Lỗi thường gặp trong bài viết TCF, DELF (p.2)

Thoạt nhìn qua thì chúng ta thấy viết tiếng Pháp không khó lắm. Nhưng bạn nào đã từng đi thi, từng tự tin làm bài tốt và nhận kết quả rồi sẽ biết: Nếu trong bài viết có mức điểm là 25/25, đạt được khoảng 10-12/25 thì chắc là ổn, nhưng cao hơn mức đó thì sẽ khó.

Trong phần I, chúng ta đã bàn tới những lỗi thuờng gặp. Lần này, chúng ta bàn tới một số lỗi liên quan tới phương pháp và kĩ năng.

1. Phân biệt thư hành chính, thư công việc và thư thăm hỏi thông thường

. Thư hành chính: viết cho một tổ chức hành chính, viết cho đại diện một dịch vụ công ích (giáo dục, văn hóa, y tế công cộng…), viết cho một tổ chức phi chính phủ, viết cho một cơ quan đại diện ngoại giao, thư viết cho tòa án, thư liên quan tới một vấn đề pháp lý (dân sự, hình sự), thư viết cho ủy ban nhân dân, quốc hội…

Ví dụ : thư trình bày vấn đề, thư yêu cầu bồi thường thiệt hại, thư xin tài trợ, thư kiến nghị, thư trình bày giải pháp, đơn xin bổ sung giấy tờ/ trợ cấp/ kiểm tra thông tin…

– Đây là loại thư khó viết nhất theo chuẩn từ vựng. Gần như là luật bất thành văn, có một số cấu trúc, câu dẫn, câu chuyển, câu kết phải dùng đối với từng kiểu thư này. Loại thư này đòi hỏi văn phong nghị luận phải chắc, gọn và tương đối rập khuôn.

– Để hiểu rõ về cách viết thư hành chính, các bạn có thể tìm hiểu : lettre administrative. Các bạn sẽ thấy hàng loạt ví dụ có thể tham khảo.

. Thư công việc: là thư viết trong khuôn khổ làm việc ở một doanh nghiệp, công ty, văn phòng, tập đoàn, là hình thức liên lạc giữa đồng nghiệp với nhau, đại diện bộ phận này với bộ phận khác, đại diện công ty với khách hàng, với đối tác, hoặc nhân viên với sếp/ chủ tịch/ quản lí một bộ phận nào đó trong công ty, hoặc nhà tuyển dụng với một ứng viên.

Ví dụ: thư xin việc, thư trình bày động lực ứng tuyển cho một công việc, thư yêu cầu giao dịch, thư xin lỗi khách hàng, thư kiến nghị với quy định mới của công ty, thư từ chối luân chuyển nhân sự…

– Ngày nay, thư tay được thay bằng email, là phương tiện thông tin chủ yếu trong môi trường công việc.

– Cái khó của loại thư này thường là do các bạn sinh viên chưa đi làm, chưa hình dung được môi trường công việc thực tế như thế nào. Loại thư này đòi hỏi người viết phải có một chút kinh nghiệm giao tiếp khi đi làm, hoặc hiểu môi trường doanh nghiệp, công ty. Giám khảo chỉ cần đọc qua là có thể biết thí sinh này đã đi làm hay chưa, vấn đề là họ có du di cho những ý tưởng « hơi thiếu tác phong chuyên nghiệp » của bạn hay không thì còn tùy xem bạn đạt bao nhiêu phần trăm, so với những lỗi cơ bản mà chúng ta đã bàn tới trong phần 1.

– Các mẫu thư công việc cũng có nhiều ở trên mạng, các bạn rất dễ tìm, hãy lưu ý một số từ khóa quan trọng để tìm kiếm được chính xác hơn (lời khuyên là tìm mot de clé/ keyword trong đề bài)

. Thư thăm hỏi thông thường: là thông tin trao đổi liên lạc giữa bạn bè, người thân, hoặc với một người lạ nhưng không có vị trí nghề nghiệp, quan hệ xã hội cụ thể. Loại thư này thường nằm trong kiểu đề viết B1 nhiều hơn, còn nếu có ra trong B2 thì tình huống sẽ éo le hơn, khiến thí sinh phải xoay sở thì mới tìm ra được ý tưởng cho bài viết.

– Từ loại thư này, chúng ta có thể phân biệt được đâu là sự khác nhau giữa đề viết B1 và đề viết B2. Đề B1 thiên về trình bày câu chuyện, sự kiện, ý tưởng, nêu ý kiến, nêu cảm nhận, nêu đánh giá. Đề B1 thường liên quan tới các tình huống xảy ra trong cuộc sống hằng ngày, không quá đặc thù trong một lĩnh vực hoặc môi trường chuyên nghiệp nào. Trình độ B1 yêu cầu một lối diễn đạt mạch lạc và đòi hỏi chính xác cao về ngữ pháp (căn bản). Trong khi đó, đề B2 thường tập trung chủ yếu vào kiểu thư công việc, giám khảo muốn xem ở đây cả « mức độ chính chắn » của thí sinh. Sự mạch lạc ở đây được hiểu theo kiểu bạn đang trình bày bài thuyết trình trước hội đồng thi, trước giáo sư hoặc đại diện công ty, có đánh mạnh vào hình thức, mà chính xác hơn là mức độ chuyên nghiệp.

– Để các bạn hình dung rõ hơn, mình đưa ra 2 tình huống, có thể thành đề B1 hoặc B2: (1) hãy kể lại hoạt động lễ hội mùa hè được tổ chức ở trường đại học mà bạn đã tham gia, bạn cảm thấy thế nào sau khi tham gia hoạt động này? (2) hãy đại diện bộ phận chăm sóc khách hàng viết một bức thư xin lỗi vì công ty bạn không đảm bảo lịch giao hàng, làm chậm tiến độ và gây thiệt hại hợp đồng cho phía đối tác.

2. Bệnh thường gặp: thấy câu gì hay là bê lại vô bài, học được một từ tâm đắc là bài nào cũng xào đi xào lại cho giám khảo đọc ngán thì thôi

Sau khi phân biệt 3 mẫu thư trên, chúng ta sẽ thấy đi kèm với đó là các yêu cầu về nội dung và hình thức. Biết được loại thư nào mà đề yêu cầu là yếu tố đánh giá xem bạn hiểu đề hay không đầu tiên.

Tuy nhiên, có thể do thói quen học từ vựng, thấy từ lạ là tra nghĩa sau đó dùng đi dùng lại mà không để ý ngữ cảnh. Hoặc cách học tiếng Pháp bồi, cứ nghe đi nghe lại một câu hiểu nghĩa và dùng đi dùng lại. Lấy ví dụ, khi mới học, các bạn nghe thầy cô dạy: Bonjour – Comment ça va? – Comme ci comme ça hay như tiếng Anh là Hello – How are you? và đi đâu bạn cũng nói một kiểu chào như vậy.

Người Việt chúng ta có muôn kiểu chào, muôn kiểu tạm biệt, muôn kiểu chúc mừng, tùy theo hoàn cảnh đối tượng mà dùng đúng câu, đúng từ… thì ngoại ngữ, Anh hay Pháp gì cũng thế.

Về mặt học thuật, đó là yêu cầu chính xác tuyệt đối. Còn dưới góc độ một người học ngoại ngữ với đam mê thì đó gọi là tinh tế hóa ngôn từ từ trong những câu cú bình thường nhất (từ chào hỏi, cám ơn). Chẳng hạn: Thay vì nói Cám ơn, cám ơn. Chúng ta có thể nói: Tôi xin cám ơn anh, anh thật là tử tế. Ví dụ vậy!

Ở B1 thì câu cú biến hóa theo hoàn cảnh không khó lắm. Lên B2, nếu các bạn không cân nhắc câu trước câu sau thì giám khảo nhìn vào bài của bạn họ sẽ thấy sự chắp vá, lủng củng ngay. Câu trước thì viết như viết cho thằng bạn nối khố, câu sau lại viết như viết cho Chủ tịch tỉnh… thì không thể được đúng không?

3. Lạm dụng câu ghép/ câu phức, cấu trúc đặc biệt, lạm dụng conditionnel và subjonctif

Bạn nghĩ rằng câu càng dài, càng loằng ngoằng thì bài mình sẽ hay? Bạn nghĩ rằng từ đầu đến cuối chỗ nào cũng nhét conditionnel và subjonctif vào thì bài sẽ điểm cao? Bạn nghĩ rằng động từ đơn giản không đủ, phải chèn thêm các trạng từ, hoặc các bổ ngữ phức tạp vào như bài mình đọc trên báo Pháp thì mới hay?

Không, xin thưa là không!

Thứ nhất : chủ đề/ lĩnh vực mà bài viết bàn tới có cho phép không? Nếu tranh luận về một vấn đề khoa học, y học hoặc trình báo một sự kiện cho cơ quan điều tra… thì chúng ta cần nói ĐÚNG SỰ THẬT, nếu dùng conditionnel và lạm dụng quá nhiều, có khác nào chúng ta đang trực tiếp phủ nhận các ý kiến là chưa hoàn toàn chính xác?

Ngược lại, nếu căn cứ khoa học chưa có kiểm chứng, đánh giá, xét nghiệm, thử nghiệm nhưng chúng ta dùng động từ với sắc thái nghĩa là khẳng định thì liệu thông tin cuối cùng mà độc giả nhận được có khách quan hay không?

Thứ hai : với những đề tài khoa học hoặc trong những tình huống cần giải thích nhanh, gọn, chính xác nhưng chúng ta lại lê thê hoa hòe với conditionnel và subjonctif hoặc với những cấu trúc rồng bay phượng múa vô nghĩa thì cuối cùng… cũng chẳng để làm gì, không khác nào phú ông sính chữ. Việc cầu kì không cần thiết lại tạo ra phản tác dụng. Chẳng hạn : Tôi sẽ đến vào lúc 17h (khẳng định, quyết đoán) và Tôi mong rằng mình có thể xuất hiện ở đó trước khi đồng hồ điểm 17h (dài dòng, mập mờ). Vì vậy, hãy lưu ý tới ý định và mục đích mà bạn hoặc đề bài, hoặc tình huống bạn đang giải quyết hướng tới.

Thứ ba: dùng nhưng lẫn lộn về nghĩa, sai mục đích diễn đạt của loại động từ, loại cấu trúc đó, không cân đối các phần khác trong câu văn. Ví dụ, khi đưa puisque, parce que, comme, étant donné que, sous prétexte que… vào câu, chúng ta nghĩ tất cả đều là để giải thích, đều có nghĩa là VÌ. Tuy nhiên, nếu đơn giản thế thì việc gì người Pháp phải chế ra cả một danh sách dài cho rối rắm. Nếu bạn giải thích một nguyên nhân mà cả người đọc người viết đều biết (lí do hiển nhiên), nếu bạn dùng một cái cớ lập lờ để biện minh cho một hành động, nếu bạn muốn thể hiện rằng đó là một lí do khách quan… mỗi trường hợp, chúng ta dùng một, hoặc giỏi lắm thì có thêm 1 từ có nghĩa tương đương tuyệt đối mà thôi.

Trong khuôn khổ bài viết này, vì không đi sâu vào phân tích các ví dụ thực tế, nên có thể viết nữa lại gây rối cho các bạn. Chúng ta sẽ tạm dừng lại ở đây. Sau khi đã đọc phần 1 (link) và phần 2 này, nếu còn câu hỏi nào liên quan tới bài viết B1, B2, các bạn có thể để lại comment ở dưới, nếu được, mình sẽ trả lời.

Chúc các bạn sớm có B2, sớm được đi du học Pháp!

Leave a Reply