Những lầm tưởng khi luyện nghe tiếng Pháp (p.4 – hết)

Tóm tắt những bài trước

2 lầm tưởng đầu tiên: nghe quá nhiều và nghe quá kĩ

Thứ 3 và thứ 4: nghe một cách thụ động và mặc định tiếng Pháp là phải nghe những người nói nhanh thật nhanh

2 lầm tưởng thứ 5 và thứ 6: nghe tuỳ hứng và giữ thói quen dịch sang tiếng Việt

Nếu các bạn chỉ định lướt qua tiêu đề và không đọc tiếp, thì có thể các bạn lại LẦM TƯỞNG thêm vài lần nữa. Trong 3 bài viết trước, mình không hề nói rằng KHÔNG NÊN làm như thế này, như thế kia. Nhưng, vấn đề quan trọng nhất là ĐÚNG LÚC và PHÙ HỢP với trình độ hiện tại của bạn. Cố quá thành quá cố, học không được lại sinh nản chí thì rất không nên.

Lần này, mình xin kết thúc lại chuỗi bài NHỮNG LẦM TƯỞNG khi luyện nghe tiếng Pháp bằng 2 vấn đề khá quan trọng. Từ đây, các bạn, nếu cảm thấy cần thiết, hãy suy nghĩ thêm về cách học tiếng Pháp của bản thân nói chung.

7. Chỉ học mỗi kỹ năng NGHE

ĐÚNG. Nhưng chỉ đúng trong ngắn hạn. Mình nghĩ là thời gian tối đa cho việc chỉ tập trung nghe là khoảng 1 tháng. Không học ngữ pháp, không học từ vựng, chỉ tập trung vào nghe. Chúng ta đã bàn trong các bài viết trước, nghe nhiều và đúng cách sẽ giúp chúng ta cải thiện được khả năng nghe hiểu tiếng Pháp của bản thân.

Một trường hợp nữa là bạn có giáo trình bài bản để kết hợp việc học nghe với học các kỹ năng tiếng Pháp khác. Giải thích lí do vì sao chúng ta cần tham gia một khoá học có giáo viên hướng dẫn, hoặc gia sư.

SAI. Nếu bạn nghĩ rằng chỉ cần nghe thôi là mình có thể giỏi tiếng Pháp, thì câu trả lời là không. Tất nhiên, chúng ta phải đồng ý trước với nhau là chỉ xét trong hoàn cảnh mà chúng ta đang theo một lộ trình học tiếng Pháp bài bản, ít nhất là thi được một chứng chỉ bèo nhất cũng phải B1 hoặc vừa vừa thì là B2.

Thường thì người học tiếng Pháp sợ nhất là nghe tiếng Pháp mà không hiểu, hai là ngại vì người ta nói tiếng Pháp với mình mà mình không biết cách trả lời. Tuy nhiên, chúng ta đi xa hơn một chút, nhiều người sau khi thấy việc nghe và việc nói đỡ hơn một chút (do có môi trường luyện tập thường xuyên hơn), thì sẽ đến vấn đề viết tiếng Pháp không được, viết tệ, dù nói tạm được nhưng khi đụng đến bút giấy thì không biết diễn đạt như thế nào. Thật sự thì nếu bàn tiếp viết tiếng Pháp sẽ là một vấn đề còn lớn hơn nữa.

Thực tế cho thấy, tiếng Pháp giao tiếp và tiếng Pháp trong viết lách giấy tờ có sự khác biệt. Nếu trong giao tiếp, người Pháp có xu hướng dùng một từ thay vì thay đổi từ liên tục, chẳng hạn : như faire les courses, faire les exercices, faire la queue… hay như cái gì không nhớ ra từ để chỉ ngay thì sẽ dùng truc… Ce truc, ce truc là, c’est un truc… (giống như cái đấy, cái đó, một cái gì đó… trong tiếng Việt). Tuy nhiên, khi đi vào văn viết trên giấy tờ, các văn bản, thì chúng ta sẽ thấy vô vàn từ vựng, từ câu trước tới câu sau đã liên tục đổi từ. Do đó, nếu cứ mặc định là chỉ có vốn từ, ngữ pháp trong giao tiếp thì chúng ta sẽ dần dần bị lụt mất phần gạch cốt bê tông của viết lách tiếng Pháp.

Mà nghe nói tiếng Pháp thì nếu sau một thời gian không luyện, có thể làm quen lại sau 15-20 phút, việc viết tiếng Pháp mà bỏ bê thì sẽ tốn thời gian hơn.

Vậy thì làm thế nào cho đúng?

Tất nhiên, chúng ta cần ưu tiên việc nghe tiếng Pháp mỗi ngày. Nếu điều kiện không cho phép để chúng ta học được tiếng Pháp một cách bài bản nhất, thì vẫn nên để thời gian mỗi ngày nghe một ít, coi như bù được chút nào hay chút đấy. Bên cạnh đó thì chúng ta có thể tìm thêm một số cách bù đắp như chuyển ngôn ngữ trên điện thoại, trên các phần mềm thành tiếng Pháp, kể cả trình duyện web trên máy tính, đặt ưu tiên trên các mạng xã hội cho một số nhóm, trang, kênh tiếng Pháp. Đó là cách để bổ sung thêm việc đọc tiếng Pháp, tạo thói quen biết phản ứng với tiếng Pháp nữa.

Nếu được thì nên giữ thói quen mỗi ngày học thêm một từ tiếng Pháp khó, những từ dài, không phải danh pháp trong khoa học, có thể là từ chuyên môn. Có thể việc này hơi kì lạ, nhưng nó khá tốt cho việc rèn luyện trí nhớ và biết đâu, một lúc nào đó bạn cần một trong số những từ… kì lạ này!

Nếu bạn quyết định học tiếng Pháp bằng công cụ chính là NGHE, thì hãy chọn một giáo trình tốt. Có sắp xếp bài vở cẩn thận từ cơ bản cho tới nâng cao, bảo đảm cung cấp đầy đủ cho bạn lượng từ vựng, ngữ pháp cần thiết. Và trong lúc học những thứ căn bản như vậy, bạn vẫn thấy kĩ năng nghe của mình tiến bộ.

8. Tưởng rằng NGHE chỉ giới hạn ở vấn đề GIAO TIẾP

ĐÚNG. Vì căn bản là giao tiếp thì phải có nói có nghe đúng rồi.

SAI. Có một đặc điểm hơi khác của tiếng Pháp so với một số ngôn ngữ khác, đó là phần ngữ nghĩa của nó quá phức tạp, dẫn đến việc chúng ta phải kinh qua từng ngưỡng một để đạt tới một mức độ tự tin nhất định về tiếng Pháp. Nên nếu các bạn có dự định học Đại học, học Cao học ở Pháp, làm nghiên cứu ở Pháp, có thể cân nhắc một lời khuyên nhỏ của mình, đó chính là chuẩn bị tiếng Pháp chuyên ngành kĩ lưỡng một chút.

Thực tế, rất nhiều bạn đã từng đi du học Pháp khi mới xong một năm, hai năm tiếng ở Việt Nam, gặp phải trường hợp: dù đã có B2, thậm chí cả C1 và nhiều loại chứng chỉ khác thi được ở Việt Nam sau đó sang Pháp vẫn cảm thấy chấp chới. Có thể, đó cũng là lí do giải thích vì sao mà những năm gần đây, số du học sinh sang Pháp học tiếng nhiều hơn. Hướng này cũng khá là ổn, tuy nhiên, một vấn đề muôn thuở đối với chúng ta đó là chi phí, làm sao để đi du học tiết kiệm chi phí nhất?

Vậy làm như thế nào cho ổn?

Các bạn hoàn toàn có thể làm chủ ngôn ngữ ngay tại Việt Nam. Và đừng vội nghĩ rằng chỉ cần qua Pháp học tiếng là những khó khăn khi học Đại học, Cao học bằng tiếng Pháp sẽ không còn. Tất nhiên là có đỡ một phần, nhưng phần đó không bao nhiêu. Hãy để mình phân tích thêm một chút cho các bạn rõ tình hình:

Nếu ở Việt Nam, bạn hoàn toàn có thể tìm được giáo viên người Pháp, nhưng bạn học cùng lớp đa số sẽ là người Việt Nam.

Nếu ở Pháp, bạn có giáo viên người Pháp, ra đường thì chắc là đâu đâu cũng nghe tiếng Pháp, bạn học cùng lớp (dự bị tiếng) của bạn sẽ là người nước ngoài, không phải người Việt Nam. Mà nếu chỉ dừng lại ở giao tiếp với người nước ngoài bằng tiếng Pháp thì người Việt với nhau cũng có thể nói tiếng Pháp với nhau, đúng không?

Liệu rằng bạn sẽ tranh thủ giao tiếp được bao nhiêu với người bản xứ? Bản thân mình vẫn đánh giá cao sự chuẩn bị của các bạn, nhưng khi hoàn cảnh không cho phép, điều kiện kinh tế hạn chế, thì các bạn chỉ là đổi từ 5 lên 7, hay từ 5 lên 10; nếu so sánh việc học tiếng Pháp ở Việt Nam và tại nước bản xứ (nước Pháp) mà thôi!

Tiếp theo, nếu các bạn chưa từng nghe thì có thể nên nghe một chút, người Pháp phần lớn dân bản địa không quá cởi mở, hoà nhã, thân thiện. Họ không phải tuýp người gặp ai cũng cười nói thân thiện và sẵn sàng trao đổi, chia sẻ nhiệt tình cũng như giúp đỡ cho bạn. Do đó, chưa chắc rằng trong một năm học tiếng các bạn đã có thể hoàn toàn tận dụng triệt để để hoà nhập thực sự với cuộc sống Pháp. Thế nên, dù ở đâu, các bạn cũng hãy vững chí tự lập, cố gắng nhắc nhở bản thân tự xoay sở. Ngoài ra, nên bắt đầu suy nghĩ thêm về việc khi vào Đại học, học Cao học, phải học chương trình chuyên môn thì lúc đó yêu cầu tiếng Pháp sẽ như thế nào?

Vậy thì, nếu đặt trường hợp, bạn qua Pháp là vào thẳng chương trình học chuyên môn luôn thì có cách nào để sẵn sàng hơn hay không? Hoàn toàn có thể! Bằng cách tiếp cận những nội dung, không còn là luyện nghe tiếng Pháp nữa, nhưng mà là bài giảng, podcast, video hướng dẫn (chẳng hạn như các bạn có thể lên youtube và gõ: Cancer c’est quoi – sau đó các bạn sẽ có hàng loạt clip về bệnh ung thư…), các serie bài giảng bằng tiếng Pháp – tuy hơi hạn chế nhưng vẫn có trên các trang học online, một số kênh chuyên về giáo dục trên youtube…

Dù chuẩn bị kĩ càng đến mức nào, chúng ta cũng chỉ dùng được ở mức giảm bớt những bỡ ngỡ ban đầu. Để hoà nhập với cuộc sống ở một đất nước khác, kể cả các bạn có yêu thích đất nước đó đến mức nào, cũng cần phải có thời gian và nhiều nỗ lực. Quan trọng nhất là các bạn thực sự kiên trì, biết lắng nghe (vừa là một cách khám phá ngôn ngữ và là một cách học). Nếu xem quá trình rèn luyện này là khó khăn, có thể các bạn sẽ nản chí. Tuy nhiên, nếu đây là một thử thách (challenge), có lẽ các bạn sẽ hào hứng hơn, muốn mạo hiểm và muốn trải nghiệm hơn.

Hai điểm cuối của chuỗi bài viết này có thể kéo các bạn hơi đi xa vấn đề gốc một chút. Nhưng hi vọng rằng, tóm lại cho chuỗi ngày luyện tập kiên trì vì ước mơ đi du học trong tương lai của các bạn, sẽ được đền đáp xứng đáng.

Mến chúc các bạn một năm mới nhiều niềm vui, đạt được nhiều cột mốc đáng nhớ, hạnh phúc và yêu tiếng Pháp – yêu nước Pháp nhiều hơn.

Leave a Reply