sach-ve-du-hoc-nuoc-phap

Nuôi giấc mơ du học qua những cuốn sách, tại sao không?

Cảm thấy thật may mắn vì mình được tiếp xúc với sách vở khá sớm. Lúc nhỏ, từ khi mới bì bõm đọc được chút chút, ông cho mình một cuốn Truyện ngụ ngôn La Fontaine cổ, có bìa cứng, khổ nhỏ, úa màu nhưng hình ảnh minh họa vô cùng sinh động. Nhưng xui thay, mình bị một đứa bạn ăn trộm mất cuốn sách đó mà khóc quá trời.

Không hiểu sao cái chuyện ăn trộm ăn cắp từ cuốn sách, từ cây thước màu xinh xinh những thứ phụ kiện abcd đó nó cứ nhan nhản suốt mấy năm đi học mẫu giáo, cấp một. Lên cấp hai, cấp ba thì đến chuyện mất tiền, mất máy tính bỏ túi xịn v.v…

Trong blog lần này mình sẽ liệt kê những cuốn về nước Pháp mình đã đọc theo thời gian, hầu như sách cũng vừa tầm, mỏng, gọn, nội dung đời thường dễ đọc, kết hợp với xem phim, vlog nữa là các bạn sẽ sành Pháp trước cả khi lên máy bay đấy! Link mua sách ở phần in đậm, gạch chân chữ xanh trong đoạn review từng cuốn để các bạn dễ dàng cân nhắc lại nội dung trước khi đặt mua. Hi vọng các bạn tìm được một vài gợi ý phù hợp. Và nếu mua sách trên tiki thì các bạn nên chọn sách cho vào giỏ sẵn rồi qua app shopback mở link bất kì dẫn về tiki để được hoàn tiền, sách và văn phòng phẩm mình thấy được hoàn khoảng 10% mỗi sản phẩm.

Có một cuốn Ngụ ngôn La Fontaine song ngữ Pháp – Việt nếu bạn nào thích thể loại đơn giản, dễ đọc dễ nhớ. Mình không nói ngụ ngôn La Fontaine hay, hình như nó quá cũ với Gen Z để có thể gọi là hay rồi nhưng với mình, nó là kiểu thuộc lòng như ăn cơm không cần khen ngon.

Cuốn sách đầu tiên cho mình cảm giác được sống với trải nghiệm du học chính là Oxford yêu thương

Cuốn sách này mình đọc từ khi mới được phát hành vài tháng. Mình đọc say sưa, đến bây giờ đã là chuyện của hơn 10 năm về trước. Trước khi đi du học tận 2,3 năm. Nên cái thời Đại học mình chắc mẩm lắm, mình có học đại học ở Việt Nam và mình luôn tin một điều rằng 4 năm học sẽ không kết thúc trọn vẹn mà giữa chừng mình sẽ đi du học, sẽ có học bổng.

Thời đó thì còn học bổng du học Pháp cho bậc Đại học, còn bây giờ thì ngoài hệ liên kết của Đại học Ngoại thương – Thương mại, hệ kỹ thuật như bên Bách khoa và ngành y (học bổng nội trú) ra thì các bạn nữ khá là khó kiếm học bổng du học cho đại học Pháp.

Nội dung của truyện thì mình không còn nhớ rõ. Sau mình cũng đọc thêm vài cuốn của Dương Thụy nhưng chẳng còn thấy hay như “Nhắm mắt thấy Paris”, nội dung kể về chuyện tình Việt-Pháp của một cô gái Việt Nam sang Paris sống và bắt đầu công việc mới. Có thể, vì mình không có ý định sống và làm việc ở Pháp bao giờ nên cuốn sách này không vào danh sách yêu thích. Còn bạn nào hướng tới việc đinh cư và sống lâu dài ở Pháp có khi lại thấy hay, hoặc tìm được những chia sẻ tương đồng trong chuyện tình yêu này.

Có thể vì vậy nên mình thích cốt truyện của Oxford thương yêu hơn. Với “Nhắm mắt thấy Paris”, mình thấy nó bị lặp vào những khuôn mẫu văn chương mà nhiều nhà văn phương Tây đã khai thác trước đó mà lại thành công hơn các tác giả Việt rất nhiều. Còn Oxford thương yêu nó đúng là tiếng lòng, chuyện yêu, chuyện đời của du học sinh, với những ngày mùa đông mà mình nghĩ, nhờ trải nghiệm tưởng tượng từ cuốn sách, đến bây giờ vẫn là cái gì đó khá tuyệt diệu khi mình bất giác uống một li trà nóng và nghĩ tới.

Những chuyến đi cần tìm được nguồn khơi múc cảm hứng!

Mình vốn không có một tâm hồn quá ư dịch chuyển, yêu thích khám phá và du lịch.

Thực sự, trước khi đi du học, điều mình quan tâm nhất cũng chỉ có trường và việc học. Tới Pháp, mình còn khá ngu ngơ chuyện đi lại, giấy tờ, hàng đống thủ tục và bài vở ngờm ngợp ở trường chứ lấy đâu ra ý tưởng là phải đi nơi này nơi kia. Thời mình đi du học, cũng hiếm đầu sách bút ký, mình nhớ là phải sau 2, 3 năm khi mình đi du học thì mới bắt đầu tiếp cận được với một vài đầu sách và phong trào du ký mới thực sự rộ lên ở trên diễn đàn, mạng xã hội Việt Nam. Thời đó, sáng chủ nhật mình với bạn cùng nhà canh để coi chung vlog của Jvevermind. Hay lâu lâu, để cảm giác còn được gần hơn với đất miền Nam, với giọng miền Nam đáng yêu thì mình xem cả Chuyện 2h sáng. Còn lại thì không xem phim Hàn và Running Man thì cũng chẳng có gì khác để giải trí, hoặc là tải thêm phim Âu Mỹ về máy tính để xem, hoặc là đêm quá giấc không ngủ được thì lại mở điện thoại lên và đọc sách.

Ở những tháng đầu tiên đi du học, mình tìm thấy cuốn Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương của chị Ngô Thị Giáng Uyên. Cuốn sách đưa mình lạc vào những phố xá đầy cửa hàng hoa, rồi những địa điểm mà nếu dân châu Âu chê là cliché chẳng có gì đáng xem thì với những kẻ ngoại lai văn hóa như mình, lần đầu trong đời được tiếp xúc gần với một cửa hàng, một tiệm bánh mì, một công viên ngợp lá vàng kiểu Tây thì quả tình là uống vào sự sung sướng. Mình còn từng ngạc nhiên khi đứng trước một cái cây, chứ đừng nói là con người và khung cảnh.

Cũng giống như các bạn Tây, sau này mình gặp, khi lần đầu sang Việt Nam và thấy con cóc nhảy giữa những lối đi dọc bờ kênh trên cù lao, hay được nằm võng nghe tiếng ếch nhái, ve sầu đầu hè, hay được ăn thử bún riêu xì xụp. Mình nhìn các bạn húp sạch không chừa một giọt tô nước lèo mình cũng buồn cười mà phải nhịn trong bụng. Nên cuốn sách thứ hai, phải kể tới chính là Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương.

Tác giả Ngô Thị Giáng Uyên còn viết vài cuốn khác như Bánh mì thơm cà phê đắng, nhưng với mình thì cuốn đầu tiên vẫn là cuốn ấn tượng nhất. Cho ai thích oải hương, thực ra, cuốn sách không nhắc nhiều về hoa này lắm mà có các loài hoa khác. Cuốn sách là nhiều chuyến đi, hồi ức viết lại, văn chương tương đối tròn vẹn. Tất nhiên, là không thể chiều lòng các độc giả khó tính. Nhưng đủ cho một thế hệ muốn đi du học, muốn khám phá và muốn trải nghiệm nhiều vùng đất từ Luân Đôn, Paris, Hà Lan…

Sau nhiều năm kiếm đâu không thấy thì hôm rồi mình đã thấy nó được bán lại trên tiki. May thật! Đọc lại lại như thời vừa bước chân tới Pháp. Chưa thấy mùa thu lá đổi màu, chưa bao giờ đi dưới trời tuyết, chưa được thử sữa nóng thả vài miếng sô-cô-la… Và rồi từ cuốn sách đã mở ra bao nhiêu chuyến đi đáng nhớ trong đời. Năm rồi, mình cũng đã canh mua lại cuốn này. Vẫn muốn đặt thêm một mục tiêu khám phá thế giới, khám phá châu Âu cho bản thân như một liệu pháp kéo dài tuổi trẻ!

Mình thích đọc sách đã được dịch sang Tiếng Việt hơn, đọc cái gì thì mình cũng đọc chậm cả. Ngôn ngữ mẹ đẻ cho phép mình đào sâu vào phần trải nghiệm tác phẩm hơn là chỉ chắt lọc thông tin.

Về sau, khi đi và may mắn có những người bạn gọi là “thổ địa” nhiệt tình giúp mình biết chỗ này chỗ kia, món ngon của lạ nơi những thành phố mà trước đó 3,6 tháng với mọi người đều là đất khách quên người thì mình bắt đầu tự chủ động hơn trước mỗi chuyến đi. Không phải chỉ xem lịch trình, đặt vé tàu mà đi, rồi về lại tìm hiểu tiếp, từng địa danh mà mình lưu tới.

Nếu không lấy tri thức và hiểu biết nuôi dài những trải nghiệm, làm gì nhiều, kể cả là việc rất thích như du lịch thì cũng thấy chán!

Đọc mòn mấy mục du lịch và khám phá thế giới trên vnexpress, mình thậm chí còn đặt tạp chí GEO của Pháp nguyên một năm và thực sự, thẫn thờ với Mẹ thiên nhiên và bàn tay con người là một chuyện, mà còn phải thán phục tài tình những cây viết mà ngòi bút của họ đầy sức nặng, có thể nói sâu và nói rộng về đất nước, con người, văn hóa nơi họ đi qua. Mình cảm phục cả những bài viết của những phóng viên Pháp, tới Việt Nam và trải nghiệm sâu về văn hóa với một vài “thổ địa” người Việt…

Việc đọc rồi mường tượng ra không gian đó và sau đó được trải nghiệm thật rất thú vị. Mình còn nhớ khi vừa đặt chân tới Pháp và nhìn khu làng ẩn sau lớp lá mùa thu thì bao nhiêu sự lạ lẫm tan biến hết: “Ồ hóa ra những mùa thu và cái sớm mai trong sương mù của tiểu thuyết là đây.” Rồi mỗi năm lên Paris, trước khi đi mình lại đọc một chút chút, xem một chút chút, khi là phim khi là bút kí như “Hội hè miên man“, hay như vài trích đoạn phân tích văn của dân Paris thứ thiệt về nhà văn và nhà quan sát sự vật tồn tại ở Paris bằng kính lúp Patrick Modiano.

Nếu các bạn ngại đọc văn chương Nobel hay bị ám ảnh với phong cách buồn ngủ của văn học Pháp thì hãy đọc Quán cà phê tuổi trẻ lạc lối. Trải nghiệm chưa đến 45k, không so với việc xem phim online free, sẽ là một chuyến đi Paris hời không có chỗ chê! Thật sự! Nói khó đọc chứ nó cũng đã được tái bản và không thiếu những lời khen trên mạng nếu các bạn tìm.

Cuốn này mình đặc biệt nhớ sau khi đọc xong, nên đem cho rồi lại tìm mua lại sau nhiều lần phân vân.

Có nhiều tác giả khác, mà giai đoạn đó mình cũng đọc như Musso, nhưng trải nghiệm du lịch qua sách không quá đặc sắc. Về sau, những tác phẩm văn học Nhật lôi kéo mình hơn, như Mùa thu của Cây dương, Khu vườn mùa hạ, Sắc lá Momiji… Mình rất thích serie kiểu Bốn mùa của tác giả người Nhật, đến giờ đã có thêm cuốn Organ mùa Xuân, nó là kiểu văn chương rất giản dị, rất đậm tính chia sẻ và gần gũi với cuộc sống. Không phải là một cái gì đó quá riêng kiểu Nhật như đồ ăn, thức uống. Con người nói chung, về thẳm sâu tâm khảm, dân tộc nào thì cũng là yêu thương, giận ghét và những nỗi niềm thân thương từ những điều vụn vặt như nhau mà thôi. Như khi mình trò chuyện với một cô người Lyon và cô ấy kể mình sự nhớ nhung những cái ôm từ người con gái đã mất.

Bộ ba sách: Organ mùa xuân, Khu vườn mùa hạ, Mùa thu của cây dương. Nói về sách mùa thu có Bố con cá gai cũng là một cuốn hay. Mà tuyển tập sách về cây cối thôi mình để nói lại ở một bài blog khác đi nhỉ?

Quá trình tiếp cận này làm mình đặc biệt thích một vài thứ của văn hóa Nhật, nghệ thuật hành xử với thiên nhiên, sự thinh lặng, đam mê văn hóa thị giác (nghệ thuật nhiếp ảnh) mà nói không ngoa là nó trở thành một trào lưu phổ cập cho phần lớn người Nhật, cuối cùng là nhạc của Joe Hisaishi.

Cân bằng kỷ niệm và lực kéo cuộc sống về phía trước

Sau mấy năm đi du học, mình cũng mất chừng đó năm để cân bằng được nhịp sống thực, những kỷ niệm và ấn tượng sâu sắc của 4 năm tuổi trẻ tung tẩy. Thực sự, cho tới trước khi tự làm một chuyến Bắc Nam gần 10 ngày để rong ruổi xả hơi từ Mai Châu, Hà Nội, Ninh Bình rồi về lại Tây Nguyên thì cái hồn bay nhảy vẫn cứ loanh quanh đâu đó ở Paris, ở những bảo tàng và trong những bức ảnh kỉ niệm. Có lẽ những bức ảnh với mình thực sự trở lại có sức nặng, không phải khoe khoang gì, một vài người để lại bình luận khen mình rằng ảnh rất có hồn. Thì mình hiểu vì sao cái hồn được hiện diện trong đó, vì mình rõ hơn ai hết tâm trạng khi chụp những bức ảnh đó. Mỗi thành phố mình ghé qua một lần, có những linh tính rõ ràng trong đầu mách bảo: “đây là lần đầu và cũng là lần duy nhất được thấy những cảnh tượng này, hãy cố gắng lưu giữ nó!”. Mà thật là như vậy, kể cả đó là một nơi mình còn được đi đi lại lại vài lần trong suốt những năm ở Pháp thì mỗi lần đến lại là một cảnh sắc mới. Đôi khi, muốn canh để tìm lại được những sắc diện đã được chiêm ngưỡng mà cũng không được.

Cho tới khi đi tiếp 7 ngày nữa lang thang trên Hà Giang thì mình đã hoàn toàn thoát khỏi cái nhớ nhung trời Âu, Việt Nam, nhà của mình đây rồi, đất trời dấu yêu có thể đau đáu tìm ngày trở lại đây rồi!

Hẹn một bài viết khác để kể chuyện 7 ngày rong ruổi ở Hà Giang nếu các bạn tò mò đi gì mà đi lâu thế!

Nhưng trong suốt những năm ở Việt Nam và tái khám phá đất nước mình. Khi về Việt Nam, khoảng 3,4 năm đầu, mình gặp rất nhiều bạn Tây. Mình thấy bản thân đã tự xây được một cầu nối văn hóa hoàn chỉnh, không phải trong nghĩa vĩ mô cao siêu, mà bản thân trong những cuộc đối thoại giữa mình và các bạn ấy và về những chủ đề hai bên đề cập tới. Kể cả nói chuyện với một người xa lạ với văn hóa châu Á, hay một người có một nửa dòng máu Á, hay một người có một nửa dòng máu Việt, hoặc một phần tư, một phần năm dòng máu Việt… Có những cuốn sách mình đọc thay vì xem video, xem phim như suốt vài tháng trời mình đã làm khi chưa đi du học. Lúc đó, tìm đủ mọi phim, dịch đủ thể loại phụ đề miễn là nó liên quan tới tiếng Pháp.

Một vài gợi ý giản đơn

Mình liệt kê ra đây một vài cuốn, có cả sách được tặng hoặc sách tìm mua, đọc rồi mình cũng đã đem tặng để mình tiếp tục cuộc hành trình “càng đào sâu văn hóa Pháp thì ý thức đào sâu văn hóa Việt cũng theo đó mà trỗi dậy, và tinh thần đào sâu khám phá những điểm nhấn văn hóa khác trên thế giới cũng được thăng hoa theo”

HẸN HÒ VỚI PARIS – Tác giả Trương Anh Ngọc

Sách 388 trang nhưng thực ra cũng mỏng nhỏ gọn, không quá kin kít. Với lại kiểu fan bóng đá chân chính thì thích những cái cuốn cuốn bánh bánh như vầy nên sẽ đọc rất mau chứ không có gì phải ngại sách dày. Anh Trương Anh Ngọc thì suýt có dịp được nói chuyện trực tiếp nếu anh ấy không chê nhà mình chật và hơi xa chỗ tác nghiệp chính cho sự kiện Euro diễn ra tại Pháp năm đó.

Mình mua cuốn Hẹn hò với Paris khi đi dạo một vòng Huy Hoàng Bookstore ở Sài Gòn, nhìn thấy cái ảnh bìa của ông anh chụp nên là mua về liền và khoe hai anh chị đang ở Paris liền. Nội dung sách có 2 phần, một là Pháp, hai là Brasil. Sách của một BLV Bóng đá nên một phần phủ đầy trong thông tin và cách truyền tải của tác giả là bóng đá, lịch sử các kinh thành túc cầu thế giới. Các bạn tưởng tượng về những phần bình luận thể thao 24h hay serie nói về các thành phố trước mùa WORLD CUP hoặc EURO là hiểu cách hành văn trong cuốn sách này.

SỐNG NHƯ NGƯỜI PARIS

Bạn nào thích màu phim hơi retro hoặc thích chụp với Paris qua máy phim thì liên lạc với NEOGRAPHY nhé!

Tác giả bộ tứ nhà báo, bloggeur, styliste rất có tiếng trong làng thời trang Pháp. Nói gì chứ, mình không ngại bị chọc là “thiên lệch giới tính” ha ha khi mà nói quá nhiều về “gái Paris”. Parisienne nói riêng và gái Pháp nói chung nó là một thứ có sức quyến rũ bất chấp giới tính. Mình nói chuyện với nhiều bạn nữ đa quốc tịch: Canada, gốc Phi, Thụy Sĩ, Anh, Hà Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Đức, Anh v.v… nhưng nhìn chung thì không ai đọ được với cái sức hút quyến rũ nhờ tri thức sắc sảo, ngôn từ bén gọt và cái mắt mơ xinh xinh luôn được trang điểm cầu kì sau cái điệu bộ làm lơ như bất cần của mấy bạn ấy. Nói chung, kinh nghiệm của mấy bạn Tây, đây là nói riêng gái Pháp chính là: một điểm nhấn chất sẽ cân được hết 99% còn lại xuề xòa.

Cuốn sống như người Paris với độ dày vừa phải, kiểu sách thời trang với layout tạp chí đặc biệt. Nội dung sách nói về một số đặc điểm của phụ nữ Paris mà khi xem Emily in Paris các bạn sẽ thấy nó là phiên bản cộc cằn khó tính, chảnh chọe của phụ nữ gốc Pháp. Nhưng thực ra, với cái nhìn phóng dụ trong phim hơi thiên lệch về những định kiến văn hóa thì sẽ không công tâm lắm cho người muốn biết vì sao phụ nữ Paris lại trở thành một chuẩn mực về hiện đại, phóng khoáng mà thường từ độ tuổi 27-30 thì phụ nữ trên thế giới cũng nhiều người hướng tới. Mình cũng đã viết 1 bài review chi tiết về riêng cuốn này trên blog.

MỘT NƯỚC PHÁP KHÁC – Vợ chồng J.B Nadeau và J. Barlow

Cuốn Một nước Pháp khác mình đọc khi đang trong giai đoạn tìm hiểu một vài chuyên môn sâu về văn hóa và giảng dạy theo phương pháp tiếp cận văn hóa, dịch thuật dưới góc nhìn đa văn hóa.

Tác giả với nhiều kinh nghiệm về ngoại giao, văn hóa, phiên biên dịch, sống ở môi trường song ngữ Anh-Pháp tại Canada và ở Pháp nhiều năm nên với vốn kiến thức dày và sâu, cộng với cơ hội tiếp xúc nhiều tầng lớp và khả năng khai thác được nhiều cốt liệu đa dạng (cuộc đời của những cựu binh, những người đầu ngành về văn hóa, học thuật, hay gọi cách khác là giới tinh hoa Pháp), vậy nên, ai đọc cuốn sách này rồi hầu như cũng gật đầu với những gì mình đã trình bày ở đây cho các bạn. Tuy nhiên, sách có một vài lỗi nhỏ từ người biên dịch, có thể do dịch từ Anh sang Việt nên nhầm lẫn về nghĩa của các từ gọi là faux amis (nhìn thì giống tiếng Anh nhưng nghĩa lại khác tiếng.

Ở PARIS

Mình còn nhớ, sau hơn hai tháng liền làm việc để chốt hết các deadline, thì tối tối với cái đèn đọc sách vàng vàng ấm ấm, trong cái lạnh se se hiếm hoi ở Sài Gòn, thưởng thức cuốn sách này nó mới thư giãn vô cùng. Cuốn sách như kiểu dắt chúng ta đi qua mấy cái cánh cổng, cổng chứ không phải chỉ cửa nhà đâu các bạn, của các tòa nhà, dinh thự tại Paris. Đi xuyên qua các con hẻm cụt và những cầu thang suốt ngày lạch cạch tiếng bốt, để gặp gỡ những người phụ nữ với một tâm hồn giàu bản sắc, bản sắc nơi họ sinh ra, bản sắc của công việc họ làm, bản sắc mà bản thân họ tạo nên và bản sắc Paris đã ảnh hưởng lên họ. Tác giả cũng là những blogger nổi tiếng của Paris – Sách in màu nặng tay đẹp mắt.

Ở Paris sẽ tuyệt hơn cho ai đã từng ở Paris, còn chưa tới thì nên là người làm các công việc tự do, sáng tạo, thiết kế, những người phụ nữ với suy nghĩ phóng khoáng, cách mạng nhưng tâm tư giản đơn, mong cầu nhẹ nhàng. Cuốn sách mang người đọc ra khỏi những ồn ào xô bồ của một Paris nổi tiếng với đắt đỏ, chen chúc. Mỗi ngày, mình đọc 1 chương (tức là nói về một nhân vật) mà cứ rón rén sợ hết nhanh quá! Cuốn sách này khá giống nội dung những bài phỏng vấn chất lượng trên tạp chí trừ việc nó không làm layout kiểu xé nhỏ hình, tiêu đề to đùng và chữ trong bài phỏng vấn thì nhỏ chút. Giấy nhám không phải giấy bóng, cũng khiến người ta nghĩ thực sự đây là một cuốn bút kí tổng hợp hơn dáng dấp của tạp chí đã được mô tả.

HIỆU SÁCH NHỎ Ở PARIS

Cuốn mới nhất mà mình đang đọc, thực sự rất đậm hương vị của Pháp, đậm hơn kiểu cưỡi ngựa xem hoa trên Emily ở Paris hay Lupin rất nhiều. Dù Lupin khá là đầu tư trong việc chọn các bối cảnh rất cliché của Paris. Cuốn sách này mình bỏ qua khá nhiều lần, nói về các hiệu sách ở Paris chẳng phải nó cũng lại là một cliché nữa sao? Mình đã đi qua những hiệu sách ấy, mình đã mua một vài quyển sách tiếng Pháp và mình vẫn đầu hàng với việc đọc hết một cuốn sách bằng tiếng Pháp. Chẳng phải đã thưởng thức hết cái đẹp bằng phần nhìn và không cảm thụ được cái đẹp phần chữ đằng sau của một Paris bản địa sao? Nhưng rồi mình cũng mua và khá bất ngờ với sức bật ngôn từ và khả năng mô tả nước Pháp mượt mà của tác giả, về Provence, về xứ Occitanie, về Paris, về căn bếp nhiều gia vị cây cỏ truyền thống. Giáng sinh và với cái thời tiết hiu hiu cuối năm, giáp Tết, đọc cuốn Hiệu sách nhỏ ở Paris này đúng là không còn thực đơn sách nào phù hợp hơn.

cau-chuyen-du-hoc-dong-luc
Sửa cái pancake thành bánh crêpe là nó Pháp bá cháy bọ chét luôn!

Đọc xong lại thèm một đĩa gà nướng đúng kiểu miền Nam Pháp, ăn kèm một chút khoai tây nướng để nguyên vỏ và một ít salade từ rau diếp lá đỏ (feuille de chêne) và phô mai bào (fromage râpé).

Một bài viết dài, về những cuốn sách đã tạo cảm hứng và mở ra cho mình nhiều trải nghiệm hơn với nước Pháp, văn hóa Pháp.

Note thêm:

Mình đánh dấu sách bằng bút Tombow ABT, nó hơi đắt như bảo đảm sẽ không thấm mực trên giấy và không có chuyện mau hết mực đâu. Có khi tô hết vài cuốn sách cũng được. Ha ha! Mình rất hiếm khi đánh dấu vào sách, nguyên 1 chồng cả 2, 3 chục cuốn đọc xong không một vết gấp một đường gạch, nhiều khi còn cố nhớ số trang thay vì gập gập, nếu không kiếm được cái gì làm bookmark tạm. Ban đầu mình cũng mua thử một cây, rồi sau cũng gom dần gom dần 5,6 cây. Bộ này trên tiki đang giảm, cũng toàn màu mình đã mua. Không thì phải canh sale áp code kĩ lắm trên shopee mới dám xuống tay. Link: https://ti.ki/0V9eyPhK/OXSNR4R8

Nếu đã đọc và thấy cuốn nào hay, các bạn có thể để lại bình luận hoặc gợi ý cho mình một số cuốn sách khác tương tự về bất kì vùng đất nào trên thế giới nhé. Năm nay mình sẽ đọc Châu Phi nghìn trùng, sách đã xách về từ hôm Noel 25.12.

Leave a Reply