luyen-viet-tieng-phap-qua-mail

Khi Nhà thờ Đức Bà bị cháy, người ta gọi tên ông: Victor Hugo

Khi Notre Dame de Paris – Nhà thờ Đức bà Paris bị cháy, người ta gọi tên ông thay vì vị kiến trúc sư đã xây nên công trình này hay bao nhiêu nhân vật lỗi lạc khác đã bước cùng Ngôi thánh đường lịch sử.

Có thể nói Victor Hugo là nhà văn nổi tiếng nhất của nước Pháp. Cho đến ngày nay, người ta vẫn thổn thức lòng với Thằng gù nhà thờ Đức Bà và Những người khốn khổ. Hai tác phẩm lớn và nổi tiếng nhất của Đại văn hào nước Pháp vẫn chứng tỏ sức sống mãnh liệt ở thời kì hiện đại.

Ông là một trong những cửa ngõ đầu tiên để người người trên khắp thế giới, nếu trót yêu thích nước Pháp, nên bước vào tìm hiểu. Victor Hugo là đại diện cho trào lưu văn học lãng mạn, là đại diện cho một lối văn phong tao nhã lịch lãm thuần chất Pháp và đại diện cho một tâm hồn đấu tranh cho tính nhân văn, đề cao sự nhân đạo.

Ngày nay, người ta vẫn thấy đâu đó bóng dáng và nguồn cảm hứng bất tận khởi sinh từ Victor Hugo nơi các phong trào đấu tranh vì nhân quyền, đấu tranh cho tự do, đấu tranh cho bình đẳng xã hội. Nếu có đến thăm những khu ổ chuột của Paris, tận mắt chứng kiến những mảnh đời bị tấp qua bên lề của thủ đô Ánh sáng, đôi lúc, bất giác, ta nghĩ đến một Jean Valjean, một Cosette như trong những người khốn khổ.

Thật đáng tiếc, Victor Hugo vẫn thiếu một tầm vóc tư tưởng triết học mang tính khai sáng hơn nữa để người ta gọi tiếng Pháp là ngôn ngữ của Hugo thay vì là ngôn ngữ của Voltaire. Vốn dĩ, cuộc Cách mạng 14.7.1789 mang một tầm vóc triết học, lịch sử và có tính đột biến quá rõ rệt đến mức, tất cả các đường lối tư tưởng, các phong trào đấu tranh hay những đợt vận động về sau luôn được xếp ở vị trí thấp hơn. Đỉnh cao của triết học Pháp chính là Triết học Ánh sáng. Nhưng nói về Victor Hugo, không quan trọng vị trí của ông ở đâu trong hàng ngũ những nhà triết gia và nhà vận động nước Pháp.

Người ta đều biết ông là một người đã được hai triệu dân Paris đưa tiễn, là người chỉ muốn được chôn cất như một kẻ nghèo – nhưng cuối cùng Paris đã tổ chức quốc tang và đưa ông vào điện Panthéon, nơi yên nghỉ của các danh nhân lớn của nước Pháp.

Cậu bé Victor Hugo sinh ra vốn ốm yếu, là con út trong gia đình, nên rất được bố mẹ và các anh thăm nom kĩ lưỡng. Thông minh, có năng khiếu nghệ thuật, Hugo từ sớm đã bộc lộ cái tôi lớn và tham vọng được trở thành một đại thi hào. Những tập giấy viết lác đác những hình vẽ minh họa bằng chì, hay ý định âm thầm của chàng trai trẻ: “Hoc, phi là Chateaubriand, hoc không là gì c.” Và thực tế đã chứng minh tài năng của Hugo qua những tập thơ đầu tay, từ thuở thiếu thời, giành được giải thưởng quan trọng và nhận được sự đãi ngộ của nhà vua.

Thành công trên đường sự nghiệp không đồng nghĩa với việc cuộc đời của Đại thi hào lúc nào cũng thuận buồn xuôi gió, rất nhiều sự kiện trong đời sống cá nhân đã tác động phần nào đến những sáng tác của ông. Bố mẹ li dị từ sớm vì xung khắc tư tưởng chính trị. Trong cuộc hôn nhân của chính mình về sau, vì giành quá nhiều thời gian dùi mài viết lách, Hugo đã không sớm nhận ra vợ mình, người yêu từ thuở thiếu thời – nàng Adèle và bạn thân của mình đang có tình cảm thắm thiết. Dù xảy ra cơ sự như vậy, nhưng nàng Adèle không chịu li dị, họ vẫn ở với nhau và có với nhau 5 mặt con.

Trong số đó, Léopoldine là người con mà Hugo yêu thương nhất. Nàng Léopoldine trải qua bao nhiêu lần năn nỉ, cuối cùng mới cưới được phép cưới người mình yêu thương. Nhưng sau đó, cả hai đã bị chết chìm khi đi dạo bằng thuyền ở sông Seine. Một lần nữa, Victor Hugo phải nhận một cú sốc lớn. Ngoài ra, một người anh trai và một người con gái khác của ông, bị cách li trong khu biệt lập để điều trị các bệnh lí thần kinh cho đến cuối đời. Từ những thực tế đó, ta mới hiểu vì sao nhà văn, dù xuất thân khác biệt nhưng vẫn có thể đồng cảm được với những mảnh đời cùng khổ, để viết nên nhiều thiên truyện tráng lệ như vậy.

Victor Hugo không được coi là một nhà tư tưởng như Jean Jacques Rousseau, Voltaire, Molière. Là một trong những đại diện tiêu biểu của Chủ nghĩa Lãng mạn, Victor Hugo đã đấu tranh bằng một con đường mềm dẻo hơn, qua ngòi bút của mình, tập trung khích lệ tinh thần đấu tranh và cổ vũ cho một xã hội công bằng – hòa bình và hạnh phúc bằng những áng thơ, những vở kịch và những tiểu thuyết để đời của ông.

Trong suốt quá trình đấu tranh đó, có lúc cuộc sống của ông và gia đình đã bị đe dọa. Suốt khoảng một thời gian dài, gia đình ông phải lưu vong hết ở Bỉ rồi sang Anh, để tránh sự truy đuổi của triều đình Napoléon III.

Nếu nước Pháp muốn tìm cho mình mỗi lĩnh vực một tượng đài, thì đúng là không nên gán ép Victor Hugo trở thành một nhà tư tưởng lỗi lạc. Victor Hugo, hơn hết thảy là một nhà văn, một tượng đài văn học của riêng nước Pháp và của thế giới. Những nhà phê bình, nhà sử học, nhà phân tích, mãi đến thời hiện đại vẫn luôn ca ngợi trí tưởng tượng tài tình của Hugo.

Hiếm có nhà văn nào xây dựng được từng nhân vật trong tác phẩm của mình thành một tượng đài hi hữu, ghi khắc vào tạc dạ của độc giả như Victor Hugo. Khi đọc xong tác phẩm Nhà thờ Đức Bà, tất cả các nhân vật đều ở lại trong trí nhớ, nào Quasimodo, nào Esmeralda, nào cha xứ Frollo và anh chàng đẹp trai Foebus, nàng Fleur-de-Lys. Các nhân vật xuất hiện trong một trường sử thi và từng người, lần lượt ghi dấu ấn rõ nét. Sau khi đọc hết tác phẩm, chúng ta không phải chỉ nhớ tới một hay hai nhân vật chính, một vài chi tiết khắc họa. Chúng ta nhớ lại cả một thiên truyện dài với sự xuất hiện lần lượt của từng mảnh đời trong đó.

Gargoyle trên tháp Nhà Thờ Notre Dame

Điều tương tự với tác phẩm lớn Những người khốn khổ. Chúng ta nhớ Javert là ai, nhớ Jean Valjean, nhớ Cosette, nhớ Fantine… Những nhân vật của Victor Hugo không lẫn vào đâu được, không chung đụng đặc điểm với bất kì cuốn tiểu thuyết nào khác, độc đáo, ấn tượng và đều phảng phất đâu đó một sự thương cảm riêng của tác giả dành cho chính nhân vật của mình.

Đối với thể loại kịch, Victor Hugo cũng dành được nhiều thành công lớn ngay từ ngày đầu ra mắt. Là một cơn sửng sốt của Paris! Về thơ, thì ông cũng sánh ngang với các tên tuổi khác, ông đã là một Chateaubriand tiếp theo của nước Pháp, là người mà Beaudelaire không tiếc lời ngợi ca. Nếu tiểu thuyết của Victor Hugo là những trang sử thi đậm đặc dấu tích hiện thực, thì thơ ca của ông lại là cơn sóng mơn man, nhè nhẹ, vỗ về những tâm hồn đang yêu và cả những tâm hồn cô đơn.

Những gì hiện thực nhất, ông dành cho tiểu thuyết, những gì nhẹ nhàng nhất, ông dành để trong những vần thơ, còn kịch và lí luận chính là phương cách trực tiếp nhất mà ông dùng để, cách riêng, phát biểu với xã hội đương thời.

Tìm hiểu về Victor Hugo, không phải là chỉ đọc một thiên tiểu thuyết do ông chấp bút, cũng không thể chỉ đọc một bài thơ rồi lên tiếng bình phẩm. Ông là một tượng đài quá lớn, đến mức, tôi thấy mình chẳng biết gì đủ để chia sẻ cùng bạn đọc. Mà đọc hết những tác phẩm thơ, truyện, kịch của ông rồi phân tích chắc chắn không phải là một thử thách dễ dàng.

Văn chương của Victor Hugo là bằng chứng lịch sử sống động cho một thời kì chuyển mình của nước Pháp, là minh chứng cho tham vọng bướng bỉnh của người Pháp: Phải bảo vệ những giá trị mà qua đấu tranh bền bỉ, dân tộc mình đã giành được, đó là Bản Tuyên ngôn nhân quyền, đó là Tự do – Bình đẳng – Bác ái. Mặt khác, văn chương của ông cũng là lời giải thích rất cụ thể vì sao đất nước lục lăng lại được gắn với tính từ lãng mạn.

Để kết thúc, xin trích dẫn hai câu thơ của nhà thơ Apolinaire, được dịch giả Bùi Giáng dịch lại. Bài thơ có tựa là Lời từ biệt, được Apollinaire viết nhân lần thăm mộ con gái yêu của nhà văn Victor Hugo, ngày 16 tháng 9 năm 1913:

“Ta đã hái nhành lá cây thch tho

Em nh cho mùa thu đã chết ri!”

Leave a Reply