Cuốn sách dành cho những người phụ nữ đang kiếm tìm một chuẩn mực thanh lịch.
Coco Chanel nói : « Người phụ nữ không có mùi hương là người phụ nữ không có tương lai. » Bà không ám chỉ rằng phụ nữ không xức nước hoa, không xức Chanel n.5 là phụ nữ thất bại. Mùi hương ở đây có một phạm trù nghĩa rộng hơn, bạn cũng có thể xức lên mình một thức nước thơm bình dân, chứ không cần hợm hĩnh khoe của. Miễn là bạn ý thức được cung cách bạn thể hiện ra bên ngoài sao cho lịch sự. Nước hoa, đối với người Pháp, chỉ là chuẩn mực lịch sự.
Với Muriel Barbery người mang họ gần giống với hãng đồ hiệu cao cấp Burberry – chuẩn mực thanh lịch của nước Anh, thì giá trị mà cô mang tới trong tiểu thuyết đầu tay của chính mình chính là một ý thức về cung cách thanh lịch nhưng về mặt tinh thần, trong tâm hồn của người phụ nữ. Nếu ai đó hỏi tôi một cuốn sách để tặng bạn gái, tặng mẹ, tặng chị em thân thiết, tôi luôn giới thiệu ngay Nhím thanh lịch.
Chưa biết là món quà sách này có hoàn hảo hay không, nhưng tôi nghĩ nó phù hợp cho phái nữ. Phụ nữ ai chẳng thích đẹp. Cao hơn chuẩn mực đẹp bình thường về hình thức, thì tôi nghĩ đó là sự thanh lịch.
Hiện tại, khi thúc ép mình đọc nhiều hơn, tôi không có nhiều cảm nhận về duyên – giữa mình và tác giả. Nhưng có những thời điểm, mỗi tác phẩm tới với tôi như một định mệnh, một người bạn đến thật đúng lúc, một sự chỉ bảo hoàn toàn thuyết phục, một sự trấn an cho những chênh vênh và lắng lo tôi đang gặp phải. Nhím thanh lịch, đối với tôi là vậy. Là cuốn sách rơi vào tay mình đúng thời điểm.
Hiện tại, tôi có đọc lại, nhưng không cảm được những cái hay và trân quý như xưa. Nhưng, nếu bạn cũng giống tôi cách đây vài năm, đang loay hoay chưa biết định hướng cho cuộc đời mình như thế nào, chưa định hình nổi bản thân là ai và mình muốn gì, đang gặp phải những mâu thuẫn về: cuộc đời – con người – chuẩn mực xã hội – tự do và khuôn mẫu, thì bạn hãy tìm và đọc Nhím thanh lịch đi !
Tác giả Muriel Barbery là một người đã đi và sống ở nhiều nơi khác nhau. Và tác phẩm của cô thể hiện được cái nhìn đa chiều, cởi mở với nhiều nền văn hóa, dù người Pháp xưa nay vốn bị coi là khép kín, chỉ thích tôn mình lên và không cho phép thiên hạ hạ mình xuống. Có rất nhiều tác giả Pháp không thích bản tính kênh kiệu đó của dân tộc mình, họ liên tục chỉ trích, châm biếm chính dân tộc mình. Bạn có thể thấy từ Molière, ta đã có những áng văn châm biếm sâu cay như vậy.
Trong tiếng Pháp, có một động từ là « critiquer » – phê bình. Người Pháp hiểu phê bình theo hai nghĩa đánh giá tích cực và chỉ trích mặt tiêu cực. Nhưng dầu gì, sống với một người thích xét nét, để ý, ta cũng có cảm giác không thoải mái. Đọc văn trào phúng, châm biếm sâu cay nhiều, ta cũng có cảm giác lòng không được yên bình, những án văng công kích không cho chúng ta sự an lòng, nó thúc đẩy chúng ta đấu tranh (lí trí và tay chân).
Việc bị tinh thần « critiquer » ám ảnh, khiến chúng ta tự biến mình thành những kẻ đanh đá, chua ngoa. Nhưng Muriel Barbery thì khác. Ta sẽ không vỗ đùi đen đét khi đọc những chỉ trích của cô. Ta cũng không thấy cảm giác trai trái của một người hay phê bình người khác và chính mình. Mọi thứ trong Nhím thanh lịch được tiết chế ở mức độ vừa phải – chắc chắn là có dấu ấn triết học trong đó (Muriel Barbery là giảng viên ngành Triết), nhưng không tẻ ngắt, khô cứng và gây chứng chóng mặt đau đầu.
Muriel Barbery khéo léo kéo những cô nàng mơ mộng về Paris trở lại thực tế và khiến những Parisiens kênh kiệu về một nước Pháp kiểu mẫu kìm lại sự khoe khoang vô lối. Sau đó, là một tinh thần hướng tới THIỀN, hướng tới sự TĨNH LẶNG và hướng NỘI của người NHẬT. Việc chắt lọc ra một vài điểm tinh tế của nghệ thuật thơ – thiền – thiên nhiên nơi người Nhật tạo thêm cho tác phẩm một chút màu sắc Á Đông thật mới mẻ, nhất là đối với các độc giả phương Tây.
Sự cân bằng không chỉ tới từ mạch triết lí trong tác phẩm mà còn qua việc phân bổ trong tiểu thuyết này hai giọng kể song song : một già một trẻ, một giàu một nghèo, một đẹp một xấu. Tôi dùng từ xấu có thể hơi quá, nhưng bạn hãy hiểu trong tình huống đơn giản thế này thôi : « Các cô ấy thì còn trẻ còn xinh, chứ tôi già rồi, da nhăn nheo xấu xí rồi ! »
Câu chuyện đặc biệt cuốn hút tôi ở phần cuối. Khi mà giữa một cuộc đời đương rối bời, mù mịt, quá đỗi yên lặng, tự dưng ta được một chút vận may hi vọng. Đôi khi, cảm xúc vỡ òa và bất ngờ đối với một hạnh phúc, một niềm vui mới, làm ta hoang mang, đắn đo. Ta không hiểu là thật hay mơ, ta dám hình dung ra cuộc đời có những vị ngọt dịu dàng đến thế. Đó là khởi đầu của một chặng đường tìm kiếm sự cân bằng mới, sau một quãng đường dài tưởng chừng như đã an yên bình ổn.
Có một sự thật là, chỉ với tiểu thuyết hơn 300 trang này, Muriel Barbery đã lọt vào danh sách những tác giả best-seller, ở Pháp và nhiều nơi trên thế giới. Nếu so với kho tàng tác phẩm đồ sộ của người đứng đầu Pháp là Marc Levy, thì Muriel Barbery đã cực kì thành công, thành tích ở trong top 10 của cô không hề khiêm tốn chút nào!
Cuốn sách nằm trong một chùm tác phẩm tôi đọc ở cùng thời điểm, cùng cách kết cấu truyện (qua nhiều giọng kể song song) và là chùm yêu thích của tôi vì cái nhìn xuyên suốt trong tác phẩm của tác giả. Bên cạnh Nhím thanh lịch là « Tên tôi là Đỏ » của Orhan Pamuk. Như đã chia sẻ ở trên, suốt mấy ngày nay, khi tôi đọc lại cuốn tiểu thuyết này, có vẻ nó bị bớt hay đi so với những gì tôi nhớ. Có lẽ vì theo thời gian, đòi hỏi của con người ta về câu chữ, ý tứ lại se ngày một cao hơn, nhiều hơn.
Nếu chưa đọc Nhím thanh lịch, thì bạn hãy mạnh dạn đọc đi. Ở Việt Nam, cuốn sách cũng thuộc hàng bán chạy, tôi cũng không có nổi cho mình một bản cứng để giữ làm kỉ niệm đây !
P.S: Tác phẩm đã được chuyển thể thành phim, cùng tên.