on-thi-TCF

Thi nghe TCF và thi nghe DELF

Khi bạn bị hạn chế về mặt thời gian và gặp áp lực của kì thi tiếng, thì đâu là phương pháp hiệu quả, để môn nghe có thể đạt điểm tốt nhất ? Trong bài viết này, mình xin chia sẻ với các bạn một số kinh nghiệm trong việc luyện nghe để thi lấy chứng chỉ.

TRƯỚC TIÊN LÀ THI DELF

Phần thi nghe thường kéo dài trong khoảng 15 tới 20’, thường sẽ có 3 lần nghe và môn nghe là môn sẽ được thi đầu tiên, trước các bài đọc, viết và nói. Nếu bạn đã chuẩn bị tâm lí sẵn sàng và cực kì tập trung ngay từ đầu ; thì việc thi nghe ngay đầu tiên khá là hiệu quả. Ngược lại, có thể thời gian di chuyển, thời gian chờ để vào thi và không gian bên trong phòng thi làm bạn phân tán, khi đó, việc hoàn thành bài nghe một cách tốt đẹp sẽ không khả thi lắm.

Và đây cũng là vấn đề về tâm lí, một khi bạn đã làm tốt ngay từ đầu, bạn dễ dàng thừa thắng xông lên, hoàn thiện thật tốt các phần còn lại. Nhưng nếu bạn đã làm hỏng bài nghe, có thể bạn sẽ bị áp lực tâm lí, không hoàn toàn tập trung cho các phần thi sau, dẫn đến kết quả cuối cùng lại không như ý muốn. Thế nên, dù nhanh dù chậm, dù càm thấy tự tin hay kém tự tin, bạn cũng hãy nỗ lực ở mức tối đa, coi như một bước khởi động cho những phần tăng tốc đọc, viết, nói đang chờ ở phía trước.

Bài thi nghe của DELF thường khiến bạn bị khớp. Nếu như thi học sinh giỏi ở cấp 3 môn tiếng Pháp không quá chú trọng phần nghe, thỉnh thoảng còn lấy lại bài luyện nghe B1, B2 thì bài nghe của DELF hay làm thí sinh giật mình. Không phải vì độ khó, mà vì sự đa dạng trong nội dung. Có thể, khi vào phòng thi, bài nghe của bạn sẽ là một chủ đề mà chưa bao giờ bạn gặp trong phần luyện. Bài nghe lúc thi khó hơn bài luyện ở chỗ : tốc độ nói nhanh hơn, thí sinh thường cảm thấy bài nghe khá là ngắn – chưa kịp bắt được ý thì đã hết, thường bị nhiễu âm khá nhiều. Chưa kể chất lượng của băng đĩa hoặc file ghi âm.

Bạn nên tìm tài liệu luyện nghe, trong tuyển tập activités cho A1, A2, B1, B2. Trong các sách luyện thi, sẽ có các dạng bài tập đúng sai, trả lời câu hỏi, điền từ ; tương tự như đề thi chính thức. Việc của bạn là nghe, làm thử, sau đó kiểm tra lại đáp án (ở cuối sách) và tự chấm điểm. Một số bài luyện nghe trên youtube cũng có đăng tải kèm theo bài tập và bài giải cho bạn, bạn có thể theo đó để thực hành từng bước một mà không cần tìm thêm tài liệu ngoài.

Những đề thi DELF thường được cập nhật theo tin tức thời sự, xã hội, không bó hẹp trong một nội dung từ năm này qua năm khác. Ở đây, bạn phải cân nhắc tới sự lỗi thời của các bộ sách luyện thi. Có những chủ đề nghe từ năm 2002 sẽ không còn phù hợp với năm 2012, 2016. Vì vậy việc tìm các bài ngoài, có cập nhật theo tình hình xã hội để luyện thêm là điều rất cần thiết. Bạn có thể tìm ở các trang web luyện nghe trên mạng. Nếu có mẫu bài tập sẵn thì bạn chỉ cần theo đó mà làm.

Còn nếu không có, lời khuyên của mình cho các bạn là : nghe 1 lần để hình dung ra tốc độ nói, bối cảnh và nội dung khái quát hoặc nếu chưa nghe được nội dung thì phải biết được chủ đề đang nói tới là gì. Sau đó nghe lại lần 2, lần 3 để tự định hình ra nội dung mình vừa nghe. Lần 4, tập trung vào chi tiết, có những chỗ khó nghe thì bấm nghe đi nghe lại vài lần, tra thêm từ điển hoặc google để thử-sai và đưa ra một đáp án cụ thể cho bản thân.

Sau đó, nếu vẫn chưa hiểu được, bạn tìm thêm trên google các bài báo hoặc thông tin trên wiki về chủ đề mà bạn vừa nghe. Bạn có thể đọc sơ qua để hiểu thêm về nội dung mình vừa nghe, cập nhật cho bản thân một ít tin tức. Nếu bài nghe có sẵn script thì bạn kiểm tra lại xem mức độ đúng-sai của mình đến đâu.

Khi vào phòng thi, bạn sẽ có khoảng 10-15’ sau khi phát đề để điền các nội dung thông tin cá nhân của thí sinh và thời gian để đọc đề bài nghe. Các bạn nên điền nhanh, nhưng nhớ là phải chính xác, không được nhầm lẫn các mục. Sau đó là tập trung thật mau chóng vào đề của bài nghe. Qua các câu hỏi, bạn cũng có thể đoán được sơ sơ nội dung mình phải nghe là gì.

Chú ý vào những câu hỏi phải điền trả lời, những câu hỏi nhiều điểm – gạch chân – hoặc ghi ra giấy nháp một số lưu ý cần thiết. Nếu chỗ nào có từ mới, bạn có thể lưu ý lại đó.

Việc đọc câu hỏi còn giúp bạn xác định sơ qua trình tự các vấn đề được nói tới trong bài. Nghe qua thì có cảm giác như đề bài đã cung cấp luôn cho các bạn đáp án rồi vậy ! Thực sự thì không phải thế. Người ra đề thi DELF, đặc biệt đối với các trình độ cao dần, sẽ có cách đặt câu hỏi khó dần lền, bẫy nhiều hơn và bạn cũng không khai thác được mấy thông tin từ đề bài. Dù sao thì, mình vẫn phải nhất mạnh với các bạn tầm quan trọng của việc đọc đề.

Đừng để lãng phí 10 hay 15’ đầu giờ quý giá đó. Vì sau khi thời gian cho phần thi nghe kết thúc, bạn sẽ phải chuyển ngay sang làm các phần đọc và viết tiếp theo. Nếu hết lượt nghe mà bạn vẫn còn loay hoay chưa chịu chuyển sang làm đọc, viết thì rõ ràng, bạn sẽ bị lãng phí rất nhiều thời gian.

Đừng quá tập trung vào việc nghe ra một từ, một câu. Kể cả khi câu đó quan trọng, là mấu chốt trả lời. Nếu đã cố đến lần 2 mà vẫn chưa nghe ra, hãy thoải mái đầu óc, đừng quá căng thẳng. Cố gắng nghe trọn vẹn bài, và đừng để bị stress hoặc phân tán chỉ vì một chữ không nghe ra đó để cuối cùng là mất điểm cả bài.

Thay vì tập trung vào một điểm trọn vẹn. Hãy cố gắng thử nhiều điểm, nếu bạn không chắc về đáp án, hãy cứ mạnh dạn điền nốt vì biết đâu lại đúng ? Hơn nữa, giám khảo sẽ không trừ điểm khi bạn làm sai, họ chỉ không tính điểm cho đáp án đó thôi.

TIẾP THEO LÀ THI TCF

Việc luyện thi TCF hơi giống TOEIC hoặc TOEFL bên tiếng Anh, do phần lớn bài thi của bạn là đánh trắc nghiệm. Cái khó của phần nghe TCF là bạn không có sẵn câu hỏi trong đề. Câu hỏi thường nằm ở cuối bài nghe, bạn buộc phải tự nghe ra câu hỏi, sau đó tìm câu trả lời cho mình. Nếu không tỉnh táo, bạn sẽ rất dễ bị mất hết điểm phần nghe.

Vì vậy, đối với các bạn có ý định luyện TCF, lời khuyên của mình là hãy tập trung vào các bộ sách luyện thi. Vì chỉ có những bài nghe trong đó mới đúng cấu trúc ra đề của TCF. Việc luyện nghe thêm bên ngoài chỉ nhằm trau dồi thêm khả năng, sẽ không có hiệu quả trực tiếp đối với bài thi chính thức của các bạn. Trong khoảng thời gian 30 phút, theo mình biết, bạn sẽ phải trả lời hết 24-25 câu trắc nghiệm. Ở đây, đòi hỏi bạn cần luyện nhiều cho quen với cách đặt câu hỏi, quen với nhịp điệu của bài viết (ngắt, nghỉ, độ dài, các trình bày ý).

Theo quan điểm của mình, TCF nhanh – gọn – lẹ, phù hợp cho ai cần gấp một chứng chỉ ngoại ngữ. Và ôn thi TCF an toàn hơn, do định hướng ra đề của TCF hẹp hơn, theo sát một tiêu chuẩn ra đề rõ ràng. Bạn chỉ cần rập đúng khuôn thì thi sẽ đạt. Nhưng về lâu về dài, học thi theo lối rập khuôn và áp lực của TCF sẽ không cho bạn một vốn ngoại ngữ hoàn thiện.

Leave a Reply