gì rối rối ở đây (đại loại là khó follow hết ý tưởng nếu đọc một lần).

Cuốn sách này cũng là cuốn đầu tiên khiến mình nghĩ sẽ đọc lại cả trong khi đọc, để hiểu hết hệ thống ý của tác giả.

Cuốn sách này xen kẽ vào khá nhiều vấn đề về triết, các trường phái kinh tế và chính trị, xen lẫn một số vấn đề về lịch sử (Nhật, Thế Chiến II và các cuộc Cách mạng công nghiệp), ngoài ra còn một số thứ về văn hoá địa lí (Châu Âu, Nhật, Ấn). Vì thế nên nếu đọc một lèo mà không có chút kiến thức nền sẵn thì nội dung sẽ không đi vào đầu ngay. Hệt như hồi xưa mình xem một số phim về chính trị, xem xong phải đi đọc wiki ngay vì không hiểu hết phim.

Cuốn này, theo mình thì nên đọc theo combo, đọc cuốn Khuyến học trước sau đó đến cuốn này. Mà thực ra thì mình đã đọc xuyên suốt và rải rác rất nhiều sách về văn hoá Nhật trong suốt 6, 7 năm nay nên nếu mọi người thích thì mình chia sẻ thêm phần « evolution of thinking » của mình, kiểu như mỗi cuốn sách thì mình đã rút ra một kết luận như thế nào và sau từng cuốn thì mình đã nhận định khác đi ra sao.

Cuốn đầu tiên thì mình không nhớ rõ tên, hồi đó mới đọc sách, không có thói quen nhớ tên và nhận diện tác giả, với lại đọc ebook thì lướt hết cuốn là chịu luôn. Chắc là một trong hai cuốn: Nước Nhật mua cả thế giới Chiếc Lexus và cây ôliu. Lexus là xe Nhật nên chắc nó.

Hai cuốn này nếu mình nhớ không nhầm là của tác giả Mỹ. Phải nói là Mỹ với Nhật nó vẫn hậm hực nhau ghê lắm. Thế nên, theo hai cuốn này thì Nhật cũng tài, nhưng cũng khá là thâm, đúng kiểu người thế giới nhìn về Phát xít. Chi tiết mình nhớ nhất là về chiến lược lách luật Pháp để mua bất động sản tại Pháp. Không biết thời thế có thay đổi hay không, nhưng phần lớn đất dọc đại lộ Champs Elysées không còn là sở hữu của Pháp dù luật Pháp thời đó không cho người nước ngoài mua đất. Người không được mua thì chuyển sang pháp nhân. Thế là trong một thời gian ngắn, công ty Nhật chuyển trụ sở về Paris và mua đất dưới danh nghĩa công ty.

Nói về đối nội, Nhật bị nhìn là bảo thủ. Tất cả các thương hiệu nước ngoài vào Nhật đều bị đổi tên. Thay vì như Việt Nam hay giật tít, tập đoàn ABC đầu tư vào Việt Nam, Việt Nam sắp có chuỗi cửa hàng ABC, thương hiệu ABC sắp về Việt Nam… thì nhờ Nhật hoá tên thương hiệu mà cho dân Nhật có cảm giác: à, vậy là có một thương hiệu Nhật vừa mới ra đời (như dâu về nhà chồng thì phải đổi họ đổi tên và tăng quân số cho nhà chồng vậy). Cái này khác với kiểu Trung hoá thương hiệu của bọn Tàu, mục tiêu là làm hàng nhái và gây nhầm lẫn.

Nói chung là đọc xong mấy cuốn này thì vẫn thấy Nhật Bản tư duy phát xít và tư bản xâm lược quá. Tuy nhiên, gỡ gạc lại là trong khoảng thời gian đâu đó trước khi sang Pháp, mình có coi một bộ phim tài liệu trên tivi, phim này nói về quá trình các thương hiệu Âu Mỹ xâm nhập thị trường châu Á như thế nào, đặc biệt là Đức. Sau này thì Hàn Quốc có áp dụng chiến lược tương tự để đưa K-pop đi khắp thế giới. Nếu thuyết phục được sự khó tính của người Nhật, sẽ đồng nghĩa với bạn đi đâu ở khắp châu Á cũng được.

Tuy nhiên, K-pop đã thất bại ở Ấn Độ. Vì nhạc, nhảy và điện ảnh của Ấn Độ lại được phát triển khác với bất kì thị trường văn hoá nào trên thế giới (lại một phim tài liệu khác của Hàn mà mình xem). Người Ấn không trọng ngoại là một, phim thì chiếu ở rạp chục năm vẫn chiếu, nhạc nhảy thì có gu riêng không giống ai. Người Ấn coi những thứ từ bên ngoài đến là thứ kì dị, kích thích trí tò mò. Nếu sao Hàn tới Ấn mà được chụp hình thì không phải là do nổi tiếng hay đẹp trai hay sao chổi sao kim gì, chẳng qua là lạ thì chụp để đăng facebook khoe. Cũng có hơi mất mặt chút với các anh sao Hàn!

Cuốn Phẩm cách quốc gia có nói đến Ấn Độ khá nhiều. Vì tác giả là nhà toán học nên gần như cả cuốn sách là tóm tắt tình hình toán học khắp thế giới. Ấn hiện nay giỏi IT là một, giỏi quản trị và vận hành là hai. Chẳng hạn như lên youtube tìm tutorial nhảy nhót, photoshop, photograph thì không thấy nhưng cứ Excel là một, quản trị sản xuất là hai, lập trình web là ba, thể nào cũng toàn thấy clip của Ấn. Ấn từ xưa đã giỏi toán, thiên tài toán học của Ấn có thể mỗi ngày đưa ra nửa tá định lí lúc mới 26 tuổi (chậc mà chỉ học hết phổ thông chứ không có học hàm, lại còn kêu không phải tự nghĩ ra mà có nữ thần báo mộng). Thôi, phần còn lại mọi người cứ đọc, chứ không thể chép hết cả cuốn ra đây.

Quay lại với « evolution thinking » về nước Nhật của mình. Cứ khoảng 2 năm thì mình lại được giác ngộ văn hoá Nhật Bản một lần. Mình thì không có hứng thú gì lắm với Nhật, từ manga cho đến hoạt hình hay nhiếp ảnh… Nhưng vài năm trước khi flickr còn thịnh, mình suốt ngày xem ảnh của một bà cụ ở Nhật, chụp ảnh gì cũng đẹp, nửa cái lá cũng đẹp. Mấy cái hình hoa tử đằng trong mấy cái quảng cáo tour du lịch thì đúng là phỉ báng cả một loài hoa. Ở Nhật có một trường phái nhiếp ảnh thiền (ZEN), nên phải nói là stress mà xem ảnh của họ thì không hết cũng vơi đi phân nửa.

Bà Christine Lagarde (IMF) cũng có lần trả lời phỏng vấn nói về thiền, bà học thiền để bảo đảm cho sức khoẻ khi phải di chuyển nhiều múi giờ khác nhau. Ngẫm lại thì Pháp rất thích thiền của Nhật, không nói là hứng thú với Nhật nhất trong nền văn hoá Á Đông. Điều mình nhìn thấy được sau vài năm ở Pháp, về nước Nhật: (1) racist với châu Á thì có nhưng trừ Nhật ra, nếu VN ra nước ngoài thấy Lào, Campuchia, HongKong, Đài Loan thậm chí là có khi cả Tàu (đôi khi) như anh em thì Nhật nó tách ra riêng, ngược lại còn nhìn dân châu Á khác kiểu khinh khỉnh. Nên mình vẫn không thôi nghĩ rằng Nhật rất phát xít. (2) Cốt lõi nền pháp chế của Nhật dựa trên sự tự trọng. Nếu như các quốc gia khác hay đưa ra hình phạt để răn đe và phòng ngừa tội phạm thì ở Nhật, vì sợ làm xấu mặt gia đình, xấu hổ với người đời nên người ta sẽ không phạm tội. (3) Xu hướng tìm hiểu về ẩm thực, văn hoá, thiên nhiên Nhật.

Sau đó mình đọc hai cuốn là tiểu thuyết: Nhím thanh lịch (tác giả Pháp) và Mùa thu của cây dương (tác giả Nhật). Hai cuốn sách này khiến mình thật sự có cảm tình lại với nước Nhật. Thời đi học thì mình có biết tranh của Hokusai (đúng cái bức trên bìa) và thơ Haiku, gọi là có nghe qua thôi chứ không cảm được mấy. Cho đến hiện tại thì đọc xong Phẩm cách quốc gia mới hiểu ra những cái hay đó, về thiên nhiên và về cảm xúc. Thực sự là những đoạn cảm tác về thơ và thiên nhiên Nhật khiến mình khá xúc động. Như trong Mùa thu của cây dương hay Sắc lá Momiji, đọc xong cũng lưu lại nhiều cảm xúc nhất là về thiên nhiên.

Nhờ cuốn Bí ẩn của não phải, cũng sách từ Nhật, thì mình bắt đầu hiểu ra một số vấn đề cốt lõi của sáng tạo. Từ đây, thì mình xin viết để bổ sung một số lập luận của tác giả. Giáo dục về sáng tạo cho trẻ con: Đây là điểm mình muốn bổ sung cho lập luận của tác giả Phẩm cách quốc gia trong phần nói về giáo dục nhân tài. Một lí do để nước Nhật trở thành một trong 8 nền văn minh của nhân loại đó chính là năng lực giáo dục tính sáng tạo của nước này.

Dạo gần đây có mấy em bé dạy cho mình nhiều thứ. Hôm bữa nhìn một bà nhỏ cầm cái phong bì xong chấm chấm quẹt quẹt. Rồi! Bà này coi mẹ hay youtube về makeup tutorial nhiều quá nhiễm rồi.

Đầu tiên thì mình thấy dễ thương thôi, nhưng từ đó mình mới hiểu ra một chuyện: Vì sao con nít lại thích chơi lego đến vậy? Đồ chơi cho con nít có nhất thiết phải đắt tới vài triệu như vậy không (không nói tới vấn đề nhựa sản phẩm). Mình đã gặp ba đứa nhỏ cực kì thông minh và cực kì thích chơi lego. Một đứa mới lớp 2 mà đã xoay được đủ thể loại rubic, đánh piano cực kì cực kì có thần thái (mà ưng bài nào là đánh bài đó). Một đứa thì học mới mấy tháng nhưng accent tiếng Pháp chuẩn hơn cả mình học gần hai chục năm, mang tiếng là dạy nó mà nhiều khi hơi ngượng. Bà nhỏ này lớp 5, nói chuyện như triết gia. Một đứa nữa thì trí nhớ tốt và rất thông minh.

Hoá ra, mấu chốt của lego là giúp trẻ con tưởng tượng. Mình đã bị nhầm khái niệm tưởng tượng của người lớn với của con nít nên không hiểu vì sao logo có thể giúp trẻ con biết sáng tạo. Trẻ con tạo ra rất nhiều thứ từ lego, vì nó không cần hình thù đúng, màu sắc đúng như người lớn, cái đang vận động là khả năng liên tưởng trong đầu chúng nó. Thành ra giờ mới lại thấy St. Exupery quá hiểu tâm tính trẻ con trong Hoàng tử bé.

Con bé cầm tờ phong bì trắng nhưng nó nghĩ ra đủ trò, hết đánh son đến đánh má hồng đến kẻ mascara, động tác cực kì bài bản và chính xác. Nó thậm chí còn không cần có cái hộp giả hay cái cọ để cầm tay. Mình mới nhớ tới một chuyện từ hồi nhỏ, hồi mới học đàn được 2, 3 bữa mà chưa có mua đàn. Nhà có cái bàn salon dài chắc dài bằng cái đàn piano, mình hay ngồi bấm bấm rồi tưởng tượng giống cái ông pianist trong dàn nhạc (cũng mắc cười thiệt, sao này không có năng lực tưởng tượng được vậy nữa).

Hôm rồi lại ngồi coi hai đứa nhỏ chơi trò mẹ con, bàn ở quán cà phê mà nó hết tưởng tượng là bàn học ở nhà tới đi học xong gặp mẹ gặp cô như thế nào, giả làm mẹ đưa con đi học đón về rồi bắt hôn má các thứ. Ừ, hồi nhỏ mình cũng hay chơi mấy cái trò đóng vai đó. Như Emma hồi xưa cũng có cái trò nặn đất sét ra spaghetti xong tưởng mình là chủ nhà hàng, mời khách ăn như thiệt. Cuốn Bí ẩn của não phải nói về các phương pháp giáo dục giúp óc sáng tạo phát triển. Và nó là phương pháp giáo dục của Nhật, hình như chưa thấy nước nào tổng hợp được ra phương pháp như vậy.

Sự liên tưởng, óc sáng tạo, cái nhìn xuyên thời gian (như bảo bối trong truyện Doraemon chẳng hạn) sẽ tác động rất lớn đến cái mà một quốc gia có thể sản xuất ra, ảnh hưởng tới tầm nhìn xa của một quốc gia và cuối cùng là mấu chốt đánh giá sự phát triển của quốc gia đó.

Thứ hai, vì sao một nơi đẹp lại ảnh hưởng tới xác suất có một nhân tài. Lại một lần nữa mình muốn dùng liên hệ giữa thiên nhiên và khả năng sáng tạo của một đứa trẻ để giải thích. Mình đã tự định nghĩa lại được thế nào là sáng tạo, mới gần đây và hiểu vì sao không nên cho con nít dùng smartphone, ipad kể cả là xem app giáo dục. Về căn bản, sáng tạo là tạo ra liên tưởng từ một cái có thật trong thiên nhiên thành một cái ứng dụng được cho con người. Ví dụ: chim thành máy bay, mấy bộ lông xinh đẹp của con vật thành quần áo mặc cho con người, mây mưa bão thành các truyền thuyết dân gian, hoa cỏ lên hoạ tiết trên vải…  Con nít nó cần sờ được, ngửi được, chạm được vào thiên nhiên, từ đó nó mới liên tưởng được và nó mới sáng tạo được. Còn xem một cái app ư? Sau này, chắc may mắn thì nó sẽ thành thiên tài IT, như bạn Vitalik (cha đẻ Euthereum) chăng?

Và thứ ba, đọc sách vì sao quan trọng? Vì nó cũng góp phần rất to lớn vào việc phát triển trí tưởng tượng. Đọc sách luôn hay hơn xem phim. Vì sao thì chỉ có người đọc rồi mới hiểu. Năm ngoái mình có coi một clip nói về trí tưởng tượng siêu việt của các tiểu thuyết gia cách họ xây dựng nhân vật và quan hệ các nhân vật ra sao, cách sắp đặt câu truyện như thế nào, cách mô tả, cách tạo ra các bất ngờ… Bậc thầy sáng tạo là đây, mà hơn ai hết, người viết nhiều trước hết phải là người đọc nhiều cái đã!

Đọc cuốn Phẩm cách quốc gia này khá giống với cuốn của Gustave Le Bon– Cách mạng tư sản Pháp và tâm lý học của các cuộc cách mạng. Cuốn đó thì mới đọc mình cũng thấy nhảm. Cuốn Phẩm cách quốc gia này thì tác giả đã nói ngay từ đầu là bị vợ chửi thích làm xàm tào lao rồi. Nhưng nếu đọc hai cuốn theo kiểu ngồi nghe một người nói, thì ở đó, chỉ là vấn đề quan điểm, có thể đồng ý hoặc không.

Hai cuốn này không phải để nạp kiến thức, mà có kiến thức rồi, thu nạp, hệ thống hoá và suy nghĩ cách triển khai lại nó nên mới đọc. Nó cho người đọc cái cảm giác ngồi nghe một người bác, người chú đã bôn ba khắp nơi, gặp gỡ bao nhiêu nhân vật lỗi lạc, sau đó về ngồi bên cái bàn dài, uống một ngụm nước và kể cho một đứa cháu ít trải nghiệm nghe. Ít trải nghiệm hơn thôi chứ không phải không có.

Lần đầu mình đọc một cuốn nói rất nhiều về Triết mà tác giả lại là nhà toán học, nên rất khác logic của các nhà Triết học mà mình từng đọc. Tiếc là tác giả không nói nhiều về Đức, vì tư duy triết theo toán là một đặc trưng của Đức và pháp chế Đức; cái này mình rất hứng thú nhưng nếu đọc sách Triết của Triết gia thì không thể hiểu và không hình dung ra được.

Cuốn này ngợi ca nước Anh, mình cũng thích nước Anh và người Anh, như trong các chính trị gia đương đại thì mình rất thích Tony Blair (có cuốn Hành trình chính trị của tôi to dày lắm mà mình đang cất hai năm rồi chưa đọc đây). Bà người Pháp mình gặp cũng khen nước Anh tận mây và chán nước Pháp tận cổ. Ngày xưa đọc Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương với Oxford yêu thương, đúng là muốn đi Anh tới nơi chứ còn đọc về Pháp thì thấy cũng bình thường, không có cảm hứng. Dù bên cạnh đó, thì có một số điểm mình vừa đọc vừa phản biện, thấy 50:50.

Nhưng thực sự là tác giả nói đúng, xin lỗi nhưng mình rất dị ứng với mấy vợ chồng Việt chăm chăm dạy con tiếng Anh từ lúc chưa biết nói, rồi tự hào khi nó nói được Apple thay vì quả táo. Tào lao hết chỗ nói!

Không đọc cuốn sách này với tinh thần ngưỡng vọng nước Nhật. Đọc và lấy cảm hứng muốn đi Nhật, hiểu về tầm vóc sáng tạo của người Nhật thì có nhưng để cuồng Nhật hay Nhật hoá thì không. Mình nghĩ là nếu tìm hiểu sâu về các quốc gia thì nước nào cũng rất thú vị, và đó là điểm mấu chốt căn bản của một người quốc tế, không phải tiếng Anh (như tác giả cũng có phân tích). Nếu như trong Khuyến học, thời kì chưa mở cửa của nước Nhật, rất giống với Việt Nam mình vài năm trước và kể cả ở hiện tại khi dân trí vẫn chưa thực sự được để mắt đầu tư thì sau đó, đọc Phẩm cách quốc gia và thấy hệ luỵ của các làn sóng ngoại lại cũng là tình trạng của Việt Nam, đặc biệt là Sài Gòn hiện tại. Cuốn sách sẽ góp tiếng nói giúp các nhà làm bảo tồn văn hoá, khuyến khích tinh thần hướng nội của người dân trong một quốc gia, hướng người ta tìm về căn tính của dân tộc và về với mẹ thiên nhiên.

Mình nghĩ, sau cuốn này mình sẽ đọc lại các cuốn Việt Nam danh tác, đọc tiếp mấy cuốn về Văn hoá Việt Nam, lịch sử Việt Nam. Thực sự là hay kể đâu cho hết.

Cuốn này mắc thật, nhưng giá trị và đáng đọc. Hoàn toàn xứng đáng với con số mấy triệu bản đã được bán ra ở Nhật, không phải tạo trào lưu hay PR như dạng best seller khác.

Leave a Reply