on-thi-TCF

Hướng dẫn ôn thi TCF (3): thi đọc

Chúng ta sẽ nói về thi Đọc trong phần tiếp theo này. Mình có một số lưu ý cho các bạn:

– Thời gian đầu, các bạn nên luyện tập từ từ và chịu khó bỏ thời gian học từ vựng, đọc hiểu từng câu từng chữ trong đề. Kể cả các phần thi khác như Nghe, Ngữ pháp – nếu các bạn thấy có câu nào trong đề mình đọc không hiểu, thì hãy chịu khó tra từ điển, đọc hiểu kĩ càng từng câu chữ. Và nên luyện 4, 5 lần/ đề để kiến thức còn vào đầu. Biết đâu lần đầu hên hên tự làm được điểm cao, sang lần hai sa sút phong độ nên chỉ còn được nửa điểm. Lần ba cân bằng hơn thì điểm đã cải thiện và lần bốn thì làm câu nào chắc ăn câu đó.

– Tiếp theo, nên tận dụng các bài đọc trong đề để tập đọc thành tiếng. Vì như trong Phần 2 mình đã nói, việc luyện tập này sẽ giúp các bạn cải thiện một chút xíu kĩ năng nghe và giúp bạn đảo mắt nhanh hơn. Hãy cố gắng cải thiện tốc độ đọc thành tiếng của bạn. Nếu đọc nhanh thì sẽ hiểu nhanh sẽ tư duy được câu trả lời nhanh hơn. Và kết quả là bạn làm hết phần thi ĐỌC kịp thời gian. Vì thực sự, thực sự là phần thi này rất dài. Chữ nghĩa trong các bài đọc thì không phải lúc nào cũng dễ nhằn. Hầu như các bạn sau khi thi về đều phản hồi lại cho mình là TCF khoai nhất phần thi ĐỌC. Đọc không kịp! Bản thân mình khi làm thử đề, không ôn gì sất, cũng làm ra điểm phần Đọc rất củ chuối!

– Hiểu cấu trúc, đừng chỉ dừng lại ở việc hiểu từ. Đây là điều mình nhắc đi nhắc lại với các bạn. Nếu chỉ xem từ điển để hiểu bài đọc thì 40% nội dung có thể bạn không hiểu hết nghĩa và rủi ro thì có thể đến 70% khả năng là bạn đang hiểu sai.

– Cẩn thận với những kiến thức phổ thông, thường thức mà bạn có về một vấn đề nào đó. Ví dụ: bạn biết những tháng vừa qua, sinh viên Pháp liên tục biểu tình về vấn đề xét tuyển đầu vào ở năm 2 master. Nhưng đừng mặc định việc biểu tình này là để thể hiện công bằng xã hội trong việc tiếp cận giáo dục (égalité d’accès au service d’éducation); có thể, đề bài không đi theo hướng tiếp cận đó, đề bài chỉ nhắc tới chuyện sinh viên họ muốn đòi quyền lợi cho bản thân họ…

Ở mức độ cơ bản nhất, thang điểm cho A1, A2: hãy tìm thêm các ví dụ về bảng chỉ dẫn trên google (affichage, tableau, règlement) tại các công viên, hồ bơi công cộng, bảo tàng, trung tâm thương mại (parc, piscine, musée, centre commercial). Tiếp đó, các bạn hãy tìm hiểu về các ngày lễ ở Pháp (fête traditionnelle, jour férié).

Tiếp theo, hãy tập đọc lại trong sách mà bạn học các mẩu tin nhắn, thiệp mời, email cho bạn bè (message, invitation, email entre amis).

Tiếp theo nữa, hãy tập đọc các hướng dẫn sử dụng, mô tả quy trình, thủ tục hành chính (mode d’emploi, description de processus, procédures administratives).

Ở thang điểm trung cấp B1, B2: bạn cần đọc các bài báo ngắn thực sự, trong các chủ đề tin vắn hằng ngày (faits divers). Tốt nhất là các bạn cứ nhằm mục faits divers trên báo mà đọc, có thể là tin rao bán nhà đất, tin một tội phạm truy nã bị bắt, đường dây buôn lậu ma tuý bị phá, phát hiện một loại vắc-xin mới, công bố nghiên cứu về tác dụng phụ của thuốc phá thai… Những thông tin này không đến mức quá khó hiểu, từng chi tiết tách bạch, rõ ràng. Bạn chỉ cần cải thiện thêm một chút vốn từ vựng để đừng bị khớp khi vào làm bài thi thật. Lưu ý: hãy tự thiết kế cho mình một hệ thống từ vựng theo từ loại (tính từ, danh từ, liên từ, động từ và theo chủ đề), mỗi ngày cố gắng đọc đi đọc lại những từ mà bạn đã liệt kê ra danh sách, kết hợp đọc lại bài đọc trong đề để hiểu nghĩa và nhớ kĩ hơn.

Ở thang điểm cao nhất, trình độ C1, C2: thực sự thì đối với TCF – thời gian chính là thử thách lớn nhất. Nếu một bài đọc ở ngưỡng 1/3 số câu cuối trong đề Đọc, bình thường bạn phải đọc đi đọc lại vài lần, 5 phút, 10 phút rồi 15 phút đắn đo suy nghĩ mới hiểu được thì bây giờ, thời gian rút lại bằng 2 phút, 1 phút rồi 30 giây. Có những chủ đề cực kì chuyên môn như: khoa học, khảo cổ, nhân văn, tin tức thế giới, luật pháp, chính trị, chính sách, văn học, triết học – tác gia, nhà văn, nghệ sĩ (gồm tiểu sử và hoạt động nổi bật). Phần này muốn đoán cũng khó, nên có lẽ, ai nhanh, ai giỏi, ai nhiều kiến thức và từ vựng hơn người ấy sẽ thắng!

Lời khuyên của mình cho tổng thể là: hãy làm nhanh và thật lực chính xác 1/3 số câu đầu, sau đó phần tiếp theo, khi bài đọc còn tương đối dễ hiểu hãy mạnh dạn chọn câu trả lời thật nhanh, đọc đáp án và câu hỏi trước khi đọc bài đọc trên đề, lướt nhanh bằng cách tìm các từ khoá mấu chốt, không đọc lẩm chẩm từng chữ trong đề. Phần cuối thì ưu tiên thời gian nhiều nhất, câu nào khó quá bỏ qua, câu nào bỏ thời gian đọc để đánh trắc nghiệm thì phải đọc cho kĩ.

Khi kiểm tra đáp án, phải so sánh, phải phân tích đáp án, hiểu vì sao người ra đề lại chọn đáp án đó, có gợi ý gì từ đáp án cho các lần làm đề tiếp theo hay không? Phương pháp loại trừ mà bạn áp dụng liệu có hiệu quả trong trường hợp đó hay không? Có mẹo gì khi lần tới bạn gặp một câu hỏi tương tự hay không? Mức độ sử dụng từ khoá tương đương, từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa giữa câu hỏi và bài đọc có nhiều không? Có liên hệ gì giữa câu hỏi và câu nào (cụ thể), chi tiết nào (cụ thể) trong bài hay không?

Leave a Reply