Review sách của Trang “Tuổi 20: TÔI đã sống như một bông hoa dại”

Mặc dù đã qua tuổi đọc tản văn, ngôn tình nhưng thực sự cuốn sách của Trang Xtd làm tôi cảm thấy rất dễ chịu.

Tôi không biết về Trang trước đó, một chiều chủ nhật, tình cờ lên facebook và thấy bài share của một người bạn hợp tâm trạng. Cũng khá lâu, không đọc các thể loại văn hay tản văn an ủi tinh thần. Lướt lướt qua thì thấy khá giống văn chương ngôn tình, nhưng người share bài viết lại không phải con gái, mà là con trai. Thế nên từ tò mò, tôi đã ngồi đọc một mạch hết bài viết dài không bỏ sót chữ nào. Văn của Trang đúng là lôi cuốn và giỏi giữ chân người. Dù chưa gặp Trang ở ngoài, nhưng cảm giác văn chương của bạn ấy thật, nghiêm túc và mạnh mẽ trong nhịp điệu và lời lẽ dứt khoát. Đọc xong bài viết, tôi mới biết tới cuốn sách. Cũng tìm một lượt xem Trang có blog không nhưng mà không thấy.

Rồi tôi ra nhà sách ngay buổi chiều. Khi đang cố nhồi nhét vào đầu một đống kiến thức chuyên ngành mà không thành công thì tản văn của Trang xuất hiện như một cơn gió mát, xoa dịu một cơn đau đầu do căng thẳng và mệt mỏi kéo dài. Văn của Trang không ngây ngô, không treo ngược cành cây, không dắt người ta đu dây điện như biệt tài của các nhà văn viết tản văn khác. Văn của Trang giống như một đoá hoa dại mà chúng ta gặp lại ven đường sau nhiều năm xa quê, chân chất, giản đơn nhưng đẹp hơn những loài phù hoa vinh quý của thành phố.

Văn của Trang đặt vào đúng không gian của tuổi trẻ, hoặc không gian tâm hồn của những người đã từng trẻ, văn của Trang như một lời bộc bạch cho những năm tháng mà người ta sống vội, quên suy nghĩ. À, là một suy nghĩ nghiêm túc về xã hội, về định kiến xã hội, về sự nỗ lực tự thân, về những chân giá trị cần phải cân nhắc trong suốt cuộc đời làm người.

Khi đọc review về sách của Trang, nhiều người hay khen bạn ấy là dám nói, dám thể hiện chính kiến. Chắc là đúng, khi sách của bạn ấy xuất hiện trên văn đàn cách đây vài năm. Lúc tôi mua thì đã được tái bản lần thứ 8 và đã bán được khoảng 10.000 bản. Tôi thấy Trang không hẳn là một cô gái quá cá tính. Nói cá tính người ta cứ tưởng là hiếm, nhưng tôi thấy con gái bây giờ cá tính lắm, bạn nào cũng cá tính, có bạn bộc phát hết ra ngoài, có bạn chỉ cần nói chuyện một lúc là sẽ thấy.

Trang là một cô gái thẳng thắn bộc bạch trong văn chương của bạn ấy, chịu khó đào sâu những luồng ý kiến tác động đến bạn ấy và biết phản biện. Đọc văn của Trang khiến tôi nghĩ rằng, nhiều lúc trong đời, mình đã bế tắc lại chỉ vì mình lười suy nghĩ, mình đã chấp nhận đi theo đám đông chỉ vì lười suy nghĩ. Tôi tự hỏi, tại sao, cũng ở tuổi của Trang lúc đấy, tôi thường mặc định mọi sự sẽ đúng hơn là quyết liệt với những suy nghĩ của mình.

Nơi văn của Trang có nhiều trải nghiệm, có sự để tâm tư duy và có những ví dụ làm điểm nhấn. Ở tuổi 2x, như những chia sẻ và trải nghiệm được kể, Trang đúng là đã sống như một bông hoa dại, để gió lay, nắng đẩy, ong tới làm mật, bướm tới lả lơi… rồi sau cùng, hoa dại biết cách giữ lại bản sắc của nó, hiểu rõ cốt lõi và phẩm cách của nó, tự nhiên và tươi tràn cho những ngày mình đang sống. Không rực rỡ nhưng là chính mình. Không lộng lẫy nhưng là một cá thể đầy sức sống.

Người ta sẽ không muốn nhuộm một thứ màu lạ cho cỏ dại, không muốn lai ghép cho hoa ngoài đồng. Hoa dại cũng tự biết mình là ai, mình đang ở đâu, sẽ không phải mệt mỏi chạy đua với một guồng sống lạ lẫm của đoá hoa công nghiệp trong cửa tiệm thành phố. Hoa ở ngoài đồng, không gieo không gặt, nay còn mai mất, nhưng còn một đoá hồng trong bình thuỷ tinh: với đủ thuốc dưỡng, thuốc trừ sâu, thuốc nhuộm, đến không khí cũng bị điều hoà hoá, đến mặt người bước qua cũng được chỉ mặt điểm danh, lấy đèn điện làm mặt trời, lấy nước máy làm dinh dưỡng. Hầu hết, thời trẻ, chúng ta đều là những bông hoa trong chiếc bình di động khắp các văn phòng ở thành phố, hào nhoáng mà ngộp thở, nào có được tung sắc tự mãn như hoa dại ngoài đồng.

“Và một bông hoa luôn nhìn lên trời”. – Trích trang 42

Văn chương của Trang khiến tôi suy nghĩ về việc như thế nào là một người trẻ có trách nhiệm. Có một thời gian, người ta cứ nói đi nói lại chuyện người trẻ Việt Nam dốt Sử, thờ ơ với Thời sự và chẳng biết gì về Chính trị. Nhưng Trang làm tôi thấy vui, vì bạn ấy trưởng thành, bạn ấy nói về chính đời sống của giới trẻ bây giờ, công việc, với những hào nhoáng bên ngoài và sự vô hồn bên trong, bạn ấy nói về những áp lực, bạn ấy nói về những ước mơ khác. Và đó là điều khiến tôi thấy văn của Trang chân thật. Người trẻ mà tôi đã gặp đã biết, đã tiếp xúc, đã nói chuyện, có không ít người chỉn chu và trưởng thành trong suy nghĩ, họ biết nhìn nhận, họ biết đánh giá. Họ không phải là những “giá áo túi gương” bị gắn mác như trên. Họ hiểu chuyện và cũng hiểu đời, thậm chí, có khi đã hiểu hơn cha ông của họ. Bởi vì, mỗi thời mỗi khác, chúng ta không thể lấy những quan niệm, hoàn cảnh, kinh nghiệm sống của thời trồng lúa, thời ngày núp hầm đêm chạy giặc để áp đặt và hiểu cách vận hành của thế giới hiện đại. Hơn hết, xã hội cần đổi thay, cần vận hành theo quy luật của nó.

Điều đáng tiếc nhất là gì? Tôi nghĩ, sự khác biệt giữa một thanh niên Âu Mỹ và một thanh niên Việt Nam đó chính là khả năng tiếp nhận thông tin. Không phải do năng lực tiếp nhận nhưng do sự hạn chế của thông tin nhiều hơn. Do nhiều yếu tố chi phối mà quá trình tiếp nhận thông tin bị chậm lại, bị sai lệch và thông tin có xu hướng dồn người trẻ về một phía. Không phải bây giờ là thời đại google cái gì cũng ra sao? Tôi nghĩ là không phải. Người trẻ Việt thiếu một cách trầm trọng các kĩ năng tìm kiếm thông tin và phân tích thông tin bên cạnh việc thiếu hụt thông tin khách quan. Một khi họ không đủ dữ liệu để phân tích, logic của họ sẽ không vững vàng, họ trở nên nhạy cảm, ngây thơ và dễ bị trở thành những kẻ lười tư duy.

Tôi sẽ không nói tới hệ tư tưởng, tôi nói tới vấn đề truyền đạt và diễn dịch. Tôi đã thức một đêm để tìm sách và tôi nhận ra, lượng dịch giả đủ chuyên môn để truyền đạt lại những vấn đề quá mới trên thế giới ngày nay ở Việt Nam là quá ít. Đặc biệt là về chuyên môn, tôi tự hỏi, bao giờ thì những phát minh, những học thuyết mới, những khảo cứu mới trên thế giới mới được chuyển dịch sang tiếng Việt. Hay người Việt vẫn học bộ sách mang kiến thức cách đây 60 năm và vẫn đọc sách tham khảo đầu ngành của cách đây một thập kỉ. Bao giờ thì người trẻ Việt mới có một thư viện sách xứng tầm với tri thức mà họ đang muốn bồi đắp. Để lần tới tôi sẽ kể các bạn nghe về các thư viện ở Pháp… Thật buồn khi mà chúng ta cứ bị tắc nghẽn lại ở đó, cho gì ăn nấy, có gì làm nấy, người ta bán cuốn sách nào thì phải chịu đọc cuốn sách nấy chứ chẳng có hơn.

Những đoá hoa dại như Trang, hay như bao người trẻ Việt khác, không biết có bị đem cắt cho vào lọ cắm để héo mòn sớm không. Vì sức sống của cỏ dại là khi được vùng vẫy, khi bị trùi dập trong tự nhiên. Những đoá hoa dại như Trang, hay như bao người trẻ Việt khác có tự nhận thức được sức mạnh của mình và hiểu ra được mình thuộc về đâu, mình sẽ sống như thế nào, mình cần phải làm gì không? Người trẻ Việt có dám tự tin với nhận thức của mình, có dám sống trách nhiệm hơn, có dám thể hiện cái tôi đúng thực hơn không?

Đọc văn của Trang không phải để buồn, không phải để xoa dịu tâm hồn trong một ngày nắng gắt, không phải để đồng cảm. Tôi nghĩ, ở tuổi 2x, mọi người hãy cứ sống như một bông hoa dại: dám nghĩ, dám nói, dám làm. Sẽ nhanh lắm, khi thanh xuân qua đi, chúng ta ngoảnh lại và chẳng thấy gì ngoài thời gian bị lãng phí thế thì buồn biết bao.

Còn đây là một chút review nhanh lúc mới đọc xong sách của Trang:

Khoảng năm 22 tuổi của mình, tức là khi bằng tuổi bạn tác giả lúc viết cuốn sách, thì mình đọc cuốn: “Nếu tôi biết được khi còn 20”. Mình nghĩ đó là một cuốn sách vào đời theo kiểu Mỹ rất tốt. Giúp người trẻ có một cái nhìn tự chủ và tự lập hơn. Đó là một cuốn sách giúp bạn tỉnh táo hơn sau đổ vỡ, thực tế hơn khi bước ra đời và suy nghĩ sâu xa hơn khi bắt đầu sự nghiệp. Mình hài lòng khi tìm thấy cuốn sách đó ở thời điểm đó. Một cuốn sách gây ấn tượng mạnh.

Bìa sách của Trang xtd

Và đến bây giờ thì cuốn sách mỏng này lại ngốn của mình mất hai tuần lễ ròng. Mình không hiểu vì sao lại đọc lâu và ngắt quãng như thế. Cơ duyên để biết đến cuốn sách này là từ một người bạn, mình không rõ là có phải đang thất tình không, share lại một phần trích đoạn về “những người ta thích và những người thích ta”, cám ơn vì những con người thẳng thắn, trung thực với cảm xúc của họ, để ít nhất là chúng ta thấy thất vọng trong thoáng chốc chứ không buồn mãi những năm về sau. 

Tối chủ nhật cách đây 2 tuần, mình đã không kìm được ý muốn gặp lại mình ở tuổi trẻ, ra nhà sách và may quá là tìm thấy.

Đối với giới trẻ Việt Nam, đời sống tâm hồn chà xát vào lớp vỏ xấu xù xì lạnh lùng của trưởng thành, đau đớn cựa mình trong một đêm tỉnh giấc, là những váng vất đâu đó trong cuốn sách này. Khác với một Dương Thụy rất Tây, hay Những Cocktail cho tình yêu theo xu hướng Tây hóa của cách đây cả chục năm, văn của Trang Xtd làm mình nhớ thời sinh viên, nhớ lấy Hà Nội lập lờ cơn gió rét và mập mờ nhớ lại những đổi thay khi tuổi trẻ, rất nhiều nét thơ, rất nhiều điều tự mình tâm tình, tự mình chân thành với cảm xúc của chính mình. Rất Việt.

Cuốn sách khiến mình đọc ngắt quãng vì mạch cảm xúc. Ví như một người bạn, mỗi ngày lên facebook thủ thỉ một chút tâm tư. Và ta chẳng vội đi đâu cả, tìm lại những nốt lặng sau tháng ngày dài. Bình tĩnh lắng nghe, bình tĩnh sống.

Leave a Reply