luyen-viet-tieng-phap

Không học viết mà chỉ lo dịch thì cần phải xem lại cách học

Đối với bài viết này, mình sẽ tập trung trước hết vào việc học viết không đúng cách. Một sai lầm rất lớn của các bạn học viết đến trình độ Delf B1 hoặc cao hơn là không đầu tư xây dựng nền ngữ pháp chắc chắn, bỏ qua cấu trúc câu – cú pháp, hoặc hiểu sai về cách học ngôn ngữ, hoặc áp dụng những cách học không cần thiết, không phù hợp với trình độ của mình.

Ba bó rau và một bữa tiệc

Lỗi sai đầu tiên là không định hình được vốn ngoại ngữ của mình đến đâu. Điều này tương tự với việc nhà có 3 kí gạo, 1 bó rau nhưng lại muốn nấu một bữa yến tiệc linh đình, muốn gì có nấy. Tức là gì ? Với vốn từ và vốn liếng ngữ pháp, diễn đạt hạn chế, các bạn lại thích diễn đạt bất kỳ cái gì mình nghĩ ra được. Mà các bạn lại thích đi thêm lối tắt là thông qua một công cụ nhìn thì có vẻ “vạn năng” nhưng không phục vụ nhiều cho người học ngoại ngữ đó là từ điển (ở đây là Việt – Pháp) và các công cụ dịch (như Google Translate).

Các công cụ này tất nhiên không xấu, hỗ trợ rất tốt cho người học (những ngành nghề khác, khi cần tiếp cận nhanh kiến thức). Vấn đề là hỗ trợ ở khía cạnh nào, hỗ trợ tới đâu, hỗ trợ nhưng có cải thiện kỹ năng độc lập cho người học hay không ? Sau khi sử dụng công cụ thì hiệu quả, tác dụng, trình độ của người học thay đổi như thế nào ? Câu trả lời là cải thiện mắt nhìn, biết thêm được một vài từ, hiểu sơ sơ cách viết và rõ ràng… KHÔNG GIÚP CẢI THIỆN KỸ NĂNG VIẾT.

Kỹ năng viết là kỹ năng vận dụng các nền tảng cơ sở của ngôn ngữ để hoàn thành một mục tiêu giao tiếp, diễn đạt nhất định trong một thời gian tương đối hợp lí, cho phép người thực hành có thể tiến hành nhiều công đoạn và kiểm tra được kết quả trên mặt giấy : lên ý tưởng – sắp xếp ý tưởng – dùng từ – liên kết câu – tổ chức bài viết – chỉnh sửa lỗi – thay đổi ý tưởng – kiểm tra và duyệt bài. Nếu muốn hoàn thiện kỹ năng viết, tất nhiên, các bạn cần luyện tập nhiều để thành thạo các bước trên.

Ở đây, lưu ý, từ vựng chỉ là một khâu, nếu dùng từ vựng để giải quyết vấn đề viết như là dịch câu : « Nhà tôi có 3 người » thành « Ma maison a trois personnes » thì rõ ràng là các bạn sẽ không thể cải thiện nhanh và tốt kỹ năng này được.

hoc-tieng-phap-viec-lam

Tại sao việc dịch không hỗ trợ việc viết?

Thứ nhất, dịch thuật là một ngành nghề thuộc nhóm ngôn ngữ. Muốn dịch thuật tốt, bản thân người dịch phải tích luỹ đủ vốn ngôn ngữ cần thiết, có những sự cân nhắc phù hợp và đáp ứng được một số chuẩn mực ngôn ngữ cơ bản. Một trong những yếu tố góp phần cải thiện chất lượng bản dịch là vốn sống và vốn văn hoá. Đó là điều mà máy móc không giúp con người được 100%. Số người học ngôn ngữ để theo hướng dịch thuật không phải chiếm đa số. Còn số người học ngôn ngữ bằng phương pháp dịch ở Việt Nam và với tiếng Pháp lại đặc biệt nhiều.

Thứ hai, trong nhiều trường hợp, người dịch cần phải đưa ra cái điều chỉnh cần thiết để bản gốc trở nên dễ hiểu, theo ngôn ngữ của người tiếp nhận. Sự điều chỉnh này là một kỹ năng được mài dũa dần theo thời gian. Người bắt đầu học tiếng Pháp và thiếu tính hệ thống ngữ pháp thì gần như không thể làm được việc này.

Thứ ba, nếu không có sự điều chỉnh chủ động từ người dịch, thông thường, bản văn gốc (văn học, khoa học…) đã đáp ứng đủ các tiêu chuẩn diễn đạt, có thể hay hoặc không nhưng văn bản gốc để dịch hầu như cũng đã qua một quá trình viết đúng, có sự đầu tư, sắp xếp, phân tích, chọn lựa… Người mới học lại thường bỏ qua các quá trình này, mặt khác, lại có xu hướng dịch ra những cái mình nghĩ và mặc định là câu chữ mình vừa nghĩ ra trong đầu đã hay sẵn? Như thế mà đúng thì phải chăng ai cũng làm nhà văn được?

Như vậy làm thế nào để cải thiện kỹ năng viết?

Đầu tiên là tích luỹ từ vựng theo hướng áp dụng. Các bạn có thể đọc lại bài hướng dẫn hệ thống từ vựng cho kỹ năng viết B1. Nhưng, chúng ta phải lưu ý là hiểu từ vựng trước, biết cách sử dụng chúng đúng ngữ cảnh, từ khoảng B1 trở đi thì từ vựng không được dịch một cách máy móc như ở giai đoạn đầu, căn bản mà đòi hỏi người học có sự tìm tòi, phân tích nhất định xem bối cảnh sử dụng là gì… Vì vậy, cũng nên cẩn thận với việc học từ.

hoc-tieng-phap-o-sai-gon

Lỗi dùng từ cũng là một lỗi diễn đạt rất phổ biến ở trình độ B1, B2. Lí do là người viết thường bỏ qua một công đoạn soát nghĩa cực kì quan trọng. Với B1, việc đầu tiên mà các bạn có thể làm là từ Việt – Pháp, kiểm tra lại Pháp – Việt và để ý các ví dụ trong phần giải nghĩa. Điều thứ hai, tìm trên google hoặc các công cụ tìm kiếm khác, gợi ý có sử dụng những cấu trúc mà mình đã viết. Các bạn có thể dễ dàng tiếp cận được với các forum hoặc các trang web hướng dẫn phân biệt từ vựng dễ đọc. Nếu bạn nào tốt tiếng Anh thì nên ưu tiên cách kiểm tra này, rất có ích.

Tiếp theo, học ngữ pháp để áp dụng. Sai lầm lớn nhất của người học là làm bài tập ngữ pháp rất nhiều. Và vì nhiều nên nó mới thành sai. Làm nhiều chỉ giúp chúng ta nhớ được các quy tắc. Nhưng cách dùng thì còn phải xem lại. Đơn cử như việc học chia động từ, sách bài tập chỉ có đúng vài dạng, chia động từ, kiểm tra chủ ngữ, dùng động từ trong câu hỏi, mệnh lệnh cách… Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của động từ là ngữ cảnh sử dụng thì rất ít khi chúng ta đúc kết được. Khi nói nhiều câu, dùng nhiều thì, viết câu dài, người học vẫn vấp phải những khó khăn không thể giải quyết đó là : chia thì biết, tra conjugaison cũng ra, nhưng dùng khi nào thì chịu!

Điều thứ ba, luyện tập và phân tích liên kết câu. Kỹ năng giao tiếp đòi hỏi sự liền mạch về ngôn ngữ. Mỗi ngôn ngữ lại có một cách kết nối, liên kết ý khác nhau. Nếu quan sát một số bản văn bằng các ngoại ngữ khác nhau, chúng ta sẽ thấy : mỗi nước có một cách chấm phẩy và diễn đạt tương đối khác biệt. Đơn cử, tiếng Anh dùng dấu phẩy ít hơn tiếng Pháp. Các bạn có thể nói là chấm, phẩy hay liên kết câu là do phong cách người viết. Ừ thì nó đúng trong trường hợp bạn là nhà văn. Còn nếu muốn biết các ngôn ngữ giống hay khác nhau ra sao thì cũng phải qua quá trình trải nghiệm tiếp xúc nhiều rồi kết luận nó sẽ khách quan hơn.

Thứ tư, đặt vấn đề hiểu trước việc hay. Các bạn nam khi bắt đầu làm bài viết hay đặt vấn đề : « Mình con trai ít viết, khô khan, không có ý tưởng, học văn kém nên a,b,c… » Viết văn không phải do giới tính quyết định, học kỹ năng viết của một ngôn ngữ mới cũng không phải quá trình nâng cấp một tháng từ tay mơ thành nhà văn. Nhà văn là học kỹ năng hoặc do năng khiếu sử dụng linh hoạt ngôn từ bay bổng, cách hành văn độc đáo, cách suy nghĩ lạ, trí tưởng tượng về con người, về thế giới độc đáo… Còn viết bài viết ở các trình độ ngôn ngữ chỉ nhằm một mục đích duy nhất : Diễn đạt được ý mình đang suy nghĩ sang thứ tiếng khác và người tiếp nhận (người đọc, ở đây lại là dân bản địa) có thể hiểu được đúng chính xác suy nghĩ của bạn. Nói một cách đơn giản, bạn A là người Việt, học tiếng Pháp và bắt đầu nói/ viết tiếng Pháp thì bạn B, người Pháp hiểu được ý bạn nói là gì.

luyen-viet-tieng-phap-qua-mail

Lưu ý, ý tưởng của chúng ta phụ thuộc vào trình độ mà chúng ta đang học, nếu mang một cái đầu phức tạp đi học B1 và đòi hỏi là nói được chuyện giao thương, chuyện văn hoá xã hội, chuyện ung thư dạ dày thì tất nhiên là không. Nhưng khả năng mà chúng ta có trước hết là đơn giản hoá ngôn ngữ mẹ đẻ: ung thư dạ dày => một bệnh ở vùng bụng, văn hoá xã hội => cách người Việt Nam chào hỏi nhau… Bớt đao to búa lớn với một trình độ cơ bản thì ngoại ngữ sẽ trở nên dễ chịu ngay!

Ở đây, quay ngược lại việc dịch, khi các bạn viết theo lối dịch tiếng Việt sang tiếng Pháp, các bạn cho rằng người khác sẽ hiểu ý mình nhưng thực ra là không. Người Pháp có logic phân tích riêng của họ, đặc biệt chú trọng vào tính trật tự, thời gian và không gian. Trong logic phân tích câu, đoạn văn, sự dịch chuyển bất ngờ từ ý tưởng này sang ý tưởng khác luôn cần có cầu bắc nối, vì vậy, viết tiếng Pháp cần đặc biệt chú trọng vào việc sắp xếp ý để làm nổi bật được tính chất hệ thống. Khi đọc các bài viết, nếu dịch lại câu sang tiếng Việt (theo kiểu dịch mot-à-mot) như « chúng ta cần làm điều này trước khi quá muộn »nous avons besoin de faire cela avant quand trop tard, thì tất nhiên mình biết các bạn định nói tiếng Việt ý gì. Nhưng nếu các bạn đã sai từ cách viết (dịch chứ không phải viết), thì nên học lại. Còn lấy một câu đúng ở lúc này để tiếp tục sai ở lúc khác thì khó mà tiến bộ được. Nên trong trường hợp này, các giáo viên hay nhận xét: « Malcompris, maladroit, flou» – khó hiểu, mập mờ. À tất nhiên, viết tiếng Pháp sau đó lại giải thích tiếng Việt để người đọc có thể hiểu câu tiếng Pháp mà các bạn viết thì pha xử lí này quá cồng kềnh rồi.

Vậy, chốt lại, vấn đề cần giải quyết lúc đó là gì: Quay lại học ngữ pháp! Nhưng hãy học cho đúng cách!

Khóa học Viết theo hình thức sửa bài cá nhân dành cho B2 (kèm video bài giảng 10 buổi – khoảng 25 giờ phân tích đề và các lý thuyết đi kèm) – Số lượng bài viết nộp trong khóa, ngoài bài tập nhỏ để thực hành kỹ năng: 8 bài. Các bạn có thể đăng ký học bất kì lúc nào, với điều kiện đầu vào là điểm thi B1 khoảng 45 điểm đổ lên, hoặc đã học tầm 9 tháng tiếng Pháp, hiểu và làm được bài viết A2, B1.

Leave a Reply