Tuổi trẻ lạc lối… tới quán của ông chủ Modiano

Truyện vừa, mang hơi hướng hồi kí.

Cảm ơn cô gái, người đã đề nghị tôi review cuốn sách này.

Thú thật với các bạn, dù đã dành nhiều lời khen cho nhà văn Patrick Modiano và viết hẳn hai lần review cho cuốn Phố của những cửa hiệu u tối, nhưng tôi thực sự là hơi chần chừ trong việc có nên đọc tiếp những cuốn khác của tác giả hay không. Thấy tôi để cuốn sách trên bàn, cậu em đi ra đi vào cũng tò mò, hỏi chừng tôi : « Chị, chị cho em mượn cuốn phố gì tối tối nha. » – Tôi bảo em rằng : « Cuốn đó khó đọc lắm đó nha. » Sau một lúc nghe tôi giới thiệu, gần như cậu ấy chẳng còn hứng thú nào với cuốn sách nữa. Biết là sách được giải thường khó nuốt, nhưng không ngờ đến độ vậy.

Nhưng, Phố của những cửa hiệu u tối là một cuốn sách đáng đọc, khi bạn hiểu được những vấn đề sâu, rộng, xa của nó (về căn tính, về di dân di cư, về cội nguồn, về sự đi để được hay để mất). Thôi! Quay trở lại cuốn sách của hôm nay. Cuốn này dễ đọc hơn. Hôm nay, tôi đã quyết định gác lại công việc, đi tìm Ở quán cafe của tuổi trẻ lạc lối để đọc ngay lập tức.

Trước hết, để cảm ơn cô gái đã nhắn tôi review, tôi tặng em ca khúc Sauras tu m’aimer do ca sĩ Yoann Freget trình bày. Tôi thường có thói quen chọn một bản nhạc thật hợp tai để nghe trong lúc viết. Nếu không có nhạc, chắc câu chữ cũng tắc lự. Tựa bài hát gắn chặt với một trích đoạn mà tôi vừa đọc thấy trong sách : « Khi thực sự yêu một người, thì ta cần phải chấp nhận cái phần bí ẩn của người ấy ». Bài hát lên đến những đoạn cao trào, vung lên như một cánh chim vút lên trời cao, thoảng thấy nhẹ nhàng như cái kết của câu truyện. Trời hôm ấy nắng nhẹ, gió hiu hiu, biển thầm thì, tôi lặng nhìn đàn hải âu bay xa tít tắp. Và sau đó, máy tính tự động chạy tiếp bài Let her go của Passenger. Nếu tiện thì mọi người có thể vừa nghe nhạc, vừa tiếp tục :


Tôi đã đọc liền một mạch hết cuốn sách. Ban đầu, không đủ kiên nhẫn, tôi đã định giở phần kết ra xem qua thế nào. Nhưng tôi biết, truyện của Patrick Modiano thì có biết phần kết cũng chẳng ích gì, nó sẽ không giúp ta hình dung ra câu truyện thực hư thế nào đâu. Thế rồi, tôi bỏ qua, đọc mấy phần đánh giá của báo Pháp, cũng chẳng khả thi lắm. Không có gì tạo hứng thú ! Tôi quay lại đọc cuốn sách, để mạch thơ mạch lạc của cuốn sách cuốn mình đi. Tôi đếm, 30 trang, rồi 59 trang, rồi 71 trang. Rồi tôi nghỉ một hơi, để lấy điện thoại chụp lại một vài trích đoạn hay. Tiếp tục 121, 145 rồi kết thúc. Cuốn sách cứ càng đọc càng thấy nó mỏng tang. Thấy những nhân vật chạy nhảy trong đầu mình. À ! Thực ra, những nhân vật gợi cho tôi liên tưởng đến một vài bộ phim.

Khung cảnh của Paris vào đêm, thì không có bộ phim nào liên quan hơn là Nửa đêm ở Paris. Tôi thấy ở đó, cũng như những nhân vật trong truyện, chàng nhà văn Gil kia cũng cảm thấy mình lạc lối ở đâu đó giữa đương đại, lẩn mình tìm về quá khứ, men theo những phố xá cổ kính của Paris. Đập vào mắt tôi là phố Saigon (tên phố/ đường của Paris), con phố mà Modiano cũng đã một lần nhắc tới trong Phố của những cửa hiệu u tối. Rồi phố La Rouchefoucault, nơi hình như tôi không lầm thì, danh họa Claude Monet cũng đã có thời lưu trú tại đó. Paris bình yên, nhẹ nhàng dịu dàng, ám ảnh như một nhánh thường xuân buông lơi. Không điểm hẹn, không điểm dừng, ta cứ thế lưu lạc qua từng góc phố, con đường của Paris.

Sau đó, tôi bắt gặp những đoạn văn như dát vào tim. Đôi khi, bạn sẽ thấy những câu trích dẫn tương tự ở một cuốn sách khác, nhằm nói về một hoàn cảnh dễ chịu, nhằm xoa dịu một luồng suy nghĩ ưu tư nào đó của bạn. Nhưng ở đây thì không, tự dưng bạn thấy mùa thu của tuổi trẻ lạc lối không lãng mạn. Bạn thấy nỗi nhớ nhà của người trẻ lạc lối đăm đăm. Bạn thấy gia đình, và người thân cận nhất là mẹ tự dưng xa xôi, mờ ảo, thấy khoáy sâu vào tâm khảm những tâm sự mà hằng bao lâu nay, bạn vẫn tầm ngầm, để rồi cuối cùng chẳng bao giờ thốt nên lời.

Bất giác, tôi nghĩ tới cô nàng Edith Piaf (trong bộ phim Cuộc đời màu hồng – La vie en rose) lúc tuổi đôi tám, lang thang trên ngọn đồi Montmartre, vô tư hát cho người qua đường nghe, ngông cuồng và kiêu ngạo, đã sẵn sàng đầu hàng với những mâu thuẫn của gia đình. Tôi lại nhớ tới anh chàng Will trong Me before you, khi anh hướng đôi mắt ra xa và kể cho cô bạn gái đeo tất ong nghệ về Paris, về những chân trời mà ta cần đi tới… « Nhưng chẳng việc gì phải đi xa đến thế. Tôi nhớ lại những cuộc dạo chơi ban đêm của mình. Với tôi, Montmartre chính là Tây Tạng. »

«Quãng mười giờ, khi chúng ta đi xuôi Champs-Elysées, 
Anh tự hỏi, không biết có bao giờ trời chịu tối không? 
Hay đó lại chẳng phải là một đêm trắng như ở Nga hay các nước phương Bắc?
Ta bước đi vô định, ta có cả đêm ở trước mặt.
Vẫn còn lại những ráng mặt trời, trên các vòm tường phố Rivoli.
Đây là đầu hè, ta sẽ sớm đi khỏi.
Đi đâu?
Ta còn chưa biết được,
Có lẽ là Majorque hoặc Mexico.
Có lẽ là London hay Rome.
Những nơi chốn không còn chút quan trọng nào nữa…»

Tôi lại tiếp tục trích dẫn đấy, vì không kìm lòng được. Bởi vì bản dịch quá nuột, để chất thơ trong văn chương của Modiano hiển hiện lấp lánh, đến mức cứ đọc vào là thấy. Với cuốn sách này, ta cũng chẳng cần ưu tư nhiều. Cứ như là chàng Gil đi lạc, cứ như là chàng Will đang cố gắng quyết định ý nghĩa cuộc đời mình và cứ như nàng Edith Piaf đang cố thử vận may… ở đâu đó, tại Paris.

Một cuốn sách nhẹ nhàng, lôi kéo tôi đi tới cùng với Patrick Modiano. Đúng đang khi tôi cần một định nghĩa gọn nhẹ cho La Bohème thì tôi đã tìm thấy nó trong tập truyện mỏng này. Đúng khi tôi đang cảm thấy chông chênh, như lâu lâu bị một cơn dông Sài Gòn đưa đẩy, thì tôi cũng như cô gái vì đọc sách mà thấy chính mình trong đó.

Đúng khi tôi đang nhìn những cuốn sách bên mình và ngẫm nghĩ, thì Ở quán cafe của tuổi trẻ lạc lối lại dẫn tôi về miền kí ức những quán cafe sách tuyệt đẹp ở Lyon, những thiên đường đầy sách mà tôi ít khi dám lui tới, vì chẳng bao giờ nhận mình dám đọc văn chương Pháp một cách tử tế. Và lại những ý nghĩ về một tiệm sách tươm tất trong mơ ươm lên trong đầu tôi…

Tôi không chắc, những người trẻ cầm cuốn sách này lên, với ý đồ tìm được một lối đi qua những lối mình đang lạc, liệu rồi có thể tìm thấy đường sau khi gấp lại trang cuối cùng hay không ? Nhưng ở cuộc đời này, liệu ta có dừng sự lạc đường và tìm lối đi ở một thời điểm cố định được hay không ? Hay cuộc đời vẫn luôn là một hành trình không có đường đi cụ thể, bắt ta phải loay hoay lạc lối mỗi ngày ? Và liệu quá trình tìm và lạc ấy cứ diễn đi diễn lại liên tục là vì ý gì ? Tôi xin trích nốt một đoạn để kết thúc : « Sau vài ngày, vẫn không ngừng đọc, ông ta nói với tôi một câu, luôn luôn vẫn là câu ấy : «Sao, cô đã tìm được hạnh phúc cho mình chưa ? »».

Leave a Reply