Sách du kí hay những hành trình khác

Mùa hè, mùa của những chuyến đi. Điều lí tưởng cho một chuyến đi là ta nhét vào túi hoặc balô xách tay một cuốn sách. Cũng chẳng biết là có đọc hay không, nhưng lúc thiếu phụ kiện để tạo dáng thì có thể mượn sách làm ra một bộ hình thật “nghệ thuật”. Xin lỗi các bạn vì cái sự thật thà tọc mạch mất cả lãng mạn của tôi.

Có rất nhiều bộ phim và những cuốn sách về đề tài du kí. Trước đây tôi từng viết một serie cảm nhận phim về Oh brother where art thou, The Shawshank redemption và The way back. Tới thời điểm này, đó vẫn là những bộ phim có sức nặng tư tưởng về những chuyến hành trình nhất đối với tôi. Tất nhiên, còn rất nhiều bộ phim khác, đúng nghĩa du kí hơn như: Into the wild, Tracks… Còn về sách, cũng có rất nhiều cuốn. Tôi còn nhớ cuốn sách đầu tiên về du học mà mình đọc là Oxford thương yêu của Dương Thụy. Nhờ câu chuyện tình du học lãng mạn của chị ấy mà đến giờ, tôi vẫn nghĩ rằng được làm sinh viên ở Anh chắc là thanh lịch, trang nhã và tuyệt như phim. Cuốn sách về những chuyến đi, thực sự là trải nghiệm du ngoạn, mà tôi đọc tiếp theo sau đó là Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương. Lại một lần nữa, những áng văn về thành phố cảng Manchester, về thành phố của đội bóng nhiều bề dày lịch sử và ban nhạc huyền thoại The Beatles – Liverpool… lôi kéo tôi vào vùng mơ mộng. Cũng từ đó mà tôi dấy lên ý nghĩ sẽ xê dịch một chuyến ở Châu Âu, vì trước đó tôi không phải là người ưa đi lại. Sau này khá lâu thì tôi đọc Hội hè miên man của Hemingway do nghe một người bạn suốt ngày nhắc tới tác phẩm đó. Thế, tôi mới nảy ra ý định phải khám phá Paris như một kẻ si tình.

Cũng từ tác phẩm này tôi lại thấy như có một sứ mạng đang chờ đợi mình, đó là đến Tây Ban Nha, dù Hemingway không nhắc nhiều lắm về đất nước này trong tác phẩm. Hội hè miên man giống như phiên bản chữ của bộ phim Midnight in Paris, gợi lại cho người đọc không khí nghệ thuật ẩn chìm trong từng ngõ phố, đại lộ của Paris, để ta phải thơ thẩn hoài niệm về khoảng mờ xa xăm nào đó khi đi ngang những hàng sách cũ, khi lần mò dọc quán bar và hàng lưu niệm ở phố ven sông Seine để tìm hiệu sách bé nhỏ Shakespear and Company. Một chút về đồ ăn ở Lyon, rượu ở Macon và qua xứ Catalan như tôi nói trước.

Tập thơ Mình phải sống như mùa hè năm ấy cũng là cảm hứng du ngoạn của tôi, tôi nhớ có những trái tim hoang đàng đòi bỏ việc về quê, đòi hát du ca trên núi, đòi sáng một ngọn đuốc giữa đêm hè, đòi những mặn nồng khắc khoải. Rồi Hãy tìm tôi giữa cánh đồng của Đặng Nguyễn Đông Vy nữa. Có một cuốn sách bằng tiếng Pháp tôi đã mua cho mình ở một trạm dừng chân trên hành trình mùa hè cũ, tựa là Nomades – Du mục, du hành, nói về những chuyến đi tâm linh.

Tôi không biết là mình đã đọc hết bao nhiêu sách về du kí, xem hết bao nhiêu phim có danh lam thắng cảnh của thế giới. Từ Eat, Pray, Love cho tới những câu chuyện tình lấy bối cảnh ở thung lũng và vùng đồi Scotland như Stardust… Tôi thấy bản thân thao thức cho những chuyến đi, để rồi, trở lại hiện thực, cảm giác sống bằng sự xê dịch, không phải là cố đích tới cho kì hết những vùng đất mà mình đã nhìn thấy qua phim ảnh, nghe kể qua sách truyện. Mà rằng, tôi muốn tìm cho chính mình một ý niệm thực sự về sự dịch chuyển, rằng con người ta có phải ra đi để tìm lại mình, để kiểm nghiệm cho những mối quan hệ, để tìm kiếm cùng đích đời mình, thực hiện ước mộng đời mình hay là đi chỉ đơn giản là để trở về? Điều quan trọng hơn, đối với tôi, là cũng đào sâu chính mình như lật giở sâu dần vào những trang sách, tìm kiếm một câu chuyện đích thực trong đó, hiểu được một chi tiết bị bao bọc bởi chuỗi mê cung dẫn dắt nó và hiểu ra câu chuyện thực đang diễn ra xung quanh mình. Những câu chuyện trong sách, ít nhiều đều lấy chất liệu từ thực tế, vậy tại sao chúng ta không thử kiếm tìm một câu chuyện nào đó, một nhân vật nào đó trong chính cuộc sống ta đang sống đây.

Những cuốn sách du kí mở rộng những lát cắt về văn hoá, về sự khác biệt giữa người và người để giúp tôi có một nhãn quan minh bạch, thông suốt hơn trong việc soi chiếu, tìm hiểu con người. Tôi không dám nói là mình được cái này, hơn người cái kia, chỉ là theo ý hướng tích cực như thế. Đó là một trong những hướng dẫn, là cách thức giúp tôi thay đổi chính mình, sống cởi mở và chịu khó thích nghi với hoàn cảnh hơn.

Những cuốn sách như Nẻo về của Ý, Trên sa mạc và trong rừng thẳm hay những chuyến đi về bất chợt của chàng trai qua lời kể nữ chính trong Mùa thu của cây Dương, hay hành trình đơn độc qua những tinh cầu của Hoàng Tử Bé… tất cả, là bộ cẩm nang sinh tồn của tôi. Suốt dọc những năm tháng thanh xuân, cảm giác cô đơn thường trực xâm lấn tâm hồn người trẻ. Tôi cũng chẳng thể nào thoát nổi cái quy luật nghiệt ngã đó, nhưng tôi không mấy khi cảm thấy khó chịu với sự cô đơn. Nói rằng giỏi chịu đựng, nói rằng an phận với sự cô đơn thì có lẽ tôi không giỏi giang đến mức đó. Nhưng với chừng đó cuốn sách đã dẫn giải ý niệm cô đơn cho tôi, có cả những trường đoạn độc thoại nội tâm trong tác phẩm Nhím thanh lịch nữa, tôi thấy sự cô đơn cũng bình thường như việc cứ đến mai không mưa sẽ nắng, đường không kẹt đường thì sẽ kẹt đường hơn. Dần dà rồi con người ta sẽ biết cách thích nghi, chỉ là có chịu hiểu ra rằng: họ sẽ phải đi, qua không gian và qua thời gian hay không?

Istanbul là một cuốn sách mà tôi đặt mục tiêu sẽ hoàn thành trong tuổi trẻ này của mình. Tôi cứ nhâm nhi từng chút một, để dành qua nhiều năm mà không chịu đọc một mạch cho hết, chỉ vì ở đâu ra cái suy nghĩ rằng: Tôi sẽ được sống qua từng ngày ở Istanbul, bao giờ cuốn sách còn chưa được lật về trang cuối. Cứ như thế, tôi sẽ được làm khách ở thành phố mình yêu thích, nơi đã hụt một lời hứa thăm thú với bạn hiền. Cứ như thế, tuổi trẻ tôi sẽ không phải tạm biệt giấc mơ Istanbul, không phải chia xa từng hơi thở của thành phố này. Tôi cũng là cô bé lười đi học ở thành phố này, từng lật giở lại sử sách về đế chế Ottoman, từng đi ra bờ biển ngắm hoàng hôn và nhìn hải âu chao liệng. Tôi cũng từng ngồi đâu đó viết vài dòng bút kí, thấy những biến động của đô thị hoá, thấy tàn phai rơi đổ.

Từng có hai năm liền tôi đặt tạp chí Địa lí du lịch, say mê với những khung hình phong cảnh của những vùng đất mẹ khắp thế giới, giả vờ làm du khách đến Bhutan, Provence nghe câu chuyện thần Rừng ở đó…

Rất nhiều người sẽ không ngần ngại mà lôi kéo bạn ra khỏi nhà, bắt bạn xỏ giày và đeo vội balô cho bạn để giục bạn lên đường. Ở đâu đó ngoài kia. Bỗng một ngày không đẹp trời của năm hai Đại học, tôi nghĩ tới chuyện từng khóc gào như mưa không chịu ở lại lớp Mẫu giáo ngày xưa, khóc đến mức mẹ không đành bỏ tôi lại lớp mà cho về nhà. Tôi không rõ là năm đó mình có học hết lớp ba tuổi hay không, hay từ bữa đó, mẹ chịu thua để ở nhà lông bông thêm vài năm. Tôi từng nhớ có một mùa Giáng sinh, bạn tôi hào hứng đón Noel trên Mộc Châu, còn tôi lu thu một mình ở phòng trọ. Chẳng bận bịu gì nhưng bạn rủ hết mình tôi cũng chẳng chịu đi. Tôi còn nhớ không biết bao nhiêu lần cứ chuẩn bị đi là sẽ nghĩ cho bằng được cái cớ hợp lí để ở nhà. Bởi nhiều khi là những cuộc hành trình mang tính kiên cưỡng, âu hoá ra lại nhiều kỉ niệm, nhiều niềm vui, cho những lần tôi đã đồng ý lên xe. Đơn giản là, tôi không cầu thị nhiều, không chờ đợi nhiều, không thực sự háo hức nhiều. Tôi hi vọng bạn sẽ không bi quan như tôi, luôn kì vọng thật nhiều, luôn sẵn sàng và vui vẻ hết mức cho mọi chuyến đi trong cuộc đời mình, để rồi bạn sẽ có một câu chuyện riêng để kể lại. Thành thực mà nói, chưa có cuốn sách về du kí nào mà không có điều lí thú cả, dù có là hành trình của Huyền Chíp hay là Supertramp.

Cuốn sách nào cũng có một vài đoạn dài dòng vớ vỉn, khó hiểu hoặc loáy xoáy tu từ để mồi chào cho một đoạn đỉnh cao ấn tượng. Chuyến đi nào cũng thế, sẽ có lúc buồn lúc vui, lúc sung mãn lúc mệt nhoài. Lúc hào hứng, lúc tụt hứng, lúc mãn nguyện và ngàn ngày sau trong đời để tiếc nuối. Cũng lâu lắm rồi, tôi chẳng còn chuyến đi nào. Bỏ hẳn một giấc mộng phiêu du để sống những ngày dửng dưng bình thường. Đi mãi, đọc mãi, xem mãi rồi tôi cũng thay đổi mình làm kẻ thích đi, nhưng cũng không hết làm mình ngày xưa là kẻ vô cùng ưa thích ngồi nghỉ.

Leave a Reply