Những lầm tưởng khi luyện nghe tiếng Pháp (p.2)

Ở phần 1, chúng ta đã phân tích hai sai lầm đầu tiên trong việc học tiếng Pháp, đó là: nghe nhiều nhưng không tập trung và bảo đảm có sự lặp đi lặp lại; tiếp đó, quá tập trung vào việc nghe từng từ từng câu. Lần này, chúng ta sẽ phân tích tiếp vài sai lầm khác, biết đâu đó cũng là những lầm tưởng khiến bạn nghe mãi mà không tiến bộ thì sao?

3. Nghe thì tức là nghe thôi!

SAI. Não chúng ta không phải là cái máy ghi âm. Thường thì đa số nội dung chúng ta nghe là tin tức, truyện kể… nói chung là các nội dung bằng chữ được thể hiện qua giọng đọc, ít khi có kèm nhạc nền hay âm thanh hay giai điệu vào đó. Nếu có các yếu tố đó, dễ chúng ta cũng bị phân tán sự tập trung vì não chúng ta sẽ thích thú với những cái mới lạ hơn là những âm thanh đều đều… không lên không xuống… đều đều… rất dễ gây buồn ngủ.

ĐÚNG. Trong trường hợp mục đích không phải là để luyện nghe, bản thân có khả năng hiểu ngay lập tức và ghi nhớ được nội dung bằng tiếng Pháp rồi thì có thể chúng ta sẽ nghe tiếng Pháp như cách chúng ta nghe tiếng Việt hằng ngày vậy!

GIẢI PHÁP

“Ghi chép là một cách giúp nhớ nội dung mình đã nghe tốt hơn và cải thiện mức độ tập trung trong quá trình luyện nghe”

Đối với người mới bắt đầu học: Bắt đầu bằng việc luyện phát âm từ vựng đã học đã biết, nghe phát âm của các từ ấy trước (có thể qua từ điển hoặc app học từng vựng – xem bài giới thiệu hoặc các clip về học từ vựng trên youtube). Sau đó, tập đọc thử những từ này ở nhiều tốc độ khác nhau, đọc chậm – đọc nhanh và các kiểu đọc (nối hoặc không nối – hãy nhớ, về nguyên tắc: nối không bắt buộc trong tiếng Pháp). Cuối cùng, quay lại bài nghe mà mình đang định luyện tập thử, bắt đầu thử ghi chép lại những từ vựng mình biết có trong clip hoặc file nghe đó.

Đối với người đã học được một thời gian ngắn: Lúc này, bạn đã chủ động hơn vì đã có vốn từ vựng căn bản. Hơn nữa, bạn cũng đã hiểu được một số quy tắc ngữ pháp, biết được một vài câu hội thoại mẫu đủ để biết nhiều hơn nội dung của bài nghe ngoài từ vựng ra. Vì thế, hãy bắt đầu ghi chép những mẫu câu thoại mà mình có thể tái áp dụng cho tình huống giao tiếp thực tế. Ví dụ: khi nghe được câu “ça vous va?” thì có thể ghi chú ra sổ tay khi nào và lúc nào có thể dùng được câu thoại này (nghĩa của câu này là: có hợp với anh/ chị không? Có tiện cho anh/ chị không? Anh chị thấy như vậy có ổn không? – dùng trong trường hợp hỏi ý kiến, muốn thăm dò sự ưng thuận của khách hàng hoặc thử đồ xem có vừa vặn không).

Đối với những từ không nghe ra thì sao? Trước tiên, nên thử cố gắng ghi lại âm tiết. Ví dụ: nếu bạn không nghe ra được từ amical thì có thể nghe ra được ami-can hoặc a-mi-cal hoặc a-mi-can. Nếu là luyện tập ở nhà, có máy tính, từ điển hoặc điện thoại bật wifi thì chúng ta có thể google để xem bác Gúc đề xuất cho chúng ta cụm từ hoặc từ gì có nghĩa. Mẹo: chuyển tìm kiếm từ tiếng Việt/ tiếng Anh sang tiếng Pháp, nếu không thì bạn đang tìm gợi ý của google trên phần tư liệu tiếng Việt đấy!

Lưu ý: Trong một số trường hợp, những âm tiết mà chúng ta nghe ra được không phải là một từ mà có thể đó là hai từ được đọc nối với nhau. Khi đó, cần đọc đi đọc lại cả câu, hoặc cả đoạn văn mà mình nghe được, phân tích nghĩa rồi từ đó suy đoán xem chỗ khuyết mà mình không nghe được đó… rốt cuộc nó là từ hay cụm từ gì?

Đối với người ở trình độ nâng cao: Luyện tập ghi chép (take note) khi nghe. Nếu bạn đã là sinh viên đại học hoặc cũng có thể từ cấp 2, cấp 3, các bạn đã rành chuyện biết lúc nào cần nghe giảng, lúc nào cần ghi chép bài chứ không phải lúc nào cũng được thầy cô đọc chính tả cho. Thế thì luyện nghe tiếng Pháp cũng tương tự, hãy xem mỗi bài nghe là một bài học, người nói là thầy cô giáo và chúng ta cần tranh thủ ghi chép lại những gì quan trọng.

Lưu ý: Ghi chép khác với chép chính tả, cần biết cách viết sao cho gọn – nhanh – dễ hiểu (về sau có đọc lại thì vẫn hiểu mình đang viết gì trên giấy). Và ghi chép thì chỉ lấy những ý quan trọng, những chi tiết cần thiết, cái gì rườm rà quá, màu mè quá thì trong quá trình nghe phải tự nhận ra để lược bớt.

Có thể bạn quan tâm:

Những mẹo cho bài thi DELF B2

Hướng dẫn ôn thi nghe cho TCF

Trên thực tế, khi hai người ngồi trò chuyện với nhau thì sẽ phải có người nói người nghe. Nếu người nghe thực sự muốn đối thoại, thực sự quan tâm tới vấn đề đang được đề cập, họ sẽ để tâm nghe, phân tích và suy nghĩ cùng lúc đó để tìm ra câu trả lời, sự phản biện, cách giải thích, tức là họ có phản ứng trong khi nghe. Dù không ghi chép thì họ cũng không nghe một cách thụ động!

4. Người Pháp nói rất nhanh, cần chọn những clip mà người ta nói như bắn súng liên thanh để nghe

SAI. Tuỳ vào hoàn cảnh mà người ta sẽ nói chậm hoặc nói nhanh, tốc độ nói cũng tuỳ người. Người già, người lớn tuổi thường nói khá chậm. Khi diễn thuyết hoặc giáo viên giảng dạy ở trường, họ cũng thường nói tương đối chậm. Tuỳ thuộc vào nội dung cần truyền tải là dài hay ngắn, đơn giản hay phức tạp mà người nói sẽ có xu hướng nói chậm hơn hoặc nhanh hơn. Khi tám chuyện với nhau thì có thể các bạn Pháp sẽ nói nhanh nhưng nếu một người phát biểu trước công chúng, muốn được hiểu và được lắng nghe, họ sẽ phải nói chậm – rõ ràng.

Nếu nghe nhạc Pháp thì chúng ta sẽ thấy là nhạc Pháp thường có tiết tấu chậm, rất tròn vành rõ chữ.

ĐÚNG. Những nội dung càng phức tạp người Pháp có xu hướng trình bày nó càng nhanh càng tốt. Dễ hiểu vì họ thích dài dòng, dài dòng trong một khoảng thời gian giới hạn buộc họ phải nói nhanh mới kịp. Việc người Pháp nói nhanh cũng có một phần xuất phát từ lí do rất cơ bản là từ của họ, có thể là viết khá dài nhưng khi đọc thì họ có xu hướng bỏ chữ cái (không phát âm) hoặc bớt âm đi. Chẳng hạn như: maintenant (âm [t] thường rất ít khi được đọc, chúng ta chỉ nghe thấy main-nant hoặc mait’-nant mà thôi. Hay như au revoir (thường sẽ nghe thành au-voir hay aur’-voir)’.

Khi tức giận, khi hào hứng, con người ta cũng có xu hướng nói nhanh hơn. Và điều này thì rất rõ với người Pháp.

GIẢI PHÁP

“Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Hãy chọn bài nghe có tốc độ phù hợp để luyện.”

Cách thứ nhất: chọn bài nghe trong giáo trình, chọn bài nghe phù hợp với trình độ của mình.

Nếu bạn là người mới bắt đầu, khi tìm kiếm bài nghe trên youtube, hãy gõ thêm từ “débutant”, “pour les nuls”, “Delf A1” hay “Delf A2”…

Nếu bạn là người đã học tiếng Pháp được một thời gian: Hãy gõ thêm từ “Delf B1, Delf B2”, “intermédiaire”…

Trong quá trình tìm trên google, youtube hoặc có thể là qua facebook, nếu khám phá được kênh hoặc tài liệu nào có tốc độ nghe phù hợp với trình độ của mình thì nên ghi chú lại, đăng kí kênh hoặc lưu sẵn vào máy. Như chúng ta đã nói trong bài phân tích đầu tiên, việc nghe đi nghe lại một nội dung (file/ clip) bất kì sẽ tốt hơn là liên tục đổi cái mới.

Nếu bạn là người học tiếng Pháp ở trình độ nâng cao: Có thể lúc này, quan trọng hơn là chính nội dung mình đang nghe đó có ích cho công việc, học tập, đời sống của bản thân. Chẳng hạn như xem clip hướng dẫn sử dụng của một phần mềm, dụng cụ nào đó. Xem tư vấn sức khoẻ bằng tiếng Pháp. Nghe sách nói. Nghe hướng dẫn về nội dung đang cần nghiên cứu. Tóm lại, kiến thức trong bài nghe đó thực sự quan trọng và cần thiết. Và kiến thức cũng tương đối phức tạp, không phải nghe một lần là hiểu ngay. Trong trường hợp đó, với một nội dung khó, chưa chắc đã buộc phải chọn nghe một người nói nhanh như gió. Vẫn có những người nói chậm, rõ, dễ hiểu.

Thực tế cho thấy, nếu luyện nghe đúng phương pháp thì người nói nói nhanh hay chậm không phải là vấn đề gì quá nghiêm trọng. Rồi từ từ bạn cũng sẽ hiểu được thôi. Còn trong giao tiếp thực tế, nếu bạn yêu cầu người Pháp nói chậm lại (Parlez lentement s’il vous plaît hoặc Pourriez vous parler lentement s’il vous plaît?), hoặc nếu họ thấy bạn ngơ ngác khi họ lỡ nói quá nhanh thì tự họ sẽ nói chậm lại và dễ hiểu hơn để cho bạn theo kịp.

Thường là thế!

Leave a Reply