tu-hoc-tieng-phap-nhu-the-nao

Tự học tiếng Pháp: thích là nhích, không đau đầu mà ngược lại rất vui!

Nếu một trong số các mục tiêu mới trong năm 2021 này của bạn có một mục học tiếng Pháp thì đây chính là bài viết dành cho bạn. Năm con trâu học lâu không nản. Thứ gì trâu nhất, khoai nhất chắc sẽ có dính dấu một chút tiếng Pháp trong đó. Nào, chúng ta hãy xem thử cần phải chuẩn bị và lên kế hoạch như thế nào nhé!

Câu hỏi quan trọng: Học tiếng Pháp để làm gì?

Đây là một câu hỏi quan trọng để phân loại xem đâu là những nội dung bạn cần học, đâu là những nội dung bạn có thể lướt qua. Tuỳ theo nhu cầu, và tuỳ theo mức độ. Tương tự như việc học nấu ăn, học vẽ tranh. Nếu chỉ cần học để cho biết, cho vui thì hãy theo những lộ trình đơn giản. Không nhất thiết chúng ta phải đi đủ các đường quyền từ pha màu, đổ bóng, đi nét, sơn dầu, sơn mài, tĩnh vật, phong cảnh v.v… như một hoạ sĩ chuyên nghiệp.

Nếu đã xác định không cần học như một người chuyên về ngoại ngữ, các bạn có thể theo một lộ trình đơn giản nhẹ nhàng, chủ yếu mình thấy vui.

Trong bài viết này, mình sẽ đưa ra cho các bạn vài gợi ý tuỳ theo sở thích và nhu cầu học để chill, học cho vui, học tiếng Pháp như một hoạt động thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng thì sẽ như thế nào.

Vì sao mà tiếng Pháp vui, hay nhỉ?

Có thể các bạn không tin, hoặc có thể các bạn chưa tìm ra được một bạn đồng hành, nhưng sự thực tiếng Pháp có cái vui, cái hay để học chứ. Đâu phải ai cũng cần đọc sách Trinh thám mỗi tối, nếu nhu cầu của tôi là đọc thơ tiếng Pháp hàng đêm thì cũng đâu ảnh hưởng gì tới băng Bắc cực đang tan và hoà bình thế giới đâu!

Nào, danh sách này chưa đủ, nhưng có thể, bạn sẽ tìm thấy đâu đó một vài sự đồng điệu:

  • Tìm hiểu các công trình kiến trúc ở Pháp
  • Biết vài câu phục vụ cho việc đi du lịch
  • Đọc thơ và hát tiếng Pháp, nhạc xưa
  • Nói tiếng Pháp vu vơ mỗi ngày, không có khiếu văn chương ca hát nhưng thích «xập xình, rập rình, tập tình» giống các chị gái Paris (các âm [s]. [r]. [t]. [p] là những âm đặc trưng của tiếng Pháp
  • Yêu thích thời trang mà lâu lâu có chèn tên vài thương hiệu Pháp vào, thêm vài câu thành ngữ như «je ne sais quoi», «chic», «mademoiselle parisienne» vào trong câu nói nghe nó hay hay
  • Mê phong cách retro, vintage, mê mấy nữ diễn viên như Catherine Deneuve hay Brigitte Bardot và giọng run rẩy của Edith  Piaf đến độ muốn nói theo cho giống
  • Mê nước hoa và muốn đọc tên cho đúng, muốn một ngày nào đó vào cửa hàng nước hoa tại Paris như trong Me Before You hay vào mấy tiệm niche tại Grasse có thể đọc được vài chữ tiếng Pháp
  • Thích mấy trò đố chữ mà chơi scrabble tiếng Anh nhiều quá chán rồi
  • Thích đọc tên thuốc với công thức hoá học mà không bị trẹo lưỡi

Khi mà có điều kiện và muốn nuông chiều bản thân bằng việc học cái gì đó, dù nghe hơi lạ đời, nhưng cũng chẳng có gì ngăn cản các bạn cả. Vậy việc tiếp theo là dự trữ cho mình một nguồn dữ liệu phù hợp để sở thích có điều kiện duy trì chứ không chớp nhả vài ba ngày rồi đứt đoạn.

Chuẩn bị những gì?

Hãy tạo cho mình một nguồn cảm hứng bất tận. Sở thích thì hôm nay vui sẽ nghĩ ra, ngày mai chán lại chuyển sang thích cái khác. Rất vô chừng. Vậy nên, nếu đã lỡ thích cái gì, yêu ai thì nên tạo cho mình những kho lưu trữ xinh xắn và… «chỉ có bạn mới biết, đâu thực sự là cái mình thích».

Lấy ví dụ, có thật nhiều CD, album, bản thu, file mp3 hoặc lưu lại các kênh nhạc Pháp, tự làm cho mình những list nhạc Pháp hay để lưu lại trong một tài khoản online nào đó (youtube, spotify…)

Nếu có điều kiện thì nên in ảnh, làm album, hoặc dán poster, sưu tập các bộ hình diễn viên ca sĩ trên máy tính để lâu lâu đổi hình nền, lâu lâu đem ra ngắm. Dù sao ngắm thần tượng vẫn đem lại nhiều cảm xúc tích cực hơn là ngắm bạn thân cưới chồng, sắm vàng, xây nhà rồi ghen ăn tức ở hoặc thấy cướp giật, đánh nhau rồi bi quan về xã hội.

Tìm những cuốn sách về nước Pháp và sưu tầm.

Tìm những sản phẩm của Pháp và sưu tầm, như nước hoa, mỹ phẩm (tiện thì tìm hiểu và nghiên cứu thương hiệu luôn), rượu vang, phô-mai, công thức bếp và bánh, địa chỉ nhà hàng, mô hình, quần áo v.v…

Đi làm, tiết kiệm tiền và giữ lí lịch tư pháp sạch sẽ dễ bề xin visa đi du lịch Pháp khi đủ điều kiện.

Pháp hoá những nội dung mình xem. Thời gian đầu thì có thể hơi khó tìm kiếm một chút, như nếu AI trên youtube đã hiểu được bạn rồi thì mức độ gợi ý sát với những gì bạn quan tâm cũng xịn đấy. Mới đầu thì có thể không biết haute couture là gì đành phải gõ «french high fashion». Hoặc là phải tra hết lí lịch, wikipedia mấy cô, mấy anh ca sĩ, người mẫu, diễn viên, nhà văn mới biết anh ta, chị ta là người Pháp. Hoặc là xem phim thấy cảnh đẹp đẹp nhưng cũng chưa truy ra được điểm đến đó là Provence, Paris, Drôme, Côte d’Azur, Pyrénée hay là miền nắng gió nào đó của nước Pháp.

Học gì mà học vừa chơi, chơi vừa học?

Để học như chơi, chơi như học thì chúng ta cũng nên có cái gì đó làm cơ sở tương đối chắc chắn một chút. Và nếu đã xác định học một chút đỉnh thì chúng ta nên cho mình một khoảng thời gian tối thiểu là 3 tháng để tập tành.

Trong trường hợp học để biết vài câu hay ho, thì các bạn có thể dựa theo các clip trên youtube, các tình huống giao tiếp. Hoặc tìm các mẫu câu hội thoại, các giáo trình dạy giao tiếp có tiếng Anh, tiếng Pháp. Tập đọc theo đều đặn một vài tháng, cộng thêm việc ghi chép từ vựng nhiều hoặc tập dụng các games, trò chơi sắp chữ, thẻ học (flashcard) để ghi nhớ từ vựng. Các bạn nên xem đi xem lại các video về từ vựng, kết hợp vừa xem vui, vừa xem để ghi nhớ, vừa cố gắng lặp đi lặp dưới nhiều hình thức (ghi chép, đánh máy, sử dụng trong chat hay đăng statut, tìm kiếm google, tìm kiếm youtube, kết hợp các thanh công cụ trình duyệt để làm quen với các tác vụ trên trình đơn bằng tiếng Pháp chẳng hạn, nghe nhạc)…

Như vậy, sau khoảng vài tháng các bạn đã có tương đối đúng nhu cầu và hòm hòm căn bản để có thể thể hiện một chút với mọi người rằng mình đây có biết một chút tiếng Pháp.

Một số bài hát mà các bạn có thể tập nếu muốn hát tiếng Pháp: La vie en rose (nhiều phiên bản trên youtube), Il est beau comme le soleil và nhiều bài hát khác trong các vở nhạc kịch như Notre Dame de Paris, Romeo & JulietteOctobre và một số bài hát của Francis Cabrel, hoặc nhạc của Jean Jacques Goldman. Một số bài nhạc mới khác như là nhạc của Coeur de Pirate…

Nếu có thời gian tìm hiểu sẽ còn ra nhiều cái tên hay ho khác và các bạn có thể nghe cho tới khi nào thuộc lời thì thôi (chứ không phải chán thì thôi, vậy còn gì gọi là học tiếng Pháp qua bài hát nữa đúng không?). Trên youtube có kênh của bạn SARA’H rất hay cover các bài hiện đại từ tiếng Anh sang tiếng Pháp, kênh Disney France cũng rất hay có nhạc của các bộ phim mới được chuyển lời sang tiếng Pháp.

Nếu chịu khó lên google play hoặc app store để tìm với các từ khoá như Francais (tiếng Pháp), conversation française (giao tiếp tiếng Pháp), prononciation française (phát âm tiếng Pháp), dictionnaire français (từ điển tiếng Pháp), pratice french… hoặc với từ khoá đơn giản là French, chúng ta cũng có thể thu được rất nhiều kết quả hay ho như: French Lesson by Frantastique, TV5MONDE: learn french, Babbel – Language Learning, Learn French Phrases & Words, Learn French forr beginners, French Translator Dictionary +…

Về các trò chơi thì chúng ta có thể tìm những trò như: mot croisé, mot meles, ZeroFaute, Conjugaisons…

Ngoài ra còn có một số đầu sách điện tử dưới dạng app rất sinh động phù hợp cho bạn nào có ipad như Le vilain petit Canard, Marie… Các bạn có thể thử tìm với từ khoá Livre pour enfant thì sẽ ra được rất nhiều đầu sách. Lưu ý nếu sách có phí thì các bạn cân nhắc, hoặc là nếu thấy giao diện không hợp thì đổi app khác, xoá app đang dùng đi. Contes de Grimm (truyện cổ Grimm) cũng có bản gồm 110 audio trên app store…

Đối với các đầu sách cho người mới học và phục vụ các mục đích học ngắn hạn thì các bạn có thể tìm từ tiếng Anh hoặc tiếng khác (tuỳ vào ngoại ngữ các bạn đã học là gì như Đức, Tây Ban Nha…) đa số đều có thể tìm thấy. Đối với tiếng Việt thì hơi hạn chế chút, các bạn có thể tham khảo cuốn Đọc hiểu Cơ bản của Vitirouge dành cho trình độ A1, A2. Cuốn Học đi thôi – Đọc hiểu với phần hệ thống ngữ pháp chi tiết sẽ giúp các bạn hiểu được cú pháp câu khá trắc trở và những quy luật đặc thù mà các ngôn ngữ khác không có, để dễ dàng tiếp cận hơn, các phần giải thích này được dựa trên cách hiểu và cú pháp câu của người Việt nên sẽ rất dễ cho các bạn so sánh đối chiếu.

Cuối cùng, nếu thử từ khoá Học tiếng Pháp trên youtube cũng không thiếu gì kênh, các bạn tha hồ lựa chọn.

Nền tảng

Nếu đã xác định học cho biết thì không cần quan tâm tới việc chia động từ hay ngữ pháp phức tạp của tiếng Pháp làm gì cho nhức não. Có những giải pháp để các bạn có thể nhanh chóng nắm bắt được nghĩa của câu là thông qua google translate và học với trợ lí giọng nói trên google translate. Còn nếu không thì các bạn nên tham khảo các nguồn conversation débutant A1 trên youtube (lưu ý là nên chọn học theo giọng Pháp đừng để bị lơ lớ giọng Anh, Mỹ, Canada hay Ả Rập, Trung Quốc…).

Trong trường hợp muốn thực hành về câu và tra từ điển, thì gặp trường hợp của các động từ (tra từ điển dưới dạng đã chia trong câu thì sẽ không ra), các bạn có thể lên google gõ từ khoá «xxx (dạng viết trong sách) infinitif verbe francais» thì cũng sẽ giúp ích nhiều trong việc tra cứu nghĩa theo từ điển.  

Nếu muốn tìm kênh youtube, thì các bạn có thể chọn một số kênh thiếu nhi. Đặc biệt, chú ý xem những danh sách phát (playlist) được tổng hợp sẵn ở các kênh để có lựa chọn học hợp lí. Ví dụ như kênh: Learn French with Alexa, Easy French trực thuộc hệ thống Easy Language, My French Story, Eveiller mon enfant (là kênh dành cho trẻ học bằng phương pháp Montessori nhưng người nước ngoài hoàn toàn có thể học bằng phương pháp giáo dục thuận tự nhiên này, ít có can thiệp qua một ngôn ngữ trung gian), hoặc một kênh khác để giúp các bạn học từ vựng bằng hình ảnh kết hợp âm thanh phong phú nữa là Le monde des Titounis. Các bạn lưu ý với kênh Les Patapons thì hay có một đoạn nhạc dẫn vào khá là nhanh nhưng đó là đoạn intro thôi, còn về sau thì đến phần bài học sẽ có phụ đề, hát chậm và khá rõ ràng. Nếu các bạn thích phong cách người lớn và hát thành những bài như ca sĩ quốc tế thì có thể thử một bản demo: Une très belle chanson pour apprendre les verbes au présent (Một bài hát hay để học chia động từ ở thì hiện tại). Chắc chắn là bài hát hay nhé! Từ kênh Mes apprentissages en français.

Kết luận

Bài viết này là một bài giới thiệu dành cho bạn nào không có nhu cầu đào sâu tiếng Pháp mà chỉ cần biết chút ít, học bổ sung thêm một ngoại ngữ trong thời gian rảnh. Mục tiêu học đặt sở thích và niềm vui lên hàng đầu nên các bạn hãy tìm cái gì mà mình thấy vui rồi tìm hiểu và tham khảo thêm. Nếu định hướng sang việc học bài bản, có nền tảng thì các bạn hãy đón đọc kì sau, mình sẽ có một bài chi tiết hơn dành cho người cần học tiếng Pháp theo các trình độ.

Leave a Reply