hoc-tieng-phap-nhu-the-nao

Bí mật lớn nhất của việc học tiếng Pháp chính là sự kiên trì

Kế hoạch lớn nhất trong năm 2020 này sẽ là phát hành tiếp cuốn HỌC ĐI THÔI – Luyện viết tiếng Pháp từ A đến Z. Viết tiếng Pháp là một kỹ năng mà mình rất tâm huyết và cố gắng rèn luyện từ đầu cấp 3. Sau kì thi vào lớp chuyên với kết quả điểm từng phân môn không mong muốn, điểm viết của mình vô cùng thấp, chỉ được 6/10 theo như mình nhớ. Từ đó, mình quyết tâm chinh phục được kỹ năng này.

Ước mơ là động lực, niềm yêu thích nuôi dưỡng sự kiên trì

Trước đây, trong một bài tâm sự dài «Mình đã học tiếng Pháp như thế nào ? » mình cũng có nói với các bạn là suốt cấp 3, mình thường xuyên viết và dịch bài trên một forum tiếng Pháp, duy trì viết thư cho một người bạn qua mail từ năm lớp 7, sau đó mình có thêm 2 người bạn qua thư như thế nữa. Suốt cấp 3, mình có tham gia sáng tác dự thi Prix Jeune Ecrivain vài lần, năm nào cũng được Ban giám khảo gửi cho một món quà khích lệ là tuyển tập những tác phẩm được giải. Rồi tham gia sáng tác Slam sau kì thi Học sinh giỏi Quốc gia.

4 năm Đại học ở Pháp, mỗi tuần, trung bình mình viết khoảng 5 đến 7, thậm chí có thể là 10 trang giấy kẻ ngang (giấy khổ lỡ lỡ gần bằng A4) bài luận hoặc bài bình luận bằng tiếng Pháp. Hiện tại, với công việc mình đang làm, mỗi ngày mình xử lí rất nhiều thông tin bằng tiếng Pháp và viết khoảng 600 cho tới 1200 từ tiếng Pháp mỗi ngày. Nhưng bản thân mình cũng là một người khá thích việc viết lách, thích hơn so với những công việc khác như tính toán, vẽ vời, thậm chí còn thích viết hơn đọc sách hay xem phim. Hầu như dùng một sản phẩm nào đó xong, mình cũng thích được review, xem phim xong cũng vậy, đọc sách xong cũng thế. Nhu cầu chia sẻ của mình hầu hết đều biến thành việc viết. Giữa việc nhắn tin và gọi điện, mình thích nhắn tin hơn. Giữa việc ghi chép trên điện thoại và sổ tay, mình cũng thích ghi trực tiếp ra sổ bằng bút hơn.

Kể cả trong việc dạy tiếng Pháp, mình cũng tập trung vào việc dạy viết khá nhiều. Theo quan điểm của mình, viết là từ khoá cho việc tư duy. Tập viết với người Pháp, theo cách của Pháp và bằng tiếng Pháp chính là chìa khoá giúp mình tiếp cận nhanh và sâu với văn hoá Pháp như vậy. Nếu bạn hỏi vì sao mình ở Pháp 4 năm mà mình soạn được nhiều sách, biết được nhiều thứ như thế. Thậm chí, đến người Pháp, đôi lúc họ cũng tự hỏi mình có biết thật hay không, tại sao có thể nhớ và biết nhiều thứ về nước Pháp như vậy. Câu trả lời có lẽ là do mình viết tiếng Pháp nhiều.

Cách đây khoảng 6 năm, một lần, thầy giáo mình nói với mình một câu, sau khi đọc bài làm của mình : « Người Pháp không viết như thế ». Xuyên suốt 2 năm trên 4 năm ở Pháp (à năm 2 và năm 3 không phải năm nhất) mình rất áp lực với những bài thi vì sai lỗi ngữ pháp mà bị trừ 3 điểm, vì bị nhận xét là người Pháp không viết như thế. Mình bực bội, bản thân mình là người nước ngoài, làm sao mà được như người Pháp ? Ừ, vậy mà, bây giờ, khi sửa bài cho một số bạn, đặc biệt là những bạn ôn B2, C1 mình cũng bật ra câu : « Người Pháp không viết như thế ! ». À, lạ nhỉ ?

Đừng tự hài lòng với thành quả mình có

Trong 2 năm trở lại đây, tiếng Pháp của mình tốt lên rất nhiều. Thật kì lạ, năm 2012, mình thi đâu DALF C1. Học các lớp dự bị bằng tiếng Pháp với bằng loại xuất sắc. Tay ngang chuyển ngành nhưng cô giáo vẫn khen vì tiếng tốt và tiếp thu nhanh. Điểm học ở Pháp tuy thất thường nhưng cũng có lúc được lọt vào top đầu của lớp. Nhưng 2 năm gần đây, tiến Pháp của mình mới thực sự tốt. Mình đi dịch tiếng Pháp 4 ngày liên tiếp, mỗi ngày nói tiếng Pháp liên tục hơn 8 tiếng không biết mệt. Mình cũng bắt đầu pha trò được bằng tiếng Pháp và tám được đủ thứ trên trời từ chuyện ma quỷ, chuyện hủ tục ở Việt Nam, có thể nói chuyện chính trị với một đứa bạn Pháp một, hai tiếng đồng hồ liên tục… Từng chút chút một mà tiếng Pháp mình tốt lên. Và sự thật là ngoài công việc, còn chịu trách nhiệm với những kênh thông tin của VITIROUGE và BLOG này khiến tiếng Pháp đối với mình, có ngày nói và viết còn nhiều hơn tiếng Việt.

Nếu trước đây, mình cũng có lúc tự hào lắm, mình cũng nghĩ có C1 là vô tư rồi, được người khác khen giỏi tiếng Pháp cũng chủ quan. Nhưng áp lực chuyên môn từ công việc khiến mình phải trau dồi mỗi ngày một hơn. Và thực sự, bây giờ, mình vẫn nói sai, chia sai động từ thỉnh thoảng, nhớ nhầm từ, nhầm giống số, hay nhiều khi câu cú không ra, nói như cầm google translate dịch từng chữ. Tuy nhiên, mình không cay cú như lúc trước, nghĩ rằng người nước ngoài nói tiếng Pháp thì cần được ưu tiên châm chước hơn. Bây giờ, bản thân mình cho rằng, đã là người nước ngoài thì lại càng phải nghiêm túc và cố gắng cải thiện ngôn ngữ hơn, để thực sự hoà nhập được với người bản địa. Tốc độ nói và tốc độ suy nghĩ của mình cũng tốt dần lên.

Tương lai, mình vẫn đặt ra các mục tiêu mới, viết được tiếng Pháp như các nhà văn, nhà báo, dùng ngôn từ uyển chuyển và lĩnh hội được cách viết hơi có phần phá ngữ pháp truyền thống của người Pháp hiện nay, mà có thể không phải là sai ngữ pháp cơ bản mà là một bước chuyển hướng lên ngữ pháp siêu cao cấp.

Đặt mục tiêu cụ thể

Hôm trước vừa đọc lại bài các bước tiếp cận ngôn ngữ, thấy tác giả nhấn mạnh một điều là người Việt hay học mà không có định hướng, không có mục tiêu, hoặc giả có thì không cụ thể, xa vời và có phần viển vông. Chẳng hạn như học vì thấy thích, học để giao tiếp cơ bản, học để có B2 trong vòng 6 tháng, học để hoà nhập với cuộc sống Pháp.

Nhiều bạn có thời gian thì học cho biết, học cho vui. Nhưng nếu học cho biết, cho vui thì đừng vì một vài âm khó khăn mà bỏ, hoặc đừng vì động từ phức tạp quá mà không học chia. Nếu như thích văn học, điện ảnh Pháp thì bạn cứ tìm tài liệu bằng tiếng Việt mà đọc, tìm phim có phụ đề tiếng Anh, tiếng Việt mà xem. Việc thoả mãn sở thích đối với tiếng Pháp sẽ không nằm ở việc bạn đâm đầu vào học nghe, đâm đầu vào học nói rồi chẳng thấy văn chương, điện ảnh mà bạn muốn tìm ở đâu. Lí do vì sao mà nghệ thuật của Pháp khó tiếp cận, chính là vì ngôn ngữ Pháp quá phức tạp, đa tầng đa nghĩa và nặng nề về cấu trúc hơn tiếng Anh rất nhiều. Vậy thì, thực sự mà nói, bạn có thích tiếng Pháp không ?

Điều tiếp theo đó là áp dụng phương pháp một cách vô tội vạ. Nghe nói nghe nhạc Pháp nhiều là học tiếng Pháp được, coi nhiều phim, đọc nhiều truyện tranh, tải nhiều app từ vựng lên điện thoại. Nhưng vốn dĩ, với mỗi cách, các bạn lại đưa đến một hiệu quả và một định hướng khác nhau. Không thể bù lấp cho nhau được. Nếu học tiếng để đi du học thì thực sự phải nghiêm túc, phải đi đúng lộ trình để ôn được B2 hay thi được TCF. Các bạn cứ nghĩ mà xem, lời bài hát thì thường chỉ xoay quanh tình yêu đôi lứa. Lời bài hát thì không phải cứ tuồn tuột như khi giao tiếp hay nói năng hằng ngày. Rồi thơ, rồi gieo vần, rồi từ tắt, rồi ẩn dụ, ẩn nghĩa… Trong khi, bài viết A2 chẳng hạn, yêu cầu các bạn viết bài mô tả trường học. Bạn đâu dùng lời bài hát để chép vào được.

Có một đặc điểm nữa, nếu tiếng Anh học nghe qua bài hát khá là phù hợp thì tiếng Pháp lại không. Lời bài hát trong tiếng Anh thường thẳng đuột, nói câu gì ra là thành lời hát câu đó. Đa phần. Còn bài hát tiếng Pháp thì không, tính thơ và tính hình tượng nhiều lắm. Lời bài hát là văn viết, nó sẽ khác nhiều so với văn nói.

May ra, việc học bài hát sẽ giúp các bạn nhớ được một vài chỗ phát âm khó, hoặc nhớ được một vài từ lạ. Nếu bài hát đó bạn quá thích, cứ nghe đi nghe lại cả ngày, rồi nếu lên mạng tìm thêm lời để hát theo, chắc hẳn là các bạn sẽ kiếm được cho mình chút đỉnh.

Nếu có ý định đi du học, tiếng Pháp trước tiên là công cụ tiếp cận, sau sẽ là chìa khoá để các bạn nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn nhờ tiếp cận được với các tài liệu hiện đại của Pháp. Do vậy, khi học, hãy định hướng thật rõ, thật tập trung, chỉ tập trung vào những gì cần thiết, còn đừng lan man chỗ này chỗ kia để thay thế cho việc học chuyên môn bằng tiếng Pháp. Như thế thì các bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều.

Luyện tập thường xuyên, không quan ngại những ý kiến cười chê xung quanh!

Điều không may nhất giữa chúng ta và những người say mê ngôn ngữ là họ có thể trải qua hàng giờ đồng hồ mỗi ngày chỉ để nghe, để nói hoặc để lặp đi lặp lại một thứ gì đó mà có vẻ là thật vô nghĩa, thật buồn cười nhưng bản thân họ không thấy chán. Còn chúng ta thì chỉ cần nói 2, 3 câu là đã thấy chán ngay. Mỗi lần mình thấy các bạn Tây « cam ơn, cưm ơn, cảm ơn » là mình lại thấy buồn cười. Nhưng cứ lặp đi lặp lại như thế trước hết là mới nhớ được chứ !

Trước đây, mỗi lần nghe một bài nghe có vài từ lạ, mà nghe mãi không ra mình cũng bực lắm chứ. Vậy là tìm trên script được từ đó rồi thì cứ bật từ điển larousse (hoặc các loại từ điển có phát âm) để nghe đi nghe lại trên tai nghe cùi. Sau này thì tiện lắm, chỉ cần bật google translate cho dịch tiếng Pháp sang tiếng nào đó (Anh/ Việt) bất kể. Viết từ cần được phát âm lên rồi bấm vào loa để nghe.

Giai đoạn mình còn đi dịch phụ đề mà không có bản gốc tiếng Pháp phải nghe rồi dịch. Có những từ bấm replay hàng chục lần vẫn không ra. Rồi bấm lại nguyên cả câu mãi mới dựa vào ký âm, rồi thử google vài lần mới đoán ra được. Những từ mà nghe hoài không ra rồi cuối cùng mới đoán được về sau thì chẳng thể nào sai được. Hai cách trên mình đều từng áp dụng rất nhiều lần và nó có hiệu quả từ từ. Nhờ nghe càng ngày càng nhiều thì mình sẽ quen thuộc với tiếng Pháp hơn.

Thời gian đầu ở Pháp, có những môn mình còn chẳng thể nghe nổi thầy nói gì. Hoặc là nghe được 30, 40% thôi. Nhưng mình cố hết sức có thể, không mượn bài của bạn để chép, mà để bản thân nghe nhiều cho quen. Môn nào được thì thầy tự thu âm cho, môn nào dễ hơn chút thì cô giáo cho ghi âm sau khi xin phép. Còn nếu không thì chép được bao nhiêu thì chép, sau đó lên thư viện tìm sách lắp lại những ý bị hổng. Hoặc tìm thêm các Cours CM trên mạng (trang amphi.com). May mắn nữa thì cuối kì được bạn bè chia sẻ bài ghi cho. Trên thực tế, đến năm 4 là mình chép được 80% không dám nói là đến 90% nội dung của thầy. Tự học được và không còn phụ thuộc bạn bè. Thậm chí còn ghi chép tốt hơn một số bạn Pháp (do kém tập trung, đánh máy chậm, hoặc ghi chậm). Mình có thể học môn thuế và môn luật lao động bằng cách đánh máy liên tục mấy tiếng liền mà không sợ cuối kì phải học như thế nào, phải bù phần hổng ở đâu, chỗ nào không hiểu thì sao.

Nói chung, tất cả mọi sự cố gắng bền bỉ đều sẽ đem lại thành quả tốt. Nhưng không thể chỉ cố gắng vài ngày, vài tuần. Đôi khi, kết quả chỉ đến sau nhiều tháng trường kì hoặc là vài năm bền bỉ.

Lời kết

Tóm lại, như bài viết trước (Năm chuột, cố gắng từng tí một) mình cũng có nhắc tới một video TED talk thì lần này, mình cũng lặp lại nội dung đó, để rút ra cho các bạn chìa khoá vạn năng của việc học bất kì ngoại ngữ nào : niềm vui – phương pháp – hệ thống và kiên trì.

Hãy tự tìm niềm vui nhưng nho nhỏ thôi, từ mấy mẩu chuyện hài mà bạn có thể hiểu được. Hay những trò vui mà bạn có thể nghĩ ra được khi học tiếng, chẳng hạn vocabulaire – võ cá bự lại rẻ, ôm tôi vô đi cô – xê tôi ra đi ông (nghe cũng có vẻ Pháp Pháp nhỉ). Toi với moi cùng đi tàu lửa… Hay những niềm vui thiên về tinh thần nhiều hơn, niềm vui lãng mạn hơn… tuỳ ở các bạn. Bản thân ngôn ngữ nó có sẵn niềm vui, nhưng nó không phơi bày ra. Đồng thời, cũng do cách nhìn của chúng ta mà niềm vui có thể là A hoặc cũng có thể là B hay là C, D gì đó.

Phương pháp sẽ bao gồm từ Nghe – Nói – Đọc – Viết. Để hiểu được phương pháp – biết cách áp dụng từng bước và áp dụng được nhuần nhuyễn phương pháp là cả một quá trình dài. Trước, mình cũng đọc sách về SYNTHÈSE nhưng không áp dụng được mấy. Thời đi học, học đủ phương pháp nào là analyse, dissertation, commentaire mà thậm chí, sau hai năm, ba năm… máu vẫn chưa ngấm được, đi thi vẫn sai lên sai xuống. Có lúc thật là hoang mang. Còn bây giờ, dù mình đã vận dụng hết kinh nghiệm để chia sẻ phương pháp cho các bạn, thì tất cả cũng đều phải phụ thuộc vào thời gian, xem bạn sẽ tiếp thu và hấp thụ được trong bao lâu. Mới đây, một bạn chia sẻ với mình rằng, điểm viết của bạn ấy được 20,5 dù trong một tháng học qua mail thì có vẻ khá bất lực, chỉ dừng đâu đó ở ngưỡng 9-12. Ai là người nỗ lực hơn thì người đó sẽ giành được thành quả tốt. Đó là điều chắc chắn.

Chút ta đã dành nhiều thời gian trong bài viết này để nói về sự kiên trì rồi. Đó thực sự là chìa khoá rất quan trọng. Các bạn hãy cố gắng thử sức trong năm nay và nếu thành công, thì hãy chia sẻ lại cho mình biết với nhé.

Leave a Reply