Máu lạnh và cuộc bàn luận về án tử hình

Truman Capote, đối với tôi là một họa sĩ tài tình. Văn chương của ông đã tạo nên hai hình tượng nhân vật đỉnh cao mà hoàn toàn trái ngược. Một là người con gái, sau này được Audrey Hepburn thể hiện thành một hình tượng phái nữ kinh điển trong Bữa sáng ở Tiffany. Hai là tên giết người vô nhân tính, máu lạnh và tàn nhẫn trong tiểu thuyết Máu lạnh.

Ở thời điểm nhạy cảm hiện tại, khi truyền thông đang cố gắng lên tiếng cho những vụ án xâm hại tình dục trẻ em, tôi cũng muốn góp một chút ý kiến của mình, qua lăng kính của tác phẩm này. Tất nhiên đó chỉ là những dẫn chiếu ra thực tế hiện nay ở Việt Nam, một chút đánh giá và so sánh bên lề. Tôi muốn qua bài review này, phân tích những luồng ý kiến – việc mà Truman Capote, cách đây hàng chục năm đã múa bút tài tình hơn tôi rất nhiều lần.

Máu lạnh kể về một vụ án mạng kinh hoàng tại nước Mỹ, sau đó là hành trình chạy trốn của những kẻ sát nhân, sự truy đuổi của cảnh sát – quá trình xét xử và luận tội – cuối cùng là thẩm định về án phạt mà những kẻ sát nhân này phải chịu. Tác giả đã thu thập đầy đủ dữ liệu về vụ án có thật này, sau đó dẫn dắt thành một mạch truyện khúc chiết, đầy thu hút. Với một giọng văn chắc như đinh, sáng tỏ và gọn gàng. Câu truyện không chỉ là cái nhìn một chiều của tác giả, bênh vực cho nạn nhân, tố cáo kẻ sát nhân. Nhưng, xa hơn, Máu lạnh là một bản cáo trạng khách quan, trung thực.

Vụ án được kể lại sau khi đã ngã mũ chân tướng và kẻ sát nhân đã được tuyên án. Truman Capote không tập trung vào việc kể lại diễn tiến vụ việc, chúng đã hành động dã man như thế nào. Khởi đầu câu truyện là khung cảnh tang tóc u buồn và cuộc chạy trốn bán mạng của những kẻ được xưng tên họ đầy đủ nhưng người đọc chưa biết thân thế là ai. Tuy nhiên, dù quan hệ của các nhân vật trong tiểu thuyết không được công khai ngay từ đầu, độc giả cũng có thể lờ mờ nhận ra ai là ai. Truman Capote không định viết một cuốn tiểu thuyết trinh thám, khơi gợi sự tò mò của những trí tuệ muốn biến mình thành thám tử.

Nội hàm của Máu lạnh là ba cuộc đấu tranh. Thứ nhất, cuộc đấu tranh của gia đình nạn nhân trong việc cố gắng tìm ra hung thủ. Sau một cuộc tàn sát đẫm máu, và trong hoàn cảnh đèn nhà ai người nấy rạng, thì đó là cuộc đấu tranh của riêng gia đình và các nhà điều tra, nếu họ có lương tâm. Thứ hai, là cuộc đấu tranh của những kẻ giết người. Chúng đã sợ hãi, cũng mông lung và bế tắc về cuộc đời mình. Chúng đấu tranh để tìm ra bản ngã của chính mình và những cố gắng le lói để hiểu thế nào là chân giá trị : đúng/ sai, thiện/ ác. Truman Capote lần lượt lột tả cho chúng ta cuộc đời của từng tên sát nhân một. Chúng cũng là con người như ai, có cha có mẹ, có tình cảm, có ước mơ, có những niềm vui dung dị bình thường. Chúng cũng có nỗi buồn và có niềm đau.

Tác giả không tập trung xoáy sâu vào việc vì sao chúng đã giết người. Trên thực tế, pháp luật phân định rất rõ việc có Ý ĐỊNH giết người là một trong những nhân tố cấu thành của hành vi phạm tội (chẳng hạn như dùng dao đâm vào ngực để giết chết nạn nhân) và ĐỘNG CƠ (hay dễ hiểu hơn là lí do vì sao đối tượng lại hành động như vậy chẳng hạn như vì ghen ăn tức ở mà đi giết hại người thành công hơn mình) không phải là nhân tố cấu thành hành vi phạm tội. Cuối cùng, cuộc đấu tranh của các nhà lập pháp liên quan tới việc xác định khung hình phạt. Cách riêng, với các nhà lập pháp Mỹ, có một câu hỏi quan trọng liên quan tới án tử hình và việc xử tử hình bằng ghế điện dưới góc nhìn nhân chủng học, xã hội học và qua những con số thống kê.

Tác phẩm lấy tựa là Máu lạnh, nhưng không quá ớn lạnh đối với tôi. Tôi thích Capote ở chỗ, cái tên của ông phản ánh đúng con người và lối viết, lối kể chuyện của ông : Truman hay true man – một con người chân thực. Sau những đoạn văn có mạch viết ồ ạt, gay cấn như trinh thám, tác giả chuyển sang những đoạn viết trầm, tĩnh lặng, có mạch văn chậm hơn. Với nhịp điệu khi nhanh khi chậm, khi thưa khi dày như vậy, khiến cho Máu lạnh trở thành một cuốn tiểu thuyết tội phạm đặc biệt.

Có ba phần nhỏ trong truyện mà bản thân tôi thấy sâu sắc nhất. Đó là, đoạn xã luận về khung hình phạt đối với tội phạm giết người với hai luồng ý kiến của bên theo và bên chống hình thức tử hình bằng ghế điện. Và thực tế của các quá trình thay đổi luật hình sự với sự tăng giảm số tội phạm. Tiếp đó, vụ án xuyên suốt của Máu lạnh không làm tôi bủn rủn tay chân, vì tác giả đã khéo léo, bình tĩnh dàn trải sự việc ra cho độc giả hiểu rõ các khía cạnh khác nhau của vấn đề. Duy với một bản tin vắn về một vụ giết người khác, chỉ thông tin về nội dung sự việc thôi, thì tôi không còn gì để nói.

Con người ta thật mong manh giữa xã hội đầy bất an này. Người thân cũng có thể trở thành một ác quỷ cuồng nộ chẳng rõ lí do. Thế mới thấy, khi bạn nhận ra cuộc sống gia đình của mình đang an lành, nó mới đáng quý biết bao ? Cuối cùng là ở đoạn kết của truyện. Cái kết trở nên cực kì đặc biệt đối với những ai làm nghề chính sách hoặc vạch định kế hoạch đường hướng cho xã hội hoặc bất kì một nhóm thành phần dân cư nào (có thể kể ở đây cả những người làm việc trong ngành tin tức, báo chí, truyền thông). Bởi vì, qua đó, ta mới thấy được, các định hướng, con đường vẽ ra, trong thực tiễn, nó đi xa tới tận đâu.

Tội phạm là một trong những bất ổn xã hội mà chúng ta cần đặc biệt quan tâm. Bởi vì, chỉ có trong tình huống đó, ta mới nhận ra xã hội không phải là một khái niệm gì to tát. Nó chính là cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Chúng ta, nếu không may mắn, cũng có thể lọt vào một mắt xích trong chuỗi bất ổn đó. Bởi vậy, đừng ai quá vô tâm, đừng ai thờ ơ đặt loại bất ổn xã hội này sang bên cạnh và dửng dưng hưởng riêng cho mình một cuộc đời không vướng bận.

Bạn hãy đọc Truman Capote đi, rồi bạn sẽ thấy, thờ ơ cũng là một hình thức của sự ngược đãi. Chỉ là ngược đãi thôi, chứ tôi không dám nói đó là tội ác.

Leave a Reply