xin-hoc-bong-di-phap-luu-y-dieu-gi

Xin học bổng Pháp và 5 điều cần suy nghĩ nghiêm túc

Hơi phản cảm vì nhắc điều này ngay từ đầu bài. Bài viết này mình chỉ đăng trên blog này, là blog cá nhân và nghiêm cấm các đơn vị, các trung tâm copy paste hoặc xào bài nhé! Đã cống hiến cho sự nghiệp trồng người thì mong các bạn làm việc có tác phong một chút! Đó không chỉ là tôn trọng chất xám của người khác mà còn thể hiện mức độ chuyên nghiệp của các bạn trong công việc nữa! Xin cám ơn.

Bây giờ thì hầu hết là các bạn năm cuối đang rần rần chờ kết quả học bổng. Vui có, buồn có, tự hào có mà thất vọng cũng có. Bài viết này dành cho các bạn có thể là đã rớt học bổng năm nay vì thiếu kinh nghiệm. Nhưng thua keo này ta bày keo khác. Cứ noi gương Phạm Hương thi bao nhiêu cuộc thi rồi mới có ngày được đội vương miện mà. Một lần rớt học bổng có là gì đâu?

Tất nhiên rồi: Học bổng nào?

Nói đâu xa, với học bổng utachi thì các bạn cũng cần phải đáp ứng được một vài tiêu chí: là con của bố mẹ bạn, dùng tiền utachi để đi học chứ không chơi bời, xà quần xà bậy.

Nếu đi làm ở một doanh nghiệp, một công ty nào đó, bạn có được sếp cử đi học khoá này khoá kia thì cũng nhớ rằng bạn phải đáp ứng các tiêu chí mà sếp đưa ra đã. Như là có thể học và về làm cho công ty được, nhanh nhẹn linh động. Hơn nữa là trong thời gian bạn bận học thì có người đảm đương công việc lúc gấp kíp cho bạn được.

Hai loại trên là không cạnh tranh mấy mà còn có tiêu chí thì huống chi là loại nhiều đất nhưng cạnh tranh như đánh giặc bên Pháp. Quay lại với học bổng Pháp, đừng đâm đầu vào nộp tùm lum tá lả và hi vọng rằng giết nhầm còn hơn bỏ sót. Xin lỗi các bạn tham lam, học bổng thì nhiều, học bổng thì giành cho tất cả mọi người nhưng các bạn không đội bàn nhà người ta lên rồi bắt người ta chọn các bạn được đâu. Nếu không đáp ứng đủ tiêu chí thì nghỉ khoẻ trước.

Tiêu chí đó là gì?

. ngành học được cấp học bổng

. thời gian được cấp học bổng

. điều kiện bảng điểm, ngoại ngữ, kinh nghiệm thực tập

. đầu ra của học bổng, điều kiện làm việc bổ sung trong thời gian đi học

. tỉnh/ thành phố/ trường Đại học cho phép bạn được ứng tuyển học bổng

Điều kiện 2: Bạn muốn đi Du học trong bao lâu?

Trước hết, các bạn mới vào Đại học thì mình chỉ định là bài này chỉ mang tính chất tham khảo vì các học bổng ở Pháp hiện tại chỉ dành cho master, doctorat. Với master thì các bạn sẽ có dạng một năm hoặc dạng hai năm, tuỳ vào lộ trình học của các bạn.

Tú tài hay Tốt nghiệp THPT ở Pháp gọi là bằng bac (baccalauréat). Từ đó trở đi, cứ xong 1 năm đại học thì các bạn sẽ có bac+1, bac+2. Thông thường thì hệ cử nhân ở Pháp tới bac+3 vì chỉ học có 3 năm, năm 4 như ở Việt Nam sẽ tương ứng với master 1 ở Pháp (bac+4). Do đó, nếu học từ Cử nhân lên Thạc sĩ tại Pháp, bạn sẽ mất 5 năm, gồm 3 năm Cử nhân (licence) và 2 năm Thạc sĩ (master). Còn nếu ở Việt Nam sang thì sẽ học thẳng lên master 2 nếu sau khi xem xét, nhà trường thấy bạn có khả năng học được.

Đó là trường hợp tổng quát nhất, đối với một số ngành hơi đặc biệt như Dược, Y, Kiến trúc, Kĩ sư thì các bạn nên tìm hiểu kĩ hơn hệ thống đào tạo nhé. Đừng để đang học dở thì hết tiền. Mà thường thì các Hội đồng xét tuyển học bổng họ nắm hết lộ trình học của từng ngành, nên nếu xét theo học vấn của bạn và khả năng chi trả với học bổng bị chênh lệch thì họ phải loại bạn để chọn người phù hợp hơn.

lam-sao-de-xin-hoc-bong-du-hoc-Phap
Ước mơ thì ước mơ đấy, nhưng phải lo thức dậy SỚM để tìm cách thực hiện nha!

Suy nghĩ thứ 3: Đâu là ngành học của mình?

Nhiều bạn nghĩ học bổng là lá rụng từ trên trời xuống muốn xin là có thì phải nên nói tới chuyện học bổng có vẻ nhàn nhàn thành ra cứ tàng tàng vui lắm!

Mặt khác, có rất nhiều bạn không nghiêm túc trong định hướng công việc. Cứ nghĩ là học đã rồi tính. Tuy nhiên, một trong những yêu cầu đầu tiên đối với một ứng viên xin học bổng đó là orientation (định hướng) tốt.

Nhiều bạn tìm master kinh tế luật ở Pháp, tìm master báo chí ở Pháp dù xuất thân Đại học là một ngành gây hoang mang khác ở Việt Nam. Chẳng hạn học Nhân văn mà lên master qua kinh tế luật là thấy không liên quan rồi nha. Luật là viết gì đúng cái đó, không phóng tác, không cần tưởng tượng bay bổng hoa mỹ. Còn kinh tế là số liệu, tính toán. Mà thực ra là ở Pháp không có ngành kinh tế luật như các bạn nghĩ. Luật thì có luật công, luật tư, nếu học khái quát nhất thì có một vài master général (tổng quan). Còn lại thì ngành nào nó cũng có ti tỉ phân ngành nhỏ lẻ bên trong.

Ví dụ, bạn muốn học quản trị, nhưng quy mô doanh nghiệp bạn hướng tới là trong khoảng 20-30 nhân viên, bạn không giỏi về chiến lược nhưng nhạy bén với các xu hướng thị trường – như vậy bạn sẽ có thể học Quản trị – Marketing – dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Như vậy là cái tên master của bạn phải chắp hết 3 khúc thuật ngữ trên nó mới ra.

Làm sao để chọn đúng master? Xem tên master là một, xem responsable (chủ nhiệm khoa) là hai. Thường các thầy cô ở các trường lớn lớn thì có thể viết sách hoặc xuất bản nhiều công trình nghiên cứu, bạn có thể tìm thấy profile trên linkedIn và biết rằng điểm mạnh của họ là ở đâu. Ngoài ra xem nội dung chương trình học – xem chi tiết môn của từng kì, xem débouché (đầu ra) của ngành. Nhiều khi hai cái master nghe tên thì giống nhau mà trong ruột khác nhau là hai ngã rẽ hai con đường đó các bạn.

Khả năng mình có đáp ứng được các điều kiện cấp Học bổng không?

Nên bỏ qua suy nghĩ: « Mình là nhân tài mà thế giới chưa phát hiện ra, ở Việt Nam mình chưa có cơ hội toả sáng » đi ha. Săn học bổng, gọi là cuộc đi săn thì phải có kỹ thuật bắn, có kỹ thuật tìm mồi, rình mồi, có kỹ thuật xử lý với con mồi… Nói vui, nhưng đó không phải là cuộc chơi khơi khơi. Trừ phi, tám kiếp trước bạn tu làm thân nô lệ nên kiếp này được hưởng.

Học bổng có thể là một ván cược, có thể ví đơn giản là mua vé số hên xui. Nhưng các bạn nên nhìn nhận ở các góc độ khác nhau. Trước tiên là xem Học bổng như Thách thức quan trọng, phải cố gắng nhiều, nỗ lực nhiều từ lúc Đại học, từ khi làm luận văn tốt nghiệp, rồi chuẩn bị hồ sơ nhưng không phải không được học bổng là phải làm lại cuộc đời hay thất bại gì đó của tuổi trẻ.

on-thi-B2-nhu-the-nao
Học bổng giành cho người biết săn, biết giành, biết nỗ lực … Điểm cao thôi thì chưa đủ!

Điều thứ 5, nối tiếp ý trên: Nếu không xin được học bổng thì sau đó bạn sẽ làm gì?

Đi làm, đi học, đi du lịch… cái gì cũng được, nhưng các bạn nên sắp xếp cho mình ở những giai đoạn chuyển mình một hai kế hoạch dự phòng. Nếu được học bổng thì vui quá rồi, lo chuẩn bị để đi thôi. Còn nếu không được thì đi làm để dành tiền rồi sau này đi tự túc. Nếu cảm thấy đi học ở Việt Nam cũng ổn thì các bạn học thêm các khoá bổ túc, học online, vừa học vừa làm. Biết đâu đó mới là hướng đi phù hợp cho bạn, để trong quá trình làm việc thì bạn nhận ra thế mạnh của mình ở đâu, liệu ngành nghề có phù hợp và đúng như nguyện vọng, hình dung của mình hay không. Mỗi cánh cửa đóng lại thì sẽ có cánh cửa khác mở ra.

Hoặc là đi du lịch, hoặc là đi đâu đó gặp được một nửa của đời mình thì cưới luôn chẳng hạn, rồi sinh con, rồi lập nghiệp còn đâu thời gian mà du học đúng không? Rồi sau này vợ chồng có tiền, cả gia đình cùng đi châu Âu du lịch. Có khi plan B này mới chính là kế hoạch đáng mơ ước trong cuộc đời bạn thì sao?

Kết luận

Sẽ còn nhiều thứ phải làm trong nửa đầu năm cuối Đại học lắm, một khi bạn đã có suy nghĩ nghiêm túc đối với việc tìm học bổng. Tất nhiên, lúc đó là súng ống đã sẵn sàng, bạn đã có hết các chứng chỉ ngoại ngữ cần thiết rồi nha!

Còn hồ sơ xin học bổng như thế nào ư? Sẽ là một câu chuyện dài đấy! Trước hết thì mình chúc các bạn may mắn nhiều nha! Và một tuần tràn đầy năng lượng, quyết tâm.

Leave a Reply