so-sanh-nuoc-phap-vietnam

Pháp – Việt khác nhau thế nào? 10 điều so sánh

Ở Pháp yên ắng hơn

Ngày đầu tiên đến Pháp là bạn đã nhận ra điều đó rồi. Mọi người thích thì thầm vào tai nhau. Bước lên các phương tiện công cộng như metro, tramway, bus là ai cũng sẽ tự động nói nhỏ lại một chút để tránh ảnh hưởng tới người khác. Trong thư viện thì luôn luôn giữ không khí im lặng, nếu có nói chuyện với nhau thì chỉ được thầm thì.

Hơn nữa, đa số nhà cửa ở Pháp đều được cách âm tốt. Kể cả có ở làng quê thì cũng chẳng mấy khi nghe tiếng trâu bò, gà vịt, ve sầu, chim chóc ếch nhái hay tiếng máy cày, máy gặt như ở Việt Nam.

Mùa đông, hay hằng ngày vào lúc 6h sáng mà ra đường thì lặng thinh. Còn thi thoảng có đi qua một quán bar, nhà hàng thuộc vào diện đông đúc sầm uất rồi thì các bạn cũng chỉ nghe thấy tiếng xầm xì, xì xầm mà thôi.

Người Pháp ngủ dậy muộn hơn

Có thể đúng có thể không. Nhưng hầu hết giờ học, giờ làm việc hành chính, giờ chợ búa, giờ cửa hàng mở cửa đều có vẻ như là muộn hơn so với Việt Nam. Ngược lại, không có nghĩa là họ sẽ mở muộn hơn. Siêu thị thì thường chỉ mở tối đa đến 9h tối, còn không thì hầu như 8h là các dịch vụ công cộng không còn làm việc nữa. Ngân hàng thì chỉ cần ra muộn hơn 4h chiều là bạn đã không được tiếp nữa.

Ở Pháp có khá nhiều lí do để lười. Mùa đông thì luôn u tối, 8h sáng mà trời còn đen kịt, đường còn sáng đèn như 5 giờ, 5 rưỡi sáng ở Việt Nam. Còn mùa hè thì trời cứ sáng trưng, đến 10h có khi mới muốn lục đục vào bếp nấu cơm vì mới thấy trời nhá nhem tối.

Buổi sáng không có phở, súp và ít đồ nóng

Buổi sáng ở Pháp ăn gì? Thưa các bạn là bánh mì, nhưng ít ai ăn sandwich hay bánh mi thịt. Những món như bánh mì, xúc xích, ốp la, khoai tây, phô mai thì thường là dành cho một bữa brunch (sáng kiêm luôn ăn trưa : breafeast + lunch).

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ

Tất nhiên, nếu nói như vậy thì sẽ không có tiệm phở, tiệm bún hay bánh canh, súp cua lề đường nào cho bạn một bữa sáng nóng hổi ngon lành rồi.

Ngoài ra, sáng thì có thể có thêm trái cây, nước cam, nước ép. Có vẻ hơi khác nhiều so với đồ ăn sáng ở Việt Nam đúng không?

Cà phê nhạt hơn, uống lúc nào cũng được

Cà phê Pháp nói chung là loãng hơn, mùi sẽ không bị lẫn bột bắp, bột đậu nành. Đa số cà phê ở Pháp là dạng sấy nguyên hạt và sẽ được pha bằng máy pha cà phê. Nếu bị dị ứng caffein thì vẫn có một số loại dé-cafféin trong siêu thị cho bạn lựa chọn.

Thường thì họ uống cà phê nóng, trong ly/ cốc giấy. Từ hồi sinh viên đã thấy các bạn Pháp uống cà phê thay nước, cứ mang một, hai euro ra máy bán tự động, nghỉ giải lao giữa giờ là lại thấy mang vào một li. Khi ăn trưa, ăn tối tại các gia đình Pháp, họ thường sẽ mời bạn dùng cà phê hoặc dùng trà sau bữa ăn. Chiều tối cứ cà phê liên tục nên dễ hiểu vì sao không cần ngủ trưa mà ai cũng tỉnh như sao.

Cà phê và thuốc lá là hai món mà cả nam lẫn nữ ở Pháp đều tiêu thụ nhiều như nhau.

Không có trà đá

Trà đá nói riêng và các loại nước uống có cho đá vào nói chung. Nếu muốn uống lạnh, người ta sẽ ướp đá trước như vẫn làm với các loại champagne, bia, cidre. Vang tất nhiên là không uống với đá rồi, trừ rosé mùa hè thì sẽ được ướp lạnh cho thêm phần sảng khoái.

Nếu là fan của các loại trà đá, nước mía, nước ép thì có lẽ các bạn sẽ hơi thòm thèm một chút khi qua Pháp, nếu không tự pha ở nhà uống thì ra tiệm cũng hiếm khi có. Ở các quán cà phê Pháp thì đa số họ sẽ theo menu truyền thống, trà nóng, cà phê, nước hãm (infusion) từ các loại hoa quả, lá dược thảo… Còn những chuỗi nước uống như Starbucks thì không nhiều, nếu không muốn nói là chỉ có Starbucks độc tôn. Ngoài ra thì trong thành phố có quán kem riêng, quán bánh ngọt và trà riêng, quán bia riêng (thường sẽ gọi là bar).

Tìm mãi không thấy karaoke

Một thú vui giải trí của các bạn trẻ Việt, thời sinh viên thậm chí cả khi đi làm rồi, hễ muốn vui thêm chút thì vào quán karaoke để hò hét xả stress (hihi). Nhưng bên Pháp thì rất hiếm, chưa kể là quán bé xíu, không có được chọn bài hiện đại như ở Việt Nam mà nhạc cũng toàn… những bài lạ hoắc lạ huơ. Vì thế, nếu lỡ mà bị nghiện karaoke thì chỉ có nước order cái mic trên mấy trang mua hàng online về, rồi xịn thì nhà làm máy chiếu, mua màn hình to, hoặc dân thường thì tận dụng luôn màn hình laptop hát cho nhau nghe. Các bạn cũng để ý nếu nhà cách âm không tốt lắm thì không nên lên sân khấu ca sau 10h đêm kẻo hàng xóm phàn nàn thì sứt mẻ tình cảm ra.

Làm ít nghỉ nhiều

Một năm không biết có bao nhiêu kì nghỉ, hầu như cứ tháng hai tháng lại có kì nghỉ. Bởi thế mà nghỉ riết quen, về Việt Nam cứ phải cắm mặt đi làm quanh năm suốt tháng cảm thấy sao bất hạnh tràn lan. Dù làm thì cuối tháng có lương, tha hồ ăn chơi nhảy múa shopping, nhưng… cái cảm giác có một kì nghỉ để tận hưởng nó khác các bạn à. Cảm giác nó thong dong nhàn nhã hơn nhiều lần.

Thường thì thời sinh viên, chúng mình cũng không tận hưởng được sự nghỉ ngơi này nhiều lắm mà phải đến khi đi làm thì mới thấy nghỉ ngơi nó giúp cuộc sống cân bằng, khoẻ mạnh và bớt áp lực đi bao nhiêu, không bị cảm thấy ôm đồm công việc, có thời gian cho gia đình bạn bè, có cuộc sống riêng tư bên cạnh đời sống công việc. Và cứ thường lệ thì trước khi đi nghỉ, mọi người sẽ ra sức làm nốt việc, tăng hiệu suất lên gấp bội để nghỉ xong quay lại đỡ mệt hơn.

Câu trả lời cho việc đi học ở Pháp toàn nghỉ có trong tập Podcast dưới đây:

Các công ty ngoài chính sách nghỉ phép theo luật Lao động còn có thể cho nhân viên nghỉ phép định kì để luân chuyển công việc giữa các thành viên trong một bộ phận hoặc một nhóm/ một team với nhau. Như thế các trục trặc công việc do thay đổi nhân sự được giảm đến mức tối thiểu, nhân viên cũng có cơ hội để thể hiện năng lực ở các vai trò khác nhau, hứa hẹn cho đợt đánh giá công việc sắp tới được thăng chức tăng lương thì sao.

Nhưng nói thì nói vậy. Ngoài các kì nghỉ dài như nghỉ tháng 8, nghỉ đông, nghỉ xuân, nghỉ noel rồi còn đình công liên miên… chứ nếu các bạn đã vào làm cho một công ty Pháp, từng đi thực tập hoặc cùng làm với một nhân viên Pháp gương mẫu rồi thì sẽ thấy họ làm việc tập trung, miệt mài, chăm chỉ và đạt hiệu suất công việc gần như tối đa đó nha!

Máy tính dùng tiếng Pháp

Đây lại là một cái « đáng ghét » ở Pháp nữa. Thực ra thì trên bàn phím qwerty, các bạn vẫn gõ được tiếng Pháp rất ổn, các bộ kiểm tra chính tả hay tự động sửa lỗi chính tả trên điện thoại, phần mềm soạn thảo văn bản đều hoạt động khá ổn với tiếng Pháp. Tuy nhiên, cũng có thể, dùng bàn phím azerty và update cách gõ các ký hiệu dấu bằng bàn phím tiếng Pháp thì các bạn sẽ lanh lẹ hơn chăng.

Ngoài ra thì hầu như trình duyệt, facebook, app, hướng dẫn sử dụng, các menu trên word, excel đều là tiếng Pháp hết. Thử tưởng tượng làm các bài trắc nghiệm tin học ở trường mà hỏi cách gõ @ bằng bàn phím hay cho ví dụ các thao tác trên trình đơn bằng tiếng Pháp nghĩ cũng oải các bạn nhỉ… Nếu bạn nào có thói quen dùng bàn phím tiếng Pháp thì cái này chắc easy không vấn đề gì đúng không ?

Hầu như các ngành nghề tư nhân đều không còn đồng phục

Mình đang nói đến trang phục đi làm và kể cả sinh viên đi học, học sinh đi học thì gần như đâu cũng sẽ được mặc đồ gì cũng được, đừng lố đến mức không mặc đồ là được. Tuy không phải đâu đâu ở Pháp cũng là kinh đô thời trang, hay ai ai cũng là nhà mốt như bà Coco Chanel, nhưng nói chung thì mọi người đều ý thức cao về chuyện ăn mặc, chuyện thơm tho và phong cách.

Mặt khác, các thương hiệu thời trang may mặc sẵn ở Pháp đều có xu hướng bán nguyên set đồ hoặc cung cấp trang phục theo hướng casual dễ phối hợp. Nhiều khi có cảm giác như cùng một kiểu áo, chỉ có là đi từ tiệm này sang tiệm khác thì màu hoặc chất vải đổi đi một chút, hoặc áo dài hơn chút, ngắn hơn chút. Nói chung là khái niệm đồng phục ở Pháp đã biến hoá thành khái niệm trang phục đồng bộ cho toàn xã hội.

Được cái ít câu nệ về mặt trang phục nên nhiều khi mùa hè, mùa nóng (đầu tháng 9, tháng 10 ở Pháp vẫn nóng) các bạn đi học ăn mặc hơi mát mẻ chút, cả nam lẫn nữ, đặc biệt là sinh viên. Còn nhìn sang trang phục đi làm của đa số dân công sở ở Pháp thì có lẽ thường thường bậc trung, không rực rỡ sắc màu và đa phong cách như dân văn phòng Hà Nội, Sài Gòn vì trang phục vẫn hướng về yếu tố thoải mái hơn (tất nhiên là thoải mái mà vẫn lịch sự rồi), hoặc mùa đông thì ấm áp là yếu tố hàng đầu.

Hôn nhiều

Cái này thì chắc không phải nói thêm mà các bạn đều biết. Bạn bè Pháp thường hôn lúc gặp nhau, nhiều khi hôn cả lúc tạm biệt. Mà nói hôn thì hôn chứ có nhiều kiểu, trong chào hỏi thì chỉ là chạm nhẹ má nhau rồi tự nói chụt chụt thôi, hihi.

Nhưng qua đó cũng có một cái hơi khác chút, tinh tế hơn, đó là chuyện bày tỏ tình cảm. Thường thì các cặp đôi yêu nhau hôn nhau, ôm nhau nhiều thì coi hình các bạn cũng thấy rồi. Đến độ có luật cấm ôm hôn ở gần đường ray tàu lửa cho khỏi tai nạn, lỡ tàu thì các bạn cũng có nghe. Các dịp tết lễ ở Pháp đều quan trọng nhất là việc chọn quà, tặng quà, hiếm hoi lắm mới có một dịp nào đó người ta tặng tiền cho nhau, gần như là không bao giờ luôn. Nên khi sang Việt Nam, nhiều người lấy làm hiếu kì vì dân mình đi chùa, đi đám cưới, đám ma gì cũng có thùng tiền…

Văn hoá bày tỏ cảm xúc còn thể hiện qua cách xưng hô giữa các thành viên trong gia đình, giữa bạn bè và các cặp đôi, họ thường dùng những từ ngữ đáng yêu nhất để gọi mẹ, bố, ông, bà, anh chị em hay chồng vợ, người thương (chéri, poupée, mon cœur…). Mà từ lúc còn nhỏ, các bạn đi mẫu giáo nhà trẻ, lớp một đã được cô giáo dạy cho cách quan tâm tới bạn bè cùng lớp và gia đình. Các bạn rất hay vẽ tranh, làm thiệp tặng cho bố mẹ và bạn bè cùng lớp.

Đất nước Pháp xinh đẹp, dễ thương, còn điều gì chưa được nhắc đến thì các bạn có thể để lại comment dưới bài viết nha. Chúc các bạn một tuần mới được hôn nhiều, ít phải gõ bàn phím tiếng Pháp và nếu trời nóng thì tìm được một ly trà chanh, trà tắc, trà đào, trà thanh long sơ ri, trà ổi… thật ngon!

so-sanh-cuoc-song-o-Phap-Vietnam-khac-nhau

Leave a Reply