Vượt ngục, giành giật tự do

Khi tôi bảo bạn tôi là nhạc của Imagine Dragon nghe rất được, nó khen lấy khen để bài Demons. Một thời gian sau khi phát hành album đầu tay, Demons được dựng clip, trở thành một bài khá hot trên bảng xếp hạng Billboard và được rất nhiều người share, trích lời làm caption cho ảnh. Tình cờ, có thể nói là đánh dấu ngày kết thúc của mùa đông, tôi tìm nghe lại bản cover của bài hát này, mới để ý những câu hát phía sau “When the day are cold and the cards are fold…”.

Như việc đọc tiểu thuyết và tìm ra được những câu văn ấn tượng sau màn chào đầu, bài hát có thêm câu này: “I can’t escape this now unless you show me how…”. Và bất chợt, từ câu hát ấy, tôi nối một mạch liên kết dài với ba bộ phim mình vừa xem trong độ nửa năm trở lại đây, với những ý định bất chợt nhóm lên rồi vụt tắt trong tôi và cả những gì tôi vừa đọc được trong sách. Hành trình tìm sự giải thoát âu là lại tự lao vào một nhà tù khác, là một chuỗi dài những loay hoay.

Ba bộ phim tôi muốn nói đều liên quan đến đề tài vượt ngục: The Shawshank redemption (1994)The way back (2010) và Oh brothers where the art thou? (2000). Đó là ba cuộc phiêu lưu kì vĩ và ba cuộc giải phóng tư tưởng ấn tượng.

Cách nhìn, cách khai thác đề tài của từng bộ phim có sự khác biệt rõ rệt. The Shawshank redemption dựa trên cuốn tiểu thuyết của nhà văn Stephen King. Nó là một câu truyện mang tính thơ hiện thực và được đẩy lên thành một tư tưởng chủ đạo. Câu chuyện dễ gây liên tưởng đến bá tước Monte Cristo và có lẽ, nhà văn đã lấy ý tưởng từ một câu chuyện thật. Song, dù sao đi nữa, vì câu chuyện thật đấy chỉ là cảm hứng, nó đã được chuyển thể thành một tác phẩm văn chương, nên tôi không thực sự gắn kết với câu chuyện ấy lắm. Nói vậy, không có nghĩa là bộ phim không hay. Chẳng qua, tôi, có thể là bị ám ảnh bởi yếu tố sự thật nhiều hơn, kì vọng yếu tố thật quá nhiều trong một bộ phim và một tiểu thuyết, điều chỉ có nhiều ở phim tài liệu và tác phẩm lịch sử, tiểu sử.

Hai nhân vật biểu trưng cho hai kiểu lý trí đối lập. Một bên khao khát tự do, bất bình vì sự hàm oan và điều tiếng, dù anh không thể hiện điều ấy ra ngoài. Một bên hài lòng với sự thể chế hóa. Thời gian ở tù đủ lâu để ông xoay sở, tái kiến trúc cuộc đời mình. Có thể đã bao phen muốn phản kháng, muốn được giải thoát. Nhưng quá nhiều lần bị khước từ đơn ân xá, ông đã cư xử mềm dẻo hơn, chấp nhận tù ngục như là một phần của cuộc đời mình. Ông không nhất thiết phải trở về lại nhà, với gia đình vợ con bạn hữu. Ông tự biến ngục tù thành ngôi nhà của mình và chấp nhận gắn bó. Theo tôi, thái độ của hai nhân vật không mâu thuẫn nhau, ý chí của họ cũng không mâu thuẫn nhau. Một bên tự do là thế giới bên ngoài là nơi anh ta có thể tung tác vùng vẫy, kiếm tiền và thực hiện những ước mơ của đời mình. Với người tù nhân già, tự do gần như trở nên đơn giản hơn, ít yếu tố ràng buộc hơn. Chỉ cần hài lòng, chỉ cần có thể tạo ra sự thoải mái, cái mà ông gọi là sự thể chế hóa con người.

Đại diện nổi bật nhất của tư tưởng thể chế hóa chính là ông lão thủ thư, con người hiền lành và bác học nhất của nhà tù Shawshank. Ông đã tự gây thêm tội để được ở lại tù. Ông ra tù với tâm thái bất đắc dĩ, đến cuối cùng chọn cái chết như phương cách giải thoát cho cuộc đời mình. Thời gian đã bào mòn, đã đơn điệu hóa con người đi rất nhiều. Chính thời gian tạo nên sự già nua, sự ngại thay đổi, sự lạc hậu. Hơi cực đoan, nhưng theo tôi, họ đã chọn hai lựa chọn khác nhau, không có nghĩa là một bên còn nô lệ, một bên có tự do. Chủ quan là từ tâm thái người ta có thấy thoải mái hay không?

Tự do đôi khi cũng là một cái lồng sắt ràng buộc con người, mặt khác, đôi khi người ta chấp nhận mình bị giam cầm một ít, bị nô lệ một ít, bị phụ thuộc một ít, bị kiểm soát một ít để yêu thương, để gắn bó, để ở lại trong cõi an nhiên mà thâm sâu muốn đón nhận. Tự do không nghĩa là bay nhảy khắp phương trời, nó cũng nhỏ bé và giản đơn như việc người ta chấp nhận ở lại cùng nhau, dưới một mái nhà và tôn trọng những nguyên tắc chung của nhau vậy.

Với The way back, người ta ít có điều kiện tư tưởng và chiêm niệm về cái tự do và giam cầm hơn. Chỉ có một lựa chọn, là giải thoát, phải giải thoát thì mới được tự do. Bối cảnh câu chuyện chân thực hơn. Một phần, bộ phim không chuyển thể từ tiểu thuyết mà là một câu chuyện thật. Đệ nhị thế chiến là có thật, phát xít và sự tàn sát, xua đuổi là có thật, nhà tù địa ngục ở Siberie cũng không phải là cái mà nhà làm phim tưởng tượng ra. Muốn sống, muốn thoải mái và hạnh phúc, không phải chỉ cần tuân thủ luật lệ của tù ngục là đủ, bởi luật lệ quá khắc nghiệt. Tra tấn nhau, giành giật nhau, súc vật với nhau là những thái độ sống hiển nhiên được chấp nhận. Bởi vậy mà họ phải đi, họ phải thoát khỏi thành lũy của sự giam hãm, cầm buộc. Chuyến hành trình của họ quá dài, quá nhiều hi sinh, quá nhiều mất mát. Với người này, nó thực sự tạo nên ý nghĩa lớn, với người kia đơn giản là con đường trả nợ đời – để tha thứ cho mình, với người nọ là một ước mơ dang dở – đau đớn thay, giấc mơ mãi ở đó, sáng lấp lánh như một vì sao xa.

Với The way back, người ta không phải đấu tranh nhiều về mặt tư tưởng, không phải chuyện là nên đi hay nên ở, ở thì sao và đi thì sẽ ra thế nào. Lựa chọn đơn giản hơn không có nghĩa là thực tế ít khắc nghiệt hơn. Những con người ấy đều ở thế đường cùng, họ sống trong những mối liên lụy. Tù tội không đơn thuần là hình phạt cho tội ác, hay án oan của riêng bản thân họ. Mà suy cho cùng, có cái án nào là hệ lụy cho một và duy nhất phạm nhân đâu? Thay đổi định hướng địa lí không ảnh hưởng đến mục tiêu định đạt ban đầu. Những con người dấn bước trong cuộc đời thực này, họ không tạo ra tư tưởng nhưng người ta vẫn chiêm ngắm và trầm tư về họ, về ý chí, về sự kiên cường.

Sự quả cảm, phải chăng là kiên trì cho đến cuối, bởi nếu nói đến chuyện dám bứt phá hay không thì họ đều đã có thừa. Với điều này, thì những người nhỏ con bé họng, những người mỏng mảnh như cô gái duy nhất của The Way Back lại có nhiều hơn cả, chứ không phải là tay ma cô cầm dao giết người, giết chó gà không ghê tay.

Rồi đến O brothers where the art thou?. Trong ba bộ phim thì O brothers where the art thou? gây cho người ta cảm giác ngạc nhiên, hoang mang hơn cả. Bộ phim vừa có nhiều yếu tố quá đỗi đời thường vừa thăm dặm vào những mũi kim nhọn của nhân sinh quan. Bộ phim giống như một câu chuyện ngụ ngôn hài hước, nhưng nó lại tạo được hiệu ứng văn chương đậm nét vì góc quay và cảnh quay quá đẹp. Rồi với chất folklore, với những bài hát và bản tin trên radio, với vấn nạn phân biệt chủng tộc (đảng Ku Klux Klan), với chiến dịch tranh cử bang… nó lại một lần nữa trở nên quá thật và đánh động khán giả.

Đi ra khỏi ranh giới của một cuộc vượt ngục thông thường, nó thôi thúc nơi người xem những trăn trở về sự giải thoát, về cuộc vượt ngục mà thành lũy không đâu xa, không phải bằng gạch đá sắt thép gì ngoài những mặc cảm, những rào cản, những mệt nhoài của chính bản thân mình. Người ta tìm sự tha thứ, sự tha thứ là do tôn giáo, do bản thân hay do luật pháp? Bản thân tôi cho rằng, không hẳn cách đánh giá theo quan điểm vô thần là hoàn toàn đúng. Đúng trên lý lẽ mà bản thân ta còn băn khoăn thì đúng để mà làm gì? Nhưng nhà làm phim đâu cố áp đặt ý tưởng nào cho chúng ta. Chỉ có sự thật phơi bày ra đó cho chúng ta thấy, khi người ta coi tôn giáo là bùa chú tha thứ và trừng phạt, hình thức, trình diễn. Còn sự thật thế nào, chỉ có tòa lương tâm mới định án và tha tội được.

Ba kẻ đào tẩu trong câu chuyện nửa thực nửa hư này vừa ngông nghênh mà vừa bình thường hết sức. Một kiểu ngốc nghếch, điên điên dễ gây tò mò. Người ta lại thấy rằng, dầu văn chương song nó không có gì xa vời. Đào tẩu và bị truy nã, lần này lượt khác được tha và chịu án. Không có cuộc vượt ngục có tầm tư tưởng, không có thiên anh hùng ca nào ở đây. Chỉ có hai kẻ ngốc bị thằng bạn gian manh lừa, dụ dỗ đi tìm kho báu. Kẻ gian manh cũng chẳng có ý gây ra sự gì, ngoài chuyện phải về nhà gặp vợ, phải can ngăn đám cưới mới của vợ. Danh dự với xã hội không còn thì danh dự của kẻ làm chồng làm cha, lương tâm và tình yêu thương vẫn còn muốn được biểu hiện ra ở dưới mái nhà nhỏ bé đó. Tôi đặc biệt chú mục vào từng lời của ông lão làm việc trên đường tàu. Ông xuất hiện ở đầu phim và trở lại ở cảnh cuối cùng của phim. Tôi muốn tìm cho ra ông là ai, muốn hiểu xem ông đến và đi trong câu chuyện này để làm gì…

Ba bộ phim là một chuỗi những vấn đề, những giả thiết, những lập luận và chứng minh cho cái gọi là tự do và giam cầm, cho cái giải phóng và nô dịch. Tù ngục là minh họa tốt nhất cho hai khái niệm mâu thuẫn này. Nhưng liệu trở về cuộc sống đời thường, người ta có thôi ngớt nghĩ về nó hay không? Một câu chuyện đơn giản hơn ba bộ phim trên, ngoài “All the saints we see, are all made of gold” – lời ít ý nhiều của Demons, tôi biết có một vlog giản dị tầm dân thường ít tuổi, gần gũi hơn: “Giả thuyết con chim và cái lồng” của nhóm Chuyện 2h sáng trên youtube. Tự hỏi, cái gọi là sự trói buộc hay giam hãm ấy, há chẳng phải là người ta tự tạo ra cho nhau và cho chính mình sao?

Như người ta vẫn cho rằng yêu đương là một sự ràng buộc, làm việc là một ràng buộc, sống như một công dân là một ràng buộc – ràng buộc bởi một cái hợp đồng lớn mà người ta gọi là khế ước xã hội. Và hỡi ơi, trong tất cả sự sáng tạo đáng hoan nghênh và trân trọng, thì người ta còn sáng tạo ra cả sự ràng buộc này nữa, sáng tạo cũng bị giới hạn theo tư tưởng và trường phái đấy thôi. Hệt như việc nghĩ ra những quỷ kế lừa lọc và giết người hay đàn áp và trấn giữ khác. Cho đến bao giờ người ta mới thực sự hát một khúc tự do? Tự do nhất, chẳng phải là lúc ngồi nhìn bầu trời, ngồi ngắm cỏ cây và ngồi hát ru mình vô lo vô nghĩ đấy sao? Tự do nhất, chẳng phải là lúc cứ để mọi băn khoăn chảy đến rồi trôi đi đấy sao?

Ta không còn nghĩ đây là đam mê hay là hình phạt nữa, không nghĩ đây là cùng đích hay là tận diệt nữa, ta chỉ làm, làm và không gán ghép một ý nghĩa nào vào đấy. Để cho bản thân sự vật, sự việc được nên trọn vẹn một cách tự nhiên nhất. Tự do là để mọi điều được như nó vốn có thay vì áp đặt những ý định riêng của ta vào. Tự do không chỉ là một quyền của riêng cá nhân mà còn là quyền của tất thảy mọi tạo vật vậy!

Mỉa may thay, có vẻ như, muốn được tự do, thì không nên nghĩ nhiều về nó nữa!

Vậy chứ, viết về tự do và ràng buộc, không có gì là tra tấn, thậm chí là một thú vui với đầu óc.

Leave a Reply