hoa-hong-versailles

Chiếc vòng cổ biến mất, còn vương hậu thì sao?

Đây là một bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn tin và phim tài liệu về nữ hoàng của những thị phi: MARIE ANTOINETTE, nguồn cảm hứng của những bộ truyện tranh nổi tiếng như Hoa hồng Versailles, người đưa những món bánh ngọt và thời trang lan tỏa trong lòng nước Pháp lẫn thế giới về sau.

Bà ấy không phải là một phụ nữ Pháp, nhưng từ lúc mười bốn tuổi đã bước vào triều chính Pháp với sứ mệnh trở thành một công dân Pháp quốc, để được dân chúng mến thương. Marie Antoinette, công chúa xinh đẹp của nước Áo, từ đây đã lan toả hương sắc thời trang cao cấp, thú vui nhạc kịch, nghệ thuật làm vườn tao nhã và thói quen thưởng thức bánh mì thành Viên cho nước Pháp về sau.

Vương hậu cuối cùng của nước Pháp. Người ta biết gì về bà? Bà là nỗi căm hận của tầng lớp nhân dân nghèo, bà là kẻ mặc sức tiêu pha mặc cho thâm hụt ngân khố quốc gia và nhắm mắt làm ngơ trước sự đói khổ của nhân dân. Bà là một bà hoàng ăn chơi sa đọa, dính hết tinh đồn tình ái này tới tin đồn tình ái khác, đàn ông và cả đàn bà. Và cuối cùng, đã bị Tòa án Cách mạng xử trảm vì tội phản bội Tổ quốc. Bà chết khi mới 37 tuổi, tóc bạc trắng hết chỉ sau một đêm.

Dẫu cho cuộc đời bà có nhiều điều bàn cãi, là nỗi căm hận của phụ nữ Paris thời đó, nhưng không thể phủ nhận một điều rằng, bà đã để lại cho Paris những di sản. Những di sản đó chưa bao giờ được gắn kết ngược trở lại với nước Áo quê hương bà, nhưng dường như tất cả, đều chỉ dành cho Paris mà thôi. Như là thời trang, như là những khu vườn thơ mộng, như là chiếc bánh sừng bò thơm thơm mỗi sáng. 

Bánh mì Vienne tới Paris và quán cà-phê mà khách du lịch nghĩ rằng mình phải tới 1 lần trong đời.

Ngày nay, khi đặt chân tới nước Pháp, ta vẫn thấy đâu đó một tiệm bánh mì thành Viên. Thực ra, những tiệm bánh mì Viên ra đời ở trên đất Pháp muộn hơn, vào khoảng năm 1837 đến 1839. Nói về bánh mì Viên, ta biết đó là một loại bánh mì thượng hạng, tinh tế, làm từ bột ngàn lớp, béo và hơi ngọt. Những tiệm bánh mì Viên, trên thực tế cũng đã trở thành một phần không thể thiếu của nước Pháp, xuất hiện ở khắp các thị thành. Mà trong số các loại bánh từ Viên đó, có một loại đã thành đặc trưng riêng của văn hóa ẩm thực Pháp, đó chính là croissant. 

Nhưng chiếc bánh sừng bò này đã theo chiếc giỏ mây của nàng công chúa xinh đẹp Marie Antoinette, đặt chân tới nước Pháp từ rất lâu trước đó. Chiếc bánh có dạng như lưỡi liềm, biểu tượng của đế chế Ottoman, được người Áo làm ra để tôn vinh chiến thắng trước đế chế Hồi giáo. Trên thực tế, theo các nhà sử học, hoàng hậu Marie Antoinette không phải là một người phàm ăn tục uống, mà không tham lam quá nhiều đồ ngọt, bữa sáng ưa thích của bà là một tách chocolat hay cà-phê nóng, kèm theo đó là miếng croissant thơm lừng.  

Marie Antoinette từ nhỏ đã là một cô gái xinh đẹp, có giai thoại kể lại rằng, sau khi chơi đàn ở Hoàng cung nước Áo, Mozart đã xin với hoàng hậu được cưới công chúa Marie Antoinette. Câu chuyện vui để chứng tỏ, ngay từ tấm bé, cô công chúa út của Hoàng gia Áo vốn đã xinh đẹp cuốn hút. Gánh vác sứ mệnh nối lại một liên minh chính trị giữa Áo và Pháp, Marie Antoinette trở thành vợ của Thế tử và sau này là hoàng hậu của vua Louis XVI. 

Tuy nhiên, vừa vô tình vừa hữu ý, cuộc đời của nàng công chúa yêu thích tự do bay nhảy, giờ đây là những chuỗi ngày đầy những bi hài kịch. Do có thành kiến với người Áo, vua Louis XVI đã loại bỏ hết phe phái thân Áo trong triều đình, không bàn bạc chuyện triều chính với hoàng hậu. Suốt bảy năm trời, một quan hệ lạnh nhạt giữa hai vợ chồng làm nguồn cơn cho những tin đồn không hay, mà thực chất nguyên nhân chính là do vua Louis XVI. Buồn chán, bí bách, bị cô lập, vương hậu trẻ tuổi dần tìm cách trốn tránh bằng những chuyến đi chơi ngoài cung, mua sắm trang phục, trang sức đắt tiền và tìm đến những thú vui khác cho cận thần mối lới. Cho đến nay, người ta vẫn không đồng nhất quan điểm về Vương hậu cuối cùng của Triều đình Pháp. Một số sử gia cho rằng, bà là người không chung thủy, qua lại với Bá tước người Fersen người Thụy Điển và cho rằng Bá tước mới là cha của hai người con út của Vương hậu. Nhưng số khác lại bênh vực bà ở một số điểm, rằng có thể, mối quan hệ trên chỉ diễn ra trên thư từ và họ dành sự thương cảm cho hoàng hậu. 

Chính vì sự điệu đà và cơn nghiện thời trang bất chấp nguồn Tài chính của vương triều, Vương hậu dần trở thành cái gai trong mắt dân chúng. Ngoài ra, phe chống đối cũng luôn lợi dụng mọi cơ hội để bôi nhọ thanh danh của Vương hậu. Nổi tiếng nhất chính là vụ án Chiếc vòng cổ kim cương, một người phụ nữ đã đóng giả một người thân cận của hoàng hậu để mưu toan cướp đoạt một chuỗi kim cương đắt giá. Dù sau đó đã có phân xử trắng đen, nhưng việc vua Louis XVI xử phạt những kẻ chủ mưu quá nhẹ nhàng khiến nhiều người vẫn nhất mực nghi ngờ Vương hậu. `

Hình ảnh trong viên trang trồng hồng của mình làm cho Vương Hậu trở nên dễ chịu hơn trong mắt người đời về sau.

Nếu Marie Antoinette có may mắn đặt chân tới nước Pháp vào một thời kì hưng thịnh hơn, nhận được sự bảo trợ và tin cẩn nơi người chồng của mình từ ban đầu thì có lẽ, bà vẫn là một vị hoàng hậu được cả đất nước Pháp yêu quý. Những việc bà làm, nếu nhìn lại một cách tổng quát, vẫn có những hệ quả tích cực cho nền văn hóa Pháp ngày nay. Nhưng tất cả những việc làm đó không hợp thời. Bà bắt đầu tiêu xài vô độ cho những bộ tóc cao ngổng, những đôi giày thêu lộng lẫy và những bộ váy diêm dúa khi mà ngân khố Quốc gia ngày càng eo hẹp. Mọi cố gắng của Marie Antoinette đều gần như quá muộn màng, hoặc vì bà đã hoàn toàn là một cái gai trong mắt người dân Pháp, kể cả hàng quý tộc Pháp. Khi Marie Antoinette cố gắng sửa đổi mình, bằng hình ảnh một hoàng hậu bình dân. Bà ăn vận đơn giản hơn, xa lánh Vương triều và xây dựng thôn trang như một cách trở về tuổi thơ nơi quê nhà, người ta cũng không ngớt lời gièm pha, cho rằng trang phục quê kệch như đồ của hầu gái, và thú vui điền viên của Vương hậu thật là kệch cỡm trong khi nhân dân không có bánh mì, không có sữa để ăn uống hằng ngày. 

marie-antoinette-versailles
Bức tranh chân dung đã được biến tấu ngộ nghĩnh.

Ngày Paris bùng nổ Cách mạng, phụ nữ từ tầng lớp thấp xông vào điện Versailles đòi lấy mạng Hoàng hậu nước Pháp. Người ta gọi Vương hậu bằng cái tên khinh bỉ là Autruchienne (thay vì Autrichienne – cô gái người Áo), autruche là con đà điểu và chienne là con chó cái. Sau đó, cả gia đình vua Louis XVI đào tẩu. Nhưng cuộc đào tẩu không thành. Vua Louis bị chém đầu. Hoàng hậu Marie Antoinette được bắt giam ở Conciergerie để điều tra về tội phản quốc. 

Ngày nay, khi đến thăm nhà thờ Đức Bà, sau đó đi qua phía bên kia sông, bạn sẽ có cơ hội được thăm di tích Đài Canh gác Conciergerie nơi đã giam giữ hoàng hậu Marie Antoinette những ngày cuối đời bà. Sau khi xem những thước phim tài liệu và đọc kĩ hơn về cuộc đời của bà, việc nhớ lại những khung cảnh trong Nhà ngục làm tôi hơi rùng mình. Ở đó, người ta để một bức tượng minh họa Vương hậu đang ngồi cúi mặt, có lính canh. Bạn có thể bước qua phía bên kia cánh cửa phòng giam, nhìn qua lỗ khóa và thấy bóng tượng phản chiếu lại hệt như người thật đang ngồi cầu nguyện tại chiếc bàn nhỏ đó. Không khí bên trong Đài Canh gác thật u ám, những gọng sắt lỉa chỉa đề phòng tử tội bỏ trốn. Phía ngoài sân, lác đác vài bóng cây. 

Hoặc là Marie Antoinette quá giảo huyệt lừa được sự thương cảm của bao nhiêu thế hệ. Hoặc là Chúa Trời không che chở cho bà trong cảnh oan ức. Trong phiên điều trần cuối cùng, người ta không tìm được một bằng chứng nào đủ sức thuyết phục, lời lẽ của bà hoàn toàn không để lộ một chút sơ hở. Nhưng các viên điều tra liên tục đâm bơm những lời đồn và gán ghép tội vạ cho Vương hậu, chẳng hạn như bà tiếp tay cho Triều đình Áo, bà chuyển của cải về cho Vương triều Áo. Người ta khép bà vào tội phản quốc khi cầu cạnh anh mình trong lúc nguy cấp, gán thêm cho bà tội loạn luân với con trai. Ngày xử trảm, Marie Antoinette bị diễu đi khắp phố, lưỡi chém hạ xuống, thân xác tan tành. 

Cuộc đời của đoá hồng nước Áo ở cung điện Versailles đủ cung bậc thăng giáng, đủ cả thị phi lẫn nỗi niềm. Ngày nay, người ta vẫn lên án bà, về tính tiêu hoang hay sự thờ ơ với thời cuộc, với những mảnh đời nghèo trong xã hội Pháp thời bấy giờ. Nhưng sau những chỉ trích rạch ròi đó, vẫn còn nhiều vấn đề gây tranh cãi về cuộc đời Marie Antoinette mà các sử gia vẫn chưa hoàn toàn xác minh được. Cuộc đời nàng hậu cuối cùng của nước Pháp, từ thuở tại vị đã được thêu dệt bởi quá nhiều tin đồn và nghị kị, bởi một cái nhìn phiến diện từ những người có định kiến với nước Áo. Có đay nghiến quá chăng khi lấy câu nói: “Nếu họ không có bánh mì để ăn, hãy cho họ ăn bánh ngọt” để đánh giá nhân phẩm của hoàng hậu Marie Antoinette? Khi mà, chẳng có một bằng chứng nào đủ thuyết phục để cho chúng ta tin rằng vương hậu thực sự đã nói câu nói đó. 

Paris là nơi chúng ta có thể tìm lại được dấu vết của rất nhiều cuộc đời, mà một trong số đó là nàng Marie Antoinette. Rảo bước ở Versailles, ta thấy những ngày tháng huy hoàng của nàng công chúa đến từ nước Áo, thấy một phần đời xa hoa mà vương hậu Marie Antoinette đã sống. Đi qua Thôn trang của Hoàng hậu cạnh Versailles, ta lại thấy một góc khác của người phụ nữ xinh đẹp đó, cũng là một ước mơ giản đơn như bao cô thôn nữ khác, xa lánh chốn cung vương phức tạp để trở về tuổi thơ, sống những ngày yên an bên vườn cây ao cá. Cuối cùng, trở lại trung tâm Paris, băng qua sông Seine để đi về hướng Conciergerie, ta thấy ngày tàn của một đời người, ánh đèn của buổi khiêu vũ lịm tắt, ngày tháng an nhiên cũng chẳng còn, phủ quanh Conciergerie là sự cô tịch u ám, của ngục tù và tra tấn ám ảnh. Cái chết của vương hậu như một lời nhắc nhở: “Mọi sự trong đời, vốn chỉ là phù du, phận người ở đời, mong manh như gió thoảng, một chốc rồi lại trở về tro bụi… điêu tàn.”

Leave a Reply