Chuyện ở Pháp: Tết xa quê

Chào bạn,

Người đang đón Tết đầu tiên xa quê, hoặc người đang bâng khuâng trong cái Tết cuối cùng ở Việt Nam trước khi bắt đầu một chặng đường du học, hay ra nước ngoài trong tương lai không xa.

Sẽ có rất nhiều cảm xúc khác lạ trong cái Tết này. Một cảm giác từ từ sẽ thành quen và sẽ thành một ấn tượng in sâu với bạn trong đời, nếu như những năm sau này bạn vẫn ăn Tết xa quê hương, hoặc trở về quê hương và thầm nhớ về cái Tết đánh dấu chuyến đi để trưởng thành của bạn.

Có những mùa xuân thực sự sẽ giúp bạn lớn lên. Thực sự! Có những năm, bạn thấy nhựa sống chảy tràn trong mình, nhưng nhựa mới ấy chỉ mới chực dâng lên mà chưa thành một cái gì đó khác biệt. Rồi có một mùa xuân khác, bạn cảm thấy những động đậy, những cựa mình vào lớp vỏ xám xù xì của những điều cũ kĩ, quen thuộc. Bạn thấy mình đang lớn lên trong một hình hài mới, tươi đẹp hơn, đặc biệt hơn nhưng cũng kèm theo đó là cái giá cho việc phải trở mình.

Cái Tết xa quê hương, có một cái bánh chưng đã thấy quý. Mà nhiều khi thà nhịn chứ chẳng dám ăn khi đi qua siêu thị châu Á, nhìn những cái bánh chẳng mấy ngon lành dán những mác giá trên trời. Sinh viên nghèo, bánh chưng xa xỉ.

Cái Tết xa quê hương, may mùa đông đi sớm, có vài cành hoa táo, hoa lê vừa chớm nở, có cây hoa nụ chi chít vàng tươi mọc đầy ở hàng rào chung cư, bạn ngắt một cành, ra chừng cũng hơi không đường hoàng cho lắm, vì ở bên Tây người ta không hay ngắt hoa bẻ cành bừa bãi. Đem hoa đem lộc về nhà, thế là bạn thấy thoang thoảng không khí Tết. Dưa hấu thì không phải mùa, nhưng cam quýt vàng vàng cũng nhiều, âu là có quả… Rồi dưa dứa dừa thì bỏ dấu đi cũng na ná nhau, hên hên thì còn kiếm được quả xoài và thêm một hai ba thứ trái khác.

Chịu khó chút thì còn có chai vang rẻ rẻ, ừ, 3 chai vang mới đổi được cái bánh chưng cơ mà. Rồi hạt hướng dương ở siêu thị, rồi một con gà mua về luộc cho cả nhóm sinh viên Việt ăn chung… Gom từng chút ít lại để có một cái Tết ấm áp xa nhà.

Rồi căn đúng giờ giao thừa ở Việt Nam, khi nhà cửa cũng tươm tất sạch sẽ, khi người cũng vừa thơm tho, đàng hoàng… thì cùng nhau bật youtube lên, gõ từ khoá pháo hoa giao thừa, bật thêm trang nào đó còn đang truyền hình trực tiếp Táo Quân (mà nếu chưa có, hoặc đường truyền lag quá thì bật tạm Táo Quân năm trước). Rồi cùng nhau đếm, cùng nhau ước, cùng nhau bắt đầu bữa tiệc Tân niên.

Đó có thể là những lúc nhớ Việt Nam nhất, nhớ nhà nhất, nhớ những người thân yêu của mình nhất. Giữa cái lạnh còn se se của tháng 1, tháng 2 (Tết) thì thèm lắm ánh nắng của miền Nam, nhớ lắm sắc vàng ươm của cúc, của mai và của nắng. Rồi chút sắc phai của hoa đào Hà Nội. Nhớ khung cảnh quây quần, nhớ nụ cười móm mém của bà, nhớ ánh mắt vui mừng của cha của mẹ, nhớ những cái ôm của người yêu, của bạn bè. Nhớ tiếng pháo giao thừa đì đùng và tiếng xe cộ tấp nập những ngày giáp Tết.

Ôi ! Tết xa quê mà nghe Bolero thì buồn ứa cả nước mắt. “Xuân này con về mẹ ở đâu ? Nay én bay đầy trước ngõ mà tin con vẫn xa ngàn xa…”

Nếu không may, đang cao điểm ôn thi, còn bài tập xếp cao như núi thì có Giao thừa có Tết gì cũng phải vùi đầu vào mà làm cho xong. Mùng 1 Tết vẫn phải đi học, vẫn gặm bánh mì phết mứt mà lòng tơ tưởng có khô mứt dừa, có hạt sen, hạt điều trước mặt.

Rồi năm qua năm, cái Tết xa nhà cũng dần trở thành thói quen, quen với việc nhìn cả gia đình qua webcam, quen với việc có thể không hẹn được bố mẹ nói chuyện skype vào đêm Giao thừa, quen với việc ngắm hoa mai hoa đào qua facebook. Quen với việc xem ảnh bạn bè đi ăn Tất Niên và mình thì lách tách gõ vài dòng lên thanh trạng thái. Tết xa nhà trở thành một trải nghiệm đáng nhớ với những cô cậu sinh viên đang ngày một trưởng thành. Trở thành một dịp để rủ nhau quây quần, cùng làm gì đó cho có Tết, cho khỏi ngậm ngùi nhớ nhà, nhớ Việt Nam.

Cái Tết cuối cùng trước khi rời Việt Nam, có thể, bạn cũng như tôi đã từng, cố gom góp từng hình ảnh, từng cảm xúc lại vào trí nhớ, để gìn giữ một Việt Nam nguyên vẹn cho mình suốt những năm ra nước ngoài. Để cảm thấy không bao giờ quên và bị lãng quên. Để cảm thấy, dù bước chân trên xứ người thì tâm mình vẫn còn hồn quê chân chất. Hoặc cũng có thể là tiếng pháo reo trong niềm vui được thoả cánh bay xa của bạn, với sự hồi hộp về một năm nhiều thay đổi phía trước.

Rồi nhiều năm sau này, bạn sẽ kể cho những bạn trẻ đến sau, trải nghiệm Tết xa quê đầu tiên của bạn là gì ? Bạn sẽ làm công việc mà tôi đang làm hôm nay, đó là chia sẻ một trải nghiệm của mình với những người mới, những người đang bối rối vì một lần đầu tiên lạ lẫm. Hoặc có thể, bạn cũng là một người đã trở về, trong cái hiu hiu gió lạnh cuối năm, khi thấy những bộn bề của năm chất đầy trên khuôn mặt người quen, người lạ mà bạn gặp trên phố, ở chợ hoa, ở chợ Tết.

Tự dưng bạn thấy chạnh lòng, tự dưng lại thấy có những cái Tết xa nhà đơn giản, ít gánh gồng hơn. Tự dưng bạn lại bâng khuâng, Tết này có giống Tết xưa, bạn thuở xa quê liên lạc lại, rủ rỉ với nhau trong một cái Tết mới lại được đoàn viên cùng gia đình.

Âu, mỗi năm chúng ta có một trải nghiệm về Tết, âu bạn đã muốn đi thì cái chân sướng đôi khi cái đầu sẽ không sướng. Âu là để bạn trân quý hơn những gì mình đang có, bình tĩnh hơn với những gì mình sẽ có và ấm lòng hơn với những gì bạn đã có.

Và một năm mới, như thường lệ, tôi vẫn sẽ chúc các bạn có nhiều trải nghiệm mới, nhiều khám phá mới. Trong đó, có thể sẽ là những trải nghiệm như lần đầu ăn Tết xa quê, lần đầu tự nấu cỗ Tân niên, lần đầu đi học ngày mùng Một, lần đầu không có bao lì xì hay lần đầu lại trở về Việt Nam sau bao tháng ngày xa cách. Và sẽ có thể là những khám phá như : cảm giác xa quê hương là như thế nào, cảm giác vui trong những gì ta đang có là như thế nào và thực sự… lời bài hát : «Đi để trở về» là như thế nào;

Mến chúc thêm các bạn luôn đủ đầy yêu thương, đủ đầy bình an, đủ đầy tuổi trẻ, đủ đầy chững chạc, đủ đầy vững vàng, đủ đầy lạc quan và đủ đầy ý chí.

Hãy để cho mình một chút lòng còn vui như Tết bạn nhé!

Leave a Reply