Kinh nghiệm phần thi đọc DELF hoặc TCF

Đọc là một phần thi dễ, ít bắt bạn phải suy nghĩ nhất. Nhưng để có được phần thi đọc đạt điểm cao lại không hề đơn giản. Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ cho bạn các bí kíp để, họa may, sẽ thi tốt được phần đọc.

Để đọc tiếng Pháp tốt?

Hãy chuẩn bị cho mình một vốn từ vựng cơ bản. Nếu nhìn thấy một câu tiếng Pháp vỏn vẹn 10 chữ mà phải tra từ điển hết 9 chữ, thì quả là việc đọc của bạn sẽ không phải mệt vừa nữa, mà phải nói là rất mệt! Ở đây, mình không khuyến cáo với các bạn là chữ nào, từ nào cũng phải biết. Nhưng những từ quá thông dụng, lặp đi lặp lại nhiều trong các bài viết thì các bạn nên học dần để nhớ.

Mình xin đề nghị các bạn một số danh sách từ cần học, lưu ý, danh sách này chỉ mang tính tham khảo nhé!

-Danh từ chỉ nghề nghiệp, tổ chức.

-Tính từ chỉ màu sắc, tính chất, phẩm chất.

-Một số danh từ chuyên ngành : thực phẩm, sức khỏe, sinh học, tâm lí, xã hội, địa lý, nghệ thuật, kinh tế/ tài chính/ bảo hiểm. Lựa chọn lĩnh vực mà bạn cảm thấy cần thiết.

-Một số từ nối (liên từ), từ chỉ thời gian, từ chỉ thứ tự, chỉ nơi chốn.

-Một số thành ngữ, cấu trúc đặc biệt.

-Những trạng từ đặc biệt. Những giới từ thường thì có thể tự suy ra nghĩa nếu xác định được tính từ gốc.

Việc học ngữ pháp Tiếng Pháp rất quan trọng, ứng dụng trực tiếp của nó là khi bạn nói và viết tiếng Pháp. Nhưng nó cũng là cầu nối để giúp bạn đọc và hiểu được bài đọc bằng tiếng Pháp nữa. Đọc hiểu, không đơn thuần là chỉ biết nghĩa của từ. Nhiều khi, từ thì bạn đã có hết nghĩa, nhưng vì không để ý đến cấu trúc ngữ pháp nên bạn không thể hiểu được thấu đáo. Chẳng hạn như, nếu nắm được công dụng của các đại từ quan hệ, thay thế cho cụm nào, loại từ nào, bạn sẽ kết nối được vế trước và vế sau của câu. Hoặc như, khi nắm rõ được cách phù hợp giống số, bằng cách nhìn số ít, số nhiều, giống đực, giống cái – bạn có thể liên kết được cụm này với cụm kia. Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp, hai ý bổ sung cho nhau lại nằm nửa đầu nửa cuối của câu, chứ không đứng cạnh nhau như bạn tưởng.

Hiểu cách hành văn có logic và có hệ thống, cũng như có dàn ý của người Pháp. Pháp là xứ bác học, họ học nhiều, nói nhiều và rất chú trọng về tư duy logic. Những bài viết của người Pháp được viết theo bố cục rõ ràng, có mạch phát triển ý, câu sau bổ nghĩa cho câu trước ; chứ không tùy tiện bạ đâu viết đó. Người Pháp áp dụng rất tốt lối viết diễn dịch hoặc quy nạp. Tức là, hoặc câu đầu tiên của đoạn văn sẽ nêu ý chính – các câu tiếp theo sẽ bổ sung nghĩa hoặc chứng minh cho ý chính đó. Nếu viết theo lối quy nạp, thì câu cuối cùng sẽ tóm lại các ý của cả đoạn văn. Nhìn chung, bài viết sẽ viết theo dàn ý : chapeau, soustitre, introduction, développement, conclusion (ouverture) – dẫn nhập, giới thiệu sơ lược, dẫn ý – giới thiệu khái quát nội dung, phát triển/ thân bài, kết luận (mở rộng ý).

Đọc bài thi như thế nào?

Mình nghĩ những điều này cũng hơi cũ rồi, nhưng dù sao vẫn phải nhắc lại vì thừa còn hơn thiếu. Các bạn hãy bắt đầu bằng việc đọc qua một lượt bài viết, chú ý vào các câu đầu tiên hoặc cuối cùng của mỗi đoạn văn. Chú ý vào các chỗ có từ nối chỉ sự tương phản, chứng minh, giải thích (thường bắt đầu bằng : en effet, en réalité, cependant, comme, pourtant…).

Lần thứ hai, đọc chậm hơn một chút, nhớ xem kĩ hoặc gạch chân những câu phức tạp, khó hiểu. Cố gắng hiểu sơ bài đọc.

Sau đó bạn chuyển sang đọc câu hỏi, định hướng câu trả lời với từng đoạn trong bài viết.

Bạn đọc lại bài một lần nữa, lần này đọc cho hiểu rõ hơn, và tập trung trả lời cho từng câu hỏi. Ở những câu khó hiểu, hãy đọc lại cả câu trước và câu ngay sau đó để có một cái nhìn chung về đoạn văn. Nhưng thế bạn có thể được gợi mở phần nào, thay vì chỉ tập trung vào chỗ khó hiểu lúc đầu và thấy bị bí bách.

Khi trả lời câu hỏi, bạn nhớ : Không được sao chép y nguyên câu ở trong bài đọc vào phần trả lời của mình. Đây chính là mấu chốt thể hiện khả năng hiểu của bạn đến đâu. Hãy dùng từ mới, cấu trúc mới (ví dụ như chuyển từ bị động sang chủ động và ngược lại), tách câu trả lời thành những câu đơn ngắn có tính liên kết với nhau, thay đổi từ trong bài viết bằng từ đồng nghĩa.

Việc vừa đọc, vừa lên dàn ý, tóm tắt ý chính trong quá trình đọc tỏ ra khá hiệu quả và cải thiện tốc độ đọc của bạn rất nhiều. Chẳng hạn sau khi đọc một đoạn văn đầu tiên, bạn rút ra được ý chính là : Ăn trái cây rất có lợi cho sức khỏe. Bạn hãy ghi ngay ra giấy ý này. Sau đó, đoạn tiếp theo, nếu tác giả tập trung vào việc đưa ra các ví dụ cụ thể : quả đu đủ nhiều vitamin, quả cam có lợi cho sức khỏe thế nào, quả bơ giúp hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh gì đó… Tất cả những ý này, nếu bạn có thể nhận ra ngay được, hãy ghi nhanh ra nháp. Như thế, bạn sẽ không bị mất thời gian đọc đi đọc lại bài viết, không định vị được đoạn nào phân tích cái gì, nên mỗi lần đọc câu hỏi xong lại tốn thời gian đi mò đoạn văn cho câu trả lời.

Hãy đọc một cách khoa học, xác định ý rõ ràng, hiểu được hướng phát triển ý của tác giả. Quan tâm tới việc dùng từ. Chú trọng tới hiểu được vấn đề một cách rộng nhất, thay vì tập trung vào một số từ ngữ trong câu. Như thế, nhìn chung, bạn hiểu được vấn đề, điều này đáng hoan nghênh hơn việc bạn bỏ thời gian hiểu sâu xa được một ý nhỏ nào đó của bài, rồi vô tình lại không kịp thời gian để hiểu hết bài. Như vậy thì bạn sẽ để lãng phí rất nhiều điểm.

Thời gian đầu, có lẽ bạn sẽ rất khó chịu với việc đọc lấp từ, lấp câu như vậy. Có nghĩa là chỗ nào không hiểu thì bỏ qua, vẫn tiếp tục đọc tiếp sang câu khác. Nhưng lâu dần, bạn sẽ hình thành cho mình được thói quen đọc nhanh, hiệu quả hơn. Hãy tưởng tượng mà xem, sau khi đọc hết cả cuốn tiểu thuyết, bạn còn nhớ được chính xác bao nhiêu câu văn, câu thoại trong đó ? Cũng như khi xem xong một bộ phim ? Điều bạn nhớ là những diễn biến chính, những đột phá hay những chi tiết thừa ? Nhiều khi, có những câu văn chỉ mang tính phụ trợ, tô điểm cho bài viết. Bạn không có nghĩa vụ phải đào sâu hiểu kĩ chúng. Quan trọng là bạn nắm được cốt lõi của bài và có khả năng phát triển ý để chứng minh rằng mình hiểu bài.

Một số lưu ý khác

Chuẩn bị bút highlight, bút màu, giấy nháp, bút chì. Những dụng cụ có thể giúp bạn phân tách ý, làm sao cho việc đọc của bạn được tập trung đúng và hợp lí nhất, tiết kiệm được thời gian không bị mò đi mò lại.

Uống cà-phê, uống trà, uống nước, ăn kẹo chewing-gum trước khi thi đọc hiểu, uống nước cũng được, hãy cố gắng giữ đầu óc thật tỉnh táo trong suốt quá trình thi đọc hiểu. Vì với mật độ chữ dày đặc, size chữ nhỏ, cộng thêm sự khó hiểu của bài viết, sẽ nhanh chóng khiến bạn mất tập trung, kể cả buồn ngủ nữa.

Giấy nháp, bút chì để ghi chú các ý và gạch chân chỗ khó hiểu.

Tập thói quen đọc nhanh, đọc theo trình tự dàn ý, đọc xong tự tóm tắt ý thành résumé hoặc viết được plan cho bài viết. Dần dà, bạn sẽ có hướng để làm bài đọc hiểu, không bị mông lung, kể cả khi không đủ vốn từ. Hãy luyện tập đàng hoàng, có sổ ghi từ vựng, vận động tay chân để tra từ điển, học chia động từ. có giấy để phác thảo các ý lại. Nhớ luỵện tập thường xuyên để trau dồi khả năng.

Hi vọng là những lưu ý nhỏ trên đây sẽ giúp được các bạn phần nào mỗi khi tham gia thi đọc ở trường cũng như trong các kì thi DELF, TCF.

Leave a Reply