cau-hoi-huong-nghiep

Muốn gì và làm gì? Câu hỏi lớn trên con đường lựa chọn nghề nghiệp

Năm con trâu, người ta vẫn nói “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Vậy thì hợp lí quá, nhân bài khai bút đầu năm, mình xin đưa ra một vài chia sẻ nhỏ giúp các bạn đang phân vân lựa chọn nghề nghiệp, hoặc đang đi tìm con đường sự nghiệp của mình hoặc mong mỏi tìm ra và phát triển hơn trong năm 2021 này.

Năm 2020 và năm 2021 là những thời điểm có thể gọi là bùng nổ của chuyển đổi số và năm lên đỉnh của công nghệ. Nếu trước đó, làm việc từ xa (télétravail), học online từ xa (MOOC – cours en ligne) hoặc thương mại điện tử (e-commerce) là những khái niệm phát triển nhưng đi kèm với các tranh luận xã hội (débat social) và những định kiến như cạnh tranh không lành mạnh (concurrence déloyale) và làm phương hại tới những ngành sản xuất hoặc hoạt động truyền thống (au detriment des activités classiques). Thì từ dịch Covid, các câu hỏi dần dần được khép lại, người ta chỉ có chọn hoặc không (oui ou non) và đòi buộc phải thích nghi (exigence de s’adapter) để duy trì công việc, sự nghiệp và con đường trau dồi tri thức.

Nếu chúng ta tiếp tục đặt câu hỏi, đặc biệt cho lĩnh vực lao động (travail) thì câu hỏi tiếp theo mà chúng ta cần phải trả lời đó là: Sau Covid, tôi sẽ quay lại làm việc như bình thường chứ? Nếu tôi quay lại văn phòng, tất cả những trật tự tạm thời trong mùa Covid sẽ là quy luật mới (nouvelle règle) hay tôi lại quay lại với những truyền thống (tradition) trước khi dịch bệnh xảy ra? Làm việc từ xa giúp chúng ta tiến tới yếu tố bắt buộc (obligatoire) phải chọn công nghệ (technologie), phải làm việc dưới thời đại hoàn toàn bằng công nghệ thông tin (l’ère informatique) và nhiều yếu tố truyền thống vì vậy mà suy giảm mức độ hiện diện của chúng (fréquence). Trong đó chúng ta phải kể tới các thủ tục hành chính (procédure administrative), tư tưởng phải hiện diện mới là làm việc (présentiel) hay tính hệ thống cấp bậc trong một doanh nghiệp (hiérarchie dans une entreprise). Các hình thức (forme) và cách thức (mode) làm việc thay đổi, tính chất (caractère) và yêu cầu cho mỗi vị trí (exigence du poste) cũng vì thế mà thay đổi theo.

hoc-tieng-phap-o-sai-gon

Các bạn có thể thấy chúng ta hơi đi xa vấn đề là hướng nghiệp, nhưng thực ra thì không. Chúng ta đang ở trong một giai đoạn sát mốc của thời kì chuyển giao và thay đổi, xã hội đang tự tạo ra những đột phá mới để tiến lên thêm một giai đoạn mới của quá trình vận động (mouvement). Và theo xu hướng (tendance) thì chúng ta hiếm khi đã đi rất xa lại muốn quay về vạch xuất phát. Chúng ta thấy công cụ quản lý (moyen de gestion) đã đủ để bảo đảm cho việc làm việc từ xa mang lại hiệu suất cao (haute performance). Chúng ta đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ (grand investissement dans la technologie), chúng ta rút ra được những lợi ích mới (retirer de nouveaux bénéfices) không ngờ của làm việc từ xa mà thực tế là các chủ doanh nghiệp trong giai đoạn kinh tế còn tiếp tục ở tình trạng khủng hoảng (état de crise) và gặp nhiều khó khăn (difficulté) không thể bỏ qua. Phải nhấn mạnh một điều rằng, đó cũng chính là những yếu tố (không phải mới 100%) nhưng đối với hướng nghiệp hoặc hoạch định mục tiêu nghề nghiệp và sự nghiệp trong tương lai thì các bạn vẫn nên cân nhắc.

Mỗi người sinh ra trên đời, là một miếng ghép có chức năng riêng biệt: Bạn phải làm gì cho xã hội?

Trò chơi xếp hình có thể giúp chúng ta hiểu ra được rất nhiều điều trong tư duy đời sống, xã hội và cả với sự nghiệp. Nếu chúng ta hình dung mọi thứ như những bức tranh, chúng ta sẽ thấy rất nhiều điều về mình và về đời trong đó. Mẹ Teresa Calcutta có một câu nói, đại ý rằng: Bạn phải trả lời cho được câu hỏi: “Mình sinh ra trên đời này để làm gì?” Bạn đến thế giới với một nhiệm vụ riêng biệt. Và nếu bạn không tìm ra hoặc bạn làm sai, thì cũng tương tự như bức tranh xếp hình bị khuyết đi một miếng xếp. Là chính bạn. Nhận định này hợp lí không? Đúng không? Đúng quá đi chứ! Hợp lí quá chừng!

Hãy tự đặt câu hỏi này cho bản thân khi bạn đi tìm con đường riêng cho mình. Có rất nhiều điều mà bạn có thể hiểu ra khi xem mình là một miếng xếp hình trong bức tranh xã hội nghề nghiệp. Thứ nhất, miếng xếp nào cũng quan trọng như nhau. Vì vậy, sẽ không có chuyện giáo sư thì cần cho xã hội hơn là chú công nhân hoặc bác sĩ thì cần cho xã hội hơn là cô lao công dọn rác ở khu chung cư. Tất nhiên, chúng ta phải nhìn sâu và xa hơn một mô tả sơ đẳng về bác sĩ, kỹ sư hay là người dọn rác. Thứ hai, mỗi miếng xếp có một chức năng cụ thể. Và khi nhìn vào một ngành nghề nào trong xã hội, điều cần thiết là các bạn nhìn thấy chức năng, hay nhìn thấy vị trí của mình ở công đoạn nào trong chu trình vận hành và chuyển đổi. Đó chính là cái mà xã hội cần, một cách rất cụ thể nơi bạn.

Vòng tròn CHO và NHẬN

Khi nói đến hướng nghiệp, mình khá tâm đắc một video khá cổ điển của TED talk: Don’t find a job, find a mission, nói về nghề và nghiệp (mission). Nếu dịch mission là nhiệm vụ và sứ mạng thì nghe thật hoành tráng. Nhưng nếu dịch là nghiệp theo cách hiểu karma, là kiếp trước làm gì, hưởng gì kiếp này phải trả lại, hay điều phải tu cho thành hay điều mình đang nợ, hay điều mình đang học… nghe có gì đó hơi nặng nề hơn chăng? Đơn giản mà nói, chúng ta không thoát được khỏi vòng tròn cho – nhận khi sống cùng mọi người trong một xã hội. Mà chúng ta không chỉ nhận ở những người xung quanh mình, chúng ta nhận từ những thế hệ đi trước, nhận từ tổ tiên từ con người và di sản qua mỗi thời kì… Và chúng ta cho là cho cả thế hệ tương lai. Bản thân mình khi suy nghĩ về câu hỏi cho – nhận này, qua nhiều năm, mình đã đúc kết được một điều: Nếu bạn cảm thấy biết ơn vì điều gì nhất trên đời, nếu bạn cảm thấy may mắn – duyên lành và những điều tốt đẹp của mình đến từ đâu và đến từ ai, hãy tiếp tục cho đi nhiều nhất những thứ đó. Vậy là hãy xem thử mình được nhận điều gì nhiều nhất, mình cũng sẽ cho đi nhiều nhất thứ đó.

Ai cũng vậy, khi nói tới đi làm, thì luôn nhắc tới hai chữ “kiếm tiền”. Đúng, thực sự là làm để ra tiền, làm để giàu. Nhưng để giàu hơn thì làm gì? Làm nhiều hơn? Từ 5 triệu lên 10 triệu là làm nhiều hơn có thể kiếm ra nhưng từ 10 triệu lên 1 tỉ, 10 tỉ thì không phải cứ làm là ra tiền. Bản thân mình khi đi làm, khi làm việc, mình thực sự bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố. Và từ ngày còn sinh viên cho tới tận bây giờ, mình luôn thấy rõ vấn đề: “Mình chưa bao giờ làm việc vì đó là công việc được trả lương hậu hĩnh nhất.” Tất cả những người bạn mình biết, dù họ làm ít tiền hay nhiều tiền, nhiều gấp hai, gấp ba hoặc rất nhiều lần thu nhập của mình hiện tại, chắc chắn họ sẽ không vì chút bực dọc hoặc chán nản nhất thời mà bỏ không một tháng lương hay thích làm thì đi, không thích thì nghỉ. Nhưng chắc chắn, không ai chỉ đi làm vì tiền hoặc kiếm tiền bằng cách chỉ đi làm đâu!

Khoảng một năm trước, có một suy nghĩ cứ đeo đẳng mình, làm sao làm sếp được, làm sao làm chủ doanh nghiệp được? Câu trả lời là khi nào bạn muốn tạo ra lao động, bạn sẵn sàng và làm được việc trả tiền cho người khác, hay giúp người khác kiếm tiền, khi đó bạn sẽ làm chủ doanh nghiệp. Mình có đọc thấy điều tương tự trong cuốn “Tư duy như Bill Gates” về việc ông mong muốn tạo ra việc làm, tạo ra lao động cho nhiều người. Và nếu các bạn thực sự nghiêm túc đặt câu hỏi: “Tại sao người giàu làm tình nguyện” thì có thể, bạn sẽ đi đến kết luận giống như mình: “Nhận được gì nhiều nhất, sẽ cho đi điều đó nhiều nhất.”

Nhiều người có thể có chung một vòng tròn cho-nhận nhưng không phải chỉ xoay quanh tiền. Nếu ở những giai đoạn bế tắc của cuộc đời, văn thơ cứu rỗi tinh thần cho bạn, có thể bạn sẽ làm nhà văn. Nếu những ngày tuyệt vọng nhất của cuộc đời, việc nhìn một chiếc lá xanh, ngắm một bức tranh thấy tinh thần bạn dịu lại và bình yên hơn, có thể bạn sẽ làm một hoạ sĩ hay một ngành nghề đồ hoạ, nghệ thuật thị giác, nghe-nhìn nào đó… Câu hỏi này cũng không đến mức hack não hoặc hao tổn tâm lực, trí lực, thời gian và vật chất. Nên nếu được, các bạn hãy khám phá thật sâu và thật rõ vòng tròn CHO – NHẬN này khi muốn biết xem mình nên làm gì.

hoc-tieng-phap-viec-lam

Đừng chỉ nghĩ mỗi tiền, vì nếu tiền là cứu cánh cho cuộc đời bạn, thì tiền là mục đích, phương tiện, kẻ thù, người dẫn đường và cũng chính là người bạn đồng hành. Hãy thử giả lập một thế giới như thời đại Nguyên thuỷ không có tiền thì sao, hoặc giả lập rằng bạn rất giàu không cần để ý tới chi phí nữa, hoặc nếu bạn đang không có gì thì liều them cũng không mất gì. Ở những lúc không có tiền hoặc quá dư thừa tiền, nhiều khi con người ta mới nhìn rõ CHO – NHẬN ở đây thực sự là gì.

Vòng tròn CHO – NHẬN sẽ giải quyết được luôn câu hỏi tiếp theo, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

Nếu đó thực sự là công việc yêu thích, bạn có sẵn sàng làm kể cả khi không được bất kì quyền lợi nào hay không?

Đó có phải là công việc bạn thích làm khi có thời gian hay không? Nếu bạn quan niệm, công việc phải là thứ tạo ra niềm vui. Bản thân công việc tạo ra được động lực, sự chủ động cạnh tranh và nhu cầu cầu tiến tích cực. Có thể các bạn hay nghe “làm việc vì đam mê” nhiều hơn, thì thực sự là nó sẽ đúng ở khía cạnh: đam mê tạo ra động lực, sự cố gắng, nhu cầu tiến lên, nhu cầu phát triển, nhu cầu được và phải hơn nữa. Vậy nếu công việc tự thân nó làm ra được những điều như vậy thay vì chờ một món quà mơ tưởng trên trời rơi xuống như đam mê, ảo ảnh, khó nắm bắt, bất chợt và tuỳ hứng thì có vẻ như chúng ta cũng sẽ chết vì đam mê. PASSION trong nguyên từ học bao gồm 2 nghĩa: đam mê và sự chịu đựng – vượt qua. Bản thân một từ đa nghĩa lại chỉ được tiếp nhận một nguyên nghĩa hạn hẹp, có thể, khiến chúng ta hạn chế đi cách nhìn, cách nghĩ rất nhiều.

Khi có thời gian rảnh, chúng ta muốn dành thời gian làm những việc tích cực mà trước hết là cho chính mình, yêu thương bản thân đúng cách, sống cho bản thân đúng cách, làm việc cũng vì bản thân trước hết (một người cười hai người vui là vậy). Khi có thời gian rảnh, chúng ta trung lập được những điều kiện cảm xúc ở trên. Nên đó sẽ là một môi trường tốt, ổn định để chúng ta lấy đó làm căn cứ lâu dài.

Tôi giỏi cái gì nhất? Tôi có đủ thông minh để khám phá hết tiềm lực bản thân hay không?

Xin thưa là không nếu bạn không thuộc nhóm Trí thông minh nội tâm. Đó là một trong 7 loại hình trí thông minh theo Thomas Amstrong phân tích. Các bạn có thể đọc sách hoặc một vài bài viết về các loại hình trí thông minh để một là phân nhóm mình theo đặc tính ngành nghề. Một việc quan trọng cần làm. Và vừa để biết xem mình là nhóm tự khám phá được hay phải chờ người khác khai phá thì mới biết.

Các bạn có để ý thấy có những người rất tự tin và chắc chắn với nghề nghiệp họ chọn, còn có những người cảm giác họ cứ loay hoay mãi với việc chọn ngành, chọn nghề hay không. Không nói việc vì áp lực kinh tế mà người này phải làm việc họ không mong muốn hay dù không thích cũng vẫn làm vì nó kiếm được nhiều tiền. Nhưng như trường hợp thứ hai thì nếu lòng tham có hạn, có thể, họ sẽ chọn cách nghỉ hưu sớm. Còn nếu lòng tham vô hạn thì có thể họ sẽ làm cho tới lúc chết thì thôi. Và cũng có thể, trong cả hai trường hợp, họ thiếu sự cân bằng, thiếu một định hướng phát triển bền vững cho bản thân.

Thông minh khác với giỏi, nhiều khi giỏi nhưng không thông minh. Đặc biệt là các trường hợp giỏi toàn diện. Để thực sự tập trung khám phá một tiềm lực và một hướng đi tốt lúc đầu, thực sự tốt hơn chúng ta nên là người giỏi một thứ. Bill Gates, cái ông ấy giỏi là gì? Giỏi lập trình. Picasso không giỏi hát múa, toán, lý, hoá… ông ấy giỏi vẽ. Céline Dion giỏi hát, không giỏi lập trình như Bill Gates. Nên hãy để ý xem, dù bảng điểm (đặc biệt là cấp 3, và cũng có thể sẽ phải xem xét nếu trường hợp bạn đang học những chuyên ngành mà nội dung học hơi phổ quát như Quản lý – Quản trị – Luật – Thương mại – Nhân văn…), hãy nhìn kĩ xem bạn thực sự giỏi ở đâu. Đừng giỏi nhiều thứ quá mà không thực sự biết mình giỏi nhất cái gì, hay mức độ giỏi của mình nó chỉ tới điểm 9, điểm 10 trên giấy và không phát triển gì thêm. Chẳng hạn, dù giỏi Toán nhưng chỉ tới lượng giác là biết, còn xác suất, ma trận học hoài cũng không khá lên được. Mình lấy một ví dụ cực kì cơ bản để các bạn suy nghĩ tiếp.

on-thi-B2-nhu-the-nao

Cái tôi” trong công việc, bạn muốn điều gì trong công việc?

Có những công việc tạo ra sản phẩm hữu hình như quần áo, sách, nhà, bản thiết kế, tranh, cốc sứ, bình hoa, bàn ghế, món ăn… Như vậy, bạn thích tạo ra loại sản phẩm nào, bạn sẽ tự tò mò, tự giác tìm hiểu và chịu khó khám phá, học hỏi, nghiên cứu về loại sản phẩm đó. Từ cái tò mò ban đầu, bạn dần đi vào hệ thống phân loại các ngành nghề trong xã hội. Từ đó, bạn biết mình đang đứng ở đâu, vai trò và nhiệm vụ là gì. Và như vậy, bạn biết mình phải làm công việc gì. Nếu lúc không có tiền bạn vẫn mơ ước về sản phẩm đó. Một dấu hiệu không tệ để giúp bạn vạch ra con đường mình phải đi và tiến hành thực hiện từng bước một.

Hãy muốn thật cụ thể, thật chi tiết. Nếu bạn thích vẽ tranh, có cụ thể một chất liệu, một phong cách, một trường phái, một đối tượng nội dung nào rõ ràng hay không? Bạn thích tranh màu gì? Bạn thích tông đậm hay nhạt? Bạn có thích pha màu hay không? Bạn có thích bỏ thời gian ngồi đi từng nét trên giấy hay không? Bạn có thích giấy, thích màu, thích ánh sáng, thích bố cục và thích sự tĩnh lặng trong nghệ thuật hội hoạ hay không? Bạn có thích nhìn thấy mọi thứ theo một mô tả không gian, màu sắc hay không? Bạn có thích tả bằng cách vẽ thay vì viết hay kể không? Cứ đặt thật nhiều câu hỏi, mọi thứ sẽ dần rõ ràng.

Tiếp theo, đi xa hơn cái bạn muốn chính là “cái tôi” mà bạn muốn thể hiện. Dù hiền hoà, thân thiện, duyên dáng, lịch thiệp, nhiệt huyết, xông xáo, hay bình tĩnh hay từng trải hay thông minh… tất cả đều có thể tạo nên bản sắc cho bạn. Đừng quên một điều là, chính bạn muốn thể hiện bản sắc, tính cách, cá tính đó ra bên ngoài. Bạn không muốn thể hiện cá tính ra bên ngoài không phải là bạn thuộc dạng không có gì để kể. Dấu lặng cho vào bản nhạc còn có giá trị. Nếu bạn thuộc nhóm người hướng nội, hãy dành thời gian tìm hiểu bản thân mình nhiều hơn. Nhưng không phải để ích kỉ và o bế bản thân, mà để tìm ra cách cân bằng các hệ giá trị hướng nội hướng ngoại với nhau. Định nghĩa lại cụm từ chúng ta khi bạn muốn kết nối với thế giới bên ngoài hoặc với người khác.

Thử trước kiểm tra sau, làm nhiều nghề một lúc: Tôi có phải là người đa nhiệm?

Đây cũng là những câu hỏi mà nhiều bạn đặt ra. Lấy kinh nghiệm từ bản thân, mình cũng là người thử làm nhiều công việc, cũng vô tình hoặc cố ý hoặc chịu nhiều loại áp lực trong công việc, cũng so đo tính toán và cũng hay rơi vào bẫy tiền hay công việc, cũng lười học và thực hành các kỹ năng quản lí tài hcisnh và phát triển tài chính cá nhân, bước hụt lại phía sau, cảm thấy khó yên ổn trong một công việc, cũng đứng núi này trông núi nọ và không thích sự ổn định, thích thử nhiều cái mới.

Mình cũng xem một video TED talk về người đa nhiệm (polyvalent) và cũng đọc hoặc xem rất nhiều tư liệu về sự biến đổi ngành nghề trong tương lai hoặc cách định hình công việc theo các thế hệ: babyboomer là thế hệ sinh ra ngay sau Thế chiến thứ II, họ là những người theo chủ nghĩa kinh nghiệm và bài học, họ đặt sự an toàn là tiêu chí hàng đầu vì cái họ học được nhiều nhất từ thế hệ trước (cha mẹ, ông bà họ) là chiến tranh và cách đương đầu với chiến tranh, sự hỗn loạn và bạo lực, chính trị. Các thế hệ 7x, 8x, 9x tuỳ vào di sản mà thế hệ trước để lại cho họ là gì, thế hệ của họ sẽ có những tuỳ nghi và định hướng hoặc phản ứng tương ứng. Ở đây, chúng ta hoặc là những người chịu vâng lời hoặc là những người thích phản ứng. Thì mỗi thế hệ, hệ quả, họ đều tạo ra các đặc điểm riêng.

Quay lại với đa nhiệm, nếu bạn nhạy cảm với sự thay đổi (cái này có thể từ cảm tính, đặc điểm phản ứng của cơ thể hoặc bài học cá nhân…) thì có thể bạn sẽ vận động nhanh hơn và có tốc độ phản ứng tức thời tốt hơn những người khác. Chúng ta không có cách phản ứng tốt và phản ứng xấu, nhạy bén hay kỹ lưỡng đều có cái hay riêng và chúng ta không thể làm cả hai thứ đồng thời.

Đa nhiệm nhưng luôn nằm trong các vùng khả năng và thế mạnh của bản thân hoặc xét về đạo đức nghề nghiệp, mức độ nghiêm túc, bạn luôn phải trang bị vững vàng trước khi ra chiến trường. Tức là gì? Không phải cứ làm hết việc này lại đổi sang việc kia là đa nhiệm, bởi vì hành động tức thời có thể là phản ứng vì hoang mang, áp lực… Bản thân tính đa nhiệm có thể là một đa giác, nhưng số cạnh là bao nhiêu, chúng ta phải đếm được chính xác. Vẫn quay lại vấn đề hiểu rõ bản thân, muốn gì, có thể làm gì và biết cách làm. Sau đó là đòi hỏi về mức độ tập trung.

Sự tập trung của bạn ở đâu?

Có thể bạn không thể tập trung xâu một sợi chỉ qua lỗ kim, nhưng bạn phải dồn sự tập trung của mình vào đâu đó chứ, hoặc là quan sát tình hình tài chính của 3-4 doanh nghiệp một lúc (nhìn số và phân tích), hoặc là giám sát nhiều người một lúc. Là một người đa nhiệm hành động như một người đi ăn buffet, có thể lấy một lúc vào đĩa nhiều món nhưng việc ăn tối thiểu phải có một mức độ trật tự nhất định, không ai vừa ăn chè vừa ăn gà, hoặc vừa húp súp gà vừa nhai cá rán. Nếu không phải có năng khiếu sắp xếp và quản lí vi mô, trong phạm trù nhiệm vụ (tâche), tức là chia nhỏ công việc ra để sắp xếp, thì hẳn chúng ta không đa năng mà chúng ta đang giống thiết bị phá huỷ mọi thứ hơn.

Nen-thi-TCF-hay B2

Hãy kiểm tra xem, nếu bạn đang có cảm giác phân vân giữa nhiều ngành nghề, liệu rằng chúng có mối quan hệ sâu xa nào không, liệu rằng bản thân có thể tập trung vào ngắn hạn hoặc ở góc độ chi tiết không, về bao quát thì sẽ như thế nào, có cách nào cải thiện định hướng lâu dài 2-3 đến 5-10 năm hay không?

Bản thân mình, từ những tháng cuối của năm 2020, mình học được một bài học rất lớn về sự tập trung. Mình hiểu ra được, việc tập trung không phân loại nhóm hành động, giải trí, xem phim, suy nghĩ, làm bánh, ăn cơm, đi bộ… Hoạt động nào cũng chỉ đạt được hiệu quả tối đa nếu chúng ta tập trung. Tức là không lo lắng, không cân nhắc, không nghĩ tới việc khác trong khi làm việc này. Xem phim thì cứ xem, nhưng không lo việc xem phim sẽ không học được bài, sẽ bị điểm thấp chẳng hạn. Cứ tập trung xem xong nếu muốn và học ngay sau đó. Đang nói chuyện mua quần áo làm quà cho mẹ thì không nghĩ tới việc mua áo gì cho người yêu. Ở mức độ tiểu tiết, tập trung là một thứ khó từ cách hiểu cho tới cách thực hành.

Về việc nâng cao khả năng tập trung, thường thì các bạn có thể tìm tới các phương pháp thiền, hít thở và các chia sẻ về việc sống trong giây phút hiện tại, mà sách của thầy Thích Nhất Hạnh là một ví dụ, đơn giản, dễ hiểu và dễ thực hành.

Kết luận

Khai bút đầu năm này hơi dài và không biết là có bị lan man quá hay không. Tuy nhiên, cũng để xác minh một điều rằng: Nếu bạn là người biết mình đang ở đâu, năng lực cốt lõi là gì, làm sao để phát huy được năng lực của bản thân… tóm lại là một người có trí thông minh nội tâm thì chẳng việc gì bạn phải đọc bài viết này.

Nếu bạn cảm thấy ổn với quá trình định hình sự nghiệp của bản thân và ổn với tình hình hiện tại, cảm thấy ổn với việc đi từ từ hơn là xem xét tổng thể thì cũng không nhất thiết phải đọc bài viết này.

Vậy bài này dành cho ai? Mình nghĩ ngay từ đầu, việc đặt câu hỏi kiểu như: “Mình tới Trái Đất để làm gì? Hoặc mình muốn làm gì cho đời? Trâu chết để da, người ta chết để tiếng, vậy cái tiếng mình muốn để cho đời là gì…?” đã không phải là nỗi ám ảnh hay cách phản ứng của tất cả mọi người. Tuy nhiên, trong trường hợp, bạn cảm thấy việc đặt những câu hỏi sẽ có ích cho việc tìm hiểu bản thân, trước tiên, sau đó là hiểu bản thân mình để chọn lựa và hơn nữa, cách đặt câu hỏi này đáng tin tưởng, dễ làm, cụ thể và chính xác hơn so với một bài trắc nghiệm tâm lí, sinh trắc vân tay, phân tích nghề nghiệp thì các bạn hãy thử cân nhắc xem sao.

Chúc các bạn, năm mới tới, gan lì như trâu để dám thử và dám đương đầu với những thử thách mới. Có ích như trâu để thấy mức độ đa nhiệm của bản thân. Khoẻ như trâu để không ngại khó, ngại khổ và không bị công việc khiến cho sức khoẻ tinh thần, thể chất hao mòn. Chúc chúng ta sẽ thực sự trở thành những con trâu mới như cái tên hiệu của năm nay là TÂN SỬU.

Nếu cảm thấy bài viết này có ích, các bạn có thể donate một chút nhỏ để duy trì hosting cho blog qua ví momo: 0947.2299.21. Hoặc chia sẻ bài viết. Rất cám ơn sự ủng hộ của các bạn.

Cuối cùng, nếu các bạn đang trong quá trình chuẩn bị cho việc đi du học Pháp, các bạn có thể tìm hiểu qua chương trình, định hướng một cách khái quát với tập Podcast dưới đây:

Tết 2021. 12. 02

Phuong Bize

Leave a Reply