de-viet-delf-b2

Phân tích đề viết Delf B2, áp dụng cho cả đề B1

Một câu chuyện dài của những người miệt mài viết mà không hiểu vì sao thầy cứ trừ điểm hoài, chúng bạn đậu Delf hết cả rồi còn số mình thì cứ đen;

Ui, làm sao mà bạn nghĩ là bạn Đen, bạn nghĩ là giám khảo người ta bất công được với một chồng giấy trước mặt sao? Nếu không tin là bạn chưa đủ kĩ năng thì có thể làm một bài test viết tiếng Pháp và gửi về cho Vitirouge để kiểm tra (các bạn click vào link để xem đề, địa chỉ gửi mail bài test bằng file word hoặc bằng viết tay là email: hocdithoi2017@gmail.com)

Phân tích, bước chuẩn bị không thể thiếu khi làm bài viết DELF B2

Nhiều bạn khi bắt đầu học lên Delf B1, với bài viết trình bày quan điểm và sau này lên Delf B2 với bài viết dạng nghị luận, tương tự, các bạn làm bài thi TCF nhưng không qua nổi phần viết của bài 3 thì hoang mang. Vì sao? Làm sao để hiểu đúng và làm đúng những dạng đề này?

Thường thì sai lầm là từ các quan niệm học văn ở trường Phổ thông: viết càng dài càng hay, viết không cần nháp – nghĩ gì viết nấy, viết theo kiểu nhờ văn mẫu – đọc bài trên mạng, xem báo cùng chủ đề, đọc được ai đó chỉ mẹo viết hay là cứ thế đưa vào bài viết và nghĩ rằng như vậy là ổn?

Tuy nhiên, các bạn sai rồi! Đối với tiếng Việt thì các bạn có khả năng phối trộn để làm sao câu văn của mình nó đều đều như nhau, nếu chèn văn mẫu vào cũng biết cách chỉnh sửa làm sao để khó nhìn ra, hoặc chủ yếu là lấy ý, lấy một vài ngôn từ cho sành điệu hoa mĩ. Vậy các bạn có đủ khả năng để làm điều tương tự với tiếng Pháp không? Xin thưa là không!

Tất cả những bài viết lắp ghép như thế này chỉ cần lướt qua 5s là giám khảo đã biết chỗ nào bạn viết, chỗ nào bạn chép của người ta. Vì sao thần kì vậy, có 5s mà bị lộ hàng rồi? À, thì ngữ pháp bạn không chắc, từ vựng bạn dùng méo mó, tổ chức câu và ý rời rạc, giờ đi lấy văn mẫu đắp vào có khác gì áo thun 50k ngoài chợ đem đính kim cương lên? Không sang được! Chắc chắn là không sang được!

Các bạn có thể xem lại những lỗi hay gặp trong bài thi viết Delf và TCF

Phân tích đề bài viết tương tự với việc đọc hiểu sâu một bài đọc. Mỗi câu, mỗi từ đưa vào đề bài viết đều quan trọng, kể cả những con số hay là từ nối. Thường thì các bạn hay mắc phải một lỗi quan trọng là dịch đề ra, không suy nghĩ gì và cứ cắm cúi làm. Cứ viết những gì mình biết ở Việt Nam, đang xảy ra hiện tại, thực ra thì cũng mập mờ không rõ ràng gì cả… mà quên rằng đề người ta hỏi trên thế giới, đang hỏi chuyện ở Pháp.

Một vài mẫu ví dụ ngây thơ về bài viết Delf A2, Delf B1

Sujet: Votre famille de 4 personnes (parents, soeur et vous) va fêter le 50e anniversaire de papa. Racontez ce que vous tous avez préparé.

-> À đề yêu cầu là gia đình 4 người, nhưng mình quên đọc mất tiêu: mình viết chuyện của nhà mình, bố mình 40 tuổi, mình có một anh trai, nhà mình mới mừng sinh nhật bố vào tháng vừa rồi.

->Ah bon? Hãy đọc kĩ đề, sinh nhật bố còn chưa tổ chức, nhà bạn có 4 người trong đó có bạn và một chị/em gái và gia đình bạn (mọi người) chỉ mới xong khâu chuẩn bị mà thôi!

Sujet: On dit qu’il y a de plus en plus les adultes dans votre pays qui, après quelques années de travail décident de faire des études à l’étranger. Qu’en pensez vous?

-> Ah, đề này quen nè. Lần trước đi học cô cho làm rồi, đi du học nước ngoài.

-> Ah bon, đề này và đề chúng ta phân tích ở dưới khác nhau nhiều lắm nha. Việt Nam không phải là nước duy nhất có đề thi DELF, đề này ở Campuchia người ta sẽ viết về thực tế ở Campuchia, ở Pháp người ta sẽ đi du học kiểu Pháp, còn ở Việt Nam người ta sẽ có xu hướng chọn nước nào nếu đi du học sau khi đi làm? Một câu hỏi cần một chút khoanh vùng địa lí chứ không phải là cứ combo đồng ý và lợi ích khi đi du học là giải quyết xong.

Vậy phân tích đề bài là gì? Các bước để phân tích đề giúp bài viết không bị lạc đề, không bị đi sai hướng, không bị bổn cũ soạn lại mỗi tội sai hoàn cảnh như thế nào? Khi đọc đề bài, chúng ta cần xem hết tất cả một cách chi tiết, đầy đủ các thông tin và tìm cách phân tích các thông tin đó ra để khai thác tốt nhất thông tin trong đề bài cho chính bài viết của mình.

Những lỗi hay gặp khi đọc đề bài viết

  • Khi một chi tiết trong đề bài đập vào mắt thì tập trung vào yếu tố đó, đồng thời quên mất các yếu tố khác.
  • Không xem xét vấn đề trên tổng thể, kết hợp tất cả các ràng buộc của đề bài.
  • Bỏ quên các yêu cầu của đề bài.
  • Không để ý thì của động từ, chỉ tập trung vào nghĩa của động từ, dẫn đến không nắm được đâu mới là yêu cầu ngữ pháp chính (chia động từ) trong bài viết.
  • Không phân biệt được kể và tả (khi viết) và khi nào là đề tả, khi nào là đề kể
  • Không xác định được người nhận thư là ai, hoặc xác định bị thiếu sót những yếu tố cụ thể, cần thiết (ví dụ, đề bài yêu cầu viết thư cho một người bạn nước ngoài lại viết cho một người bạn  Việt Nam)
  • Không để ý vào số lượng từ quy định, không có kế hoạch phân chia mở bài – thân bài kết luận sao cho hợp lí.
  • Không để ý thể loại cần viết

Một bài mẫu giúp các bạn biết phân tích đề bài

Đây là một ví dụ minh hoạ, một lần nữa, lại không phải là một bài văn mẫu tham khảo hay một cái khung cho bạn cứ đụng bài nào là bê y chang cái khung này vào. Đây là một phần phân tích mình làm trong 5 phút nhưng nếu giảng tường tận cho các bạn cách làm và thử thực hành lần đầu tiên thì có thể các bạn cũng mất từ 30 phút cho tới 1 tiếng. Mình cũng từng giải thích cách phân tích đề bài cho nhiều bạn học sinh, sinh viên nhưng không đồng nghĩa với việc ai cũng biết cách áp dụng. Nên khuyến cáo: chú chim sẻ vàng này không phải ai cũng nuôi được.

Vậy đó, dù là thiên hạ người ta làm rất dễ, chưa chắc lại dễ với mình.

(Một người không áp dụng được phương pháp cho hay)

Sujet : On dit que de plus en plus de jeunes ont tendance à faire des études à l’étranger. Qu’en pensez-vous ? (250 mots)

Mot-clé/ từ khoá:

-de plus en plus: càng ngày càng nhiều => xu hướng này đang tăng lên => augmenter

-tendance: xu hướng

=> đang tăng trưởng mạnh và gây ra sự quan tâm lớn trong cộng đồng giới trẻ, trên thực tế có nhiều cái tăng trưởng nhưng nó không tạo thành xu hướng => progression

=> xu hướng là cái mà nhiều người muốn bắt chước theo => imiter

-faire des études à l’étranger: đi du học

=> à l’étranger: mình là người viết, mình là người Việt Nam vậy nước ngoài của mình là những nước nào? (thực tế, là giới trẻ VN hay quan tâm đi du học ở Mỹ, Anh, Châu Âu, Úc, Nhật, Hàn, Singapore)

=> études: học ở trình độ nào? Đại học, sau Đại học (Master / Doctorat) còn đi du học từ cấp 3, cấp 2 thì không phổ biến lắm => như vậy mình có thể giới hạn được một độ tuổi chủ yếu là đối tượng của vấn đề nêu ra trong đề bài

-jeunes: dựa vào phân tích của faire des études à l’étranger

=> thì mình suy ra được độ tuổi hợp lí sẽ là 18 (bắt đầu đại học)

=> đến 26 tuổi (phổ biến, học xong master) hoặc đến 28/30 tuổi cho doctorat

L’exactitude de l’information:

Source (on dit que) => người ta nói rằng => một thông tin hơi chung chung, không phải tin chính thống, không phải tin tức khoa học hoặc được kiểm chứng qua nghiên cứu thống kê => một nhận xét khi nói chuyện hằng ngày

  • Về mặt nội dung: Như vậy, khi mình đưa ý kiến phân tích với một vấn đề kiểu nói chuyện thời sự ở quán cà phê như thế này thì mình không cần phải đi quá sâu, quá tỉ mỉ, không cần phải trích dẫn quá nhiều số liệu, thống kê, nghiên cứu khoa học)
  • Về mặt hình thức: Từ vựng – Văn phong, bình dị, đơn giản, không cần quá màu mè, không cần kiểu viết trang trọng, hàn lâm.

AUTEUR/ qui parle dans cette rédaction : ai là người cho ý kiến trong bài viết này?

  • Qu’en pensez vous? Bạn nghĩ gì về điều này?
  • Mình là người viết, mình bao nhiêu tuổi, mình có thuộc nhóm jeune này hay không, mình có quan tâm tới du học không?
  • Mình là người trẻ, mình là người Việt Nam, ý kiến của mình chắc chắn sẽ khác với nhận định của bố mẹ (parent) hoặc thầy cô (enseignant) hoặc những người trưởng thành (Adulte) hay trẻ con (enfant)
  • Ý kiến trong bài viết là chủ quan / chứ không phải ý kiến khách quan (của số đông, của xã hội, của nhiều người) hay ý kiến của một người thứ ba (quan sát viên – observateur/ trung gian – intermédiaire…)

Structure/ cấu trúc – cách phân chia:

Bài viết cho tối đa là 250 từ

Bố cục của bài viết sẽ là mở bài thân bài kết bài

Độ dài trung bình của 1 câu thường tầm khoảng 10 từ/ câu

Mở bài và kết bài thì không thể quá ngắn, tủn mủn. Cũng không thể làm mở bài cầu kì rồi thân bài không có gì kiểu đầu voi đuôi chuột.

Sau khi cân nhắc số lượng câu xong, mình sẽ định hướng xem là viết như thế nào cho hợp lí.

Grammaire / yêu cầu về ngữ pháp

On dit que: động từ dire ở hiện tại => Như vậy ý kiến của mình cho vấn đề này có thể trình bày ở hiện tại

Tendance : xu hướng => tức là không phải chỉ vấn đề ở lúc đang nói, thời điểm hiện tại mà còn có thể kéo dài trong tương lai gần, tương lai xa (5-10 năm gì đó), như vậy bài viết sẽ còn mang tính dự đoán, có liên quan tới tương lai.

Cuối cùng, cần tránh những lỗi về mặt nội dung mà các bạn hay mắc phải trong bài viết DELF, TCF. Người ta nói thất bại là mẹ thành công, học để biết sai lầm mà tránh!

Chỉ mới phân tích đề thì cũng chưa được điểm nào trong bài viết cả, nếu các bạn muốn cải thiện điểm viết DELF và TCF thì có thể tham gia khoá học viết qua mail hoặc học online, liên lạc với mình qua zalo 0947229921

Leave a Reply