bai-doc-B2-C1-giao-duc-nghe-thuat-tren-the-gioi

Vài suy nghĩ về việc học tiếng Pháp (1)

Học tiếng Pháp một thời gian, bạn bắt đầu cảm thấy rối, nhìn đâu cũng thấy quen quen biết biết, nhưng để nói chuyện với một người Pháp hoặc để viết một email ngắn cho người Pháp lại cảm thấy hơi thiếu tự tin. Nhiều kiến thức ngữ pháp, đọc qua thì biết nhưng hỏi kĩ thì mơ hồ và chưa biết cách áp dụng. Đã đến lúc bạn cần suy nghĩ lại một số thứ, sắp xếp lại ý tưởng để hiểu rõ làm thế nào thì tốt nhất cho bản thân. Đặc biệt là qua việc đối chiếu giữa việc học tiếng Việt (ngôn ngữ mẹ đẻ) và tiếng Pháp (cũng có thể áp dụng cho các ngoại ngữ khác).

Điều gì khiến bạn yêu thích ở tiếng Pháp ? Cảm nhận của bạn đối với việc nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt ra sao ? Bạn có bị hạn chế một khả năng nào đó trong tiếng Việt không ? Vì sao ? Bạn có cách nào để cải thiện nó không ? Từ đó, các bạn có sự phản chiếu về cách thức thẩm thấu ngôn ngữ, tìm ra cách nào mình sẽ thành công được ? Cũng hãy bỏ thời gian sắp xếp lịch học, chỉ tiêu, mục đích, ước mơ của mình.

Càng về sau này, mình càng cảm thấy câu nói : «Giấc mơ không bị đánh thuế, cứ mơ và vươn tới. Hãy vươn tới bầu trời, vì nếu không chạm tới các vì sao thì bạn cũng ở giữa những đám mây.» Mình cải biên một chút cho nó thực tế, mà mây nhìn từ máy bay cũng đẹp quá trời rồi mà. Vì sao mình lại nhắc tới điều này, vì việc đặt một mục tiêu lớn, không nhất thiết buộc bạn phải đạt được mới gọi là thành công. Nhưng nó buộc bạn phải cố gắng mỗi ngày, vươn tới mỗi ngày, không cho phép mình dừng lại, hoặc lỡ dừng lại thì luôn nhìn thấy hướng để đi tiếp…

Có thể bạn không bao giờ giỏi đến mức cầm được bằng DALF C2, có thể bạn sẽ chẳng bao giờ đọc được một cuốn sách 500 trang bằng tiếng Pháp, có thể bạn không bao giờ được làm một diễn giả đứng trước hàng ngàn người Pháp để phát biểu, có thể bạn không bao giờ trở thành một quản lý trong một tập đoàn Pháp quốc tầm cỡ… Nhưng, nếu một ngày đẹp trời, bạn lỡ nghĩ ra một điều gì to lớn như thế, mình khuyên các bạn hãy ghi lại, không ghi thì phải luôn tự nhắc nhở mình, luôn luôn suy nghĩ về mục tiêu lớn ấy mỗi khi bạn cảm thấy lười biếng. Nó sẽ giúp bạn tự tìm ra cách nỗ lực 200%, 500%…

Mình xin lỗi các bạn giỏi ngoại ngữ, các bạn có bằng cấp này bằng cấp nọ và xin lỗi những người đang làm trong ngành giáo dục về ngôn ngữ. Đối với mình, giỏi ngoại ngữ nó không phản ánh nên điều gì cả, nó là một kĩ năng, nó không thể hiện rằng bạn đã vươn đến một tầm kiến thức nào đó. Trừ phi bạn làm về nghiên cứu ngôn ngữ, lịch sử ngôn ngữ, phương pháp giáo dục.

Ngoại ngữ nó là một khía cạnh của kĩ năng giao tiếp. Nó chỉ ra rằng bạn có khả năng nói chuyện được với nhiều người. Tuy nhiên, vẫn có những người không giỏi ngoại ngữ, nhưng họ là diễn giả tài ba, hoặc là một người bán hàng chuyên nghiệp, kĩ năng giao tiếp của họ giỏi hơn bạn nhiều. Ngoại ngữ, thứ hai, nó là một cầu nối cho con người ở các vùng văn hoá khác nhau, nó cũng là một cầu nối tới với tri thức, đặt trường hợp, các phát kiến, nghiên cứu, tìm tòi của con người không xuất phát từ một quốc gia, không từ người nói chung ngôn ngữ với chúng ta.

Hãy thử tưởng tượng mà xem, nếu cuốn sách Harry Potter được viết bằng tiếng Uganda chẳng hạn (tự dưng nghĩ ra cái nước này và cho rằng tiếng Uganda thì ít người biết đó các bạn), thì xác suất nó trở thành một hiện tượng toàn cầu là bao nhiêu ? Vì từ tiếng Uganda ra với các ngôn ngữ khác, nó đi một quãng đường rất xa. Nếu như, người Uganda không giỏi ngoại ngữ, thì con số đó còn thấp hơn nữa, vì… làm sao để dịch đây? Thật may là Harry Potter được viết bằng tiếng Anh và chúng ta đã được đọc nó gần như rất sớm… bằng tiếng Việt. Nếu nó viết bằng tiếng Việt thì chắc tới giờ cũng chỉ được dịch ra khoảng 2, 3 thứ tiếng khác và chưa chắc đã là hiện tượng của toàn cầu. Nhưng Harry Potter, nó hay, không phải vì nó được viết bằng tiếng Anh, nó hay vì cốt truyện, vì những chi tiết đặc sắc, vì mạch tư duy được khai triển qua từng con chữ của chính tác giả.

Một người giỏi ngoại ngữ mà không đi kèm với một kĩ năng chuyên môn hoặc một khả năng nào đó thì họ cũng như hoa dâm bụt, có đỏ mà không có thơm vậy. Như một người giỏi toán nhưng không giàu vì anh ta không nhạy cảm với chuyện kinh doanh vậy. Hoặc như người chỉ biết làm ra tấm vải mà không biết may áo, quần, váy vóc vậy. Tất cả, bạn cần nhìn ra được đâu là ứng dụng của nó, vai trò của nó trong thực tiễn.

Kể cả em bé chưa biết nói, người khuyết tật không thể nói, hoặc trẻ tự kỉ có vấn đề về giao tiếp đều có cách thức để diễn đạt theo một cách nào đó, tuy hơi khó hiểu. Thế thì, nếu bạn là một người bình thường, bạn không thể có chuyện không nói được, không diễn đạt được. Nếu bạn, bây giờ, chưa giỏi tiếng Pháp, thế thì có 3 lí do : bạn chưa học hoặc chưa học đủ nên chưa giỏi, bạn không đủ chăm chỉ để có thể giỏi, bạn cảm thấy việc giỏi tiếng Pháp không cần thiết nên bỏ qua. Và bạn đừng thần thánh hoá những người giỏi ngoại ngữ, nếu bạn là người Việt, bạn nên ngưỡng mộ những người giỏi tiếng Việt hơn. Vì cùng xuất phát chung nguồn gốc, văn hoá mà khả năng tiếp cận ngôn ngữ của họ tốt hơn bạn. Còn người ta giỏi ngoại ngữ, vì người ta có điều kiện tiếp cận hơn mình thôi, bạn ghen tị thì được, nhưng đừng thần thánh hoá họ như thể làm được một điều không tưởng.

À, bạn nhìn đi, trên thế giới có hàng chục triệu, hàng trăm triệu người nói được tiếng Pháp. Bạn nghĩ tiếng Ấn Độ khó, thế mà có hơn tỉ người nói được viết được thứ tiếng đó. Người nước ngoài thấy tiếng Việt khó, xin cười nhẹ các bạn một cái vì hơn 90 triệu dân Việt Nam nói được.

Có thể các bạn đang cười mình vì mình nói những cái chuyện hiển nhiên phải thế. Nhưng hãy thay đổi cách nhìn của bạn về ngoại ngữ đi ! Đừng biến nó thành cái gì đó bí hiểm, phải phương pháp này mới được, phương pháp kia sẽ không hiệu quả ! Đừng nghĩ nó là mục tiêu ghê gớm gì đó, hay là chướng ngại không thể vượt qua ! Đừng mặc cảm khi mình phát âm không đúng, đừng căng thẳng khi mình viết sai ! Hãy xem bạn nói chuẩn tiếng Việt chưa, có phải lúc nào cũng viết đúng chính tả tiếng Việt không, câu văn tiếng Việt của bạn có chuẩn được như Nam Cao, Nguyễn Tuân hay không ?

Vì vậy, thay vì coi ngoại ngữ như một mục đích, hãy biến nó thành phương tiện. Ngoại trừ trường hợp bạn thích khám phá bản chất ngôn ngữ, cách nó phát triển, tiến hoá cùng xã hội thì mình không nói nhé. Hãy nhìn vào nghề nghiệp, công việc, nhìn vào thực tế, tương lai, sở thích, thời gian rảnh rỗi, người bạn đời, người bạn đường, đối tác, đối thủ của bạn… để biết mình cần phải sử dụng ngoại ngữ để làm gì ? Lúc đó, bạn sẽ thấy ngoại ngữ nó hữu ích cho mình, cần thiết phải học và nếu không học thì mình sẽ mất mát gì ?

Bây giờ thì mức độ phổ cập ngoại ngữ ở Việt Nam cũng thuộc vào mức khá hơn ngày xưa rồi, nhưng cũng nhiều người đi làm rồi mới thấy hạn chế tiếng Anh, tiếng Pháp là một cản trở lớn, khiến mình không phát triển sự nghiệp được. Nhiều khi gặp một du khách nước ngoài hỏi đường mà không trả lời được, mới thấy, ước gì mình giỏi chút tiếng. Hay bản thân bạn đi ra nước ngoài cũng vậy thôi, giá biết chút thì xoay sở dễ hơn. Giờ thì google translate giúp bạn được nhiều rồi. Nhưng nó chưa thông minh đến mức cái gì cũng hiểu và hiểu đúng đâu !

Hay khi bạn thấy một cuốn sách hay, thấy một bộ phim xuất sắc, nghe một bài hát buồn u uất, một nghiên cứu đúng đề tài mà bạn đang tìm hiểu… mà chẳng thể nắm bắt được những nội dung đó… chỉ vì nó được viết bằng một thứ ngôn ngữ xa lạ. Thường thì, khi rơi vào những hoàn cảnh như thế, bạn mới thực sự có sức bật, có quyết tâm, có hướng phấn đấu – tập trung cho việc học ngoại ngữ của mình. Một lần nữa, mình nhắc các bạn, phải luôn tìm thấy vai trò của ngoại ngữ cho bản thân để có thể thực sự kiên trì với nó. Nếu ai cũng học với niềm yêu thích như con trẻ thì tốt quá rồi.

Bạn không giỏi viết, không giỏi nói, không giỏi đọc, không giỏi nghe… Hãy xem lại bạn giỏi cái gì trong số đó bằng tiếng Việt ? Chẳng hạn, khi nói chuyện đọc, có rất nhiều lí do để bạn không giỏi : khả năng liên kết từ vựng, xây dựng logic bằng việc nhìn con chữ, tập trung và trí nhớ, hạn chế về thông tin và kiến thức liên quan. Khi nói chuyện viết, cũng có rất nhiều lí do để bạn viết dở ngoài chuyện dở ngữ pháp và thiếu từ vựng : trí tưởng tượng của bạn không tốt, óc tổ chức của bạn không tốt, bạn không có cảm xúc – tâm huyết – một suy nghĩ chính chắn cho vấn đề, bạn không quan tâm đủ mức tới vấn đề, việc kết nối câu từ – bạn chẳng bao giờ quan tâm tới nó, bạn đọc ít nên không có cảm hứng, không có tiền đề khai triển ý, không có một tư tưởng, logic để nương vào.

Khi nói chuyện nói không giỏi, à, thì bạn bị tật nói lắp (xin lỗi các bạn bị nói lắp nhé), vì bạn bị ngọng (mình tin là nếu tập luyện đúng, kiên trì thì sẽ sửa được. Như người ngọng chữ l và chữ n đấy, mình thấy là do bị nhầm riết thành quen đấy chứ, nếu tập trung là sửa được ngay).

Nếu bạn nói không giỏi, có thể do bạn thiếu tự tin, bạn lười giao tiếp, bạn không kiềm chế được cảm xúc, bạn không tập trung vào việc phản biện và không chú trọng vào hiệu quả giao tiếp. Có rất nhiều lí do khiến bạn bị tê liệt một kĩ năng nào đó mà bạn chưa tìm hiểu sâu xa để biết vấn đề của mình ở đâu mà cải thiện.

Ví dụ, mình có một bạn học trò nhỏ, mỗi lần làm bài viết, không bao giờ chịu viết dài. Và câu trả lời là vì bạn ấy không giỏi viết, không giỏi văn. Nhưng bạn ấy không bao giờ chịu diễn tả cái gì cả. Mình hỏi bạn ấy thích ăn gì, thậm chí là trưa nay ăn gì, bạn ấy cũng lười nói. Mình hỏi bạn ấy phòng học có gì, ở trường học môn gì, bạn ấy cũng rất lười liệt kê. Viết là chuyện bạn phải chịu khó liệt kê, chịu khó khai triển những khái niệm, ý niệm trong đầu ; trước khi nói tới những thứ xa xỉ hơn như lý luận, tranh luận, phân tích, giải thích… Viết cũng như việc xây một cái nhà, chủ đề là nền móng, ý tưởng là tường, ví dụ là ô cửa sổ nhiều hoa.

Leave a Reply