chup-anh-du-lich-phap

Chuyện ở Pháp: Chia sẻ kinh nghiệm chụp ảnh du lịch

Tìm cảm hứng cho các chuyến đi chụp ảnh ở Pháp

Nước Pháp có vô vàn cảnh đẹp. Nếu ở một năm thì chắc chắn bạn sẽ không thể nào đi hết. Còn càng ở lâu sẽ lại càng khám phá được nhiều địa điểm thú vị ở Pháp. Đặc biệt là sẽ lí thú nhất với những bạn yêu thích cảnh đẹp làng quê, thiên nhiên yên bình và những chấm phá cổ kính, mộc mạc.

Thực ra, chỉ riêng Paris thôi thì cũng đã có quá trời địa điểm mà các bạn nên ghé. Ngoài những địa điểm mà bất kì cuốn cẩm nang du lịch nào cũng đã nhắc tới thì còn rất nhiều những khu vườn nhỏ, những lâu đài ở ngoại ô, những con phố mà chỉ người dân bản địa mới biết, những hàng quán độc đáo… Và bảo tàng, hàng chục hàng chục bảo tàng đi hoài không hết. Ví như Louvre, một người cẩn thận thì đi cả tháng trời cũng chưa nghiền ngẫm xong. Paris rộng lớn là vậy, đa dạng là vậy, thế nên là chụp bao nhiêu ảnh cũng vẫn còn thiếu, viết bao nhiêu sách vẫn thấy không thừa.

chup-anh-du-lich-phap
Tìm cảm hứng chụp ảnh khi đi du lịch ở Pháp

Các bạn có thể đọc một vài cuốn sách, trong nước thì có của nhà báo Trương Anh Ngọc với cuốn Hẹn hò với Paris, hoặc ngoài nước thì có nhà văn Hemingway với Hội hè miên man. Hay cuốn Ở Paris, hay các tiểu thuyết của Victor Hugo… Các cuốn sách này đều ít nhiều nhắc tới một góc hoặc một khu phố, một cái gì đó đặc trưng và đặc biệt của Paris.

Các bạn có thể xem một số ảnh ở đây cho đỡ nghiền nước Pháp vì thực sự là cảnh quan đẹp lắm!

Bản thân mình đã đi Paris tổng cộng 3 chuyến, mỗi chuyến một trải nghiệm riêng. Và mỗi lần đi lại khám phá được nhiều góc khác nhau của Paris. Nhưng có điều, mình chưa vào bất kì một bảo tàng nào của Paris. Nếu vào, chắc mỗi chuyến đi sẽ lâu hơn hoặc sẽ còn phải đi nhiều lần, nhiều lần hơn. Hoặc thậm chí là chuyển luôn tới Paris sống chỉ để đi bảo tàng và loanh quanh các khu phố.

Làm thế nào để chụp ảnh đẹp ở Paris?

Bạn có nhiều cảm hứng lắm. Với Paris. Hãy xem những bộ phim. Phim Mỹ. Phim Pháp. Thậm chí phim Hàn Quốc cũng lấy bối cảnh Paris khá nhiều. Hãy đọc sách. Hãy xem video clip ca nhạc. Hãy xem phim ngắn. Và hãy xem những bộ ảnh, bộ tranh về Paris. Hãy tìm những blog chuyên viết về Paris để đọc lấy kinh nghiệm, cảm hứng và gợi ý trước khi bắt đầu chuyến hành trình PARIS through my camera.

Ở Paris bạn có thể chụp những gì? Ôi trời! Có kể suốt ngày cũng không hết. Paris có đồ ăn. Có hoa lá, cây cỏ. Có hàng quán. Có người đẹp. Có những công trình kiến trúc cổ kính. Có những khu vườn bên lâu đài. Có hoàng hôn và bình minh, có ban đêm. Paris có bốn mùa khác biệt. Có những khung cảnh trích đoạn từ một bộ phim hoặc một chương tiểu thuyết nào đó. Paris có bạn, có những trải nghiệm có một không hai của chính bạn.

Chụp ảnh Paris thì nên đi những đâu? Các cây cầu và hai bên bờ sông Seine là gợi ý đầu tiên để các bạn có những bức ảnh đẹp về Paris, để lột tả hết sự thơ mộng của thành phố có sông Seine chảy qua. Bạn có những con tàu, có những ngôi nhà trên tàu, có những cây cầu huyền thoại như Alexandre III và cầu Bir-hakeim xếp tầng.

Tiếp theo là những ngọn tháp. Ở Paris có rất nhiều nơi để leo lên cao và ngắm toàn cảnh thành phố. Ngọn đồi phía Bắc nơi có nhà thờ Sacré Cœur. Các ngọn tháp như tháp Eiffel, tháp Montparnasse, trên Khải Hoàn Môn, trên tháp canh Nhà thờ Đức Bà. Đó là chưa kể view từ một số nhà hàng, khách sạn hạng sang ở Paris đều có view rất đẹp. Một số nơi thì miễn phí, một số nơi phải trả phí và mức phí sẽ có khác biệt một chút.

Bất kì đâu ở Paris đều cho ra được những bức hình đáng nhớ. Đặc biệt là các con phố. Các con phố có thể vì đẹp nhờ cây cỏ mùa hè. Có thể vì một sự kiện trọng đại nào đó đang diễn ra. Có thể đẹp vì sự cổ kính và những cửa hàng bí mật. Hay những con phố vì gắn với một sự kiện lịch sử hoặc đương đại nào đó mà trở nên nổi bật. Mỗi nơi trong Paris đều có cái hay riêng.

co-nen-di-du-hoc-phap-hay-khong
Gargoyle on Notre Dame

Ở Paris, kể cả những chiếc ghế sắt trong vườn Luxembourg cũng dệt thành những câu chuyện tình và những bài thơ cô đơn lãng mạn. Paris có thể khoác từ những sắc màu lạnh lùng nhất của mùa đông, mơ màng nhất của mùa thu, tươi sáng nhất của mùa xuân và rực rỡ nhất dưới nắng hè.

Ở Paris. Ngoài những chỗ cho bạn những bức hình đẹp. Còn có những chỗ cho bạn những bức hình độc. Những chỗ lạ. Những chỗ tạo nên một Paris qua khám phá của chính bạn nữa.

Thăm những gì ở các thành phố khác của nước Pháp?

Ở các thành phố khác, nhịp sống, bài trí, phong cảnh không đa dạng như Paris, nhưng cũng có đủ hấp dẫn nếu bạn thực sự yêu thích lối kiến trúc và thiên nhiên bốn mùa của châu Âu cũng như con người có phần hơi ẩn mình, đơn lẻ của người Pháp. Có những khoảng thời gian tuyệt vời để chụp ảnh ở các khu phố cổ như sáng sớm và lúc mặt trời gần tắt nắng. Khung cảnh thật sự quá đẹp, quá mơ màng. Nắng cuối ngày sẽ sáng rực và vàng mướt nhưng tắt rất nhanh. Thậm chí là bạn chỉ kịp nhìn thấy và set up máy ảnh xong thì đã mất bóng nắng rồi.

Street life. Con người. Cuộc sống thường nhật… Tất cả đều là chủ đề đặc biệt trong ảnh chụp ở các thành phố nhỏ. Khác với Paris, Paris thì mùa cao điểm, đâu đâu cũng toàn khách du lịch. Các vườn hoa, các nhà thờ cổ, các cửa hàng xinh xinh có thể sẽ là chủ đề chụp thú vị cho các bạn. Chỉ lưu ý một điều, ở một vài nơi, các bạn không được chụp hình. Một số tiệm sách không cho chụp hình bên trong. Mà phải nói là các tiệm sách, như ở Lyon chẳng hạn thì đẹp quên lối về, đẹp đến mức không dám bước vào và lỡ bước vào rồi thì không nỡ bước ra.

Một vài thành phố lớn đều có những điểm mà bạn có thể leo lên, lên cao nhất có thể để ngắm toàn cảnh thành phố. Mỗi mùa mỗi cảnh. Thú vị, thư thái.

Các đường hầm. Các nhà cổ. Các khu vườn tư nhân. Các cửa hàng đồ cổ. Các nhà hàng truyền thống. Tất cả đều có cái lạ, cái đẹp xứng đáng cho bạn ghi lại một bức hình. Nhờ đó mà chuyến hành trình nước Pháp của bạn có thần hơn, có chi tiết hơn và có nét riêng hơn.

Podcast – Những thành phố của nước Pháp (chuỗi bài nghe cho trình độ Delf A2 – 5 điều về nước Pháp)

Thiên nhiên kì diệu của nước Pháp, vẻ đẹp cuốn hút và mê hoặc

Phải nói là ở châu Âu thì thích nhất là chụp các bộ ảnh landscape mà cứ theo khung giờ chụp thì khi retouch sẽ ra những sắc độ gây ngạc nhiên khác nhau.

Nếu may mắn, các bạn nên đi đảo Corse một lần. Quê hương của Napoléon. Nơi người ta nói rằng có thể ghép cả 3 vùng địa hình vào trong một bức ảnh, từ vịnh biển cho tới thung lũng và dốc núi đá phủ rừng. Thiên nhiên vừa chuyển mình vừa chuyển màu cực kì ngoạn mục. Tiếc rằng mình cũng chỉ được nghe nói và xem qua màn ảnh chứ chưa có dịp tận mắt chứng kiến quê hương của Hoàng đế nước Pháp. Không hổ danh vùng đất đẹp là nơi nuôi dưỡng nhân tài.

Đừng bỏ qua vùng Drôme và Côte d’Azur vì thực sự là có là nơi du lịch thương mại hoá phát triển đi chăng nữa, mất chất đi chăng nữa thì đối với những viễn khách như chúng ta, những cung đường xuyên núi, những đồng hoa bạt ngàn, những vịnh biển xanh hút mắt đều thực sự quá tuyệt vời. Không biết mình có so sánh quá khập khiễng hay không nhưng với mình làng Eze, làng Gordes, làng Valréas các vịnh biển phía Nam khác nữa đều lên hình đẹp, tới nơi cũng cực kì đẹp. Không khiến mình thất vọng chút nào.

Những cung đường từ Pháp sang Thuỵ Sĩ, băng qua các thung lũng mây và tít ở xa là hồ nước xanh cùng hoa hướng dương vươn mình về phía mặt trời. Hay đồng coquelicot đỏ thắm khờ dại, mong manh trên nền bông lúa mì vàng hanh hay những đồng hoa lavender râm ran tiếng ong vo ve. Mỗi năm ghé qua lại có một bộ hình mới, thấy một thiên nhiên chuyển hoá khôn lường chỉ ngày hôm trước qua ngày hôm sau đã khác. Chỉ sáng sớm và chiều tà đã thay màu, thay sắc.

Ngược lên phía Bắc và qua mạn phía Tây cũng có rất nhiều điều lí thú.

chup-anh-mua-thu-nuoc-phap
Mùa thu, đến lá vàng rơi cũng làm nên một bức ảnh đẹp

Chụp ảnh như thế nào? Bằng máy ảnh nào? Có cần phải học kĩ thuật căn chỉnh gì hay không?

-Thứ nhất, thiết bị.

Các bạn có thể chọn điện thoại hoặc máy phim, máy số, DSLR hoặc mirrorless đều được. Mỗi thứ có một cái thú riêng.

-Thứ hai, cách lấy nét.

Thường ở các thiết bị có màn hình cảm ứng thì chỉ cần chạm vào điểm nào là bạn sẽ lấy nét được ở điểm đó hoặc khu vực xung quanh đó. Hoặc, với máy ảnh thì chỉ cần bấm nửa nút chụp, bấm hẳn thì sẽ chụp luôn rồi, nhưng bấm nhẹ đi một chút thì các bạn sẽ lấy nét được. Hiển thị nét trên màn hình là cái ô vuông màu xanh xanh. Nếu màu đỏ hoặc bị nhoè tức là chưa nét. Ảnh nghệ thuật thì nhiều khi không cần nét.

-Thứ ba, biết căn chỉnh bố cục.

Bố cục phổ biến nhất là 1/3 hoặc tạo các đường L, S, đường zic zắc trên ảnh. Ví dụ, trong bức ảnh bạn có đỉnh tháp Eiffel, tầng áp mái của khách sạn và ly rượu vang bạn đang cầm trên tay có cảm giác là sẽ tạo ra được một đường thẳng. Vậy thì hãy cố gắng di chuyển máy/ thiết bị qua lại, lên xuống sao cho đường thẳng đó được tạo ra một cách chuẩn nét nhất. Nếu bạn có khả năng tưởng tượng, khả năng cấu trúc sự vật trong không gian hay đơn giản là học môn Hình học tốt tốt một chút thì áp dụng vào khoản này sẽ rất có ích, rất lý thú.

-Thứ tư, cảm xúc.

Nếu thấy đẹp thì các bạn hãy chụp. Nhưng nét đẹp trong một bức ảnh thì phong phú và biến hoá hơn những chuẩn mực đẹp thông thường. Ví dụ, muốn đặc tả sự cô đơn thì ánh mắt xa xăm mới là đối trọng, hoặc làn tóc bay bay trong nắng chiều, hoặc một cái chống cằm đầy suy tư. Nét đẹp đó sẽ có thể làm khuôn mặt hơi góc cạnh hơn một xíu, chiếc cằm hơi tù một chút và lưng hơi gù một chút nhưng như mình đã nói, hai tiêu chuẩn đẹp hoàn toàn khác nhau.

Đối với ảnh phong cảnh và kiến trúc trong thành phố, nhiều người đề cao sự đối xứng, các đường thẳng đặc tả trong ảnh hoặc các mảng khối sáng tối. Tuy nhiên, cũng có thể, bóng dáng một người lướt qua, hay một ai đó đang thẫn thờ chiêm ngắm vẻ đẹp của công trình sẽ tạo nên hồn thần cho bức ảnh của bạn hơn. Hoặc thay vì chụp trực diện mặt tiền, hãy dịch chuyển xéo xéo sang bên cạnh, nương theo góc chiếu của nắng mặt trời, hay chọn những ô nhìn.

chup-anh-o-Phap
Người bán sách trầm ngâm, bức ảnh chụp sau vụ khủng bố ở toà soạn Charlie Hebdo

-Thứ năm, tư thế cầm máy.

Không nhất thiết lúc nào cũng phải đứng ngang tầm mắt mới có ảnh đẹp. Các bạn có thể hạ máy thấp xuống, đặt hẳn máy trên nền đất và cố gắng dốc ống kính lên, hoặc ngược lại. Có thể hơi đổ người ra sau hoặc sang ngang. Các bạn cũng có thể nghiêng máy, lia máy khi bấm nút chụp hoặc giơ máy lên cao hẳn quá tầm mắt của mình. Hãy thử nhiều góc khác nhau. Và bạn sẽ thấy chiếc máy ảnh hoá ra thú vị biết bao.

Edit ảnh như thế nào?

Nếu thích phong cách tự nhiên không chỉnh sửa thì lúc cài đặt máy bạn nên chọn định dạng ảnh là JPEG. Không nên chọn định dạng file RAW.

Ngược lại, nếu xác định trước là ảnh cần retouch nhiều thì các bạn nên chọn định dạng RAW, định dạng này cho phép chỉnh sửa trên Lightroom, Photoshop và một số phần mềm khác. File ảnh thường khá nặng.

Nếu chỉ retouch nhanh gọn bằng điện thoại thì các bạn cũng có thể chọn file JPEG vì không có nhiều app hỗ trợ file RAW.

Khi edit thì các bạn quan tâm đến một số mục như : saturation (độ bão hoà), contrast (độ tương phản), sharpe (độ nét), black (vùng tối nhất của ảnh), shadow (vùng bóng râm của ảnh), white (vùng sáng của ảnh), light (vùng sáng chói của ảnh). Ngoài ra còn một số thông số khác như dehance (độ sắc nét, độ trong của ảnh), vibrance (điều chỉnh các màu phụ, saturation chỉ điều chỉnh ĐỎ – XANH LÁ và XANH DƯƠNG), scale (đóng khung lại cho ảnh, kéo ra hoặc thu nhỏ lại), horizontal (điều chỉnh chiều ngang), vertical (điều chỉnh chiều dọc).

Crop và chọn size ảnh. Nếu ảnh chất lượng tốt, phóng to không bị vỡ hình, không quá nhoè nhoẹt thì bạn có thể crop lấy phần chi tiết đặc biệt trong ảnh, thay hết bố cục và bỏ đi phần thừa. Size ảnh có thể thay đổi theo các tuỳ chọn 3 :4, 4 :5, 16 :9, 2 :3… Bạn có thể tuỳ chọn frame cho phù hợp với các mục đích sử dụng khách như ảnh nền (cover) trên facebook hoặc ảnh màn hình máy tính, điện thoại….

Leave a Reply