huong-dan-noi-tieng-phap

Học tiếng Pháp bắt đầu với việc phát âm

Mình cho rằng nên học từ việc nạp ngôn ngữ thụ động. Học bằng việc nghe và đọc trước. Chắc chắn là bạn sẽ thắc mắc, còn chưa biết chữ cái, chưa biết đánh vần thì sao mà học tiếp cái gì được ? Bình tĩnh, các bạn cứ đọc hết bài rồi sẽ hiểu ý mình ở đây là gì.

Vì sao lại như vậy ?

Các bạn hãy nói thật đi. 15 tuổi, 20 tuổi rồi, 30 thậm chí 40, 50 tuổi rồi… Bạn còn kiên nhẫn để học như một đứa trẻ, đi học a, b, c không ? Đừng nói rằng, các bạn không cảm thấy việc ngồi giở sách ra đọc 26 chữ cái chưa thành mà chưa biết đến bao giờ mới đọc được rành mạch 26 câu văn là không chán! Chỉ cần một buổi học thôi là các bạn đã thấy chán và nản ngay, mất hết hứng thú.

Khi bạn xem phim, bạn nghe nhạc, bạn nghe người ta đối thoại bằng tiếng Pháp. Bạn thấy thích. À thế bây giờ, mở ngoặc một chút, nghĩ xem, bạn xem báo hoặc đi ra ngoài đường thấy một bạn nữ mặc chiếc áo rất đẹp hoặc đánh một màu son rất xinh (nếu bạn là con gái), còn thấy bạn nam đi một đôi giày rất chất (nếu bạn là con trai), thì điều bạn mong muốn đó là gì ? Có phải đi học may để may cho được, thêu cho được chiếc áo hay đóng cho được đôi giày không ? Nghe thật không bình thường ! Việc bạn sẽ làm là lên mạng, hoặc đi lùng sục ở các trung tâm thương mại, đi tìm cửa hàng có chiếc áo giống kiểu, tìm được hãng có đôi giày như vậy.

Quay trở lại với việc học tiếng Pháp, khi bạn nghe, xem xong, bạn thấy thích. Tốt quá ! Vì bạn đang ở lúc có nhiều động lực nhất để bắt đầu việc học tiếng Pháp. Nhưng bạn muốn là muốn nói được ngay. Chứ còn bây giờ quay lại hiện thực đi, học 1 năm phát âm chưa chuẩn, học 3 năm chưa thi được A2, học 10 năm mà nói chuyện với Tây 15 phút mà thấy căng thẳng, tuần nào cũng luyện viết mà đi thi viết không đủ điểm trung bình. Thế thì có chán không ? Thế thì bạn còn kiên nhẫn được bao lâu ?

Các bạn có thể theo dõi PODCAST của Vitirouge để học lại từ cơ bản nghe – phát âm, đây là chuỗi PODCAST dài tập dành cho người bắt đầu tự học tiếng Pháp.

Thế nên, vì thế mới quay ra học đọc và học nghe trước. Bởi vì hai kĩ năng này cho bạn một ảo tưởng ban đầu rằng, tiếng Pháp cũng tương đối là «nuốt được», và đọc hiểu, nghe được thì bạn sẽ cảm thấy vui. Mà hơn nữa, mức độ luyện tập của bạn đối với hai kĩ năng này không nặng nề lắm, chỉ cần bạn đừng cầm điện thoại hay cầm sách lên đọc bài được 3 dòng rồi tắt luôn web, hay gấp luôn sách, hôm sau lại chuyển bài thì «treo đầu dê bán thịt chó» quá. Hay là trường hợp này, các bạn thử trắc nghiệm xem mình đang ở trường hợp nào : Một là bật bài nghe tiếng Pháp lên thấy hay quá nghe tiếp. Hai là bật bài nghe lên và nghe chưa đầy một phút thì ngủ say như chết, máy nói gì mặc máy.

Nói gì thì nói. Dù có là dạng học thụ động đi chăng nữa thì cũng không có nghĩa là kiến thức nó tự chui vào đầu bạn, tự lọt vào mắt xanh của bạn, tự đi qua tai của bạn. À nó có đi qua tai này rồi lọt sang tai kia luôn, thế thì có !

Thụ động ở đây là trái ngược với trường hợp viết (bạn phải dùng tay viết, hoặc dùng tay đánh máy), ngược với nói là bạn phải dùng thêm cái miệng để trình bày. Chứ còn cả 4 kĩ năng, kĩ năng nào cũng cần cái đầu thu nạp và xử lí kiến thức cả.
Nhưng tối quan trọng là nội dung bạn nghe và nội dung bạn đọc phải là một thứ. Đến đây, mình sẽ phân tích cho các bạn, hai kĩ năng này, lúc này đây sẽ không hoàn toàn là thụ động nữa đâu. Các bạn xem nhé !

Trước tiên là tìm nguồn. Một tháng bạn chỉ cần tập 3 đến 4 bài thôi. Không cần phải làm cả cuốn như Từ điển bách khoa ra dân tri thức đâu. Nguồn thì có thể dựa vào các tài liệu luyện nghe, có sẵn phần script. Một số kênh youtube (như Français Authentique hoặc Français avec Pierre chẳng hạn) có sẵn phần link PDF dưới mô tả của clip, bạn vào xem, chọn clip nào mình ưng rồi tải file đó về đem đi in ra mà học.

Bạn in phần script này ra, nếu chữ trong tài liệu nhỏ quá thì nên bỏ chút thời gian chỉnh sửa thành file hoàn chỉnh, chữ to – rõ ràng – sáng sủa, có chỗ cho bạn gạch chân, in đậm, highlight thậm chí dán giấy sticker vào. Chuẩn bị thêm vài cây bút chì, bút đỏ, bút xanh gì đó. Cố gắng tập trung học trong khoảng 15 đến 30 phút mỗi ngày. Hứng quá cũng đừng học thêm, vì chắc chắn là ngày mai bận việc gì đó rồi bạn lại mất hứng bỏ học ngay. Cố gắng giữ bình tĩnh và điều độ. Đừng bữa đực bữa cái. Có học chăm đột xuất cũng không ai khen, mà lười đột xuất thì còn bị người ta cười vào mặt cho «đã nói rồi, chẳng được mấy bữa đâu!»

Học như thế nào ? Việc của bạn chỉ là nghe và đọc. KHÔNG CẦN HIỂU. Vì a, b, c còn chưa phát âm được thì nhìn vào một mớ chữ như thế sao mà hiểu. Có tra từ điển cũng chẳng hiểu được bao nhiêu đâu. Và quan trọng hơn ! Bạn không phải học nghe hiểu, đọc hiểu, bạn đang dựa vào bài đọc và bài nghe để làm quen với tiếng Pháp, làm quen với hình thái hoàn thiện, đầy đủ, thực tế của nó (do chính người Pháp nói).

Khi đọc như thế, bạn phải chắc chắn được rằng, cứ người ở trong clip nói đến chữ nào, bút của bạn phải trỏ được tới chính chữ đó. Bạn cứ làm như thế 1 lần chưa đủ đâu, phải 2 lần, 3 lần. Nghe để xem có cái chữ nào phát âm hay hay không nhỉ ? Có cái từ nào ấn tượng không nhỉ ? Xem xem có chữ nào nghe buồn cười không nhỉ ? Rồi cái chữ này có đúng như mình đoán trong đầu không, đọc a hay ô mới đúng nhỉ ? Bạn cứ vừa đọc vừa nghe để kiểm chứng.

Sau đó, những lần tiếp theo, khi mà bạn trỏ bút đến đâu thì cũng nhớ mang mang ra cách mà người ta sẽ phát âm từ đó như thế nào rồi. Bạn tiếp tục một công đoạn khác khó hơn. Đó là, lưu ý chỗ nào đọc âm cuối, chỗ nào không. Rồi lưu ý chỗ nào nối âm, chỗ nào không, nối thì thành ra âm gì. Đừng có làm dồn vào một lần. Không thấm được đâu. Bạn cứ từng bước một thôi.

Tiếp tục là gì ? Bước này khó hơn nữa, đi gạch chân những ÂM (âm chứ không phải từ). Thực ra từ đồng âm mà cách viết khác nhau thì tiếng Pháp cũng có, nhưng không nhiều. Nhưng cứ tách âm đi rồi, cuối cùng cái loại này cũng tự động lòi ra thôi, yên tâm. Chẳng hạn như chữ này viết là ô, người ta đọc âm [ô] mà viết là eau người ta cũng đọc [ô] mà viết là ot, người ta cũng đọc [ô]. Cứ thế, bạn đi phân tách từng âm một.

Một bài nghe mà làm được đến mức độ chi tiết cho từ âm a, âm ê, âm ô, âm s, âm c… thì chắc bạn cũng phải nghe mòn cả đĩa. Nên mới nói rằng, tài liệu không cần nhiều, chỉ cần 1 tháng 3, 4 bài. Nhưng đừng lựa bài có tốc độ nhanh quá, nghe không kịp và để nghe được chuẩn âm trong các clip đó sẽ khá là khó. Lựa clip có chất lượng âm thanh tốt một chút, bạn không cần phải thử thách tai của mình đâu. Đây chỉ là công việc ghi nhớ thôi mà !

Sau khi nghe đến mòn tai như thế, nếu thích thì các bạn mới bắt đầu tra từ điển, từ nào không tra được thì gõ nguyên cả cụm, 2, 3 chữ đứng trước nó lên google xem nó rốt cuộc là cái gì. Và nếu công cuộc tra từ điển rối rắm quá thì đến lúc rồi. Chuyển sang học ngữ pháp dần thôi.

Tác dụng của cách luyện ghi nhớ này là gì ? Bạn sẽ không bị nản. Vì bạn khởi đầu theo kiểu « nguy hiểm và xịn xịn » mà. Thấy tự mình xử lí được cả trang tiếng Pháp dài sao mà không sướng ? Không bị cảm giác là người lớn mà giờ phải bập bẹ như em bé 3 tuổi tập nói. Mà bập bẹ hoài cũng không đúng nữa chứ. Hoặc bập bẹ được chữ cái rồi mai mốt vào đọc bài bảo đảm vẫn sai không sai dai sai nhiều thì sai lai rai, từ năm này sang năm khác. Bản chất của cái việc liên tục sai lầm này là gì ? Vì bạn không bao giờ để ý, không bao giờ lưu tâm, không bao giờ chịu học xem bản chất của việc tách âm, phát âm trong tiếng Pháp là như thế nào. Và quan trọng là cách ứng dụng thực tế của nó ra sao.

Bạn mới học cũng được, mà bạn học lâu rồi nhưng phát âm chưa cải thiện được cũng thế. Hãy thử làm cách này xem tình hình có thay đổi được nhiều hay không. Mình dám chắc 70% là tình hình sẽ được cải thiện, 30% còn lại là ở việc bạn tiến hành các thao tác có chính xác và tai có nghe ra được các âm nó giống và khác nhau như thế nào, cũng như phụ thuộc vào mức độ nghiêm túc và chu đáo trong bài phân tích bạn tự làm cho mình.

Các bạn có thể tham khảo những bài nghe dài, trích dẫn sẵn trong HỌC ĐI THÔI : số đặc biệt – Nghe nói tiếng Pháp (liên hệ đặt mua qua email: hocdithoi2017@gmail.com hoặc zalo 0947 2299 21)

4 comments

  1. Mới đầu chị tự học phát âm hay đi trung tâm ạ, chỗ em không có lớp dạy tiếng Pháp nhưng nhiều anh chị trên những group tiếng Pháp nói là tự học phát âm không thể nào đúng được. Mong chị cho em lời khuyên với ạ.

    1. Chị học tiếng Pháp từ lúc ở trường cấp 1 em, thầy cô dạy thế nào thì đọc theo thế đó nên vẫn có sai. Cũng chủ yếu là thầy đọc rồi bắt chước, cả lớp đọc theo. Thỉnh thoảng có buổi thi nói thì dc sửa một vài từ, tất nhiên là sửa theo cách của thầy cô. Còn sau này, còn lỗi phát âm nào thì nghe hướng dẫn youtube để sửa lại. Tất cả những gì chị áp dụng để sửa phát âm thì đều tổng hợp lại trong cuốn Học đi thôi nghe nói đó

  2. Chị đã từng tốt nghiệp đại học chuyên tiếng Anh từ năm 2000, do không đam mê và không biết cách học nên chị nói rất dỡ. Rút kinh nghiệp từ học tiếng Anh, lần này học Tiếng Pháp chị nghiên cứu nhiều phương pháp học. Chị tự học đã được một năm và có kết quả như mong đợi. Chị đã tìm tòi nhiều phương pháp, những thứ em nói chị cũng áp dụng. Thật quả có kết quả tốt em ạ. Chị phát âm khá tốt, không phát âm kiểu “Tiếng Pháp của người Việt”, nhờ mỗi ngày chị luyện phát âm 30 phút mà không chán. Một âm khó chị luyện một tuần, có khi nhiều hơn thế nửa. Phải nói khi phát âm đúng nó sướng lấm luôn ấy. Cái bài này chị sẽ áp dụng cho phần luyện ngữ điệu.Chị tin 100% là nó sẽ có kết quả. Chị cảm ơn các bài viết của em, rất tỉ mỉ và có tầm.
    (Chị đoán em nhỏ hơn, nên xin mạo muội xưng chị)

Leave a Reply